PHỐ CHỢ ÔNG ĐỒ Ở VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

PHỐ CHỢ ÔNG ĐỒ Ở VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM - 1
Ông Đồ già với nét chữ ngày xuân

Hình ảnh: “Mỗi năm hoa đào nở, lại thấy ông đồ già, bày mực tàu giấy đỏ, trên phố đông người qua” đã trở thành nét tiêu biểu cho “hương vị Xuân, vị Tết” của dân tộc. Ở Thủ đô Hà Nội, mảnh đất “Nghìn năm Văn hiến” ngoài khu vực phố cổ, những khu đô thị mới đã từ lâu ở khu vực phố Bà Triệu , nhưng tập trung đông nhất là cạnh Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong những ngày giáp Tết và những ngày đầu Xuân năm mới có Phố chợ Ông Đồ, nơi đây dành để cho du khách cũng như những người yêu thích muốn tìm hiểu và khám phá về nghệ thuật thư pháp và cũng là nơi tặng chữ đầu Xuân cho du khách


Trong những ngày xuân, du khách và những người yêu Nghệ thuật Thư pháp háo hức đến với Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một mặt vào tham quan cảnh đẹp của Khu Di tích Lịch sử nổi tiếng của Hà Nội, nơi có hệ thống Bia Tiến sỹ trong năm 2010 đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu của Thế giới, đồng thời sau khi tham quan du khách vừa đi xem, vừa đi chơi, tận hưởng không khí ngày Xuân trong không gian ở Phố chợ Ông Đồ tổ chức ngay phía ngoài khu Văn miếu - Quốc Tử Giám.

Từ xa, du khách đã nhìn thấy sự rực rỡ của các màu sắc, đủ các kích cỡ của các bức thư pháp treo ngay cạnh tường của Văn Miếu, dọc tuyến phố có rất đông du khách trong và ngoài nước ngắm nhìn, chụp ảnh về không gian của Phố chợ Ông Đồ, xem các ông đồ thể hiện tài năng. Các Ông Đồ có nhiều lứa tuổi khác nhau, nhưng chỗ các Ông Đồ già mặc áo the, đầu đội khăn xếp, viết chữ nghĩa vuông vắn, mực thước thường có đông du khách ngồi xem cách thể hiện, du khách vừa xem vừa nghe các cụ giảng giải về nội dung các chữ, cách viết, cách mài mực, viết làm sao cho chữ đẹp không bị nhoè, không bị chảy mực, giới thiệu về lịch sử của chữ nho, cũng như dấu ấn của một thời thi cử có mang theo lều chõng của các sĩ tử trong lịch sử. Khác với những ông đồ già,có một số ông đồ trẻ đầu cũng đội khăn, mặc áo nhiễu sặc sỡ in chữ thọ để tạo thêm dáng vẻ của một nhà nho.

PHỐ CHỢ ÔNG ĐỒ Ở VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM - 2

Ảnh: Du khách nước ngoài chờ xin chữ Thư pháp

Người già thường hay xin chữ Hiếu, chữ Đức về cho con, người trẻ có hiếu hay xin chữ Phúc cho bố mẹ, ông bà. Người đi làm công sở thường xin chữ Nhẫn, du khách nước ngoài hay xin chữ Hạnh Phúc, với những người buôn bán thường hay xin chữ Phát, chữ Lộc. Đối với chữ Tâm là chữ được nhiều tầng lớp xin nhất, thường đi kèm với chữ Tâm có hàng chữ nhỏ Phúc Tự Tâm Sinh nghĩa là do cái “tâm” của mình mà sinh ra cái “phúc”. Nhà Thư pháp Trần Đức Cường cho hay : “ Quý nhất là những người đi xin chữ Thứ,chữ Thứ rất ít người xin, chỉ có người rất hiểu, biết chữ nghĩa mới xin và đó là một chữ quý.Thứ là phải biết khoan dung, tha thứ, đặt mình vào người mà suy xét, chữ Thứ là chữ Như trên chữ Tâm.

Khổng Tử từng dạy: “Trong đạo của Thầy chỉ có hai chữ mà thôi: TrungThứ. Đối với đất nước thì phải Trung thực, còn trong cư xử thì phải khoan dung, độ lượng”.Qua tìm hiểu thực tế cho thấy: cách xin chữ ngày nay không giống người xưa. Ngày xưa xin chữ thường người xin gửi gắm tâm niệm để Ông đồ ra chữ cho thích hợp, rồi xem người xin thuận lòng rồi mới viết. Bây giờ chữ nghĩa có mục đích từ ở nhà, đến đây chỉ cần nói chữ để ông đồ viết, khách có thể yêu cầu các Ông đồ viết theo những chữ mà mình thích, những chữ gắn với một năm mới sắp đến, những chữ mong ước, khát vọng trong cuộc sống. Không chỉ có vậy đến đây khách còn được các Ông đồ hướng dẫn cách viết Thư pháp, khách có thể tự mình viết những chữ tuỳ theo sở thích của mình. Khi đến đây du khách cũng như những người yêu nghệ thuật Thư pháp thường quan niệm là xin chữ, gọi là xin chữ cho thanh tao, nhưng thực ra là đi mua chữ lấy vận may trong năm mới.

PHỐ CHỢ ÔNG ĐỒ Ở VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM - 3

Ảnh: Toàn cảnh phố Ông Đồ ở Văn Miếu - Hà Nội

Tuy nhiên theo truyền thống của người xưa, chữ Thánh hiền với các Nhà Nho gia chỉ để cho chứ không để bán, đã là Nhà Nho thì không ai lại đi bán chữ Thánh hiền,do vậy để tránh chuyện mua bán, thường là Ông đồ bảo với khách khi hoàn thành một bức thư pháp, tuỳ tâm của khách, chỉ cần trả tiền giấy, tiền trục treo, chẳng hạn tờ giấy cỡ 40 cm x 60 cm không có trục giá từ 70.000đ-80.000đ, nếu có trục giá từ 100.000đ-120.000đ .Qua tìm hiểu được biết: Thư pháp tiếng Việt thường không đắt hàng bằng chữ Nho, vì thường cầm bức thư pháp chữ Nho nhất là chữ viết của người viết thư pháp nổi tiếng như cụ Lê Xuân Hoà, Vũ Đình Liên, Nguyễn Văn Bách, Lại Cao Nguyện, Hồng Thanh, Thế Anh, Trần Đức Chính, Trần Đức Cảnh...mang dáng dấp của nét xưa, tạo nên một phong thái của người sử dụng  khi mang về treo tạo nên sự sang trọng của một người biết chơi Thư pháp. Cũng nằm trong không gian của Phố chợ Ông đồ còn có các loại hình nghệ thuật khác được giới thiệu , phục vụ khách như: vẽ truyền thần, trưng bày đá cảnh, bán các đồ lưu niệm bằng gỗ.. tạo nên sự đa dạng của phố chợ ngày Xuân.

Đã thành một thông lệ, sau rằm tháng Chạp cho tới rằm tháng Giêng, Phố chợ Ông Đồ ở Văn miếu - Quốc Tử Giám lại đông vui, tấp nập, Phố chợ thực sự là điểm hẹn cho các Nhà Nho hội tụ để giao lưu, học hỏi, nâng cao nghề viết chữ Nho cho thêm phần chất lượng. Thư pháp ngày Xuân làm thêm vui cảnh quan phố phường, Phố chợ Ông Đồ là điểm nhấn của Du lịch Thủ đô đối với du khách gần xa trong những ngày đầu Xuân Tân Mão 2011!

MS


Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT