Lễ hội Áo dài 2022: Sự trở lại mạnh mẽ của du lịch TP.HCM
Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 8 là lời chào của ngành du lịch Thành phố mang tên Bác gửi đến du khách trong và ngoài nước trong nhịp sống bình thường mới.
Tối 5/3, Lễ hội Áo dài TP.HCM lần thứ 8 năm 2022 với chủ đề “Tôi yêu áo dài Việt Nam” chính thức khai mạc tại Công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ.
Phát biểu khai mạc lễ hội, bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định, lễ hội áo dài là một trong những ý tưởng đẹp và sáng tạo của ngành du lịch cùng ngành văn hóa và Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM không chỉ thu hút khách du lịch, mà còn góp sức giữ gìn, tôn vinh và lan tỏa vẻ đẹp của chiếc áo dài truyền thống, quảng bá bản sắc dân tộc của Việt Nam.
Bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu khai mạc lễ hội
Trải qua gần 10 năm tổ chức, lễ hội áo dài với nội dung ngày càng phong phú, tinh tế, hình thức ngày càng đa dạng, lôi cuốn, quy mô ngày càng được mở rộng đã trở thành sự kiện văn hóa đặc trưng và uy tín của TP.HCM trong lòng người dân và du khách trong và ngoài nước. Lễ hội Áo dài TP.HCM lần thứ 8 năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt khi được tổ chức trong bối cảnh cả nước và TP.HCM đang khôi phục trở lại các hoạt động kinh tế, xã hội, đời sống người dân đang trở lại trạng thái bình thường mới.
Lễ hội Áo dài năm 2022 này cũng là một minh chứng sinh động cho nội lực, sức sống mãnh liệt, sự đồng lòng, tinh thần sẵn sàng và niềm tin ở tương lai của TP.HCM. "Lễ hội khẳng định sự trở lại mạnh mẽ và nhanh chóng của ngành du lịch Thành phố, bồi đắp thêm niềm tin về sự thành công của ngành du lịch trong hành trình xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành “Đô thị du lịch sống động hàng đầu Châu Á”", bà Thắng nhấn mạnh.
Lãnh đạo TP.HCM trao hoa cho các đại sứ hình ảnh áo dài tại Việt Nam
Với chủ đề “Tôi yêu áo dài Việt Nam”, Lễ hội nhằm tôn vinh vẻ đẹp của áo dài truyền thống, giới thiệu nét đẹp và sự tiện dụng của áo dài nhằm đưa áo dài trở thành trang phục quen thuộc của mọi giới, mọi ngành, được lựa chọn sử dụng thường xuyên trong công việc hàng ngày và trong các dịp lễ, sự kiện quan trọng trong năm. Qua đó, góp phần gìn giữ và bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng.
Lễ hội Áo dài năm 2022 là sự kiện góp phần khẳng định quyết tâm của TP.HCM trong việc tái khôi phục và phát triển sau dịch bệnh, giới thiệu đến du khách trong nước và quốc tế một TP.HCM sống động và hiện đại, một điểm đến hấp dẫn và an toàn, hướng đến xây dựng hình ảnh “đô thị du lịch sống động hàng đầu châu Á”.
Tại Lễ khai mạc, công chúng đã được thưởng lãm gần 600 bộ áo dài với sự tham gia biểu diễn của gần 200 diễn viên, ca sĩ, nghệ sĩ, người mẫu nhằm giới thiệu đến công chúng hành trình gìn giữ và phát huy nét đẹp của chiếc áo dài Việt Nam theo chiều dài lịch sử của dân tộc, truyền cảm hứng về áo dài cho người tham dự.
Bà Lê Thị Thu Hằng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, duyên dáng trong tà áo dài
Lễ khai mạc còn có sự tham gia biểu diễn của các “diễn viên đặc biệt” là các nữ y bác sĩ bệnh viện Quân y 175 đã trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh và các nữ doanh nhân thuộc Hội Doanh nhân TP.HCM là những đơn vị đã đóng góp cho các hoạt động từ thiện và hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch Covid-19 của Thành phố, các phu nhân là đại diện Hội Phụ nữ Việt Nam ở các nước.
Được tổ chức trong thời điểm có ý nghĩa đặc biệt của Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh 15 Đại sứ Lễ hội là các văn nghệ sĩ, travel blogger… Lễ hội Áo dài năm 2022 có các đại sứ đặc biệt là Đại sứ ông Phạm Sanh Châu - Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại Ấn độ, Nepal và Brutan, bà Hồ Thị Thanh Trúc – Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại Sri Lanka, Maldives, Travel blogger Trần Đặng Đăng Khoa, các thí sinh cuộc thi Miss Charm 2022 với khát vọng đưa hình ảnh đất nước, con người và bản sắc văn hóa Việt Nam tiếp tục chạm đến trái tim của bạn bè năm châu.
Trong khuôn khổ lễ hội còn có diễu hành áo dài về chủ đề “Khát vọng hòa bình” với sự tham gia của hơn 2.000 người; chương trình nghệ thuật về áo dài với chủ đề “Áo dài ơi”; không gian Triển lãm áo dài và điểm đến du lịch; cuộc thi “Duyên dáng áo dài Thành phố Hồ Chí Minh”; cuộc vận động thiết kế mẫu áo dài với chủ đề “Áo dài ra thế giới”...
Lễ hội còn phát động các nhà may, các đơn vị bán vải áo dài, phụ kiện kèm theo áo dài thông qua hình thức giảm giá từ 5% đến 50% khi may áo dài, may áo dài lấy nhanh, giảm giá mua vải áo dài và phụ kiện hoặc tặng phụ kiện kèm theo khi mua vải hoặc khi may áo dài... cho du khách và người dân TP.
Các doanh nghiệp lữ hành bổ sung thêm hoặc thiết kế các tour mới có nội dung gắn với Lễ hội Áo dài; đồng thời, vận động các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch có nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Lễ hội như: giảm giá tour, tặng hoặc bán các bộ quà tặng hưởng ứng Lễ hội Áo dài trong tháng 3, tháng 4, giảm giá cho du khách sử dụng dịch vụ du lịch khi mặc áo dài...
Đặc biệt, Ban Tổ chức Lễ hội nhận được sự ủng hộ, đồng hành của Công ty Cổ phần Bất động sản Sơn Kim (SonKim Land), Công ty Cổ phần Thời trang Sơn Kim (SonKim Mode), Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, Công ty Cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn, Công ty Cổ phần Đầu tư & Thương mại Dịch vụ Hải Hưng, Tập đoàn TH, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn – TNHH MTV, Công ty Cổ phần Dịch vụ Vận tải Số Trí Nam, Công ty TNHH Thường Nhật (Saigon Waterbus), Công ty Cổ phần Ngắm Cảnh Việt Nam – CN Hồ Chí Minh. trong quá trình tổ chức Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 8 năm 2022.
Kinh tế TP.HCM đang dần phục hồi trở lại, tình hình dịch bệnh COVID-19 của Thành phố vẫn đang được kiểm soát tốt.