Chuyên gia Fulbright: “Mức thuế cuối cùng nhiều khả năng có thể thấp hơn 20%”
Chuyên gia Fulbright cho rằng mức thuế cuối cùng nhiều khả năng có thể thấp hơn 20% với những mặt hàng chiến lược của Việt Nam nếu đáp ứng được quy tắc xuất xứ.
Quan điểm được ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam chia sẻ tại hội thảo do Chứng khoán VPBank tổ chức ngày 8/7 tại TP.HCM.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam
Chưa nên quá mừng
Đề cập bức tranh kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2025, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam cho biết, nếu nhìn kỹ, con số vĩ mô không phản ánh hoàn toàn những khó khăn tồn tại trong nền kinh tế, đặc biệt sức mua thị trường nội địa.
Vị này nêu, 6 tháng đầu năm, việc đạt được con số vĩ mô tích cực đến từ hai động lực lớn. Thứ nhất, mặc dù thuế quan cao nhưng xuất khẩu tăng mạnh khi các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất để chuẩn bị. Thứ hai, đầu tư công rất tích cực. Đầu tư công sẽ hưởng lợi tốt trong 3 – 4 năm tới. Áp lực đạt được mục tiêu tăng trưởng cao rất lớn, đòi hỏi chính sách tiền tệ và tài khóa Việt Nam đều theo hướng hỗ trợ. Điều này sẽ tạo sức ép lên tiền đồng, nhưng đổi lại tín dụng tăng 8,3%, cung tiền tăng 7,1%, giải ngân đầu tư công tăng đến 25%. Ngoài ra, chi ngân sách tăng nhiều hơn thu ngân sách. 6 tháng cuối năm, định hướng này sẽ được tiếp tục bởi Chính phủ muốn đạt đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%.
Nói về mức thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ, ông Thành cho rằng, chưa nên quá mừng về việc thuế quan Việt Nam sẽ là thấp nhất trong khu vực. Nhiều khả năng Philippines sẽ nhận mức thuế thấp nhất khu vực. Thuế đối ứng ngày 2/4 là 17%, nên ngay cả không được giảm, Philippines vẫn là thấp nhất. Ấn Độ cũng có khả năng hưởng mức thuế thấp. Ngoài ra, Malaysia và Indonesia cũng có thể được giảm thuế.
Theo chuyên gia này, cả khu vực châu Á và Đông Nam Á vẫn sẽ duy trì sức hút FDI. Tuy nhiên, vai trò của Singapore sẽ rất lớn, đặc biệt trong chuyển tải hàng hóa. Thời gian tới, Singapore sẽ là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Nhưng vốn sẽ không phải của Singapore mà là Trung Quốc để tránh cáo buộc từ Mỹ. Việt Nam có lợi thế nhờ quan hệ ngoại giao kinh tế đa phương với Mỹ, Trung Quốc, ASEAN và Singapore… Từ đó, Việt Nam có thể quản lý rủi ro địa chính trị và đạt được vị thế rất tốt.
Giải quyết vấn đề cố hữu
Đánh giá việc “sắp xếp lại giang sơn” sẽ tạo động lực ra sao cho đất nước, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, yếu tố tích cực nhất về mặt vĩ mô là giải quyết được vấn đề cố hữu: đầu tư cơ sở hạ tầng dàn trải, lãng phí, trùng lặp. Trước đây, khi có nhiều tỉnh, mỗi tỉnh đều muốn đầu tư sân bay, cảng biển. Sau khi giảm số lượng tỉnh, Chính phủ có thể tập trung vào các dự án hạ tầng quan trọng, mang tính hệ thống.
Kế đến, theo chuyên gia Fulbright, việc sắp xếp lại sẽ thúc đẩy nhanh hơn quá trình đô thị hóa. Nền kinh tế Việt Nam, thị trường chứng khoán hay doanh nghiệp có thành công hay không, phụ thuộc vào việc đô thị hóa thành công, xây dựng nền kinh tế với các cực tăng trưởng từ đô thị, sức mua đến từ kinh tế đô thị lớn lên, doanh nghiệp không chỉ dựa vào xuất khẩu mà còn cả tiêu dùng nội địa.
Ông Thành cũng bày tỏ quan điểm ấn tượng với một số dự án luật trong kỳ họp Quốc hội vừa qua.
“Tôi ấn tượng nhất với Nghị quyết 68 và 57 về kinh tế tư nhân và đổi mới sáng tạo. Với Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn sẽ hưởng lợi nhiều nhất. Những tập đoàn, doanh nghiệp làm được 1 trong 3 việc là dẫn dắt chuỗi cung ứng, có hệ sinh thái mạnh, giúp Nhà nước thực hiện các công trình, dự án lớn thì sẽ được ưu tiên, ưu đãi, hỗ trợ tài chính, pháp lý…”, ông Thành chia sẻ.
Ngoài ra, về đổi mới sáng tạo, tác động mạnh nhất từ chính sách đến từ ưu đãi thuế. Theo ông Thành, dư địa tài khóa của Việt Nam hiện đã đủ để đẩy mạnh ưu đãi thuế như thuế TNDN, thuế TNCN…
Việt Nam sẽ hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư trong xu hướng “+1”
Đánh giá về bức tranh kinh tế chính trị toàn cầu 6 tháng vừa qua, ông Nguyễn Xuân Thành nhìn nhận, với câu chuyện thuế quan thì tăng trưởng toàn cầu sẽ suy giảm trong cả nửa cuối 2025 lẫn 2026. Nhưng những gì xảy ra trong tuần qua lại cho thấy sự tích cực mạnh lên ở một số khía cạnh, đặc biệt với Việt Nam.
Thứ nhất, ngay cả ở các kịch bản xấu nhất, khi thuế áp lên Việt Nam cao hơn các đối thủ 5%, nước ta vẫn là điểm đến hấp dẫn với đầu tư nước ngoài. Điều này thể hiện ở phản ứng tích cực của NĐT, đặc biệt NĐT nước ngoài trong những ngày qua. Những lo ngại về việc Việt Nam không còn là điểm đến FDI đã biến mất.
Thứ hai, chính sách của ông Donald Trump thực chất tập trung nhiều vào một số ngành hàng mà Mỹ cần bảo hộ như xe hơi, thép và nhôm. Những mặt hàng này không phải là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.
Thứ ba, thuế quan mới chỉ là thông tin từ phía Mỹ. Việt Nam vẫn chưa công bố thêm, bởi đàm phán vẫn đang tiếp tục diễn ra. Sau khi tuyên bố thỏa thuận về nguyên tắc, Anh và Mỹ phải mất 1 tháng để có thỏa thuận cuối cùng. Việt Nam và Mỹ đang chi tiết hóa thỏa thuận, tương đương với một hiệp định thương mại song phương. Mức thuế cuối cùng nhiều khả năng có thể thấp hơn 20% với những mặt hàng chiến lược của Việt Nam nếu đáp ứng được quy tắc xuất xứ.
Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia lại nhận thuế quan cao hơn. Thư gửi đêm 7/7 từ Mỹ mang tính đe dọa, tức không phải đây là mức thuế cuối cùng. Nếu các nước không kết thúc được đàm phán thì sẽ nhận được một mức thuế cao như vậy. Đây là cách của ông Trump thúc đẩy đàm phán. Ông Thành cho rằng, các nước sẽ đều giảm được thuế quan, trừ những mặt hàng mà Mỹ muốn bảo hộ.
Đánh giá về nền kinh tế Mỹ trong năm 2026, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, không chỉ Mỹ mà các nước thu nhập cao sẽ không còn có lợi thế trong các ngành công nghiệp sản xuất, chế biến chế tạo, đặc biệt ngành thâm dụng lao động. Ngay cả một chính sách dùng thuế quan bảo hộ, trợ giá nội địa cũng không thể thành công.
Trước đây, người ta thường hay nói đến chính sách Trung Quốc + 1. Nhưng hiện nay, sẽ là Trung Quốc + 2, +3 hoặc nhiều hơn nữa. Trước căng thẳng địa chính trị, các tập đoàn đa quốc gia vẫn phải hiện diện ở Trung Quốc, là cơ sở sản xuất chính, ít nhất nhằm khai thác thị trường Trung Quốc. Trước kia, các doanh nghiệp chọn một cứ điểm khác hay “+1”. Nhưng hiện tại, các doanh nghiệp phải chọn nhiều điểm, hy sinh về tính hiệu quả, chi phí đầu tư dàn trải để đối mặt với căng thẳng địa chính trị. Mỗi khu vực lại cần một cứ điểm sản xuất. Tại Đông Nam Á, cứ điểm này có thể là Việt Nam; Nam Á là Ấn Độ; Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Tây Âu, Đông Âu … đều cần có sự hiện diện.
“Việt Nam sẽ hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư trong xu hướng “+1”. Đặc biệt, Việt Nam có lợi thế trong các ngành công nghiệp sản xuất. Ngoài ra, Việt Nam sẽ dần dần có sự chuyển đổi, từ lắp ráp gia công sang sản xuất linh, phụ kiện. Ấn Độ, Philippines có thể được hưởng thuế quan rất thấp, trở thành những nước xuất khẩu sang các nước khác. Việt Nam có thể không chỉ sản xuất mặt hàng giá trị gia tăng thấp, xuất sang Mỹ, châu Âu mà có thể sản xuất linh phụ kiện với giá trị gia tăng cao để đưa sang các nước châu Á khác”, chuyên gia Fulbright nhận định.