Tổ chức Ngày hội gia đình tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc
Trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát, nhiều chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ đặc sắc và các hoạt động tập thể như trò chơi dân gian, tham quan trải nghiệm sẽ được tổ chức.
Hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ tổ chức các hoạt động tháng 6 mang tên “Ngày hội gia đình.”
Quy mô các chương trình tùy theo diễn biến của dịch bệnh COVID-19.
Trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát, nhiều chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ đặc sắc và các hoạt động tập thể như trò chơi dân gian, tham quan trải nghiệm sẽ được tổ chức.
Sự kiện giúp tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, gắn kết cộng đồng cũng như sự gắn bó của mỗi thành viên trong gia đình, mỗi cộng đồng dân tộc. Qua đó, mỗi người sẽ học được những nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa gia đình (vợ chồng, anh em, tình làng nghĩa xóm…).
Với chủ đề “Truyền thống văn hóa gia đình trong cộng đồng các dân tộc,” chương trình “Trò chơi dân gian-Tuổi thơ tôi” sẽ là dịp để các em nhỏ vui đùa, trải nghiệm các trò chơi như làm con trâu bằng lá mít, chơi đá cỏ gà, kéo co, tu lu, đánh yến, tó má lẹ… và tham gia các hoạt động giáo dục về môi trường sinh thái, văn hóa dân tộc.
Các trò chơi dân gian.
Điểm nhấn của tháng 6 là chương trình nghệ thuật chào mừng “Ngày gia đình Việt Nam” của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tại “Ngôi nhà chung” dự kiến được tổ chức vào ngày 26/6, với chủ đề năm 2021 “Gia đình bình an-Xã hội hạnh phúc.”
Đồng bào Ê Đê, Cơ Tu, Xơ Đăng, Tà Ôi, Giẻ Triêng sẽ biểu diễn các ca khúc về quê hương, đất nước, về Tây Nguyên, gia đình, buôn làng. Song song với đó là hoạt động giới thiệu vẻ đẹp trong trang phục truyền thống của người phụ nữ trong gia đình cùng nét đẹp trong nghề dệt truyền thống tại Làng.
Trong dịp này, lễ cưới truyền thống của dân tộc Giẻ Triêng tỉnh Kon Tum sẽ được tái hiện. Phong tục cưới xin của đồng bào còn nhiều nét nguyên sơ, giàu tính nhân văn và mang đậm nét đẹp tộc người. Hôn nhân trong cộng đồng Giẻ Triêng là tự nguyện, với nét độc đáo nằm ở lễ vật dẫn cưới là những bó củi hứa hôn. Sau phần tái hiện nghi thức cưới truyền thống của người Giẻ Triêng là các hoạt động giới thiệu văn hóa truyền thống như múa xoang, biểu diễn cồng chiêng.
Ngày hội gia đình tại Làng còn là dịp để du khách tìm hiểu văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc như xôi đồ, thịt gà nấu măng, cá ốt đồ, rau đồ, cá nướng, các món ăn từ thịt lợn, xôi màu… của dân tộc Mường; mật ong rừng, phấn hoa, cà phê, ca cao… của dân tộc Ê Đê; khâu nhục, cá om măng chua, lạp sườn, thịt gác bếp, măng nhồi… của dân tộc Tày.
Du khách có thể tham gia chương trình “Một ngày làm nghệ nhân” để tìm hiểu văn hóa cộng đồng qua trang phục truyền thống của các dân tộc, từ quy trình chọn sợi, nhuộm màu, dệt cho đến cấu trúc thành bộ trang phục hoàn thiện; hoặc trải nghiệm làm người nông dân, cùng làm vườn, hái rau, nhổ cỏ, chăm sóc cây và tìm hiểu về các loại cây đặc trưng theo vùng miền./.
Cùng với 8 lễ hội, 2 làng nghề là nước mắm Phú Quốc và thêu ren Thanh Hà được ghi danh là di sản văn hóa