Ngành bán lẻ Việt Nam 2025: Hồi phục và củng cố vị thế

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Sau giai đoạn nhiều biến động, ngành bán lẻ Việt Nam đang cho thấy những tín hiệu phục hồi rõ rệt và bước vào giai đoạn củng cố vị thế mới. Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê và báo cáo ngành của Mirae Asset được công bố vào ngày 9/5 ghi nhận tăng trưởng toàn diện ở cả quy mô thị trường, tiêu dùng nội địa lẫn năng lực tài chính của doanh nghiệp, mở ra kỳ vọng tăng tốc bền vững từ năm 2025 trở đi.

Theo thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả năm 2024 ước đạt 6.391 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa chiếm 77%, đạt gần 4.921 nghìn tỷ đồng (+8,3% YoY). Các mảng dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch đều ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số. Bước sang quý I/2025 tiếp tục cho thấy xu hướng tích cực khi tổng mức bán lẻ đạt 1.708 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, nếu loại trừ yếu tố giá, tăng trưởng thực đạt 7,5%, cho thấy mức hồi phục thực chất của tiêu dùng nội địa. Đây là kết quả của sự kết hợp giữa thu nhập người dân được cải thiện, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ và các chính sách kích cầu từ Chính phủ, như giảm thuế VAT xuống 8% và tăng lương cơ sở từ tháng 7/2024.

Chuyển dịch trong hành vi tiêu dùng và mô hình bán lẻ

Một trong những xu hướng nổi bật trong năm 2024–2025 là sự chuyển dịch mạnh mẽ trong hành vi tiêu dùng và cấu trúc thị trường bán lẻ. Người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng ưu tiên những lựa chọn tiện lợi, đa kênh và cá nhân hóa hơn, kéo theo sự thay đổi trong cơ cấu tiêu dùng, mô hình phân phối cũng như chiến lược hoạt động của doanh nghiệp bán lẻ.

Ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) là ví dụ điển hình. Theo Nielsen, năm 2024 chứng kiến quý tăng trưởng thứ sáu liên tiếp, với quý IV tăng 4,5% – mức cao nhất trong 1,5 năm. Cơ cấu tiêu dùng cũng thay đổi khi nhóm hàng không thiết yếu như bia, đồ uống, thuốc lá tăng tỷ trọng lên 54,5%, phản ánh nhu cầu chi tiêu đang hồi phục nhờ kinh tế ổn định và đời sống được cải thiện. Dự báo năm 2025, ngành FMCG sẽ tăng trưởng khoảng 5%, với động lực đến từ xu hướng tiêu dùng trực tuyến, thay đổi lối sống, nhận thức về sức khỏe và sự phát triển của kênh thương mại điện tử – nơi giá trị giao dịch FMCG tăng đến 62% trong năm 2024 theo số liệu từ YouNet ECI.

Ngành bán lẻ Việt Nam 2025: Hồi phục và củng cố vị thế - 1

Tương tự, lĩnh vực điện tử và điện máy – từng tăng tốc mạnh mẽ giai đoạn 2020–2022, nay đang bước vào chu kỳ tái cấu trúc. Dữ liệu từ Mirae Asset cho thấy nhiều chuỗi như FPT Shop và Thế giới Di động đã đóng hàng trăm cửa hàng để tập trung vào tối ưu hiệu suất và lợi nhuận. Thay vì mở rộng quy mô, doanh nghiệp tập trung vào cải thiện doanh thu bình quân trên mỗi cửa hàng, đồng thời mở rộng danh mục sang các mặt hàng có biên lợi nhuận cao hơn như thiết bị gia dụng, sản phẩm tích hợp AI, hoặc nhóm hàng thiết yếu. Quá trình tinh gọn này giúp doanh nghiệp thích ứng tốt hơn trong bối cảnh thị trường bước vào giai đoạn bão hòa.

Điểm sáng đáng kể là sự bùng nổ của thương mại điện tử (TMĐT). Năm 2024, doanh thu TMĐT Việt Nam vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với 2023, chiếm 11% doanh số ngành bán lẻ. Các nền tảng như Shopee, Lazada, Tiktok Shop không còn xa lạ với cả người tiêu dùng thành thị lẫn nông thôn. Giai đoạn hậu đại dịch đã thúc đẩy người tiêu dùng thay đổi hành vi, ưu tiên sự tiện lợi, minh bạch giá và tốc độ. Theo dự báo của Google – Temasek – Bain, TMĐT Việt Nam có thể đạt 60 tỷ USD vào năm 2030, trở thành thị trường phát triển nhanh thứ hai Đông Nam Á sau Indonesia.

Đồng thời, mô hình bán lẻ kết hợp giữa online và offline (omni-channel, O2O) đang trở thành chiến lược chủ đạo của nhiều doanh nghiệp. Không chỉ gia tăng trải nghiệm khách hàng, xu hướng này còn giúp tối ưu chi phí, dữ liệu và hiệu quả vận hành trong dài hạn. Đây sẽ là yếu tố định hình lại toàn cảnh ngành bán lẻ Việt Nam trong thập kỷ tới.

“Ông lớn” MWG, FRT, PET... bắt nhịp hồi phục

Trái ngược với giai đoạn khó khăn hậu COVID, bức tranh lợi nhuận của doanh nghiệp bán lẻ năm 2024 đã cải thiện rõ rệt. Theo Mirae Asset, tổng doanh thu của 5 công ty lớn trong ngành (MWG, DGW, FRT, PET, PSD) tăng 15%, tổng lợi nhuận ròng tăng đột biến 1.250% YoY. Đặc biệt, MWG đóng vai trò dẫn dắt với lợi nhuận tăng hơn 2.100% trong năm 2024.

Bước sang quý I/2025, MWG tiếp tục duy trì phong độ với doanh thu đạt 36.131 tỷ đồng (+15% YoY), lợi nhuận sau thuế đạt 1.548 tỷ đồng (+71%). Công ty đẩy mạnh chiến lược tối ưu hóa chuỗi cửa hàng, mở rộng mạng lưới Bách Hóa Xanh (dự kiến thêm 400 cửa hàng), đồng thời định hướng chuyển dịch tăng trưởng sang mảng gia dụng và thực phẩm.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hữu Kiên

CLIP HOT