Hội chứng buồn bã hậu du lịch: Làm thế nào để vượt qua?
Đừng để nỗi buồn không tên sau những chuyến đi dài làm ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống và công việc của bạn khi mùa hè kết thúc.
Buồn bã hậu du lịch là trạng thái bản thân rơi vào cảm xúc chán chường, thỉnh thoảng hay tiếc nuối về những khoảnh khắc đẹp đã có trong chuyến du lịch vừa trải qua. Trên thế giới, nó được gọi là Post-vacation blue hoặc Post-holiday blue, đôi khi là Post-travel depression (tạm dịch: chứng trầm cảm hậu du lịch).
Sau chuyến nghỉ mát nhiều ngày, du khách dễ rơi vào hội chứng buồn bã hậu du lịch.
Nguyên do mắc phải hội chứng này đã được nhiều chuyên gia tâm lý học nghiên cứu và kết luận rằng, sau khi trở về nhà, nhiều người nhận ra nếp sinh hoạt hằng ngày của họ thường khá nhàm chán, không hấp dẫn bằng những trải nghiệm mà họ đã có được khi đi nghỉ mát nên sinh ra tâm lý buồn chán. Hội chứng này có thể gây ra những vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe như mệt mỏi, chán ăn, thường xuyên cảm thấy nhớ nhung mãnh liệt... Về lâu dài, nếu không sớm cân bằng cảm xúc thì sẽ dễ rơi vào trầm cảm.
Cũng dựa trên các nghiên cứu cho thấy, những chuyến du lịch có thời gian kéo dài trên 3 ngày thường khiến du khách dễ mắc hội chứng này hơn là những kỳ nghỉ ngắn ngày.
Vì vậy, nếu bạn đang có những dấu hiệu của hội chứng buồn bã hậu du lịch thì hãy thử những phương pháp sau đây để giải tỏa cơn trầm uất đang khiến cuộc sống của bạn mất thăng bằng nhé!
Hãy khoan quay lại làm việc hay học tập
Sau một chuyến du lịch đầy thú vị, nhiều người thường cảm thấy chán ngấy việc phải quay trở lại guồng quay cuộc sống đời thường. Áp lực công việc hay chuyện học tập căng thẳng vào sáng ngày hôm sau luôn là cơn ác mộng với nhiều du khách, cả người lớn lẫn trẻ con. Khi dư âm về chuyến đi vẫn còn quẩn quanh trong đầu, tâm trí bạn sẽ thường tơ tưởng về những trải nghiệm đã có, những món ăn ngon đã thưởng thức... khiến sức tập trung bị suy giảm đáng kể.
Quay trở lại công việc vào sáng ngày hôm sau là nỗi sợ hãi của đa số du khách.
Vì vậy, các chuyên gia khuyên rằng, bạn nên dành ít nhất một đến hai ngày nghỉ ngơi sau mỗi lần đi du lịch trở về. Cách hay nhất để không phải mất thêm ngày nghỉ phép chính là sắp xếp kết thúc chuyến đi vào ngày thứ Sáu hoặc thứ Bảy.
Ra ngoài gặp gỡ bạn bè
Một trong những cách cực kỳ hiệu quả để chống lại bất cứ chứng trầm cảm nào chính là kết nối với xã hội. Khi đang cảm thấy buồn chán, tốt nhất bạn nên lên lịch gặp gỡ bạn bè. Khi ấy, bạn sẽ có cơ hội chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ trong chuyến hành trình vừa qua, đồng thời, còn là dịp để bạn lắng nghe những câu chuyện đã xảy đến với bạn bè mình khi bạn không có mặt ở đây. Điều này sẽ giúp bạn giảm bớt sự chú ý vào mong muốn tiếp tục được đi du lịch.
Gặp gỡ với bạn bè sẽ giúp bạn vơi đi tâm tư sau chuyến đi dài.
Giải khuây với mạng xã hội
Trong thời đại số hóa, bạn cũng có thể sử dụng mạng xã hội để tương tác với bạn bè và trải lòng mình bằng những tấm ảnh đẹp hay đôi dòng chia sẻ về trải nghiệm của bản thân sau chuyến đi. Việc tương tác mạng xã hội sẽ giúp tinh thần bạn phấn chấn hơn.
Tương tác với bạn bè trên mạng xã hội cũng là một ý hay.
Đừng rời đi khi nhà cửa chưa gọn gàng
Ngay trước ngày khởi hành, bạn nên dành thời gian để dọn dẹp ngăn nắp nhà cửa. Hãy thử tưởng tượng, sau chuyến đi dài ngày, với tâm trạng đầy ngổn ngang và thể lực tuột dốc, bạn được tổ ấm yêu thương chào đón trở về trong không gian bề bộn và nhếch nhác sẽ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi đến dường nào. Khi ấy, chứng buồn bã hậu du lịch sẽ càng đeo bám bạn dai dẳng hơn.
Chỉ lên đường khi nhà cửa đã được sắp xếp ngăn nắp bạn nhé!
Vạch kế hoạch cho chuyến đi tiếp theo
Một cách hữu hiệu để khiến bạn nhanh chóng quay trở lại với hiện tại đang có chính là lập kế hoạch cho chuyến nghỉ mát tiếp theo. Hãy bắt đầu bằng việc ngồi xuống tại nơi cho bạn cảm giác thoải mái nhất trong nhà và đặt ra những mục tiêu để biến chuyến đi kế tiếp thành hiện thực. Khi ấy, bạn sẽ tập trung hoàn thành các mục tiêu đề ra và qua đó sẽ vơi đi cảm giác lưu luyến quá khứ.
Hãy vạch ra cho mình chuyến đi tiếp theo và cố gắng biến kế hoạch đó thành sự thật.
Chăm sóc bản thân
Khi đi du lịch, phần lớn chúng ta có khuynh hướng buông thả bản thân, sống ít kỷ luật hơn để chuyên tâm trải nghiệm những thú vui tại nơi mình dừng chân. Chính vì vậy, hãy chăm sóc sức khỏe bản thân sau những ngày rong chơi mệt nhoài bằng những bữa ăn giàu dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, chăm đến phòng tập gym hay đi spa thư giãn cơ bắp. Một khi sức khỏe thể chất được sung mãn, bạn sẽ cảm thấy tinh thần phấn chấn và giàu năng lượng hơn.
Khi sức khỏe thể chất được tăng cường, bạn sẽ thấy tinh thần phấn chấn hơn hẳn.
Nếu trong chuyến đi mà bạn vẫn có thể duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh vốn có thì sau khi trở về nhà, có lẽ, hội chứng buồn bã hậu du lịch sẽ khó có thể "đánh gục" được bạn.
Lời kết
Ba tháng hè trôi qua nhanh như một cái chớp mắt. Dù khoảng thời gian này đã mang đến cho bạn và gia đình nhiều kỷ niệm đẹp nhưng cuộc vui nào rồi cũng phải đến lúc tàn. Hãy cứ để trái tim mình cởi mở đón chào những điều mới đang và sẽ đến với bản thân, và biết đâu khi ấy, một cuộc vui khác sẽ lại tới theo cách đầy bất ngờ.