Để không bị chặt chém khi đi du lịch Vũng Tàu

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Việc thanh tra, kiểm soát tình hình chặt chém, hét giá ở Vũng Tàu được thực hiện nghiêm ngặt dịp lễ. Tuy nhiên, du khách cũng cần lưu ý một số vấn đề để chuyến đi trọn vẹn hơn.

Để không bị chặt chém khi đi du lịch Vũng Tàu - 1

Ảnh: Quỳnh Danh.

Với lợi thế gần TP.HCM và phát triển theo hướng tích cực với nhiều điểm tham quan, vui chơi, giải trí hấp dẫn, Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) luôn là điểm đến thu hút du khách đến nghỉ dưỡng ngày cuối tuần hay thời điểm lễ, Tết.

Bãi biển đông đúc, quán ăn chật kín... là hình ảnh quen thuộc ở phố biển. Lượng khách trong kỳ nghỉ lễ 30/4 sắp tới dự đoán tăng mạnh..

Để tránh tình trạng chặt chém, hét giá trong mùa cao điểm, các cơ quan chức năng luôn thực hiện thanh tra, giám sát, thông tin số điện thoại đường dây nóng để người có nhu cầu liên hệ, phản ánh dịch vụ qua số 0254.3611.988 (Trung tâm Quản lý và hỗ trợ khách du lịch Vũng Tàu). Tuy nhiên, do tình trạng đông đúc, du khách vẫn nên cẩn thận, cảnh giác khi đặt phòng khách sạn, mua đồ ăn, thức uống để không làm ảnh hưởng đến trải nghiệm.

Đặt phòng khách sạn

Dịch vụ lưu trú tại Vũng Tàu khá phát triển. Không mất quá nhiều thời gian, du khách dễ dàng đặt phòng trên các trang trung gian, hội nhóm mạng xã hội với mức giá đa dạng, phù hợp túi tiền.

Tuy nhiên, không ít trường hợp đăng "phốt" điểm lưu trú khác xa tưởng tượng hay không gian nghỉ dưỡng thiếu tiện nghi, mức giá chênh lệch với chất lượng khiến nhiều du khách có phần lo lắng trước chuyến đi.

Để hạn chế tình trạng này, bạn có thể tham khảo một số lưu ý sau:

Để không bị chặt chém khi đi du lịch Vũng Tàu - 2

Ảnh: Accor Hotels.

Cẩn thận với phòng "ảo": Hình thức đặt phòng qua các trang trung gian và mạng xã hội khá phát triển. Trên các nền tảng đặt phòng, du khách chủ động nhập địa điểm, giá tiền, loại hình lưu trú và dễ dàng thanh toán trước. Trên các hội nhóm, bài quảng cáo, các chia sẻ thông tin phòng ốc với mức giá đa dạng cũng ngày càng phát triển.

Tuy nhiên, bạn nên liên hệ trực tiếp với điểm lưu trú thông qua số điện thoại, fanpage chính thức và yêu cầu cung cấp hình ảnh thực tế phòng để tránh "vỡ mộng" khi check-in.

Tham khảo nhận xét, đánh giá của cộng đồng: Với cùng mức giá đưa ra, mỗi khu lưu trú có ưu, nhược điểm riêng. Một số bất tiện có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm của bạn như xa trung tâm, điểm ăn uống, vui chơi hay phòng nhỏ, cách âm kém, nhà vệ sinh phải dùng chung, Wi-Fi yếu...

Cẩn thận với "cò" phòng khách sạn: Vài năm trước, khi đang vi vu Vũng Tàu cùng một số bạn bè, tôi gặp một số người dân địa phương bám theo sau và nhiệt tình chỉ chỗ ở giá rẻ. Với du khách từng ghé Vũng Tàu, hình ảnh này có lẽ không còn xa lạ, đặc biệt trong mùa lễ, khó kiếm địa chỉ lưu trú vừa ý.

Du khách cũng nên cẩn trọng với hình thức mời chào này. Bạn có thể bị ép trả thêm khoản phí môi giới cho họ.

Báo chính quyền khi bị hét giá: Theo tìm hiểu của phóng viên, giá phòng ngày thường của nhiều khách sạn trên địa bàn thành phố biển dao động 500.000-1 triệu đồng/phòng thì dịp cuối tuần hay lễ, Tết tăng lên 1-2 triệu đồng/phòng là chuyện bình thường và hợp pháp nếu đã đăng ký mức giá này với cơ quan quản lý.

"Mức giá cần niêm yết cụ thể tại quầy lễ tân, nơi du khách dễ dàng quan sát", ông Bùi Văn Một, Chánh văn phòng Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chia sẻ với Zing. Nếu giá phòng bị đẩy lên cao, không như niêm yết, bạn có thể báo với cơ quan quản lý.

Lựa chọn địa chỉ ăn uống

Khi được hỏi về tình trạng chặt chém tại quán ăn, nhà hàng mùa lễ, Tết, ông Trần Bá Việt, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thành phố Vũng Tàu, khẳng định: "Thành phố Vũng Tàu đã bố trí đoàn kiểm tra liên ngành giám sát, xử lý rất quyết liệt để chấm dứt vấn đề chặt chém, gian lận thương mại. Những năm gần đây, hầu như không còn tình trạng này xảy ra trên địa bàn".

Đại diện phòng Văn hóa Thông tin thành phố Vũng Tàu khuyến nghị du khách nên xác định thời gian đi du lịch, tính trước các phương án ăn uống, điểm vui chơi khi đến Vũng Tàu. "Ngày nay, các địa điểm lưu trú hay ăn uống đều được đưa lên Internet, khách có thể dễ dàng lựa chọn các địa chỉ yêu thích. Tuy nhiên, bạn cần cẩn trọng, tìm hiểu kỹ về dịch vụ, giá cả để có trải nghiệm tốt nhất".

Tham khảo đánh giá thực khách: Tương tự lưu ý khi đặt phòng, tham khảo đánh giá của thực khách đã dùng bữa tại các địa chỉ ăn uống giúp du khách tránh những rủi ro không đáng có. Với quán ăn, nhà hàng có điểm đánh giá thấp, nhiều nhận xét tiêu cực về chất lượng món, giá tiền, thái độ phục vụ, bạn nên cân nhắc khi lựa chọn.

Bên cạnh các điểm ăn uống nổi tiếng, du khách cũng nên thử tìm quán ăn địa phương để tránh tình trạng đông đúc, chờ đợi lâu... Nhiều thông tin hàng quán, giá cả cũng được cập nhật khá chi tiết và chính xác trên fanpage, hội nhóm về du lịch Vũng Tàu.

Để không bị chặt chém khi đi du lịch Vũng Tàu - 3

Để không bị chặt chém khi đi du lịch Vũng Tàu - 4

Ảnh: Mitsfoody, thu_hien0109.

Chuẩn bị sẵn địa chỉ nơi cần đến: Theo nhiều du khách, hiện tượng tài xế taxi, xích lô trong khu vực chèo kéo khách đến quán ăn "dởm" vẫn tồn tại ở Vũng Tàu.

Nhiều người khuyên du khách đừng vội tin lời tài xế taxi giới thiệu những quán ăn ngon, rẻ, khách sạn tiện nghi. Bạn nên tìm hiểu qua đánh giá của người đã từng trải nghiệm dịch vụ. Các lái xe thường nhận tiền hoa hồng từ bữa ăn của khách.

Ngoài ra, việc lưu sẵn tên, địa chỉ quán ăn nổi tiếng, uy tín, biển hiệu rõ ràng, có thực đơn và niêm yết giá cả cũng giúp bạn dễ dàng tìm quán hơn. Du khách có thể tham khảo lẩu cá đuối Hoàng Minh, lẩu cá đuối Ngon 15, bánh canh Anh Vy, yogurt Cô Tiên...

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Song Nguyên (Zing News)

CLIP HOT