Hiểu về vi khuẩn Salmonella khiến hơn 800 học sinh ngộ độc

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tối ngày 21/11 vừa qua, Sở Y tế Khánh Hòa đã ra thông báo về nguyên nhân ban đầu gây ra ngộ độc thực phẩm cho hơn 800 học sinh trường iSchool là do thức ăn nhiễm khuẩn Salmonella.

Dựa trên kết quả phân lập từ nuôi cấy mẫu bệnh phẩm của các bệnh viện, các bác sĩ đã tìm thấy vi khuẩn Salmonella. Đây là loại khuẩn có sức sống và sức đề kháng tốt, nhạy cảm với phần lớn kháng sinh, trong đó ghi nhận một trường hợp kháng với các kháng sinh là Gentamicin, Amikacin, Tobramicin. Vi khuẩn Salmonella chịu được lạnh, ở nước đá sống 2-3 tháng, nước thường trên 1 tháng, trong rau quả 5-10 ngày.

Hiểu về vi khuẩn Salmonella khiến hơn 800 học sinh ngộ độc - 1

Vi khuẩn Salmonella là nguyên nhân gây ngộ độc tại trường iSchool. Ảnh: Sức khỏe & Đời sống.

Vi khuẩn hàng đầu gây ra bệnh tiêu chảy

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), Salmonella thường gây bệnh tiêu chảy nhiều nhất, ngoài ra có các loại Salmonella khác – Salmonella Typhi và Salmonella Paratyphi – gây sốt thương hàn và phó thương hàn.

CDC ước tính vi khuẩn Salmonella gây ra khoảng 1,35 triệu ca nhiễm trùng, 26.500 ca nhập viện và 420 ca tử vong ở Hoa Kỳ mỗi năm và thực phẩm là nguồn gốc của hầu hết các bệnh này.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hồi tháng 4 năm nay, một số nước châu Âu đã cảnh báo và thu hồi kẹo trứng sô-cô-la Kinder do nghi ngờ nhiễm vi khuẩn Salmonella.

Hiểu về vi khuẩn Salmonella khiến hơn 800 học sinh ngộ độc - 2

Vi khuẩn Salmonella gây bệnh tiêu chảy ở người, kể cả sốt thương hàn và phó thương hàn. Ảnh: Freepik. 

Vi khuẩn Salmonella đi vào hệ tiêu hóa của cơ thể, qua axit dạ dày giải phóng nội độc tố tấn công vào cơ thể người nhiễm. Nội độc tố của vi khuẩn Salmonella gây ra ảnh hưởng rất xấu tại ruột, làm tổn thương niêm mạc ruột. Khi người bệnh nhiễm khuẩn Salmonella sẽ xuất hiện các triệu chứng như tiêu chảy (có thể ra máu), sốt và co thắt dạ dày.

Các triệu chứng thường bắt đầu từ 6 giờ đến 6 ngày sau khi nhiễm bệnh. Tuy vậy, không phải bất cứ ai sau khi nhiễm khuẩn Salmonella đều sẽ có triệu chứng bệnh. Trẻ em dưới 5 tuổi có nhiều khả năng mắc bệnh này nhất và khoảng 1/3 số trường hợp xảy ra ở trẻ em từ 4 tuổi trở xuống.

Hiểu về vi khuẩn Salmonella khiến hơn 800 học sinh ngộ độc - 3

Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị nhiễm các bệnh liên quan đến vi khuẩn Salmonella nhất. Ảnh: Freepik.

Trong số các triệu chứng của bệnh, nghiêm trọng nhất là mất nước và các muối, khoáng chất cần thiết. Trẻ sơ sinh, người lớn tuổi và những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch hoặc bệnh mạn tính có thể bị mất nước nghiêm trọng dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Doãn Uyên Vy - chuyên gia chống độc, phụ trách Phòng khám Chống độc Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết: "Nếu bệnh nhân không nhập viện bù điện giải kịp thời sẽ dễ co giật, biến chứng. Một số trường hợp có thể nhiễm trùng máu, suy đa cơ quan, nguy hiểm tính mạng".

Khuẩn Salmonella thường được điều trị bằng kháng sinh, theo dõi trong 7 ngày vì triệu chứng đôi khi kéo dài. Trường hợp bị biến chứng thường điều trị lâu dài, tốn kém.

Những loại thực phẩm có nguy cơ cao nhiễm khuẩn Salmonella

Thịt gà, thịt bò, thịt lợn, trứng, trái cây, rau và thậm chí cả thực phẩm chế biến sẵn đều có khả năng nhiễm vi khuẩn Salmonella. Vi khuẩn có thể lây lan qua dao, bề mặt cắt hoặc dụng cụ xử lý thực phẩm bị nhiễm.

Hiểu về vi khuẩn Salmonella khiến hơn 800 học sinh ngộ độc - 4

Các loại rau tươi và thịt sống đều có nguy cơ nhiễm khuẩn Salmonella.

Tuy nhiên, thực phẩm cũng không phải là con đường duy nhất mà Salmonella lây sang người. Vi khuẩn còn có thể lây lan qua nước bị ô nhiễm, môi trường, người khác và động vật. Những vật nuôi mà bạn có thể tiếp xúc tại vườn thú, trang trại, hội chợ, trường học và nhà trẻ cũng có thể khiến vi khuẩn Salmonella và các vi trùng có hại khác xâm nhập vào cơ thể.

Làm thế nào để phòng tránh nhiễm khuẩn Salmonella?

Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, để phòng tránh nhiễm khuẩn, người dân nên ăn chín uống sôi. Đặc biệt, nên nấu chín kỹ trứng, rửa sạch vỏ trứng trước khi chế biến. Rau ăn sống phải rửa sạch dưới vòi nước giúp trôi vi khuẩn, nên ngâm rau bằng thuốc tím. 

Đồng thời, luôn thường xuyên rửa sạch tay với xà phòng, nhất là trước khi ăn, chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh. Với các vật dụng làm bếp và các bề mặt không gian nhà bếp nên dùng nước nóng, xà phòng để làm sạch.

Hiểu về vi khuẩn Salmonella khiến hơn 800 học sinh ngộ độc - 5

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn để phòng tránh vi khuẩn có hại xâm nhập cơ thể. Ảnh: Freepik.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Bảo (Tổng hợp)

CLIP HOT