Phẫu thuật cứu sống bệnh nhân bị mắc dị vật nguy hiểm

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bác sĩ khuyến cáo người dân cần cẩn thận khi ăn uống, đặc biệt với các loại thực phẩm chứa xương nhỏ, vỏ cứng hoặc các đồ vật dễ nuốt phải như tăm, kim loại.

Các bác sĩ ở Bệnh viện Trung ương Huế vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật gắp dị vật đường ăn lớn nguy hiểm, cứu sống bệnh nhân nam 26 tuổi.

Đây là trường hợp cấp cứu phức tạp, yêu cầu sự can thiệp nhanh chóng, chính xác, thành thạo của đội ngũ y tế.

Phẫu thuật cứu sống bệnh nhân bị mắc dị vật nguy hiểm - 1

Phẫu thuật gắp dị vật đường ăn lớn nguy hiểm, cứu sống bệnh nhân.

Trước khi nhập viện 6 ngày, bệnh nhân Lê T.V. (Quận Thuận Hoá, TP Huế) trong khi ăn cháo đã vô tình nuốt xương heo. Những ngày tiếp theo, bệnh nhân không thể ăn uống gì thêm.

Do điều kiện gia đình khó khăn, bệnh nhân V. đã không đến bệnh viện ngay sau mắc dị vật.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau dữ dội ở vùng cổ họng, không thể ăn uống được, khó thở nhẹ và sưng đau vùng cổ trái rất nhiều.

Qua thăm khám lâm sàng, chụp cắt lớp vi tính vùng cổ, nội soi mềm thực quản, các bác sĩ phát hiện dị vật là mẫu xương lớn, nằm ở thực quản đoạn ngực có khả năng gây thủng thực quản, tổn thương nghiêm trọng đến các cơ quan xung quanh.

Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển đến phòng mổ để tiến hành nội soi thực quản ống cứng lấy dị vật dưới gây mê.

Trong quá trình phẫu thuật kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ, đội ngũ nhân viên y tế của các chuyên khoa Ngoại Nhi Cấp cứu bụng, Tai Mũi Họng, Gây mê hồi sức phối hợp thực hiện, đã khéo léo lấy bỏ dị vật mà không làm tổn hại thêm đến thực quản.

Dị vật là mẫu xương heo, có mấu nhọn, kích thước 30 x 41mm, nằm ở thực quản đoạn ngực, cách cung răng trên 20cm.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân được đưa vào phòng hồi sức theo dõi. Hiện tại, tình trạng sức khỏe của V. đã ổn định, đang dần phục hồi, theo dõi sát các biến chứng sau phẫu thuật.

Đại diện kíp phẫu thuật chia sẻ, dị vật đường ăn là một trong những tình huống cấp cứu thường gặp, đặc biệt với những dị vật kích thước lớn, nhọn, để lâu ngày. Dị vật đường ăn, nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: thủng thực quản, áp xe thực quản, viêm trung thất, tổn thương mạch máu lớn vùng ngực, xuất huyết tiêu hóa, tắc nghẽn đường thở, hoặc viêm nhiễm lan rộng có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Phẫu thuật cứu sống bệnh nhân bị mắc dị vật nguy hiểm - 2

Ca phẫu thuật thành công khẳng định năng lực chuyên môn cao và sự tận tâm của đội ngũ y bác sĩ tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Qua trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo người dân cần cẩn thận khi ăn uống, đặc biệt với các loại thực phẩm chứa xương nhỏ, vỏ cứng hoặc các đồ vật dễ nuốt phải như tăm, kim loại.

Trong trường hợp cảm thấy bất thường sau khi ăn, cần đến ngay các cơ sở y tế để được kiểm tra và can thiệp sớm. Tránh tự ý dùng các biên pháp không an toàn như cố nuốt thức ăn cứng để đẩy dị vật xuống.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Hiệp

CLIP HOT