Sự ra đời của thành ngữ CÔNG TỬ BẠC LIÊU

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

(Kỳ II)

Có người nói rằng, Trần Trinh Trạch sinh ra trong một gia đình người Hoa sang Bạc Liêu định cư tại Cái Dầy (xã Châu Hưng ngày nay) khá lâu đời. Thuở nhỏ, Trần Trinh Trạch làm mướn cho một gia chủ, Gia đình điền chủ này nhập quốc tịch Pháp. Theo quy định của Nhà nước Thực dân thì con cái của các gia đình đó phải học tiếng Pháp. Lúc bấy giờ truyền thống giáo dục nho học hãy còn phổ biến, người ta rất ngại học chữ Pháp, thế là Trần Trinh Trạch được gia đình này cho đi học thay thế con của họ. Và chính điều này đã tạo cho Trần Trinh Trạch một nấc thang trên con đường tiến thân sau này. Trần Trinh Trạch có trình độ học khoảng lớp 7-8 ngày nay, nói và viết được tiếng Pháp

Sự ra đời của thành ngữ CÔNG TỬ BẠC LIÊU - 1

Tượng vợ chồng ông Hội đồng Trạch

Thời ấy, dân bản xứ có được trình độ ấy rất hiếm. Thế là, Trần Trinh Trạch được chính quyền Thực dân tuyển vào làm Thư ký “hậu bổ” tại Tòa bố (Tòa hành chính tỉnh). Có lúc, Trần Trinh Trạch được “Tây nhà đoan” giao phụ trách Công xi rượu. Thời đó, Nhà nước Thực dân thực hiện chế độ độc quyền khai thác và sản xuất rượu, dân mà nấu rượu thì coi là phạm luật. Trần Trinh Trạch được giao cho cái quyền đi bắt rượu lậu. Bắt 10 người thì về báo cáo là 5 người. Chính vì thế mà có người nói Trần Trinh Trạch tích lũy vốn đầu tiên là do ăn hối lộ khi phụ trách quản lý Công xi rượu của Pháp.

Có một lúc, chính quyền Thực dân giao cho Trần Trinh Trạch là thư ký tại Tòa bố phụ trách điền địa. nên nhớ rằng, chính sách điền địa của Pháp lúc bấy giờ rất lỏng lẻo, nó càng lỏng lẻo hơn so với miệt Tiền Giang bởi Bạc Liêu là một trong những vùng đất khai thác muộn màng nhất, dân đi khai phá chủ yếu là tự phát, cho nên việc lập bộ để cấp bằng khoán chính rất chậm chạp. Điều đó đã tạo ra thời cơ cho những nguời có thế lực và tiền bạc khẩn hoang trên giấy tờ. Nghĩa là họ lèo lách để chính quyền Thực dân cấp cho họ bằng khoán chính thức trên những mảnh đất rộng lớn mà Nhà nước chưa cấp bằng khoán chính thức cho ai, nhưng trên thực tế thì mảnh ruộng ấy đã có dân khẩn hoang nghèo đến khai hoang, làm ăn lâu rồi. Đây là một thủ đoạn cướp đất rất phổ biến của các thế lực giàu có đối với nông dân Bạc Liêu ngày xưa, mà vụ án đồng Nọc Nạng là một minh chứng sinh động. Cho nên, có thể nói, Trần Trinh Trạch đang được Thực dân khoác cho một vai trò vô cùng béo bở. khó có thể loại được khả năng chạy chọt giấy tờ để ăn hối lộ và tự cấp đất cho mình. Một bằng chứng cho thấy, năm 1911, Hồ Biểu Chánh – một tiểu thuyết gia tầm cỡ của miền Nam lúc bấy giờ - đến làm Ký lục ở Bạc Liêu nhận xét rằng, nghề dễ làm giàu lúc đó ở Bạc Liêu là ăn hối lộ. và Ông viết: “Hồi đó, Tòa bố Bạc Liêu không khác nào chợ bán chè cháo, hễ tiền trao thì cháo múc…”. Tại thời điểm này, Trần Trinh Trạch đã mua được một diện tích đất khá lớn ở Cái Dầy…

Lúc này, có một địa chủ giàu khét tiếng ở Bạc Liêu tên là Phan Hộ Biết, tục danh là Bá hộ Bì, thường đến Tòa bố Bạc Liêu để nộp thuế và các thủ tục sở hữu đất đai đã ngắm nghía và đánh tiếng gả con gái cho Trần Trinh Trạch. Ông này giàu đến cỡ mà sách “Lịch sử khẩn hoang miền Nam” của nhà văn Sơn Nam ghi: “Năm 1894, ông Phan Hộ Biết đâm đơn xin lập làng mới tên là Vĩnh Hưng (xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi ngày nay). Dân do ông ta qui tụ về và chịu trách nhiệm đóng thuế thân cho họ. Bá hộ Bì đã bỏ tiền ra xây cất nhà việc (Công sở Làng) trị giá 200 đồng…”. Thế nhưng, một người giàu có tiếng khác đã nhảy vào tranh giành khai thác vùng này với ông ta, tên gọi Bành Trấn. Bành Trấn hứa với chính quyền Thực dân rằng, ông ta chịu đóng thuế cho 300 người và 1.500 mẫu đất nếu Toàn quyền Đông Dương cho ta sở hữu 1.000 mẫu”. Cuối cùng, Toàn quyền Đông Dương đã chấp nhận đơn của Bành Trấn.

Phải chăng, chính vì lý do này mà Bá hộ Bì đã chọn một thư ký phụ trách điền địa của Tòa bố làm con rể để hậu thuẫn trong việc làm ăn của ông ta (?). Phan Hộ Biết đã gả con gái của mình là Phan Thị Muồi (sinh năm 1873, chết ngày 28/01/1947) cho Trần Trinh Trạch.

Bá hộ Bì là một người rất giỏi làm ăn, ngoài việc là đại điền chủ, ông còn được mệnh danh là “Vua” lúa gạo Nam kỳ thời bấy giờ. Khi Pháp mở thương cảng Sài Gòn, Bá hộ Bì đã năng động mua hơn chục chiếc ghe chài để thu mua lúa gạo vùng Bạc Liêu chở về Sài Gòn. Và ông là chủ sở hữu hầu hết các sở muối từ Gành Hào cho đến Vĩnh Châu. Từ đó, Trần Trinh Trạch được bên vợ hậu thuẫn cho làm ăn. Thế nên, có người trong gia tộc họ Trần đã nói rằng mầm mống giàu có của Trần Trinh Trạch là do bên vợ.

Bá hộ Bì có đến 7 vợ sống chung. Lớp con cháu của ông sau này không ai chí thú làm ăn mà chỉ lo ăn chơi, phá của. Bá hộ Bì phân chia điền sản cho các con thì không bao lâu nó chạy sang về tay Trần Trinh Trạch, bởi lúc này ông Trạch là người cho vay và những người anh em vợ của ông đã đến cầm cố nào ruộng đất, đất muối, ghe chài. Giống như Trần Trinh Trạch là người thừa kế duy nhất của ông Phan Hộ Biết.

Khi đã giàu có rồi, Trần Trinh Trạch bắt đầu nghĩ tới việc vinh hiển bằng con đường quan chức. Vào những năm 1929-1933, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra và cũng là cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc nhất trong lịch sử Chủ nghĩa Tư bản. Mức sản xuất toàn bộ thế giới Tư bản Chủ nghĩa giảm 42%, trong đó tư liệu sản xuất giảm 53%. Tại Pháp cuộc khủng hoảng diễn ra hết sức trầm trọng: công nghiệp giảm 1/3; nông nghiệp giảm 2/5; ngoại thương giảm 3/5. Chính vì thế, chính sách của Thực dân là lấy của cải của thuộc địa đem về nuôi mẫu quốc. Thực dân Pháp chiêu dụ các điền chủ để gom góp của cải bằng việc bán cho họ các chức hàm và phong chức tước lớn nhỏ tùy vào mức tiền ủng hộ. Những người trong gia tộc Trần Trinh kể rằng, Trần Trinh Trạch đã ủng hộ nước Pháp một khoảng tiền to, to tới cỡ mẫu quốc gắn cho Trần Trinh Trạch mề đay Ngũ đẳng Bội tinh và ban tặng thanh gươm gia bảo. Theo ông Phan Kim Khánh, cháu ngoại của Trần Trinh Trạch, khoảng năm 1960, đại sứ Pháp đến gặp ông Hen-ri, quản gia của nhà họ Trần xin gặp chi trưởng Trần gia để thương lượng mua lại thanh gươm với giá bao nhiêu cũng được. Vụ thương lượng này bất thành và nghe đâu thanh gươm ấy do hai người con của Trần Trinh Trạch là Trần Trinh Đinh và Trần Trinh Huy giữ, nay thì không biết nó thất lạc nơi nào. Còn tấm mề đay Ngũ đẳng Bội tinh thì sức mạnh vô song. Hễ ông Trạch mà đeo vào thì dù có Tỉnh trưởng, quan mật thám hay thầy đội Pháp cũng phải nghiêm chào.

Ngoài hai món trên, Trần Trinh Trạch  được Toàn quyền Đông Dương phong chức “Đại biểu Hội đồng Tư vấn mật vụ viện”. Chức danh này là theo cách gọi của một số người trong gia tộc Trần Trinh nên không biết có chính xác hay không (?). Và họ mô tả rằng: Nó lớn hơn Hội đồng quản hạt. Khi họp là họp với Toàn quyền Đông Dương. Nếu như Hội đồng quản hạt là cấp tỉnh thì chức danh của Hội đồng Trạch ngang với Đại biểu Quốc hội bây giờ. Người ta kể thêm rằng: Với chức danh này, Hội đồng Trạch được quyền gặp trực tiếp Toàn quyền Đông Dương bất cứ lúc nào chớ không cần đến phiên họp. Chính vì thế mà các quan bố chánh (chủ tỉnh) được điều về tỉnh Bạc Liêu là phải đến chào ông Trạch trước tiên. Họ rất kiêng dè ông Trạch vì nếu không sẽ bị thuyên chuyển đi chỗ khác. Những nguời vốn là kẻ ăn người ở trong nhà Trần gia lúc bấy giờ còn sống kể rằng, cứ một tuần lễ là ông có Pháp bắt tù nhân đến quyét dọn, thụt cống rãnh cho nhà ông Trạch.

Sự ra đời của thành ngữ CÔNG TỬ BẠC LIÊU - 2

Nhà văn Phan Trung Nghĩa

Chỉ bấy nhiêu thôi chúng ta cũng thấy được thế lực to lớn của Trần Trinh Trạch. Thời thực dân, quyền lực và tiền tài là một thứ song hành. Uy thế cỡ đó, ông Trạch muốn gì không được. Thực tế cho thấy, ông Trạch có một Công xi rượu và một tiệm cầm đồ (trước là Bun ga lô và sau đó, chính quyền Pháp lấy làm nhà tù, tọa lạc tại đường Phan Ngọc Hiển, phường 3, thị xã Bạc Liêu ngày nay – cách đây gần 10 năm, Nhà nước đã phá bỏ, phân lô xây nhà bán cho dân). Nên nhớ rằng đó là hai thứ độc quyền, cả chợ Bạc Liêu chỉ có Công xi rượu và tiệm cầm đồ của Hội đồng Trạch mà thôi. Thế nên, chủ tiệm mặc tình hốt bạc.

Ngày xưa, nhiều ông Hội đồng quản hạt, quan phủ, quan huyện đều lợi dụng quyền thế của mình để khai hoang trên giấy. Nghĩa là xin chính quyền thực dân cấp cho mình bằng khoán những mảnh đất tốt, mặc dù đã có người khai phá. Họ cướp đất tá điền, biến họ từ chủ ruộng làm kiếp tá điền. Đồng thời, chính sách điền địa của thực dân lúc bấy giờ là để thu thuế nhanh, toàn quyền Đu – me đã ký nhiều Nghị định cấp từng mảnh đất to, cỡ 1.000 ha cho giới thân Pháp (các đại địa chủ, tư bản Pháp vì giới này có tiền của, nhân lực khai thác được nhanh). Nhiều người lo hối lộ cho quan chủ tỉnh cũng được cấp đất và ưu tiên cho những mảnh đất gần kinh xáng sắp sửa đào, trong khi đó dân nghèo hoàn toàn mù mịt về quy hoạch thủy lợi. Đây cũng là một yếu tố nằm trong khả năng bao chiếm đất đai của ông Trạch.

Còn một yếu tố nữa là không thể không nói đến là vào những năm nền kinh tế tư bản khủng hoảng, cụ Bùi Thế Mỹ, tức nhà văn Lan Đình đã viết:

“Nghèo đến thằng mình còn chạy quýnh

Giàu như ông Trạch cũng buồn thiu”

Những năm này, một số điền chủ vay tiền nhà nước hoặc vay của Chà – và bị ảnh hưởng cuộc khủng hoảng, cụ thể là lúa gạo rất rẻ đã phải bán đổ bán tháo điền đất để trả nợ. Còn ông Hội thì chẳng “buồn thiu” như người ta nói mà ngược lại, ông trụ vững như thành. Đã thế, nó còn là một cơ hội cho ông và ông Trạch đã tranh thủ thời cơ bỏ tiền ra mua điền đất với giá rẻ mạt. Sau đó, giá đất lên cao làm cho ông giàu lại càng giàu, điền đất cứ nối rộng thêm. Thực tế, ông Trạch đã có đến 74 sở điền nằm tại Vĩnh Châu, Vĩnh Lợi và còn ở Rạch Giá, Cà Mau, Sóc Trăng, Cần Thơ… với diện tích lên đến hơn 100 ngàn ha. Với số ruộng này, Trần Trinh Trạch là một đại điền chủ có nhiều ruộng đất nhất miền Hậu Giang.

Sự ra đời của thành ngữ CÔNG TỬ BẠC LIÊU - 3

Khu Quán Âm Phật đài

Có lời bình phẩm trong giới bình dân rằng, Hội đồng Trạch là một người nhân đức. Hễ trong điền của ông, con gái được gã ra khỏi điền thì ông cho một đồng (một đồng tương đương với 5 giạ lúa lúc bấy giờ), còn nếu lấy chồng về hoặc lấy vợ về thì ông cho hai đồng. Một chuyện khác, phu ở đồn điền cao su vì trốn thuế, nợ bỏ nghề cạo mủ cao su về miệt Hậu Giang làm tá điền cho ông, khi chủ điền cao su phát hiện đòi bắt, thì ông Trạch xuất nhiều ghe chài lúa mang đi trả nợ cho họ. Nhìn bề ngoài, quả là ông Trạch nhân đức, nhưng nếu nhìn cặn kẽ thì sẽ nhận ra thâm ý của ông.

Ruộng đồng của ông Trạch cò bay thẳng cánh, rất cần một nguồn nhân lực dồi dào để khai thác. Ông Trạch cần thu phục nhân tâm để tá điền gắn bó với điền đất của ông, hết lòng hết dạ làm giàu cho ông.

P.T.N

(Còn tiếp)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT