VN-Index vượt mốc 1.445 điểm, VIC tăng trần lập đỉnh hơn 2 năm​​​​​​​

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại phiên giao dịch ngày 10/7 trong sắc xanh rực rỡ với tâm điểm đến từ nhóm cổ phiếu thuộc Tập đoàn Vingroup. Chỉ số VN-Index đóng cửa tại 1.445,64 điểm, tăng 14,32 điểm (+1,00%) so với phiên trước. Thanh khoản đạt 1.129 triệu cổ phiếu, tương đương 27.645 tỷ đồng.

VN-Index vượt mốc 1.445 điểm, VIC tăng trần lập đỉnh hơn 2 năm​​​​​​​ - 1

Động lực chính dẫn dắt đà tăng đến từ bộ ba VIC – VHM – VRE. Cổ phiếu VIC tăng trần lên 101.600 đồng/cp (+6,95%), chính thức vượt mốc ba chữ số sau hơn hai năm. Tại thời điểm 14h40, hơn 7 triệu cổ phiếu VIC được sang tay, trong khi lượng dư mua giá trần còn lại hơn 1,1 triệu đơn vị. Với mức tăng ấn tượng này, VIC đóng góp 6,33 điểm cho VN-Index, lớn nhất trong toàn thị trường hôm nay.

VHM cũng ghi nhận mức tăng 5,13%, đóng cửa tại 86.000 đồng/cp với hơn 7,1 triệu cổ phiếu giao dịch. Còn VRE tăng 6,16% lên 28.450 đồng/cp, khối lượng khớp lệnh đạt gần 13,96 triệu cổ phiếu. Tổng cộng ba mã nhà Vingroup đóng góp hơn 11 điểm vào đà tăng của chỉ số chung.

Nhóm cổ phiếu họ Vin không chỉ dẫn dắt VN-Index mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa sang toàn bộ ngành bất động sản. Dữ liệu ngành cho thấy bất động sản tăng 3,72% trong phiên, trở thành nhóm ngành tăng mạnh nhất thị trường.

Ngoài nhóm Vingroup, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn khác cũng giao dịch tích cực. SHB (+2,50%) với thanh khoản vượt 77,6 triệu cổ phiếu, HPG (+1,62%) và dẫn đầu toàn thị trường về khối lượng khớp lệnh. Các mã như MSN (+1,45%), FPT (+0,90%), VJC (+2,13%) cũng đóng góp vào sắc xanh lan tỏa trên diện rộng.

Ở chiều ngược lại, dưới áp lực chốt lời một số mã thuộc nhóm ngành ngân hàng cho thấy mức giảm nhẹ như MBB (-0,56%), TPB (-0,34%), STB (-0,31%) và TCB (-0,29%). Dù vậy mức giảm này vẫn không đáng kể so với lực kéo từ nhóm Vingroup.

Khối ngoại tiếp tục xu hướng tích cực khi mua ròng 975,9 tỷ đồng trên cả ba sàn. Trong đó, SSI được mua ròng mạnh nhất với 557,6 tỷ đồng, tiếp theo là VPB (+156,7 tỷ đồng), SHB (+145,9 tỷ đồng), HDB (+93 tỷ đồng), và VRE (+88,5 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, HPG là mã bị bán ròng mạnh nhất, lên tới 372,4 tỷ đồng, theo sau là CTG (-54,65 tỷ), VCG (43,91 tỷ) và FRT (-42,89 tỷ).

Dù VN-Index tăng mạnh, thanh khoản lại sụt giảm nhẹ so với phiên trước. Cụ thể, giá trị khớp lệnh toàn thị trường đạt 30.431 tỷ đồng giảm khoảng 26,83% tương ứng khối lượng giảm 27,14% khoảng 1.302 triệu đơn vị. Diễn biến này cho thấy dòng tiền có phần thận trọng khi chỉ số tiệm cận vùng cao mới.

Nhìn về cơ cấu ngành, toàn bộ 11 nhóm ngành chính đều tăng giá. Ngoài bất động sản, các nhóm năng lượng (+1,80%), viễn thông (+1,17%), công nghệ thông tin (+1,08%), vật liệu cơ bản (+0,57%) và tài chính (+0,06%) đều đồng loạt tăng. Tuy nhiên, sự phân hóa vẫn diễn ra trong nội bộ từng nhóm, đặc biệt là midcap và penny. Nhiều mã nhỏ tiếp tục tăng trần như LDG, OGC, DRH, BCG, trong khi các cổ phiếu như NLG, DIG, CII điều chỉnh nhẹ quanh mức -1%.

Trái với HOSE, trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index giảm nhẹ 0,19 điểm (-0,08%) xuống 238,44 điểm. Thanh khoản đạt hơn 2.123 tỷ đồng. Trong khi đó, UPCoM-Index cũng giảm 0,22 điểm (-0,21%) xuống 102,28 điểm với giá trị giao dịch đạt 663 tỷ đồng.

VN-Index vượt mốc 1.445 điểm, VIC tăng trần lập đỉnh hơn 2 năm​​​​​​​ - 2

Ngoài diễn biến giá cổ phiếu, thông tin liên quan đến cá nhân ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT Vingroup, cũng thu hút sự quan tâm. Theo cập nhật từ Forbes, tổng tài sản của ông Vượng hiện đạt khoảng 10,9 tỷ USD, tăng thêm 670 triệu USD chỉ trong một ngày tương đương hơn 17.500 tỷ đồng nhờ đà tăng mạnh của cổ phiếu VIC. Qua đó, ông xếp thứ 254 trong danh sách những người giàu nhất hành tinh.

Trước đó, ông Vượng đã thực hiện một loạt giao dịch chuyển nhượng cổ phiếu VIC sang Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc Vinspeed - đơn vị mới thành lập từ tháng 5/2025 với vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng, trong đó cá nhân ông sở hữu 51%. Tính đến cuối tháng 6, ông đã chuyển nhượng tổng cộng hơn 135,6 triệu cổ phiếu VIC cho Vinspeed, tương đương hơn 12.000 tỷ đồng theo thị giá hiện nay.

Với những diễn biến nổi bật từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm Vingroup, phiên giao dịch ngày 10/7 khẳng định vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp đầu ngành trong việc định hình xu hướng chỉ số. Tuy nhiên, với thanh khoản giảm nhẹ và sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm cổ phiếu, thị trường tiếp tục cho thấy tính chọn lọc cao trong giai đoạn hiện tại.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hữu Kiên

CLIP HOT