Tuổi Trẻ (21/07/14): Đề xuất cấm bán rượu bia sau 22g: Liệu có khả thi?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Đề xuất cấm bán rượu bia sau 22g trong dự thảo Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia do Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) soạn thảo tiếp tục có thêm những tranh luận. Chúng tôi giới thiệu một số ý kiến.

Tuổi Trẻ (21/07/14): Đề xuất cấm bán rượu bia sau 22g: Liệu có khả thi? - 1

* Anh B.V.G. (30 tuổi, Trưởng Phòng Giao dịch Ngân hàng):

Cấm cũng có cái hay

Hôm qua, trên bàn nhậu, chúng tôi có bàn bạc rất xôm tụ về chuyện sắp cấm bán bia rượu sau 22g. Mấy anh bạn làm ở công ty bia tất nhiên là phản đối, còn đa số chúng tôi đều cho rằng việc cấm này cũng có cái hay. Vì lý do công việc, bản thân tôi có khi nhậu liên tục 5-6 lần/tuần, nhưng luôn cố gắng về sớm trước 22g. Cũng còn tùy vào việc uống nhiều hay uống ít, nhưng nếu đã ngồi đến giờ đó thì cũng say xỉn lắm rồi, đi đường xa rất nguy hiểm. Đó là chưa kể bị công an bắt khi say thì phạt rất nặng.

Thông thường, uống rượu bia vào tối hôm trước thì đến trưa hoặc chiều hôm sau mới hồi phục được. Tôi còn biết có người uống rất nhiều vào buổi tối không say, đến hôm sau mới ngấm, vào cơ quan gật gù cả ngày. Trong cơ quan tôi chưa có trường hợp nào say xỉn đến mức quậy phá, nhưng ảnh hưởng đến công việc là có. Buổi tối là ngoài giờ làm việc, mình không quản lý được, chỉ có thể nhắc nhở thôi. Ngay bản thân tôi cũng vậy, nếu cần thiết phải nhậu tiếp khách thì sắp xếp đi sớm rồi về sớm.

 

* Ông NGUYỄN ANH TUẤN (Quản lý Nhà hàng 168, 168 Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận):

Ảnh hưởng doanh thu

Tôi thấy việc cấm bán bia rượu trước 22g đêm là rất bất hợp lý. Thông thường tất cả mọi người đều phải đi làm, bận bịu công việc riêng. Sau giờ làm, họ phải tắm rửa, nghỉ ngơi... nên tiệc thường bắt đầu sau 20g tối. Vì thế, không thể kết thúc trước 22g đêm. Việc thực khách đang sử dụng rượu, bia thì thay đổi loại khác đã khó chứ đừng nói đến việc bắt họ dừng lại, thôi không uống nữa. Với các quán karaoke... hay các quán nhậu vỉa hè may ra còn hợp lý. Còn trong các nhà hàng lớn, việc cấm bán bia rượu sau 22g sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của nhà hàng.

* Bà ĐOÀN THỊ THANH TRÀ (Giám đốc Truyền thông Tiếp thị, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist):

Du khách khó chấp nhận

Trong chương trình tour hay thực đơn của các công ty du lịch giới thiệu cho du khách phần lớn không ghi thức uống có bia, rượu nhưng lúc nào khách cũng gọi thêm các loại thức uống có cồn, đặc biệt là bia. Du khách nước ngoài hay du khách trong nước khi đến một điểm mới họ có xu hướng chọn thêm rượu, bia trong bữa ăn, đó là cách thưởng thức văn hóa vùng miền chứ không hẳn là để nhậu cho xỉn, cho đủ “đô”. Hơn nữa buổi tối trong chương trình tour là tự do, khách tự quyết định hình thức giải trí riêng của mình, sẽ rất khó và không thể quản lý cũng như kiểm soát du khách chuyện tự chọn thức uống.

Nếu quyết định này đưa vào áp dụng trong thực tế, chẳng lẽ trong chương trình tour gửi cho khách phải kèm theo thông báo “quý khách không thể mua được bia, rượu sau những giờ sau đây:...”? Du khách nước ngoài sẽ khó chấp nhận.

* HỮU CHƠN (Người dân TP.HCM):

Rất nên áp dụng

Tôi nhớ báo Tuổi Trẻ đã từng đăng nhiều bài viết ở mục “Trong mắt người nước ngoài”, phản ánh về thực trạng nhậu ở nước ta, nhất là tại các thành phố lớn. Nhậu nhiều đến mức có người phải thốt lên rằng: “Người Việt Nam nhậu nhiều quá”.

Ở TP.HCM, con đường Trường Sa, Hoàng Sa nằm hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được cải tạo, đẹp và thơ mộng là thế, nhưng đã nhanh chóng bị các quán nhậu chiếm lĩnh mặt tiền. Nam giới chạy xe gắn máy trên đường này vào buổi tối thường bị nhân viên của quán đứng giữa đường mời mọc. Chưa nói đến việc uống bia, chỉ riêng hành vi trên cũng đủ gây mất an toàn cho nhiều người. Song hành với những quán bán khuya là những người “hát rong” với chiếc loa thùng công suất lớn. Đến các quán nhậu, những người này tự nguyện “biểu diễn” để mời khách mua thuốc lá, kẹo kéo... mặc cho người dân xung quanh bị tra tấn vì chương trình “bắt buộc người nghe” này.

Đó là chưa kể những tai nạn, tệ nạn từ chuyện uống quá say, mà ai cũng “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Nhưng biện pháp hiệu quả nhất là giảm nhậu thì ít ai chịu làm. Cứ thực hiện rồi sẽ thấy nó bình thường như 20 cái tết trôi qua không tiếng pháo vậy.

* PGS.TS NGUYỄN VĂN VIỆT (Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu và Nước giải khát Việt Nam):

Cần phải nghiên cứu thấu đáo

Tôi băn khoăn về tính khả thi của quy định này nếu áp dụng vào thực tế. Tôi mong rằng ban soạn thảo dự án luật này cần phải đánh giá, phải nghiên cứu thấu đáo việc nếu đưa vào thì quy định cấm bán rượu bia sau 22g sẽ tác động như thế nào đến kinh tế, văn hóa, thói quen của người dân... chứ không chỉ nhìn riêng về mặt sức khỏe. Chưa đánh giá đầy đủ, toàn diện thì e rằng quy định này nếu có áp dụng sẽ chỉ ở trên giấy mà thôi.

Thái Lan đã áp dụng quy định thời gian cấm bán đồ uống có cồn, song cần phải nhìn tổng thể, hầu hết các nước đều chưa đưa ra quy định này. Như Anh, Pháp, hay các nước trong khu vực Lào, Campuchia... chưa áp dụng quy định số giờ bán đồ uống có cồn. Singapore cũng mới chỉ nghiên cứu để hạn chế việc kinh doanh rượu bia thôi.

Theo báo cáo mới đây của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam có mức độ tiêu thụ rượu thấp hơn Thái Lan, Lào, Campuchia... Còn bia thì cũng ở mức trung bình so với các nước. Nếu muốn hạn chế việc lạm dụng rượu bia để bảo vệ sức khỏe của người dân thì Bộ Y tế cần công bố với thể trạng người Việt Nam, uống bao nhiêu thì được gọi là lạm dụng. Thực tế, từ lạm dụng là khái niệm rất trừu tượng. Do đó, một trong những giải pháp có thể hạn chế việc sử dụng bia rượu là hạn chế khu vực kinh doanh như một số nước đang dự kiến áp dụng, là khoanh vùng khu vực không được bán như gần trường học... thay vì việc cấm bán sau 22g như Bộ Y tế đang tính đến.

NHÓM PV (ghi)

Một lãnh đạo Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương):

Quy định này đã từng bị bác

Trước đây, trong chương trình quốc gia phòng chống tác hại của đồ uống có cồn, Bộ Y tế đã đề xuất quy định hạn chế thời gian sử dụng rượu bia của người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi chương trình đưa phê duyệt, quy định này đã bị bác bỏ, không được áp dụng. Theo chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Y tế lại đưa quy định này vào Luật về phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn. Song đến nay Vụ Công nghiệp nhẹ - thành viên trong ban soạn thảo dự án luật nói trên - vẫn chưa nhận được dự thảo văn bản này.

Khó có thể thực hiện được quy định cấm bán rượu bia sau 22g vì sẽ không quản lý được, không phù hợp với thực tế của Việt Nam. Chúng ta là nước nhiệt đới, mùa hè nhiệt độ rất cao. Nếu cấm người ta uống bia thì họ sẽ uống gì? Nếu quy định khu vực kinh doanh được mở cửa bán hàng đến 23g chẳng hạn thì phải để cho người ta kinh doanh bình thường. Không thể cho mở cửa mà không cho bán hàng. Như thế khác nào làm khó người kinh doanh.

Xem thêm tại: http://tuoitre.vn/Ban-doc/619054/de-xuat-cam-ban-ruou-bia-sau-22g-lieu-co-kha-thi.html

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT