THẤY GÌ QUA VIỆC TRUNG QUỐC GIẢM GIÁ LIÊN TIẾP ĐỒNG NỘI TỆ?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Người dân TQ đã quen với mức tăng trưởng cao nhất thế giới và mức sống tăng, đồng lương tăng. Bây giờ, họ thấy mình được chuyển sang một thực tế khác: tăng trưởng chậm, đồng lương không đủ sống và nguy cơ thất nghiệp cao. Ban lãnh đạo TQ phải thuyết phục được họ là đợt suy giảm này không kéo dài và tình hình vẫn hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của chính phủ. TQ hiện có mức tăng trưởng khoảng 7%, Nhưng chi tiêu tiêu dùng giảm và các dịch vụ tài chính như chứng khoán cũng giảm.

THẤY GÌ QUA VIỆC TRUNG QUỐC GIẢM GIÁ LIÊN TIẾP ĐỒNG NỘI TỆ? - 1

Hành động của Trung Quốc không ai ngờ!

Khi phát động “cuộc chiến tranh tiền tệ”, Ngân hàng Nhân dân TQ (PBOC) chỉ đưa ra tỉ giá hướng dẫn, còn các giao dịch có thể tăng, giảm ở biên độ 2% trong ngày. Trong tuyên bố của mình, PBOC khăng khăng: “Môi trường kinh tế của TQ vẫn mạnh và ổn định, thặng dư mậu dịch vẫn được duy trì và dự trữ ngoại hối nhiều. Chúng tôi chỉ áp dụng cơ chế tỉ giá mới để đưa giá trị của đồng NDT sát với giá thị trường hơn”. Nhưng lời vấn an này không che giấu được sự thật: TQ thay đổi chính sách đối với tỉ giá đồng tiền là do các thống kê khá ảm đạm của kinh tế. Nhà phân tích tiền tệ Philippe Gelis, giám đốc điều hành và đồng sáng lập công ty Kantox nói: “Hành động của TQ là điều ít ai ngờ. Khi TQ nhanh chóng chuyển từ chính sách bảo đảm đồng nội tệ ổn định sang việc để cho nó yếu thì chúng ta phải nghĩ ngay là tình trạng kinh tế của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này là rất đáng báo động. Nhưng thay vì thả nổi đồng tiền để nó tự định giá theo thị trường, TQ quyết định can thiệp bằng động thái ấn định giá theo chiều giảm. Theo tôi, TQ đã chính thức tuyên bố ‘cuộc chiến tranh tiền tệ’ với các nước xuất khẩu khác khi làm như thế. Thông lệ quốc tế cho thấy các ngân hàng trung ương thường chỉ can thiệp vào lãi suất chứ không can thiệp vào tỉ giá đồng tiền. Họ để cho thị trường quyết định”. Đồng NDT yếu so với đồng USD sẽ giúp TQ xuất khẩu được nhiều hàng hoá hơn, cũng có nghĩa là giữ được việc làm cho công nhân lao động, tránh những bất ổn tiềm ẩn trong nước khi số người thất nghiệp đông. Tuy nhiên, bản thân đồng tiền mất giá cũng tạo ra bất ổn khác khi người làm công ăn lương cảm thấy thu nhập của mình bị giảm do mua được ít hàng hoá nhập ngoại (thậm chí cả hàng nội, nếu tăng giá để bù vào việc mất giá của đồng tiền) hơn. “Cuộc chiến tiền tệ” do TQ phát động sẽ có người thắng kẻ thua nếu các nước xuất khẩu khác không có đối sách thích hợp như hạ giá đồng tiền hoặc giảm thuế để giữ lại thị phần xuất khẩu những mặt hàng chiến lược, không cho TQ xâm lấn. Đồng nội tệ giá thấp so với đồng USD có nghĩa là người dân TQ sẽ bớt mua hàng nhập khẩu hơn nếu không muốn tốn thêm một số NDT để mua một món hàng. Người dân TQ cũng sẽ ít đi du lịch nước ngoài hơn vì sẽ tốn nhiều tiền hơn cho các khoản chi phí ở nước ngoài. Nếu hàng từ nước ngoài đưa vào TQ không có điều chỉnh về giá cả, chắc chắn số lượng bán ra sẽ ít hơn. Hệ quả là giá cổ phiếu của công ty sản xuất ra nó sẽ giảm. Hàng hoá nào càng lệ thuộc vào thị trường TQ nhiều hơn, công ty sản xuất ra nó càng khó khăn hơn. Công ty Apple là một ví dụ khi cổ phiếu của công ty này mất giá hơn 5% trong đợt giảm giá mới đồng nội tệ của TQ. Cuộc chiến tranh tiền tệ mà TQ phát động đã được tính toán kỹ lưỡng trong tình hình “công xưởng sản xuất hàng hoá” của thế giới này đang gặp trì trệ về xuất khẩu và mức tăng trưởng kinh tế bị chậm lại trong nhiều tháng liên tiếp. Doanh thu xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2015 giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí đầu vào trong sản xuất, kể cả tiền lương, tiền thuê mặt bằng và bảo vệ môi trường tại TQ đã tăng đáng kể trong những năm gần đây khiến lợi nhuận trên từng sản phẩm của các công ty giảm. Hậu quả là có không ít công ty nước ngoài phải giải bài toán giá thành bằng cách chuyển sang những nước có nhân công rẻ hơn và các chi phí khác cũng rẻ hơn. Việt Nam, Campuchia…là các chọn lựa thay thế. Sau ba ngày đầu tiên giảm giá liên tiếp đồng nội tệ, Ngân hàng trung ương cho biết “tỉ giá đồng NDT sẽ được quyết định trên căn bản hàng ngày dựa vào số liệu giao dịch của ngày hơn trước để tỉ giá bám sát giá trôi nổi trên thị trường hơn”. Tuy nhiên, đây chỉ là một cách nói vì bất cứ ai thông hiểu về tiền tệ cũng biết việc TQ giảm giá mạnh đồng nội tệ không phải là tuân thủ luật chơi thị trường mà đây là “cuộc chiến tranh tiền tệ” do TQ phát động để phục hồi xuất khẩu, giành lại thị phần đã mất của một số loại hàng hoá chiến lược, đặc biệt là hàng may mặc, da giày. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy tổng doanh thu xuất khẩu của TQ giảm đáng kể, thậm chí có chuyên gia kinh tế dự báo “kinh tế TQ sẽ rơi vào tình trạng suy thoái lâu dài nếu chính phủ không đưa ra được những giải pháp quyết đoán và khả thi”. Các nhà quan sát kinh tế tài chính gọi đích danh động thái mới của TQ là “cuộc chiến tranh giành thị phần xuất khẩu”. Đồng NDT yếu có nghĩa là hàng TQ bán tại Mỹ (thị trường chủ lực giúp TQ đạt thặng dư thương mại cao nhất thế giới) sẽ rẻ hơn và các công ty TQ sẽ nâng được tính cạnh tranh trên các thị trường quốc tế. Trong quá khứ, tỉ giá đồng NDT luôn là chủ đề chính trong các cuộc đấu khẩu thương mại giữa Mỹ và TQ. Có lúc Mỹ cho rằng TQ đã cố áp giá đồng nội tệ thấp hơn giá trị thật để xuất khẩu được nhiều hơn. Mỹ đòi TQ để đồng NDT tăng giảm theo thị trường tự do. Nhưng đa số đề nghị của Mỹ đều không được đáp ứng, bất chấp các đe doạ trả đũa. Sau một thời gian giữ giá đồng NDT không cho giảm nữa để xoa dịu Mỹ, TQ buộc phải giảm giá nó là do các vấn đề kinh tế nội tại chứ không phải do áp lực của Mỹ.

THẤY GÌ QUA VIỆC TRUNG QUỐC GIẢM GIÁ LIÊN TIẾP ĐỒNG NỘI TỆ? - 2

Cách biệt giữa lời nói và việc làm

DBS Bank trong bản tin tài chính hàng ngày, viết: “Nếu TQ giảm giá đồng nội tệ từ 10 - 30% thì cũng phải mất một năm mới tạo ra được chuyển biến rõ rệt trong xuất khẩu, dĩ nhiên  là trong trường hợp các đối thủ cạnh tranh với TQ không có động thái tương tự, tức là giảm giá đồng tiền của họ”. Một chuyên viên tài chính khác nhận định: “Theo tôi vấn đề cần bàn không phải là TQ phá giá đồng tiền bao nhiêu phần trăm mà là tại sao TQ chọn lúc này mới phá?”. Từ lâu, TQ đã chịu áp lực của Mỹ và những nước nhập nhiều hàng của TQ là hãy để cho thị trường tự quyết định giá trị của đồng NDT theo hướng lúc tăng lúc giảm chứ không nên cố định giá cho nó trên hoá đơn hàng xuất khẩu. Ở lẩn giảm sâu này, TQ nói là đang đáp ứng yêu cầu giảm giá đồng NDT của Mỹ, nhưng TQ lại không nói đồng NDT mất giá không phải là do xung lực thị trường mà là do TQ buộc nó phải giảm. “Kinh nghiệm cho thấy, lời nói và việc làm không phải lúc nào cũng đi đôi với nhau trong những quyết sách của TQ. Lần này cũng thế. Giữ giá NDT cao hay kéo giá xuống cũng đều từ tư duy của ban lãnh đạo TQ chứ không phải của thị trường. Để xem, TQ có cho phép đồng nội tệ dao động hơn về tỉ giá như họ vừa cam kết” – một chuyên gia kinh tế nói.

 Trước mắt, Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có nhận xét tích cực về cách chính phủ để cho đồng NDT dao động giá hàng ngày thay vì ấn định tỉ giá “chết” đồng thời sẽ theo dõi sâu sát các động thái tiếp theo của TQ trước khi khẳng định đây có phải là một “cuộc chiến tranh tiền tệ” không. TQ luôn mong muốn gia nhập “câu lạc bộ tiền tệ ưu thế”  IMF nhưng mong muốn này không thành vì TQ không để cho thị trường tự do quyết định giá trị đồng nội tệ. Về lý thuyết, chính phủ Mỹ đón chào động thái này của TQ khi TQ bắt đầu làm quen với luật chơi của thị trường, nhưng Bộ Ngân khố Mỹ vẫn cảnh giác: “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi cách ứng xử của chính phủ TQ đối với tỉ giá đồng NDT và xem chúng sẽ ảnh hưởng thế nào đến thị trường tài chính và xuất khẩu quốc tế đồng thời chúng tôi sẽ tiếp tục áp lực TQ có thêm nhiều cải cách hơn nữa. Đi ngược xu thế này là không có lợi cho chính TQ. Trên thực tế, việc TQ bắt buộc phải giảm giá đồng nội tệ và cho phép “xung lực thị trường” có vai trò trong các vấn đề tài chính có nguyên nhân chính: xuất khẩu giảm, các công ty sản xuất thiếu đơn hàng phải giảm qui mô sản xuất, công nhân mất việc và hệ quả cuối cùng là bất ổn xã hội. Chính phủ TQ rất quan tâm đến “mất cân bằng kinh tế” và sợ rằng hiện tượng “hàng xuất khẩu được dùng cho tiêu dùng nội địa” sẽ kéo dài. Các nhà máy TQ sử dụng hàng trăm triệu lao động nên bất cứ sự suy giảm xuất khẩu nào cũng sẽ ảnh hưởng nặng nề đến đời sống công nhân dẫn đến oán than quan chức nhà nước, đặc biệt là những người giàu nhanh. TQ có vẻ như vẫn còn lúng túng trong việc giải quyết vấn đề này. Trong khi TQ tính bài toán của mình thì các đồng tiền châu Á quan trọng khác cũng bị ảnh hưởng và giảm theo dù không có sự can thiệp của ngân hàng nhà nước. Đây là tác động tự nhiên của một thế giới toàn cầu hoá, khi không một quốc gia nào có thể áp đặt các nước khác luật chơi riêng của mình. “Một bên là những người mua và một bên là những người bán, nhập khẩu và xuất khẩu. Không ai áp đặt được ai và không có chính phủ nào trên thế giới muốn thị phần xuất khẩu của mình bị cướp, để cho người dân thất nghiệp vì hàng hoá không bán được. Nhưng sẽ có người thắng kẻ thua trong cuộc chiến tiền tệ mới do TQ phát động” – báo cáo của DBS viết. Chúng ta hãy chờ xem những động thái sắp tới của TQ có chứng mình được “lời nói đi đôi với việc làm”: sẽ hội nhập sâu hơn vào thị trường tài chính thế giới.

         

LẬP XUÂN

(Theo The Economist và Financial Times 8.2015)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT