VỀ KIÊN GIANG – ÔN LẠI LỊCH SỬ

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

VỀ KIÊN GIANG – ÔN LẠI LỊCH SỬ - 1

Kiên Giang là tỉnh Tây Nam của Tổ quốc Việt Nam, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm thuộc Đồng Bằng Sông Cửu Long. Tạo hóa đã ưu ái, ban tặng cho vùng đất này những hang động huyền ảo, đồng ruộng bát ngát và những bãi biển thơ mộng, hiền hòa. Đến với Kiên Giang, du khách không những được thưởng thức vẻ đẹp của đảo Ngọc Phú Quốc, danh thắng Hà Tiên hay rừng U Minh Thượng hoang sơ mà còn được sống lại với những trang sử hào hùng của dân tộc khi đến tham quan các Di tích Lịch sử như mộ Nhà thơ yêu nước Huỳnh Mẫn Đạt, lăng mộ người khai trấn Mạc Cửu, chùa Tam Bảo,...đặc biệt là Đình và mộ Anh hùng Dân tộc Nguyễn Trung Trực – một trong những vị lãnh tụ yêu nước của phong trào khởi nghĩa chống thực dân Pháp

 

Ngày nay, khi bất cứ ai đặt chân đến vùng đất Kiên Giang thì không thể không nhắc đến Đình và mộ Nguyễn Trung Trực. Tọa lạc ở số 14 Nguyễn Công Trứ, Thành phố Rạch Giá. Đình và mộ của Cụ nằm đối diện dòng sông Kiên êm đềm. Vào ngày 22/3/1988, Đình Cụ Nguyễn Trung Trực được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa.

VỀ KIÊN GIANG – ÔN LẠI LỊCH SỬ - 2

Mộ của Cụ Nguyễn Trung Trực nằm phía bên trái khuôn viên của Đình. Ngôi mộ được xây vào ngày 18/10/1986. Nguyễn Trung Trực sinh năm Mậu Tuất 1838, tại làng Bình Nhựt, tổng Bình Cách, huyện Thuận An, phủ Tân An, tỉnh Gia Định. Nay là ấp I, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, Long An. Cụ là vị anh hùng có 2 chiến công lớn làm lung lay Bộ Chỉ Huy Quân Sự Pháp tại chiến trường Việt Nam vào giữa thế kỷ 19. Đó là chiến thắng Nhựt Tảo, đốt cháy tàu chiến Esperance của Pháp vào ngày 10/12/1861 và chiến thắng ở Rạch Giá, chiếm được đồn lính Pháp, phá vỡ bộ cai trị thuộc địa của Rạch Giá vào ngày 16/6/1868, làm chủ tỉnh lỵ được 6 ngày. Cụ bị bắt ở Phú Quốc, giam giữ tại khám đường Sài Gòn và bị tử hình tại Rạch Giá.

VỀ KIÊN GIANG – ÔN LẠI LỊCH SỬ - 3

Ngày 27/10/1868, trước mặt kẻ thù Nguyễn Trung Trực đã khẳng định bằng câu nói bất hủ: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”. Cụ là vị anh hùng không để đầu rơi xuống đất. Khi đao phủ thi hành án với Cụ vào ngày 28/8 Âm lịch năm 1868 tại pháp trường Kiên Giang, nay là bùng binh bưu điện Thành phố Rạch Giá, Cụ đã đưa tay bưng đầu gắn vào cổ và trợn mắt nhìn bọn cướp nước, làm chúng hoảng sợ bỏ chạy. Những giọt máu của Cụ rơi xuống chiếu hiện thành chữ THỌ với ý nghĩa Kiên Giang có vị anh hùng bất tử. Chính vì thế mà nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt đã viết lên câu thơ mà ngày nay trong “Chiếu cổ lịch sử” được đặt trong Đình còn lưu lại: “Anh hùng cường cảnh phương danh thọ, tu sát đê đâu vị tử nhân”. Và cũng với sự kiện đó, nhân lễ giỗ lần 140 của cụ Nguyễn Trung Trực vào năm 2008, đồng bào Tà Niên, do nghệ nhân Lê Thị Sa cùng nhóm thợ lành nghề đã dệt một chiếc chiếu cổ có kích thước kỷ lục Việt Nam dài 45m, ngang 1,8m, dọc theo chiều dài có 9 chữ THỌ, mỗi chữ là 0,9m×0,9m nhằm ôn lại truyền thống tốt đẹp của đồng bào đối với vị anh hùng dân tộc, Người đã hy sinh cả đời mình cho việc giải phóng nhân dân thoát khỏi ách thống trị của thực dân Pháp. Đình không chỉ thờ Cụ Nguyễn Trung Trực mà trong chánh điện còn thờ Đồng bào nghĩa quân liệt sĩ; thần Nam Hải Ðại tướng quân; Phó cơ Nguyễn Hiền Điều; Phó lãnh binh Lâm Quang Kỵ và 30 vị anh hùng dân tộc như Phan Bội Châu, Cao Thắng, Nguyễn Hữu Huân...

VỀ KIÊN GIANG – ÔN LẠI LỊCH SỬ - 4

 

Ngoài ra, trong khuôn viên Đình còn có phòng trưng bày hiện vật liên quan đến những cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Trung Trực và phòng khám bệnh bằng thuốc Nam miễn phí. Hằng năm vào các ngày 27, 28 và 29/8 Âm lịch, người dân nơi đây đều tổ chức lễ giỗ long trọng để tưởng niệm ngày Cụ Nguyễn Trung Trực hy sinh. Chính vì thế mà trong nhân gian có câu: “Dù ai buôn bán gần xa. Ngày giỗ cụ Nguyễn thì ta nhớ về.”

Tạm biệt Kiên Giang, tạm biệt Đình anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, trong tôi dâng tràn một cảm xúc khó tả, niềm tự hào dân tộc hòa vào sự quyến luyến, không muốn rời chân khỏi mảnh đất này.

HT

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT