Thú vị với cuộc thi tự tạo game trong vòng 48 giờ
Cuộc thi năm nay như một điểm khởi đầu khuyến khích người chơi suy ngẫm về thế giới xung quanh, ghi lại nét đẹp của ‘giờ xanh’ trong thời khắc chuyển giao kỳ diệu giữa hoàng hôn và màn đêm.
Cuộc thi Game Jam tại RMIT thách thức người chơi tự tạo ra game trong vòng 48 giờ.
Đại học RMIT Việt Nam vừa tổ chức cuộc thi Game Jam đầu tiên tại cơ sở Nam Sài Gòn, thách thức người chơi tự tạo game trong vòng 48 giờ.
Game Jam là cuộc thi sáng tạo khích lệ sinh viên thử nghiệm khả năng thiết kế game kỹ thuật số và board game (trò chơi cờ bàn) trong thời gian giới hạn.
Tiến sĩ Renusha Athugala, Chủ nhiệm bộ môn Thiết kế Game tại RMIT Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi muốn sinh viên trải nghiệm tham gia các cuộc thi game jam, cho các bạn cơ hội cạnh tranh thân thiện trong khoảng thời gian hạn chế, đồng thời khuyến khích các bạn làm việc nhóm và học đi đôi với hành”.
Về chủ đề cuộc thi năm nay, giảng viên Thiết kế Game tại RMIT, Tiến sĩ Agnieszka Kiejziewicz, mô tả: “Chúng tôi chọn ‘Blue hour’ làm chủ đề cuộc thi năm nay như một điểm khởi đầu khuyến khích người chơi suy ngẫm về thế giới xung quanh, ghi lại nét đẹp của ‘giờ xanh’ trong thời khắc chuyển giao kỳ diệu giữa hoàng hôn và màn đêm”.
Mười bảy đội, bao gồm 40 thí sinh, đã tạo ra được những kết quả độc đáo. Trong Game Jam lần đầu tiên tại RMIT, nhóm 0xong0ze gồm Phạm Nguyễn Ngọc Linh và Nguyễn Trần Anh Thi đã xuất sắc giành ngôi quán quân.
Trò chơi của nhóm có tên The Gathering, mô tả một ngày bận rộn di chuyển và thu thập vật phẩm. Khi thời điểm chạng vạng đến gần, người chơi sẽ cùng nhau hoàn thành các nhiệm vụ được giao từ đầu ngày.
Theo đội thắng cuộc, dẫu chỉ thoáng qua nhưng chạng vạng thường là thời khắc đẹp và yên bình nhất trong ngày. Do đó, các bạn muốn nêu bật khoảng thời gian này như một phần thưởng xứng đáng sau một ngày bận rộn và mệt mỏi, khi mọi người có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình, tận hưởng thời gian bên người thân yêu và gia đình.
Trò chơi bao gồm cả nhiệm vụ chung và cá nhân, cho phép người chơi chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng hoặc gia đình, đồng thời giải quyết các nhu cầu bản thân.
“Theo cách này, sau một ngày đầy thử thách, dù đoàn kết hay bất đồng quan điểm, tất cả đều có thể gạt bỏ những khác biệt, xích lại gần nhau và ăn mừng thành tích của mình”, Anh Thi giải thích.
Game Jam đã thúc đẩy sự sáng tạo và tinh thần cạnh tranh thân thiện của sinh viên RMIT. Phó giáo sư Donna Cleveland, quyền Trưởng khoa Truyền thông và Thiết kế, Đại học RMIT Việt Nam, chia sẻ: “Cuộc thi Game Jam không đơn thuần là tạo ra trò chơi mà còn là thúc đẩy đổi mới sáng tạo, giải quyết vấn đề và làm việc nhóm. Đây là những kỹ năng thiết yếu cho sự nghiệp tương lai của sinh viên”.
Ngọc Linh nhận xét: “Trong thời gian học tại RMIT, chúng tôi đã có được nền tảng vững chắc về làm việc nhóm, quản lý thời gian và giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, tất cả đều là chìa khóa giúp nhóm thành công trong cuộc thi làm game kéo dài 48 giờ này”.
Ban giám khảo cuộc thi Game Jame 2024 RMIT gồm các giảng viên ngành Thiết kế Game, cũng như đại diện đến từ Ngũ Hành Games và Gameloft.
“Một trong những thách thức lớn nhất là đưa ra ý tưởng phù hợp với chủ đề và hài hòa với tầm nhìn của cả hai thành viên”, đội thắng cuộc chia sẻ thêm. Để vượt qua điều này, nhóm 0xong0ze đã liên tục đưa ra và tinh chỉnh các ý tưởng thiết kế cho đến khi phát triển được một lựa chọn mà họ cảm thấy hào hứng.
Một thách thức khác là phải tạo ra phong cách độc đáo để nêu bật game mà các bạn tạo ra. Bí quyết thành công của nhóm là thiết kế các yếu tố hình ảnh đặc biệt và chất liệu tương tác để nâng cao trải nghiệm của người chơi.
Anh Thi bật mí: “Chúng tôi chia nhỏ khối lượng công việc và đặt ra các mốc thời gian hoàn thành tương ứng để đi đúng hướng, đảm bảo kiểm tra mọi khía cạnh của game để tránh lỗi".
Ngọc Linh nói thêm rằng do thời gian hạn hẹp nên việc nghỉ giải lao ngắn là cần thiết để duy trì sự nhạy bén và sáng tạo. Giao tiếp liên tục cũng rất quan trọng để đảm bảo năng lượng và sự tập trung của nhóm trong suốt cuộc thi.