Bình Định bàn giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp, thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho nông dân
Lãnh đạo tỉnh Bình Định cùng các chuyên gia gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho bà con nông dân.
Sáng 8/10, UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị triển khai giải pháp ổn định sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hội nghị là dịp để cơ quan quản lý nhà nước tôn vinh các thương nhân đã đóng góp cho phát triển sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Đồng thời gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của thương nhân, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, các đại biểu triển khai quy trình quản lý sản xuất, thiêu thụ nông sản; phổ biến, giới thiệu các quy định của pháp luật về giá và xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm; tổ chức ký kết cam kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa các đơn vị thu mua và các đơn vị sản xuất theo các phương thức ổn định sản xuất, kinh doanh trong thời gian đến.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho hay cho biết thời gian qua, địa phương có nhiều chính sách thúc đẩy sản xuất nông, lâm, thủy sản, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn.
Bình Định đã xây dựng và triển khai nhiều đề án, kế hoạch, tổ chức sản xuất theo hướng liên kết nhằm nâng cao giá trị nông, lâm, thủy sản. Tỉnh đã phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực, cũng như phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, đưa các giống mới vào sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất từng bước được đẩy mạnh. Diện tích đất canh tác được cơ giới hóa hầu hết các khâu trong quy trình sản xuất và chăn nuôi được đẩy mạnh chuyển đổi từ nhỏ lẻ sang trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao.
Hình thành các chuỗi liên kết sản xuất chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm như: chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ heo thịt tại Hoài Ân, Hoài Nhơn; chuỗi bò thịt chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu “Bò thịt chất lượng cao Bình Định”.
Trong lĩnh vực ngư nghiệp, đã hỗ trợ ngư dân áp dụng công nghệ tiên tiến trong bảo quản thủy sản sau khai thác trên tàu cá, chú trọng cải hoán hầm bảo quản sản phẩm có kết cấu phù hợp đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, áp dụng chính sách khuyến khích nuôi trồng thủy sản.
Theo ông Hoàng, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Bình Định có thể kể tên như: Sản phẩm trồng trọt có lúa, ớt, lạc, sắn, dừa, bưởi, xoài; trong đó một số sản phẩm có tiềm năng phát triển thành hành hóa tập trung hướng tới xuất khẩu như ớt, bưởi, dừa, xoài.
Thời gian tới, các địa phương có nhiều cơ hội để hình thành sản phẩm tập trung theo hướng trang trại, ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi sạch, chăn nuôi hữu cơ, thân thiện với môi trường, gắn với các dự án chế biến gia súc, gia cầm nhằm nâng cao giá trị ngành chăn nuôi, tiến tới xuất khẩu và hình thành thương hiệu tầm quốc tế.
Hiện Bình Định có 382 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP; trong đó: 44 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 338 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thời gian qua cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực, người nông dân chủ động hơn trong việc tìm kiếm đầu ra qua hệ thống đại lý thu mua ở địa phương.
Thực tế hiện nay ở Bình Định việc sản xuất, tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân vẫn thiếu tính bền vững, còn tình trạng được mùa mất giá, chi phí đầu vào sản xuất có lúc còn cao, chưa hình thành nhiều chuỗi giá trị từ sản xuất đến người tiêu dùng cuối.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định yêu cầu cơ quan chức năng cần tập trung giải quyết kiến nghị, đề xuất giữa các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, ổn định giá cả thị trường, tuân thủ pháp luật trong việc đảm bảo chất lượng hàng hóa, chống buôn lậu, gian lận thương mại, an toàn thực phẩm và có biện pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân trên địa bàn tỉnh.
Kết luận hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các địa phương xác định rõ các sản phẩm chủ lực dựa trên điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng của từng vùng. Các địa phương tập trung tổ chức sản xuất theo vùng nguyên liệu lớn, đảm bảo đủ tiêu chuẩn và quy mô sản lượng để cung cấp cho các nhà máy chế biến. Đồng thời, lưu ý người dân và doanh nghiệp tham gia sản xuất phải thay đổi căn bản cách làm, tuân thủ các quy trình và tiêu chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.Các cơ quan thực thi cần tập trung hướng dẫn, đào tạo và giám sát việc thực hiện các quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng.
Tỉnh khuyến khích hình thành các mô hình liên kết chuỗi giá trị giữa người sản xuất, HTX và DN chế biến. Tập trung kết nối, xúc tiến thương mại và mở rộng kênh tiêu thụ cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Việc hỗ trợ phát triển các HTX và tổ hợp tác nhằm nâng cao năng lực sản xuất và tiêu thụ cũng cần được quan tâm.Theo ông Tuấn, địa phương sẽ tập trung mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các nhà máy chế biến, hỗ trợ về chính sách và nguồn lực cho sản xuất.
Các cơ quan, đơn vị liên quan cần phối hợp chặt chẽ trong triển khai các giải pháp, đặc biệt là công tác kiểm tra, giám sát và xử lý các trường hợp vi phạm. Cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan truyền thông cần tích cực hỗ trợ, tuyên truyền và lan tỏa các mô hình, cách làm hiệu quả. Mục tiêu chung là nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, đảm bảo chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp cùng phát triển bền vững.