May thay nhà rông truyền thống vẫn còn (kỳ cuối)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Du lịch, chính là tìm cách giữ lại những thứ như nhà rông truyền thống, chứ không phải làm mới, làm lòe loẹt ra.

Xem thêm các kỳ:

May thay nhà rông truyền thống vẫn còn (kỳ cuối) - 1

Tác giả trước nhà rông làng Kon Sơ Lăl

Sau khi món "nhà rông văn hóa" lặng lẽ triệt tiêu thì món nhà rông bê tông cốt sắt kèo thép lợp tôn xanh đỏ tím vàng vẫn "bùng phát" - viết bài trong đại dịch nên tôi cũng lây nhiễm cách dùng chữ của dịch - bởi từ một nguồn rất lớn là đền bù giải tỏa, tái định canh định cư, là cho tặng vân vân.

Tệ hại nhất là các làng tái định cư, nhất là từ nguồn thủy điện.

Những ngôi làng chơ vơ trong nắng trong gió, không có nguồn nước, không có đất sản xuất, hoặc có thì ở rất xa. Những ngôi làng ấy đa phần là nhà xây, giữa làng cũng có cái nhà rông, cũng xây, lợp tôn và để hiện đại, nó còn được lợp tôn màu.

Hồi ấy, có những ngôi làng xây từ nguồn 134, 135 nữa, xây lấy được với khoán chi phí mười mấy triệu một ngôi nhà. Nền nhà để nguyên đất phủ lên một lớp xi măng để được gọi là nền xi măng. Lợp tôn và vách cũng tôn, loại tôn gì mà mỏng và sắc như... lưỡi lam. Tôi đã vào những ngôi làng như thế. Chưa cần bão, chỉ gió to là xé rách hết tôn. Còn nền nhà thì chủ thầu vừa quay lưng nó đã hiện ngay nền đất.

Những cái nhà rông kiểu như thế tới giờ vẫn còn, vẫn bơ vơ đâu đó, vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, khi xuống cấp nó càng thảm hơn. Hàng đống tiền đổ vào đấy, bất cứ ai có chút trách nhiệm nhìn vào đều thấy xót. Tất nhiên những gì phi lý thì đều sẽ bị đào thải, có điều nhanh hay chậm và nó gây ra lãng phí đến như thế nào mà thôi.

May thay nhà rông truyền thống vẫn còn (kỳ cuối) - 2

Nhà thơ Hữu Việt ở nhà rông Kon Rơ Bàng

Sau này, người ta tập trung làm những cái nhà rông lớn, rất lớn, đúng theo truyền thống hoặc giả truyền thống. Những cái nhà rông do tỉnh Kon Tum đầu tư làm ở Đăk Tô (rất tiếc nó mới bị cháy), ở Kon Klor thành phố Kon Tum là ví dụ.

Cái nhà rông Đăk Tô là nhà rông Sê Đăng do chính các nghệ nhân người Sê Đăng làm, mới bị sét đánh cháy năm 2020. Số phận nó hẩm hiu hơn nhà rông làng Kà Đừ nhắc ở kỳ trước: cùng bị sét đánh, nhưng nó bị cháy hoàn toàn dù trời vẫn mưa rất to.

Nhà rông này là điểm Check in rất thú vị của dân du lịch và cả dân không du lịch nhưng có dịp đi xuyên Việt bằng đường Hồ Chí Minh, đa phần đều dừng lại chụp ảnh khi qua đây. Xin nói thêm, ở đây còn trưng bày chiếc xe tăng T59 huyền thoại số hiệu 377, chiếc xe tăng với kíp lái 4 chiến sĩ bị hy sinh hết và đều được truy phong anh hùng lực lượng vũ trang vào năm 2009. Và Đăk Tô Tân Cảnh cũng là một trong những địa danh nổi tiếng từ thời chiến tranh...

May thay nhà rông truyền thống vẫn còn (kỳ cuối) - 3

Du khách chụp ảnh ở nhà rông văn hóa Kon Klor

Nhà rông Kon Klor cũng là nhà rông văn hóa, nhưng cũng may mắn nó được làm theo kiến trúc truyền thống, khá đẹp, nhưng có tường rào xi măng bao quanh và hình như thứ 7 chủ nhật thì không mở cửa. Có vài lần tôi đến vào ngày này thì đành... đứng ngoài chụp ảnh vào, có lần chụp bị vướng cả cái ổ khóa với sợi xích to đùng. Cái nhà rông này, cùng cầu treo Kon Klor cũng là nơi check in của dân du lịch, dù vào trong, nó đúng nghĩa là cái hội trường với cờ, ảnh lãnh tụ, bàn chủ tọa và không thấy các vật dụng truyền thống của nhà rông truyền thống như bếp lửa, chiêng, ché, túi thiêng...

Và, nói tới nhà rông truyền thống của thời hiện tại, không thể không nhắc tới xã Hà Tây của huyện Chư Păh với việc có 4 trên 9 làng trong xã có nhà rông truyền thống thống rất đẹp, rất đúng, trong đó, nhà rông làng Kon Sơ Lăl được coi là lớn nhất Tây Nguyên hiện nay.

Cũng chả hiểu sao cái xã từng ở sâu và xa nhất tỉnh Gia Lai này lại có cái tên đầy chất xứ Đoài đến như thế. Nói từng là bởi ngày xưa nó thuộc huyện Mang Yang, muốn vào nó phải đi cả ngày, xuyên qua vùng lõi một khu rừng nguyên sinh. Sau nó được chuyển về huyện Chư Păh và được mở một con đường thì từ Pleiku chỉ phải chạy xe 2 tiếng đồng hồ là tới.

Làng cũng từng có một cái nhà rông rất đẹp. Tất cả nhà rông truyền thống đẹp đa phần là ở các làng vùng sâu vùng xa, đói khổ nhưng nhà rông rất đẹp. Năm 2015, nhà rông của làng bị sét, vâng lại là sét, đánh cháy.

Thế là làng họp lại và quyết định làm nhà rông mới, to hơn nhà rông cũ, đủ cho hàng trăm người của làng có thể lên một lúc.

May thay nhà rông truyền thống vẫn còn (kỳ cuối) - 4

Nhà rông ở xã Hà Tây, huyện Chư Păh

Nói thêm, ngôi nhà rông cũ của làng làm toàn bằng gỗ trắc, cái thời mà gỗ trắc chưa bán cân như sau này. Sau này có vài tay lái gỗ vào làng gạ mua cái nhà rông với giá 4 tỉ thời cách đây hai chục năm, có người gạ mua 100 cái xe máy tay ga cho mỗi hộ của làng một cái và xây cho làng cái nhà rông bê tông thay thế... nhưng làng cương quyết không đồng ý.

Năm 2017, làng bắt tay làm cái nhà rông mới, trên đúng nền nhà rông cũ, nhưng to hơn, bề thế hơn. Các trụ gỗ trắc còn tận dụng được từ cái nhà cháy làng bán lấy tiền làm, còn lại là dân làng mỗi người một tay. Đàn ông thì lấy gỗ, tre, mây... phụ nữ thì cắt tranh... cứ thế ngôi nhà rông khổng lồ bây giờ được hình thành.

Và kỳ lạ, người chỉ huy làm ngôi nhà rông này là ông Sôn, một người đàn ông mù chữ.

Thì đã bảo, các nghệ nhân Tây Nguyên lạ lắm. Họ đa phần là mù chữ, cái chữ theo quan niệm hiện đại của chúng ta, nhưng thực sự thì đầu óc của họ rất siêu phàm, như thể từ trong ấy cuồn cuộn tuôn ra tri thức, ra chất xám, ra văn hóa, ra kinh nghiệm, ra từng trải, ra văn minh nhân loại...

Thì cái nhà rông làng Kon Sơ Lăl mà không kinh à. Không thước tấc, không mẹo mực, không tính toán, không pi không hằng số, không diện tích thể tích, càng không có giấy tờ bản vẽ, tất nhiên. Tất cả ở trong đầu ông già, nhưng chưa già lắm, tên là Sôn này. Mỗi sáng hàng ngày ông "giao ban" tại chỗ, phân người này làm này người kia làm kia, mà chính xác, mà chuẩn mực, mà khít lìn lịt.

May thay nhà rông truyền thống vẫn còn (kỳ cuối) - 5

Bên trong nhà rông làng Kon Sơ Lăl

Nếu các bạn được thấy người Tây Nguyên lợp mái nhà rông mới cảm phục họ tài hoa tới như thế nào? Chỉ nguyên leo lên đấy ngồi, chả làm gì, nhìn xuống thôi, cũng đủ để... run rẩy toàn thân rồi. Và cái nhà rông sau này được công nhận là lớn nhất Tây Nguyên, đẹp nhất Tây Nguyên... ra đời như thế.

Nó không cần "thiết kế", nó được làm từ những đôi tay, khối óc và trái tim dân làng. Nó đẹp đến nỗi đã vào, muộn rồi, vẫn không muốn rời đi. Và buổi chiều, khi tôi vào nhà rông thì rất nhiều thanh thiếu niên đang vừa nằm vừa ngồi tránh nắng, xem phim. Có người bảo vì nó quý nên làng lập hẳn một đội thanh niên thay nhau lên đấy bảo vệ nhà rông. Nó khác hẳn hàng loạt nhà rông văn hóa khác, giờ cứ ngơ ngác trong nắng, trong gió Tây Nguyên và... chờ sập...

Cái gì của dân thì sẽ mãi trường tồn...

May thay nhà rông truyền thống vẫn còn (kỳ cuối) - 6

Bếp lửa trong nhà rông

Nhưng có một thực tế là, những nhà rông của các làng như ở xã Hà Tây không còn hoặc rất ít. Bởi những người như ông Sôn không nhiều, đã mai một đi gần hết, dù nhà nước đang có chính sách phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú... nhưng đa phần là phong hình thức, phong khi họ đã... cạn nguồn, và không có hỗ trợ vật chất gì dù họ, đa phần là rất nghèo. Và nữa, giờ kiếm đâu ra nguyên vật liệu của rừng để làm. Hôm vào nhà rông Kon Sơ Lăl, tôi đã thử ôm gốc cột, một vòng tay không giáp...

Du lịch, chính là tìm cách giữ lại những thứ như nhà rông truyền thống, chứ không phải làm mới, làm lòe loẹt ra. Đấy chính là cách làm du lịch từ gốc, du lịch vững bền, du lịch có sự tham gia của cộng đồng, để tất cả cùng có lợi...

(Hết)

Sự tích nhà rông văn hóa
Sự tích nhà rông văn hóa

Nhà rông là của làng, do dân làng làm và sử dụng. Nó mang yếu tố tâm linh, và cả vật chất. Thế mà một ngày...

Xem thêm các kỳ:

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bài và ảnh: Văn Công Hùng

CLIP HOT