Tập đoàn điện gió hàng đầu của Đức triển khai dự án 4,6 tỷ USD ở Hòn Trâu
Tập đoàn PNE (Cộng hòa Liên bang Đức) khai trương văn phòng ở phố biển Quy Nhơn và chọn địa điểm để triển dự án điện gió ngoài khơi 4,6 tỷ USD ở Hòn Trâu, cách cảng Đề Gi, huyện Phù Cát gần 10 km.
Chiều 30/10, Tập đoàn PNE khai trương văn phòng đại diện tập đoàn tại TP. Quy Nhơn (Bình Định). Đây là bước khởi đầu đặc biệt quan trọng cho dự án điện gió ngoài khơi thí điểm trong quan hệ hợp tác năng lượng giữa Việt Nam và Đức.
Thắng cảnh Hòn Trâu, huyện Phù Cát.
PNE là Tập đoàn điện gió hàng đầu của Đức với hơn 30 năm kinh nghiệm, từng phát triển dự án năng lượng tái tạo ở 14 quốc gia, 4 châu lục với hơn 600 nhân viên nhiều kinh nghiệm, với tổng vốn đầu tư cho các Dự án năng lượng tái tạo hơn 13 tỷ euro.
Từ 2019 đến nay, PNE đã tìm hiểu khảo sát để làm dự án điện gió ở Bình Định nhiều năm, nhưng chưa công bố địa điểm. Đến hơn một tuần trước, ông Per Hornung Pedersen, Chủ tịch PNE, đã đến Bình Định cùng lãnh đạo tỉnh này xem vị trí.
Khu vực cảng Đề Gi, huyện Phù Cát.
Phát biểu trực tuyến, ông Pedersen bày tỏ lòng biết ơn đến Chính phủ Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Bình Định và các cơ quan ban ngành đã đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho tập đoàn trong việc thực hiện dự án Hòn Trâu.
Ông Pedersen cho hay Tập đoàn đặt niềm tin lớn vào tiềm năng hợp tác lâu dài với Bình Định, góp phần vào phát triển năng lượng xanh tại Việt Nam.
Hòn Trâu nằm ngoài khơi cửa biển Đề Gi, huyện Phù Cát cách bờ gần 10 km. Vị trí này cách sân bay Phù Cát khoảng 30 km và cách TP Quy Nhơn khoảng 50 km. Hòn đảo mới được biết đến những năm gần đây khi đàn cá voi về biển Đề Gi.
Với tổng công suất dự kiến đạt 2.000 MW, dự án Hòn Trâu được chia làm ba giai đoạn, với mục tiêu hoàn thành giai đoạn đầu vào năm 2030. Dự án dự kiến sẽ lắp đặt khoảng 50 tuabin mỗi giai đoạn, với tổng vốn đầu tư lên đến 4,6 tỷ USD.
Ông Thorsten Fastenau, Phó chủ tịch điều hành của PNE, cho biết, đây là thành quả của quá trình gần 5 năm làm việc nghiêm túc và hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng địa phương.
PNE kỳ vọng Hòn Trâu thành biểu tượng thành công của năng lượng gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Vùng biển huyện Phù Cát, nơi Tập đoàn PNE chọn làm dự án điện gió 4,6 tỷ USD.
Chiều cùng ngày, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã có buổi tiếp và làm việc với bà Helga Mararete Barth, Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam, Tập đoàn PNE, Phòng công nghiệp và thương mại Đức tại Việt Nam.
Việt Nam và CHLB Đức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/9/1975. Tháng 10/2011, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Đức lúc đó là bà Angela Merkel, hai nước ký Tuyên bố chung tại Hà Nội về thiết lập “Quan hệ đối tác chiến lược vì tương lai”.
Sau gần 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và hơn 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, quan hệ Việt Nam - Đức không ngừng được củng cố, mở rộng và phát triển ngày càng tốt đẹp.
Về kinh tế, thương mại, đầu tư, CHLB Đức tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU và là một trong các nhà đầu tư lớn nhất của EU tại Việt Nam.
Bình Định là tỉnh thuộc vùng duyên hải Trung Bộ, với diện tích tự nhiên hơn 6.070 km2, lãnh thổ trải dài 110 km theo hướng Bắc - Nam; Bình Định có vị trí chiến lược, nằm ở trung tâm của trục Bắc - Nam; có hệ thống hạ tầng giao thông thuận lợi, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không; bên cạnh đường cao tốc và đường ven biển cùng hệ thống giao thông kết nối trục Đông - Tây đã và đang đầu tư hoàn thiện; là cửa ngõ ra biển Đông gần nhất và thuận lợi nhất của các tỉnh Tây Nguyên Việt Nam, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan.
Cảng biển quốc tế Quy Nhơn là cảng biển lớn của Việt Nam, có ưu thế là vùng neo đậu kín gió, có thể tiếp nhận tàu hàng đến 70 nghìn tấn ra vào an toàn; Cảng hàng không Phù Cát có các chuyến bay đi, đến các đầu mối giao thông lớn trong cả nước và chuyến bay charter quốc tế cũng đang triển khai đầu tư nâng cấp, mở rộng thành sân bay quốc tế; Ga đường sắt Diêu Trì của Bình Định là 01 trong 10 ga đường sắt lớn của Việt Nam.
Bình Định được thiên nhiên ban tặng nhiều tài nguyên quý hiếm, là địa phương có rừng núi, đồng bằng, danh lam thắng cảnh, nhiều bãi tắm tuyệt đẹp chạy suốt chiều dài 134 km bờ biển của tỉnh; là một trung tâm du lịch quan trọng của vùng và cả nước.
Hiện Bình Định đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt, định hướng đến năm 2030, Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ của Việt Nam (gồm 14 tỉnh, thành phố); là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của Vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế.
Bình Định hiện có 91 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký trên 1,19 tỷ USD của các doanh nghiệp đầu tư đến từ 22 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, có 04 dự án đầu tư từ các doanh nghiệp CHLB Đức, với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 60,5 triệu USD đang hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách địa phương.
Nổi bật là dự án Nhà máy sản xuất nhũ và màng mỏng công nghệ cao của Tập đoàn KURZ, vốn đầu tư 45,39 triệu USD đi vào hoạt động giai đoạn 1 (tháng 9/2023). Tỉnh đang tích cực xúc tiến các thủ tục liên quan để Tập đoàn PNE sớm triển khai Dự án điện gió ngoài khơi, với công suất dự kiến là 2.000MW, vốn đầu tư 4,6 tỷ USD.
Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm nay của các doành nghiệp Bình Định sang Đức đạt gần 48 triệu USD, tăng gần 47% so với cùng kỳ năm 2023. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm sản phẩm từ chất dẻo, đồ dùng bằng gỗ, may mặc.
Tổng kim ngạch nhập khẩu 9 tháng năm 2024 từ Đức ước đạt hơn 4 triệu USD, giảm hơn 70% so với cùng kỳ năm 2023. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ thị trường này là máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng.
Các chuyên gia của Tập đoàn PNE (Cộng hòa Liên bang Đức) đến vùng biển Bình Định khảo sát để triển khai dự án điện...