Những chuyến lang thang du lịch không đẹp đẽ như ảnh mạng
Nhiều cặp lãng mạn hóa chuyện sống du mục trên xe van, song không lên kế hoạch trước và cuối cùng bị mắc kẹt trong tình huống nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng tính mạng.
Phong cách sống van-life trở nên phổ biến trong những năm gần đây, được thúc đẩy bởi các bài đăng trên mạng xã hội, video hướng dẫn chuyển đổi từ xe van thành căn hộ di động và cả mong muốn thoát khỏi đám đông trong đại dịch.
Theo CNN, ngày càng nhiều người chuộng lối sống du mục tham gia chuyến đi dài ngày, thậm chí hàng tháng trời, bằng những chiếc xe van cắm trại.
Họ thường ghi lại những kỷ niệm nổi bật trong chuyến du lịch của mình trên mạng xã hội với hashtag #vanlife.
Tuy nhiên, đối với các cặp tình nhân, đặc biệt là những người chưa có kinh nghiệm, cuộc sống tự do tự tại này có thể đi kèm với nhiều vấn đề, chẳng hạn chung sống trong không gian chật chội và bị cô lập khỏi mạng lưới hỗ trợ.
Một số cặp cho biết họ phải cố gắng mỗi ngày để chiến đấu với sự tẻ nhạt và khó khăn hậu cần mà không phát điên, cãi cọ với đối phương.
Ngừng lãng mạn hóa van-life
Gần đây, cái chết của Gabby Petito (22 tuổi) đã thu hút sự chú ý của công chúng đến góc khuất của van-life (cuộc sống di động trên xe van).
Ngày 19/9, thi thể của cô gái trẻ được phát hiện ở một khu cắm trại tại bang Wyoming (Mỹ). Trước đó, nạn nhân tham gia chuyến phượt mùa hè xuyên nước Mỹ với hôn phu Brian Laundrie. Brian (23 tuổi), kẻ tình nghi của vụ việc, hiện đã biến mất.
Trên mạng xã hội thời gian qua, Gabby thường xuyên cập nhật những hình ảnh check-in cùng hôn phu tại nhiều khung cảnh đẹp trên đường đi.
Tuy nhiên, có vẻ như phía sau đó lại là sự thật trái ngược. Một số bằng chứng cho thấy cặp này đã xảy ra cãi vã căng thẳng vài ngày trước khi Gabby mất tích.
Gabby đã qua đời sau chuyến đi phượt trên xe van dài ngày với hôn phu Brian. Ảnh: Gabby Petito.
Nhà tâm lý học John Duffy ở thành phố Chicago (bang Illinois), người từng làm việc với các cặp sống chung trên xe van, cho biết nhiều đôi trẻ đã lãng mạn hóa van-life, song chủ quan không lên kế hoạch trước và cuối cùng bị mắc kẹt trong tình huống nguy hiểm.
“Một chuyến đi như vậy có thể mang lại cảm giác như cuộc phiêu lưu thú vị, hấp dẫn và giúp kéo hai bạn lại gần nhau hơn. Nhưng đồng thời, các bạn cũng sẽ có nhiều ngày kéo dài và gian khổ. Rồi tự nhiên, hai bạn trở nên căng thẳng với nhau”, ông nói.
“Và nếu trước chuyến đi, các bạn chưa dành nhiều thời gian gắn bó với nhau, bạn có thể cảm thấy không thoải mái nữa, thậm chí ở mức độ nguy hiểm hơn là khó chịu và xung đột cực độ”, nhà tâm lý học chia sẻ.
Chiếc xe van không có lỗi
CNN trò chuyện với một số cặp phượt xuyên nước Mỹ bằng xe van. Họ cho biết mình cũng đang theo dõi diễn biến trong vụ án Gabby.
“Gabby đã gặp phải điều không may mắn. Tuy nhiên, van-life không giết cô ấy, du lịch dài ngày không giết cô ấy, các công viên quốc gia không giết cô ấy. Một người nào đó mới là thủ phạm”, Sierra Peters-Buckland (28 tuổi), người dành nhiều tháng sống di động trên xe van với bạn gái Annette Hayward, nói.
Đối với Sierra, cô bị cuốn hút bởi cuộc sống trên xe van từ năm 2020. Cô nghỉ việc tại một cửa hàng bán đồ thể thao ở Oceanside (bang California), đóng gói hành lý và lên kế hoạch cho một chuyến đi xuyên nước Mỹ.
Tháng 4/2020, cô cùng bạn gái Annette mua một chiếc xe van màu trắng và đặt tên là Chance. Họ sửa sang, trang trí và cất giấu bình xịt đuổi gấu ở nhiều vị trí khác nhau nhằm bảo vệ bản thân khỏi những kẻ xâm nhập.
Sierra và bạn gái học cách giải quyết mâu thuẫn nhanh chóng mỗi khi cãi nhau trong chuyến đi. Ảnh: Sierra Peters-Buckland.
Trong chuyến đi gần nhất, Sierra và Annette đã lái xe suốt hơn 38.600 km, đến thăm 42 tiểu bang và 50 công viên quốc gia. Họ bắt gặp trâu, gấu, nai sừng tấm và cừu sừng lớn.
Sierra thừa nhận chuyến đi dài ngày với vô số công việc thường nhật gây tốn kém, song cũng dạy cho họ nhiều bài học quý giá về cách xử lý xung đột.
“Du lịch, nhất là du lịch với khoản chi phí cố định, có thể gây mệt mỏi và căng thẳng khi bạn sẽ đưa ra quyết định mỗi ngày… Đặc biệt trong thời điểm khó khăn, bạn nên sẵn sàng cho tình huống bất ngờ và chuẩn bị trước nếu bạn cãi vã nảy lửa với người yêu”, Sierra chia sẻ.
Đương nhiên, với những cặp có mối quan hệ tình cảm mang tính bạo lực ngay từ đầu, họ không nên đổ lỗi cho van-life về bất đồng của mình. Nhưng ngay cả như vậy, cãi vã quá nhiều trong chuyến đi là một dấu hiệu chẳng lành.
“Nếu các cuộc cãi vã trở nên thường xuyên, ngày càng gay gắt hoặc gây ra tổn thương sâu sắc, tốt nhất bạn không nên du lịch với đối phương trong một không gian chật hẹp. Và thậm chí, bạn không nên ở trong mối quan hệ đó nữa. Chúng ta cần ngừng bình thường hóa các hành vi độc hại để nhiều người không chung kết cục như Gabby”, Sierra khẳng định.
Học cách cân bằng cuộc sống
Những du mục sống trên xe van cho biết họ được gặp gỡ nhiều người cùng chí hướng và kết bạn trên khắp mọi miền đất nước. Tuy nhiên, họ có thể rơi vào tình trạng cô đơn khi rời xa các vòng kết nối.
Navod Ahmir đã lái chiếc xe van màu đen của mình như một sở thích bán thời gian suốt một năm qua. Anh đã đi khắp khu vực bờ Đông Mỹ và nhập hội một nhóm du mục da đen ở Georgia. Người yêu của anh cũng thường xuyên đi cùng các chuyến du lịch này.
Navod có ý định sống hẳn trên xe van. Ảnh: Navod Ahmad.
“Theo tôi, tầm quan trọng của việc chịu đựng cuộc sống một mình trên đường dài có thể ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần của bạn như thế nào vẫn chưa được thảo luận đầy đủ. Bạn vừa phải học cách giao tiếp người lạ nhiều hơn, vừa biết sống hạn chế gắn bó, kết nối với mọi người, mọi thứ”, Navod (28 tuổi), đến từ bang North Carolina, nói.
Anh cho biết các cặp buộc phải tìm cách hòa giải bởi họ chẳng có nơi nào để chạy trốn sau cuộc cãi vã. Chẳng hạn, Navod và bạn gái cho nhau khoảng không gian riêng khi cần thiết.
Ngoài ra, các cặp sống trên xe van phải rèn luyện tính kiên nhẫn và tìm ra những gì phù hợp nhất với lối sống mới này của họ.
Navod làm việc từ xa trong lĩnh vực tài chính và đang có kế hoạch chuyển hẳn sang sống trên xe van cố định vào cuối cuối năm nay. Tuy nhiên, vụ việc đáng tiếc của Gabby khiến anh và bạn gái suy nghĩ lại. Họ tập trung vào những ưu tiên nhằm duy trì mối quan hệ tình cảm lành mạnh khi cùng nhau sống trên xe van.
Cần thống nhất kế hoạch rõ ràng
Katherine Kulpa (31 tuổi), cư dân thành phố Chicago, cùng bạn trai thuê xe van đi du lịch nhiều nơi. Cô nói rằng các cặp muốn tận hưởng cuộc sống van-life nên lập kế hoạch chi tiết để có thể đương đầu với nó.
“Thực chất, van-life yêu cầu giao tiếp và tinh thần đồng đội cao. Bạn phải đưa ra quyết định chung về kế hoạch du lịch, thường là ngay trong lúc đang di chuyển. Đi du lịch với người yêu rất vui, song cùng nhau chia sẻ không gian nhỏ hẹp có thể trở thành một thách thức nếu bạn không sống gọn gàng, sạch sẽ”, Katherine chia sẻ.
Katherine khẳng định các cặp cần một kế hoạch cụ thể trước khi lên đường đi du lịch bằng xe van. Ảnh: Katherine Kulpa.
Trong những chuyến đi gần đây nhất của Katherine và bạn trai, an ninh cũng là một vấn đề đáng lo ngại.
Họ thường đi cùng hai cún cưng, Kasper và Daisy, và ở lại tại các khu cắm trại vào ban đêm. Họ cũng chia sẻ trước hành trình di chuyển với gia đình và bạn bè.
“Mạng xã hội khiến hầu hết chuyến đi trông hào nhoáng hơn những gì thực tế. Chắc chắn có đủ kiểu vấn đề xảy ra trong chuyến đi. Nếu bạn không có phòng tắm riêng trong xe, đó có thể là thách thức vì bạn phải tìm khu cắm trại hoặc nhà vệ sinh công cộng. Ngoài ra, xe van dễ dàng bừa bộn lắm nên bạn phải thật gọn gàng”, cô nói.
Cho nhau không gian riêng
Lên đường trong nhiều tuần hoặc tháng đòi hỏi mọi người phải có kế hoạch tài chính và hậu cần lớn. Đối với các cặp, kế hoạch nên bao gồm trò chuyện với nhà trị liệu tâm lý hoặc chuyên gia khai vấn (life coach), theo nhà tâm lý học John Duffy.
Các cặp cũng nên suy nghĩ về cách họ sẽ đột ngột thay đổi kế hoạch thế nào hoặc khi gặp tình huống khẩn cấp. Một kế hoạch chỉn chu có thể giúp giải quyết nhiều vấn đề và quản lý xung đột.
Cái chết của Gabby là hồi chuông cảnh tỉnh đối với những người muốn dấn thân vào van-life mà chưa có kế hoạch cụ thể. Ảnh: Gabby Petito.
Những đôi bạn trẻ thường có ít kinh nghiệm sống chung hay giải quyết các vấn đề cùng nhau. Nếu cùng ở trong không gian nhỏ suốt thời gian dài, có khả năng cao họ sẽ xảy ra xung đột, theo ông John.
Mặc dù mục đích chủ yếu của những chuyến đi xa trên xe van này là tạo nhiều kỷ niệm đẹp, các cặp cũng nên có kế hoạch dành thời gian xa nhau để cho đối phương không gian riêng.
“Một số người có thể giữ im lặng dù ngồi cùng xe cạnh nhau. Một số khác cần phải tấp vào thị trấn hoặc ven đường và cho nhau khoảng không riêng. Nếu đôi bên không vạch ra một phương pháp quản lý xung đột trước khi lên đường, chiếc xe van có thể nhanh chóng trở thành một môi trường độc hại và không lành mạnh”, nhà tâm lý học cho biết.
Tự do nhưng không phải lúc nào cũng mộng mơ như những bức ảnh trên mạng xã hội, cuộc sống trên xe van ẩn chứa nguy hiểm...