Bài 2 - Công ty Ánh Dương có “độc quyền” không?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Để tiếp tục rộng đường dư luận về vụ việc “độc quyền” của Công ty Ánh Dương, tiếp theo số báo 28 ngày 17/7/2014, Báo Du lịch tiếp tục thông tin về vụ kiện của Công ty ABTourt với Công ty Ánh Dương, trong chi tiết: Công ty Ánh Dương đã ký hợp đồng ép hàng loạt khách sạn ở một số địa phương, đặc biệt là tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa) độc quyền thuê khách sạn nên một số khách sạn dù còn phòng trống cũng không được bán cho khách… Sự thật thông tin này đúng sai như thế nào đã được PV tìm hiểu cả hai bên “mua” và “bán”. Họ đã nói gì?

Không có sự ép buộc nào cả

Chủ tịch HĐQT Công ty Ánh Dương, bà Hoàng Thị Phong Thu cho rằng, Công ty ABTours kiện chúng tôi là hoàn toàn không có cơ sở. Theo lý giải của bà Thu thì đây là loại hợp đồng chỉ “đặt trước” một số lượng phòng nhất định, chứ không phải là đặt hết 100% số phòng mà khách sạn có. Pegas đã đầu tư công nghệ online giúp Ánh Dương và các khách sạn dịch vụ đặt phòng nhanh chóng và tiện lợi. Mỗi khi Ánh Dương có khách đều thông báo trước cho bên bán (khách sạn) biết, để chủ động bố trí phù hợp số phòng và lượng khách theo đúng hợp đồng đã thỏa thuận. Trường hợp khách sạn vẫn còn phòng trống mà Ánh Dương lại có nhiều khách thì khách sạn rất mừng vì Ánh Dương đã lấp được những phòng trống đó cho khách sạn và Ánh Dương cũng phấn khởi vì cả hai bên cùng có lợi. Hơn nữa, Công ty Ánh Dương đã đặt trước tiền cọc cho số phòng đã ký trong hợp đồng. Do được chủ động như vậy nên các khách sạn rất hào hứng tham gia, vì doanh thu ổn định, lợi nhuận cùng theo đó mà tăng. Kể cả lúc vắng khách, các khách sạn lại càng yên tâm hơn vì số lượng phòng đã bán sẽ được duy trì đúng như hợp đồng. Trên quan điểm đó, nên cả bên “bán” và bên “mua” đều giữ chữ tín với nhau theo tinh thần “thuận mua vừa bán” không có chuyện ép buộc hay áp đặt gì cả! Bà Thu khẳng định và nói thêm: “Sản phẩm của Công ty Pegas và Ánh Dương hoàn toàn không cạnh tranh với các đơn vị khác. Vì, Pegas đã làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến tại Nga, họ nghiên cứu kỹ thị trường Việt Nam từ năm 2007 và  cho đến nay vẫn tiếp tục  nghiên cứu thị  trường thông qua các đoàn khảo sát du lịch Famtrip cua Pegas Touristik đến Việt Nam, mỗi năm  khoảng 500 đến 600 người từ 24 thành phố của nước Nga, vì Pegas Touristik  thấy trước được tương lai phát triển du lịch tại Việt Nam và Pegas Touristik đã thành công 3 năm qua tại Việt Nam vì ngoài định hướng đúng đắn, tiềm lực tài chính mạnh, giàu kinh nghiệm mà họ luôn là người dũng cảm tiên phong đi đầu với công nghệ hoàn toàn mới nhằm mục đích mang lại hiệu quả cho tất cả “bên bán” và “bên mua” . Khi mua tour của Pegas, khách được tự do lựa chọn phương tiện vận chuyển, ăn uống, ngủ nghỉ, tham quan… Như vậy nói: sản phẩm của Pegas cạnh tranh không lành mạnh là không có cơ sở!

Bài 2 - Công ty Ánh Dương có “độc quyền” không? - 1

Chúng tôi làm việc bình đẳng, cùng có lợi!

Để kiểm chứng và đi tìm sự thật xung quanh câu chuyện này, chúng tôi đã liên lạc với một số khách sạn nằm trong danh sách 43 khách sạn tại Nha Trang (Khánh Hòa), Ninh Thuận, Bình Thuận có liên quan đến hoạt động của Công ty Ánh Dương xem sự thể như thế nào mà ABTour gọi là “độc quyền”. Trong số những khách sạn chúng tôi có làm việc hoàn toàn ngẫu nhiên, họ đều cho rằng họ không có bị o ép, bị lệ thuộc hay có chuyện: còn phòng trống mà không được phép bán cho đơn vị khác ngoài Công ty Ánh Dương. Như vậy thông tin như đã nêu ở trên là không có cơ sở. Vì Ánh Dương thực hiện đúng như thỏa thuận Hợp đồng đã ký là nếu không có khách thì báo trước 7 ngày hay 10 ngày… để khách sạn chủ động bán cho đối tác khác.  Chỉ có một vài đơn vị đang lưỡng lự có nên ký tiếp hợp đồng với Công ty Ánh Dương hay không, vì theo họ: một số thông tin trái chiều từ dư luận mà họ chưa kiểm chứng được, nên chưa ký tiếp hợp đồng, họ cũng sợ bị ABTour sẽ kiện họ với Cục Quản lý Cạnh tranh là họ cũng thông đồng với Ánh Dương “độc quyền” thị trường… Tuy nhiên họ cũng cho rằng, nếu Công ty Ánh Dương tiếp tục cung cấp nguồn khách nhiều, ổn định và có thời gian lưu trú dài ngày (trung bình 12 ngày) như khách Nga của Ánh Dương như 3 năm qua thì họ sẵn sàng ký tiếp hợp đồng với Ánh Dương.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc Khách sạn Happy Light Nha Trang cho biết, chúng tôi làm việc với Công ty Ánh Dương là có sự tính toán, cân nhắc, chứ không có sự ép buộc nào cả. Khi làm việc, họ cũng hỏi là khả năng tôi cung ứng được là bao nhiêu phòng. Ví dụ, khách sạn có 110 phòng nhưng tôi còn đón khách Việt, các thị trường khác nữa cho nên chỉ đáp ứng cho họ khoảng 50 phòng thôi. Mà nhiều khi họ đưa khách đến không tới 50 phòng… Có thể nói rõ ràng là: Công ty Ánh Dương luôn chủ động báo trước số lượng khách cho chúng tôi, ví dụ họ hỏi: “Sắp tới Ánh Dương cần 50 phòng, có hay không? Nếu đáp ứng được họ mới đưa khách tới, không thì thôi”, bà Hạnh khẳng định! “Giữa chúng tôi không có sự ép buộc nào hết.Nếu như có ép buộc thì đương nhiên chúng tôi không chấp nhận, cho dù hợp đồng có lợi thế đến mấy, vì chúng tôi cũng có quyền của mình chứ”.

Bài 2 - Công ty Ánh Dương có “độc quyền” không? - 2

Khách sạn Haapy Light Nha Trang - một trong những đơn vị hợp tác với Ánh Dương

Bà Nguyễn Hà Thùy Linh, Giám đốc Điều hành khách sạn Fairy Bay cho biết, việc có khách mua thì mình cứ bán. Còn Ánh Dương đã ký hợp đồng với khách sạn thì đương nhiên chúng tôi phải giữ cam kết trong các điều khoản chặt chẽ của hợp đồng, vì nếu chúng tôi làm sai đối tác có quyền phạt.Tuy nhiên, trong thực tế thời gian qua chưa xảy ra chuyện “phạt” vì cả 2 bên đều làm đúng cam kết.Hiện nay chúng tôi vừa ký với Ánh Dương vừa ký với các đối tác khác thực hiện hết số phòng hiện có của mình. Tôi chưa thấy có một điều khoản hay văn bản nào của Ánh Dương ngăn không cho chúng tôi quan hệ với đối tác khác. Còn nếu có thông tin như các anh nói Ánh Dương không cho đối tác ký hợp đồng với đơn vị khác thì chúng tôi chưa gặp. Bà Hạnh còn cho biết thêm: “Làm ăn với Ánh Dương rất thoải mái và sòng phẳng, cứ trước khi khách đến là họ chuyển một phần tiền và sau một tuần khách đi là họ chuyển hết số tiền còn lại, không nợ đọng, làm du lịch nếu cứ sòng phẳng như vậy, đặc biệt trong chuyện tiền bạc thì rất là thích...”.

Tại Ninh Thuận có 4 khách sạn là: Sài Gòn – Ninh Chữ, Long Thuận, Aniis, Châu Thành cũng nằm trong danh sach những khách sạn có hợp đồng với Ánh Dương mà ABTour đã có quy kết là Ánh Dương “ độc quyền”, nhưng thực tế  tất cả các khách sạn này họ hy vọng được tiếp tục ký hợp đồng với Ánh Dương,  vì sự thật từ khi có nguồn khách  du lịch Nga của Ánh Dương đến nay, các khách sạn Sài Gòn – Ninh Chữ, Long Thuận, Aniis, Châu Thành… đã mang lại cho khách sạn sự thành công bất ngờ và  thị trường du lịch của một tỉnh nghèo như tỉnh Ninh Thuận đã bắt đầu khởi sắc.

Còn rất nhiều ý kiến của các đối tác mà Ánh Dương đã ký hợp đồng chăm lo cho du khách mà Tập đoàn Pegas mang đến Việt Nam, các đơn vị này đều khẳng định với PV Báo Du lịch là họ hoàn toàn thoải mái và thấy hiệu quả trong kinh doanh khi bắt tay với Ánh Dương. Họ tin Ánh Dương, tin ở lối làm ăn chuyên nghiệp, cẩn trọng, chính xác và mong cho sự hợp tác ngày càng phát triển theo nhịp độ của dòng khách mà Pegas mang tới Việt Nam.

Phong Vân

Báo Du lịch (24/7/2014)

Xem thêm tại:

http://www.baodulich.net.vn/vn/official/tintuc/2790/B%C3%A0i-2-C%C3%B4ng-ty-%C3%81nh-D%C6%B0%C6%A1ng--c%C3%B3-%E2%80%9C%C4%91%E1%BB%99c-quy%E1%BB%81n%E2%80%9D-kh%C3%B4ng--C%C3%B4ng-ty-%C3%81nh-D%C6%B0%C6%A1ng.htm

 

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT