Thành Nhà Hồ truyền thuyết và thực tại

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thành Nhà Hồ truyền thuyết và thực tại - 1

 

Thành Nhà Hồ, Thành An Tôn, Thành Tây Giai, đều là tên của tòa thành do Hồ Quý Ly chỉ đạo xây dựng trong 3 tháng ở phía Tây tỉnh Thanh Hóa cách nay 600 năm và là kinh đô của vương triều ngắn ngủi, nhưng để lại dấu ấn rõ nét trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Thành Nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là di sản của thế giới đã mở ra một hướng mới trong khai thác, phát huy giá trị của di sản.

 

Những truyền thuyết quanh Thành Nhà Hồ

Dân quanh vùng Thành Nhà Hồ ai cũng được truyền lại một câu chuyện đau lòng về tấm lòng trung liệt của một người vợ với chồng, quanh chuyện xây Thành Nhà Hồ. Chuyện rằng, thủa đó khi xây thành ở cổng phía Đông thì gặp một con gà trắng sống lâu thành tinh, luôn rình phá việc xây thành. Thành cứ xây xong buổi tối thì gần sáng lại đổ, nhiều lần như thế, vua quá bực tức liền sai bắt quan trông coi lại để trị tội. Ông quan bị bắt nói cách gì cũng không làm vua tha tội chết được. Quá uất ức với cái chết oan của chồng, nàng Bình Khương liền đến trước cửa thành dập đầu vào đá kêu oan cho chồng. Bà cứ ngồi như vậy mãi cho tới khi thành xây xong thì bà cũng đi vào cõi vĩnh hằng. Cảm phục trước tấm lòng trung liệt của bà, người dân trong vùng đã dựng đền thờ bà ở cổng phía Đông thành. Ngày nay vẫn còn ngôi đền này và được đặt tên là đền Bình Khương. Phiến đá bà dập đầu kêu oan vẫn còn lõm vào được thờ trong đền...

Câu chuyện thứ hai đó là chuyện dũng tướng Trần Khát Chân cùng 300 tráng sĩ họ Trần bị tiêu diệt ở núi Đún gần Thành Nhà Hồ. Đã qua hơn 600 năm, thực hư thế nào trong câu chuyện truyền miệng về cuộc thảm sát đó chưa rõ lắm, nhưng thực tế thì núi Đún vẫn còn, đàn tế Nam Giao vừa được khai quật vài năm nay. Ở chân núi Đún vẫn còn đền thờ Trần Khát Chân theo dân gian thì rất thiêng, còn theo sử cũ thì khu vực đàn tế Nam Giao mà Hồ Quý Ly sai dựng để tế trời đất cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, bỗng chốc trở thành điểm thảm sát 300 tráng sỹ họ Trần cùng dũng tướng Trần Khát Chân, đó là dấu chấm hết của triều Trần trong tư tưởng khôi phục vương quyền.

Rồi chuyện đôi Rồng Đá hiện đang nằm tại trung tâm Thành Nhà Hồ bị mất đầu đang còn là bí ẩn. Đôi rồng này làm bằng đá, thân thon nhỏ, uốn bảy khúc, vây và lưng đều, trông rất đẹp, cân đối. Đầu của đôi rồng đá này đã bị mất, giờ chỉ còn bờm uốn lượn chín nếp. Vì sao đầu rồng lại không có, hoặc bị ai chặt? Đã có nhiều giả thiết quanh hiện tượng này, nhưng câu trả lời vẫn chưa thỏa đáng cho đến tận bây giờ. Trong những câu chuyện dân gian của làng Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc thì khi xưa trong vùng thường xảy ra các vụ cháy nhà, có thầy địa lý phán rằng, do có đôi rồng quay đầu về làng phun lửa nên làng mới hay bị cháy. Theo thầy địa lý phải chặt đầu rồng đi mới hết cháy và thế là bỗng dưng rồng bị mất đầu...

Còn nhiều chuyện xung quanh đôi rồng còn hiện hữu này, nhưng thiết nghĩ đây là hiện vật còn tương đối nguyên vẹn ghi dấu về một vương triều sớm tàn trong lịch sử, nhưng đã để lại nhiều thư tịch, chính sách cũng như một tòa thành mà hơn 600 năm sau trở thành di sản thế giới thì sự trường tồn dấu ấn của vương triều đó cũng là điều đáng ghi nhận.

Riêng việc xây thành thì Đại Việt sử ký toàn thư ghi rõ: “Mùa xuân, tháng Giêng 1397, Quý Ly sai Thượng thư bộ lại kiêm Thái Sử Lệnh Đỗ Tỉnh về xem xét đo đạc động An Tôn, phủ Thanh Hóa đắp thành đào hào, lập nhà tông miếu, mở đường phố, dựng đàn Xã tắc có ý muốn dời kinh đô về đó, tháng ba thì công việc hoàn tất”. Như vậy, chỉ với 3 tháng mà Hồ Quý Ly đã dựng xong một tòa thành kỳ vĩ có một không hai ở Đông Nam Á, lại tồn tại hơn 600 năm qua, kể ra đó cũng là điều kỳ bí của lịch sử mà giờ đây sự kỳ bí đó vẫn chưa hề hé mở...

Phát huy giá trị của Thành Nhà Hồ từ đâu?

Từ những truyền thuyết trên trở về thực tại Thành nhà Hồ và công việc hôm nay phải làm đó là phát huy giá trị cũng như bảo vệ sự trường tồn của di sản đã được đặt ra cho thấy. Thành có nền diện tích 155,5ha (vùng lõi) còn toàn thành rộng hơn 5000ha, cấu tạo gồm La thành, Hào thành và Hoàng thành, bên ngoài xây đá, bên trong đắp đất. Thành xây gần vuông, có chiều dài 870,5m; chiều rộng 883,5m; cao trung bình 7-8m, cửa Nam cao hơn 10m. Thành có bốn cổng Đông - Tây - Nam - Bắc, trục chính Nam - Bắc có 3 cửa. Kiến trúc cổng theo kiểu vòm từ những phiến đá được đục đẽo hình dẻ quạt xếp khít nhau, vững chãi, không xô dịch. Theo tính toán, tổng khối lượng đá xây thành khoảng 25.000m3 và gần 100.000m3 đất. Thành Nhà Hồ quả là kỳ vĩ, được vinh danh có giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, để khai thác và phát huy được giá trị của di sản, ngoài việc xây dựng những câu chuyện, truyền thuyết, những giá trị văn hóa kiến trúc bổ trợ như đã nêu ở trên thì vấn đề giải quyết những bất cập đơn lẻ trong tổng thể cần được quan tâm đó là:

Trước hết, Thành Nhà Hồ nằm cách TP. Thanh Hóa hơn 40km, nơi đây từ xa xưa vốn đã như một thung lũng bao la, được bao bọc bốn bề là núi và rừng khá hiểm trở. Có 3 con đường đi tới đây, đó là phía Bắc vào qua đường Hồ Chí Minh rẽ Cẩm Thủy; phía Đông sang qua đường 217 và phía Nam lên qua quốc lộ 45. Cả 3 hướng đến này đều là quốc lộ nhưng là những đường xương cá đã ít nhiều xuống cấp, hơi khó đi. Đến thị trấn Vĩnh Lộc có con đường duy nhất đi tới trước cửa Thành Nhà Hồ dài khoảng 2km, nhưng đã xuống cấp lở lói, chưa kể phân trâu, bò rải khắp mặt đường, cứ mưa xuống là lầy lội vì hệ thống thoát nước quá kém. Bên cạnh đó các dịch vụ bổ trợ cho các tour gần như không có, chẳng hạn chỗ nghỉ chân sau một đoạn đường dài đi từ TP. Thanh Hóa lên, du khách chỉ còn mỗi cách nếu không ngồi bệt xuống cỏ ven thành thì chỉ đứng để chờ quay về. Các dịch vụ khác như nước uống, vệ sinh hầu như không... Theo sơ bộ tính toán của Ban quản lý di sản thì mỗi ngày ở đây có vài trăm lượt khách tới tham quan, nhưng theo cách nghĩ của chúng tôi thì số khách này đến đây chủ yếu do tò mò, hiếu kỳ chứ chưa đến để khám phá và trải nghiệm ở một công trình kỳ vĩ có sự tồn tại hơn 600 năm tuổi này. Các hoạt động dịch vụ khác mới chỉ nằm ở dạng tiềm năng, chưa thực xác định là một tuyến điểm du lịch...

Vấn đề khai thác du lịch ở Thành Nhà Hồ cần đặt ra một cách nghiêm túc, để khai thác hiệu quả không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn là những vấn đề mang tính quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam qua di sản. Do vậy, sự đồng bộ vào cuộc ở đây không chỉ của địa phương, hay một ngành, một cấp nào mà phải có sự chung tay của nhiều Bộ, ngành, các cấp và điều tiên quyết vẫn là vai trò của tỉnh Thanh Hóa trong việc khơi thông những con đường đưa Thành Nhà Hồ trở lại đích thực giá trị của di sản trong phục vụ lợi ích của cộng đồng. Hy vọng rằng, với sự vào cuộc đó thì trong vài thập niên tới di sản Thành Nhà Hồ mới có thể trở thành thắng tích quan trọng trong bản đồ Du lịch Việt Nam.

Thế Nguyễn

(Báo Du lịch Việt Nam, Số 23, từ 14/6-20/6/2012)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT