Đề xuất thành lập Khu thương mại tự do Trần Đề
Để tạo sức hút cho nhà đầu tư đến với cảng biển ở Sóc Trăng, đơn vị tư vấn đề xuất tỉnh này lên phương án thành lập khu thương mại tự do để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch, dịch vụ chất lượng cao.
Sáng 25/12, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng chủ trì cuộc họp với các sở, ngành và đơn vị tư vấn để làm rõ báo cáo dự thảo nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, khai thác bến cảng Trần Đề.
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch – Đầu tư Sóc Trăng, Nghị quyết số 78/NQ-CP Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định rõ đến năm 2030 phải hoàn thành hệ thống cảng biển theo quy hoạch. Trong đó, cảng Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng phát triển thành cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng.Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu chủ trì cuộc họp. Ảnh: Duy Khang.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1579/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, quy hoạch cảng biển Sóc Trăng với trung tâm là bến cảng Trần Đề tiềm năng trở thành một trong 6 cảng biển đặc biệt của Việt Nam với chức năng phục vụ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp địa phương và vận chuyển hàng hóa, hành khách tuyến bờ ra đảo; có các bến tổng hợp, container, hàng rời và bến cảng khách phát triển theo định hướng xã hội hóa phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và năng lực của nhà đầu tư. Quyết định này cũng nêu rõ cảng biển Sóc Trăng là tiềm năng phát triển phía ngoài khơi để đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ vùng ĐBSCL.
Hiện nay, hơn 70% lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu của vùng ĐBSCL phải vận chuyển bằng đường bộ lên cảng biển TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu, làm tăng chi phí vận chuyển, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng chất lượng hàng hóa, đồng thời tạo áp lực lên giao thông đường bộ. Do đó, việc phát triển bến cảng Trần Đề sẽ tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn về tiếp cận trực tiếp với các tuyến vận tải biển quốc tế của hàng hóa trong vùng.
Thời gian qua, Chính phủ, Bộ GTVT, UBND tỉnh Sóc Trăng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao tính hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư triển khai đầu tư xây dựng bến cảng Trần Đề như khởi công dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng để kết nối với bến cảng Trần Đề, hội thảo về đầu tư bến cảng Trần Đề… nhằm nhanh chóng hiện thực hóa khát vọng hình thành cảng biển cửa ngõ của vùng.Cảng Trần Đề được quy hoạch là cảng biển cửa ngõ của vùng ĐBSCL.
Để thu hút nhà đầu tư đến với cảng Trần Đề, đại diện đơn vị tư vấn thuộc Bộ GTVT đã đề xuất tỉnh Sóc Trăng lên phương án trình Trung ương thành lập Khu thương mại tự do Trần Đề gắn với cảng biển này. Khu thương mại tự do là khu chức năng, có ranh giới địa lý xác định trong phạm vi Khu kinh tế ven biển Trần Đề dọc theo cửa biển này và vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng. Quy mô đơn vị tư vấn đề xuất thành lập Khu kinh tế tự do Trần Đề rộng 40.000 ha, được thành lập để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao.
Đối với đề án đầu tư bến cảng Trần Đề, đơn vị tư vấn đưa ra tỏng mức đầu tư sơ bộ đến giai đoạn hoàn thành cảng Trần Đề là gần 154.000 tỷ đồng với phương án cát được khai thác tại mỏ. Với phương án giá cát mua theo thị trường, tổng mức đầu tư của cảng có thể lên đến 186.345 tỷ đồng. Với tổng mức đầu tư lớn như thế này, cảng biển Trần Đề khi hoàn thành có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu container 100.000 DWT hoặc lớn hơn và tàu hàng rời 160.000 DWT, công suất thiết kế từ 80 - 100 triệu tấn/năm.
Về cơ chế, chính sách đột phá trong huy động nguồn lực tổ chức thực hiện các quy hoạch, đơn vị tư vấn đưa ra vấn đề nghiên cứu cơ chế, chính sách huy động nguồn lực để triển khai lập quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành hàng hải; sử dụng nguồn thu cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng bến cảng đầu tư từ nguồn ngân sách để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng; miễn, giảm tiền sử dụng khu vực biển để đầu tư phát triển cảng biển và các cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu huy động nguồn lực thực hiện quy hoạch.
Đối với các cơ chế chính sách thuộc thẩm quyền của tỉnh Sóc Trăng là cơ chế, chính sách hỗ trợ hãng tàu tới làm hàng tại cảng biển Trần Đề. Cụ thể, đề xuất HĐND ban hành quy định chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển vận chuyển container quốc tế và nội địa đi, đến cảng Trần Đề và các doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu hoặc nhập khẩu vận chuyển bằng container đi, đến cảng Trần Đề với nhiều mức hỗ trợ khác nhau.
Cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được đơn vị tư vấn gợi mở là định kỳ hàng năm tổ chức các diễn đàn, hội nghị hỗ trợ doanh nghiệp khai thác cảng ký các thỏa thuận hợp tác, phát triển với các đầu mối thu gom hàng hóa tại các tỉnh trong vùng ĐBSCL như cảng, bến thủy nội địa; đại lý phân phối phân bón, thức ăn chăn nuôi; đại lý thu gom lúa gạo, nông sản.Cầu vượt biển ra cảng Trần Đề dự kiến dài 18 km.
Trao đổi với đơn vị tư vấn và các sở, ngành, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu nói rằng việc đề xuất thành lập Khu thương mại tự do Trần Đề rộng 40.000 ha là quy mô quá nhỏ, cần nghiên cứu mở rộng thêm nhiều lần vì không khéo sau này sẽ trở thành điểm nghẽn do quá tải.
Theo người đứng đầu chính quyền tỉnh Sóc Trăng, việc triển khai nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách đặc thù nhằm ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, khai thác bến cảng Trần Đề là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm thu hút nhà đầu tư cũng như đảm bảo khai thác hiệu quả bến cảng, góp phần hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Do đó, đơn vị tư vấn cần xác định lại khâu lộ trình, quy trình và tiếp thu ý kiến góp ý của các sở, ban ngành có liên quan trước khi hoàn thiện đề án vì đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét.