Chú ý an toàn khi chinh phục núi Cô Tiên, Khánh Hoà
Mùa hè thường đi cùng với rất nhiều những hoạt động trải nghiệm du lịch hấp dẫn, trong đó nhiều người chọn hình thức trekking để nâng cao sức khoẻ và tận hưởng thiên nhiên. Để có những trải nghiệm tuyệt vời với bộ môn này đòi hỏi người tham gia cần trang bị cho mình thêm nhiều kiến thức để đảm bảo an toàn cho bản thân.
Điểm đến hấp dẫn du khách
Là một địa điểm thu hút khách du lịch trong những năm gần đây, Núi đôi Cô Tiên, Nha Trang, Khánh Hòa có độ cao chừng 400m, với 3 đỉnh nằm liền kề nhau, sở dĩ để có cái tên như vậy là vì ngọn núi nhìn tựa như bóng dáng người phụ nữ xõa tóc và ngẩng khuôn mặt lên trời.
Cái thú vị ở đây chính là nếu tính từ phía biển, đỉnh núi thứ nhất chính là phần đầu của Cô Tiên, đỉnh thứ 2 là phần ngực và đỉnh cuối cùng là đôi chân thon dài trong tư thế vắt chéo. Kèm theo đó là những truyền thuyết hết sức li kỳ cũng thu hút một lượng lớn du khách nước ngoài khi đến với Nha Trang.
Núi Cô Tiên cách trung tâm thành phố Nha Trang 10km, nhiều du khách yêu trekking thường xuyên đến đây để tận hưởng thiên nhiên và ngắm toàn cảnh thành phố Nguồn: Sưu tầm
Núi Cô Tiên có địa hình không quá dốc, khá thuận tiện trong việc trekking ngắm toàn cảnh thành phố nên thu hút rất nhiều người dân và các bạn trẻ đến cắm trại… Chị Bích Hà thường trekking núi Cô Tiên cho biết, cứ mỗi sáng cuối tuần, chị thường dành thời gian để leo núi rèn luyện sức khoẻ sẵn tiện ngắm cảnh thành phố cũng rất thư giãn. Vì khá quen với địa hình ở đây nên chị thường sẽ chạy bộ lên núi, lúc nào khoẻ thì chị chạy được lên tới đỉnh núi thứ 3 còn không thì chỉ đứng lại ở đỉnh núi đầu tiên tập thể dục nhẹ nhàng.
An toàn khi trekking núi Cô Tiên
Vì có địa hình khá dễ để di chuyển nên trend cắm trại ở núi Cô Tiên dần được các bạn trẻ yêu thích. Hầu như ngày nào cũng có nhiều nhóm bạn trẻ đến để cắm trại, dã ngoại tại đây. Đối với những người khá quen với địa hình núi Cô Tiên sẽ di chuyển rất dễ dàng. Tuy nhiên, đối với những người mới lần đầu leo núi thì nên trang bị cho mình nhiều kỹ năng cũng như chuẩn bị đầy đủ những vật dụng cần thiết. Đầu tiên, phải đảm bảo an toàn cho sức khoẻ của bản thân, bổ sung đủ nước, dinh dưỡng cho cơ thể, có thể mang theo thuốc để sử dụng lúc cần.
Nhiều bạn trẻ lựa chọn núi Cô Tiên để tổ chức cắm trại qua đêm để ngắm trọn vẹn thành phố lúc lên đèn, dần dần điều này trở thành một trào lưu thu hút du khách khắp mọi nơi Nguồn: Sưu tầm
Bạn Chung Phùng, trưởng nhóm trekking Sắc Màu thường hay cắm trại ở núi Cô Tiên chia sẻ, hầu như tuần nào mình cũng cùng các bạn đến đây để cắm trại, vì là người có kinh nghiệm nhất nên mình thường sẽ là người hướng dẫn các bạn còn lại trong team. Mình thường sẽ lên danh sách những vật dụng cần thiết cho mọi người chuẩn bị trước, các bạn cũng phải chuẩn bị một sức khoẻ thật tốt, ai mệt trong người là mình thường sẽ khuyên ở nhà nghỉ ngơi, dưỡng sức. Vì việc leo núi tốn hàng giờ đồng hồ và rất dễ mất năng lượng, nhóm mình từng có bạn đi nửa đường và bị kiệt sức, cũng may chỉ cần ngồi nghỉ ngơi một chút thì sức khoẻ bạn ổn định trở lại.
Việc đốt lửa trại cũng nên được chú ý cẩn thận khi núi Cô Tiên có rất nhiều cỏ khô bắt lửa, đã từng có rất nhiều vụ cháy rừng xảy ra bởi sự vô tư của người dân. Nhất là đối với mùa hanh khô, khả năng cháy rừng rất cao. Núi Cô Tiên cũng là một trong những địa điểm từng xảy ra cháy rừng, rất may chưa có thiệt hại nghiêm trọng về người. Đã có rất nhiều khuyến cáo dành cho du khách khi cắm trại ở núi Cô Tiên trong các hội, nhóm như giữ gìn vệ sinh chung, thu dọn rác mang xuống núi, tránh những vật dễ bắt lửa, dập lửa cẩn thận sau khi nấu nướng…
Việc bảo vệ cảnh quan núi Cô Tiên cũng đang được các cấp lãnh đạo quan tâm. Theo lãnh đạo địa phương, leo núi, cắm trại trên núi Cô Tiên là hoạt động sinh hoạt, thể dục, dã ngoại bình thường của người dân và du khách; nhiều nhóm còn tổ chức các hoạt động thiết thực như: Nhặt rác, trồng cây trên núi... Do đó, địa phương không hạn chế hoạt động này. Tuy nhiên, để an toàn hơn cho mọi người khi tham gia các hoạt động tại đây, phường sẽ xin ý kiến của UBND thành phố và tiến hành gắn các biển thông báo với nội dung giữ an toàn khi leo núi, cảnh báo người dân không đốt lửa trên núi nhằm hạn chế rủi ro hỏa hoạn, không xả rác bừa bãi...