Ông Lã Quốc Khánh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh: Ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh - Đồng tâm hiệp lực phát triển Du lịch bền vững!

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Năm 2012, Ngành Du lịch TPHCM hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu cơ bản : Lượng khách quốc tế đến Thành phố ước đạt 3.800.000 lượt, tăng 8,5 % so với năm 2011, đạt 100,5 % kế hoạch dự kiến năm 2012 và chiếm 56 % lượng khách quốc tế đến Việt Nam ( lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2012 đạt 6.800.000 lượt, tăng 13 % so cùng kỳ ). Doanh thu Du lịch thực hiện năm 2012 là 71.279 tỷ đồng, tăng 25,3 % so với năm 2011, đạt 105 % kế hoạch năm 2012, chiếm 44,5% doanh thu Du lịch Việt Nam (doanh thu Du lịch cả nước đạt 160.000 tỷ đồng, tăng 23 %) và đóng góp khoảng 11% GDP của TPHCM. Để bạn đọc hiểu thêm về sự phấn đấu của Ngành Du lịch TPHCM trong năm 2012, Phóng viên Tạp Chí Du lịch TPHCM đã có cuộc Phỏng vấn đầu Xuân với Ông Lã Quốc Khánh – Phó Giám đốc Sở VHTTDL TP.HCM:

Ông Lã Quốc Khánh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh: Ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh - Đồng tâm hiệp lực phát triển Du lịch bền vững! - 1
Ông Lã Quốc Khánh – Phó Giám đốc Sở VHTTDL TPHCM và Bà Nguyễn Thị Khánh – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch TPHCM đón khách quốc tế tại Sân bay Tân Sơn Nhất, sáng 01.1.2013. Ảnh: CBT

Ÿ Phóng viên: Trong bối cảnh kinh tế khó khăn trong năm 2012, Ngành Du lịch TPHCM Hồ Chí Minh vẫn vượt chỉ tiêu tổng doanh thu và lượng khách quốc tế. Theo Ông, đâu là nguyên nhân của kết quả này?

Ông Lã Quốc Khánh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh: Ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh - Đồng tâm hiệp lực phát triển Du lịch bền vững! - 2- Ông Lã Quốc Khánh: Có thế thấy nguyên nhân dẫn đến kết quả nói trên: Trước hết đó là sự tập trung chỉ đạo xuyên suốt, quan tâm sâu sát của Thành Ủy, UBND TPHCM trong việc định hướng tầm nhìn, mục tiêu và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Du lịch TPHCM phát triển. Vai trò quan trọng của Ban Chỉ đạo Pháttriển Du lịch TPHCM trong việc kết nối, tạo sự hợp tác chặt chẽ giữa các Sở, Ngành liên quan. Với nhiệm vụ Thường trực Ban Chỉ đạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động tham mưu kế hoạch phát triển Ngành, thúc đẩy phối hợp liên Ngành ngày càng hiệu quả; nắm chắc tình hình và cùng với các Ngành liên quan có những động thái hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn để giữ mức tăng trưởng, xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực bảo đảm phát triển bền vững. Môi trường đầu tư kinh doanh trong nước nói chung và TPHCM nói riêng ngày càng thuận lợi, thông thoáng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Du lịch dịch vụ phát triển, tham gia tích cực vào các chương trình phát triển Du lịch trên địa bàn.

 Bên cạnh đó, Ngành Du lịch TPHCM tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện các giải pháp nhằm phát triển sản phẩm Du lịch trên địa bàn như xây dựng và triển khai chương trình hành động và phát triển Du lịch Đường sông; quảng bá và có kế hoạch thực hiện chương trình “Thành phố Hồ Chí Minh – 100 Điều thú vị” lần 2; thúc đẩy chương trình Dịch vụ Du lịch Đạt chuẩn và từng bước đưa Du khách đến với các chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ Du lịch.

Công tác quảng bá xúc tiến Du lịch nhằm giới thiệu điểm đến và các sản phẩm Du lịch của Thành phố đến với Du khách trong và ngoài nước được chú trọng, tạo hiệu ứng tốt trên bình diện cả nước. Việc tổ chức các sự kiện được chú trọng chiều sâu với các hoạt động thiết thực, mang tính xã hội hóa cao, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và Du khách, trong đó điểm nhấn là các sự kiện như Đường hoa Nguyễn Huệ - Lễ hội Bánh tét, Ngày hội Du lịch, Liên hoan ẩm thực Đất phương Nam,  Lễ hội Trái cây Nam bộ không ngừng được đổi mới về cách thức tổ chức, nâng cao chất lượng đã dần trở thành một thương hiệu, nét riêng độc đáo của Du lịch Thành phố.

Công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực Du lịch phát huy tốt vai trò của các Phòng Văn hóa và Thông tin 24 Quận, Huyện thực hiện cơ chế hậu kiểm cùng với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nhờ đó, chất lượng quản lý các doanh nghiệp Du lịch ngày càng được nâng lên theo hướng tuyên truyền, cập nhật thông tin và nhắc nhở doanh nghiệp thực hiện đúng quy định Pháp luật.         

 Chúng ta không thể không nhắc đến vai trò, sự đóng góp của các Doanh nghiệp Du lịch vào các hoạt động chung của Ngành như các sự kiện quảng bá xúc tiến, phát triển sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác phát triển…ngày càng được phát huy tốt, vì lợi ích thiết thực của bản thân mỗi doanh nghiệp và lợi ích chung của Ngành Du lịch.   

Ÿ  Chương trình Du lịch Đường sông đã trải qua 3 năm thử nghiệm. Trong năm 2013, có khả năng đưa vào hoạt động?

-     Thực ra chương trình phát triển Du lịch Đường sông đã được Sở VHTT&DL đưa vào kế hoạch để phát triển đã hơn 3 năm và chương trình này là chương trình hành động, không phải là chương trình thử nghiệm. Nếu có “thử nghiệm” thì đó chỉ là việc vừa làm vừa rút kinh nghiệm và điều chỉnh phương hướng hành động nhằm làm cho chương trình phát triển Du lịch Đường sông ngày càng hiệu quả hơn. Lúc đầu, chương trình thực hiện theo giai đoạn 1 năm một. Sau này khi thấy không thể thực hiện theo giai đoạn ngắn nên chương trình đã được điều chỉnh theo giai đoạn dài hơn.

Giai đoạn 1: Từ năm 2009 đến năm 2011

- Phát động phong trào đến các doanh nghiệp Du lịch, xây dựng và phát triển các sản phẩm Du lịch Đường sông,thông qua việc tổ chức cho các doanh nghiệp Du lịch khảo sát xây dựng các tuyến điểm, vận động các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các tàu thuyền Du lịch;

- Tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề về phát triển Du lịch Đường sông, đào tạo nhân viên phục vụ cho các chương trình Du lịch Đường sông.

- Sở VHTT&DL cũng đã tổ chức các cuộc khảo sát, đánh giá sức hấp dẫn và tiềm năng của cả 5 tuyến đường sông.

- Ngoài ra, Sở VHTT&DL cũng phối hợp với UBND Huyện Cần Giờ tổ chức các hoạt động quảng bá và chương trình Du lịch nhân dịp các Lễ hội Nghinh Ông Cần giờ.

- Trong hai năm 2010 và 2011, Sở VHTT&DL đã thực hiện các chương trình quảng bá xúc tiến Du lịch Đường sông qua các Hội chợ Du lịch và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Kết quả của giai đoạn một là nhiều doanh nghiệp đã đầu tư các tàu thuyền Du lịch. Công ty Du lịch Thuyền buồm Đông Dương trong giai đoạn này đã tổ chức được khá nhiều tour Du lịch bằng thuyền tới Cần Giờ. Công ty này cũng đầu tư thêm khoảng 4 tàu Du lịch cỡ trung bình để mở thêm các tour Du lịch hướng vào thị trường Cần Giờ.

Nhìn chung thành tựu lớn nhất  trong giai đoạn này là đã phát triển được một số sản phẩm và điểm Du lịch mới như:

- Tour Du lịch sinh thái Cần Giờ do Công ty Du lịch Tân Hồng tổ chức.

- Phát triển thêm các điểm tham quan Du lịch mới ven sông như: Làng Nghệ nhân Hàm Long ở Quận 2, TPHCM.

 Mặc dù có nhiều tiến bộ trong giai đoạn 1, nhưng kết quả trên vẫn còn xa mới đạt yêu cầu, mục tiêu ban đầu của Chương trình và tiềm năng - thế mạnh của sông nước Thành phố. Nguyên nhân chủ yếu là chúng ta mới chỉ tập trung vào vận động các doanh nghiệp phát triển sản phẩm Du lịch Đường sông. Vấn đề cơ sở hạ tầng phục vụ cho tàu thuyền và khách Du lịch còn nguyên những bất cập mà các doanh nghiệp không thể tự giải quyết, đòi hỏi cần có sự tham gia của Nhà nước.

Giai đoạn 2:  Năm 2012

Trên cơ sở các thành tựu đạt được và các khó khăn, bất cập của giai đoạn trước, đồng thời được sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Thành phố, Sở VHTT&DL tập trung vào công tác thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ tàu thuyền Du lịch. Bên cạnh đó, vẫn phải tiếp tục các nỗ lực vận động các doanh nghiệp xây dựng và phát triển các sản phẩm Du lịch Đường sông.

Trong giai đoạn này, Sở VHTT&DL xác định khâu đột phá trong phát triển Du lịch Đường sông là phát triển các cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ vận chuyển Du lịch Đường sông để tạo bước chuyển biến cơ bản, bền vững. Giải pháp trọng tâm đã được lựa chọn là phối hợp với các Ban - Ngành, Quận - Huyện có liên quan nhằm huy động các nguồn lực trong xã hội cho phát triển cơ sở hạ tầng và tháo gỡ các khó khăn về cơ chế chính  sách...

Sở VHTT&DL đã phối hợp với các Ban - Ngành, Quận - Huyện có liên quan khảo sát từng điểm đặt cầu tàu hiện hữu và các điểm dự kiến nằm trên 5 tuyến đường sông chủ yếu của TPHCM. Khảo sát tập trung vào cơ sở hạ tầng, tiềm năng và độ an toàn của các cầu tàu, bến đỗ.

Qua đó, Sở VHTT&DL đã xác định được vị trí có thể xây dựng các bến/trạm trọng điểm thuộc các quận, huyện trên tuyến. Xác định quy mô các bến/trạm, vốn cần đầu tư, nguồn vốn và hình thức đầu tư.

Do chọn đúng nội dung và giải pháp nên trong năm 2012, chương trình phát triển Du lịch Đường sông đã thu hút được hầu hết các Quận, Huyện, Ban, Ngành vào cuộc. Thành phố Hồ Chí Minh đã hình thành kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật Du lịch Đường sông trong giai đoạn 2013 - 2015. Dự kiến từ nay đến năm 2015, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cải tạo, xây mới hàng chục bến tàu, cầu tàu phục vụ phát triển các sản phẩmđể Du lịch Đường sông thực sự là sản phẩm du lịch quan trọng của du lịch TPHCM, góp phần thực hiện mục tiêu đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, phát triển thương hiệu điểm đến du lịch Thành phố là thương hiệu mạnh.

Ÿ  Ủy ban Nhân dân TPHCM đã có quyết định thành lập Trung tâm Xúc tiến Du lịch trực thuộc Sở, Ông có thể giới thiệu về hoạt động của Trung tâm trong năm 2013?

- Trung tâm Xúc tiến Du lịch TP.HCM có chức năng tham mưu, tổ chức thực hiện các chiến lược, chương trình, kế hoạch xúc tiến, quảng bá thông tin du lịch của TP.HCM. Đồng thời, trung tâm còn liên kết, hỗ trợ hợp tác với các địa phương và tổ chức trong nước, ngoài nước về hoạt động xúc tiến, đầu tư du lịch, các hoạt động về phát triển thị trường; cũng như liên kết phát triển sản phẩm du lịch trong nước và chương trình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực du lịch.

Theo đó, Trung tâm sẽ tham mưu tổ chức đều đặn các sự kiện, chương trình hoạt động xúc tiến du lịch trải đều các tháng trong năm 2013. Bên cạnh việc duy trì các hoạt động thường niên, hấp dẫn nhằm thu hút tốt nhất du khách như: “Ngày hội Du lịch lần 9” 2013 (tháng 4); Liên hoan Ẩm thực Phương Nam (tháng 5); Lễ hội Trái cây Nam Bộ 2013 (tháng 6); Lễ hội Bánh kẹo 2013 (tháng 8), Liên hoan Ẩm thực “Món ngon Các nước 2013” (tháng 12), năm 2013 còn được đánh dấu bởi nhiều sự kiện lần đầu tiên triển khai như Liên hoan bánh kẹo lần 1, chương trình Giao lưu sinh viên Ngành Du lịch các Thành phố Tiểu vùng sông Mekong mở rộng… Đồng thời, Trung tâm xúc tiến Du lịch TP.HCM sẽ tham gia xuyên suốt các hội chợ  triển lãm và tham dự một số sự kiện du lịch tại các địa phương.

Về hoạt động xúc tiến du lịch nước ngoài được trung tâm đầu tư khá công phu với nhiều chương trình hoạt động mang “chất” tạo nên thương hiệu của Ngành Du lịch TP.HCM chủ động hội nhập, được đầu tư kỹ nhằm mang đến thành công tốt nhất cho các đối tác. Mở đầu là Diễn đàn Du lịch ASEAN 2013 tại Vientiane, Lào, dự kiến diễn ra từ  ngày 17 đến  24/1 sắp tới. Tiếp đó là các hoạt động khác như: Tổ chức Những ngày Văn hóa Du lịch Việt Nam – Campuchia – Lào tại Hàn Quốc, Nhật Bản (tháng 5); tổ chức Hội chợ Du lịch Quốc tế  ITE HCMC lần 9 – 2013 (tháng 9). Ngoài ra, trung tâm còn quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam cũng như mở rộng cơ hội đầu tư Du lịch cho nước ngoài như tham dự Hội chợ Du lịch ITB Berlin (tháng 3); Tham dự Hội chợ Du lịch Arabian Travel market – UAE (tháng 6); Hội chợ Otdykh-Leisure-Matxcova, Nga (tháng 9); Tham dự Hội chợ Du lịch  WTM – Luân Đôn, Anh (tháng 11) và Hội nghị Ban Điều hành TPO – Tổ chức Xúc tiến Du lịch các Thành phố Châu Á – Thái Bình Dương.

Năm 2013 cũng là năm Du lịch TPHCM sẽ bắt đầu thực hiện được việc mỗi tháng có một sự kiện lễ hội, có các tuần lễ về Thời trang, Du lịch, Kim khí điện máy, Ẩm thực... để từ đây tạo nên sức hấp dẫn cho Du lịch TP.HCM.

 Một lĩnh vực họat động khác đi vào chiều sâu nhằm nâng chất công tác thông tin – xúc tiến Du lịch, nắm bắt, ghi nhận và giải đáp kịp thời những thông tin, phản ảnh của Du khách đối với các hoạt động Du lịch TP.HCM. Trong năm 2013, Trung Tâm Xúc tiến Du lịch TPHCM sẽ đầu tư hệ thống hạ tầng cơ sở thông tin Du lịch TPHCM bao gồm Tổng đài thông tin – Dịch vụ Du lịch 1087, Cổng thông tin – Thương mại điện tử Du lịch TP.HCM, các Trạm thông tin Du lịch tại khu vực Trung tâm, nhà ga sân bay và hệ thống ấn bản phẩm, video clip thông tin, quảng bá về Du lịch TP.HCM. Đây sẽ là một hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh, tương tác và cung cấp cho khách Du lịch, người tiêu dùng Du lịch một kênh đa phương tiện, để tiếp cận với mọi hoạt động của Du lịch TP.HCM và là công cụ trực tiếp trong việc triển khai các chính sách, các chương trình khuyến mại, kích cầu cho Du lịch TP.HCM.

Với sự ra đời của Trung Tâm Xúc tiến Du lịch TP.HCM, tôi tin tưởng rằng thời gian tới đây, được sự quan tâm của Lãnh đạo TPHCM, công tác xúc tiến du lịch sẽ ngày càng đi vào xu hướng chuyên nghiệp và hiệu quả, góp phần cùng toàn Ngành Du lịch tham gia đóng góp công cuộc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng và phát triển TP.Hồ Chí Minh ngày càng phát triển văn minh, hiện đại.

Ÿ  Theo đà phát triển của Ngành Du lịch TPHCM Hồ Chí Minh trong năm 2012, Ông có thể lạc quan cho biết dự kiến tổng doanh thu Du lịch cùng số lượng khách quốc tế đến TPHCM trong năm 2013?

- Trên cơ sở những kết quả đạt được của năm 2012, phát huy vai trò chủ động của ngành, tăng cường mối quan hệ phối hợp với các Sở - Ngành - Địa phương, tận dụng tối đa lợi thế tiềm năng, Ngành Du lịch xác định tập trung thúc đẩy tăng trưởng Du lịch theo hướng bền vững, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng dịch vụ, sản phẩm Du lịch trên cơ sở tăng cường quảng bá xúc tiến, hợp tác quốc tế, chủ động hội nhập và cạnh tranh có hiệu quả với Du lịch khu vực. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản: khách quốc tế đến Thành phố đạt  4.100.000 lượt, tăng 8 % so với năm 2012 và tổng doanh thu  Du lịch đạt 81.970  tỷ đồng, tăng  15 %  so với năm 2012.

Ÿ Để giúp Ngành Du lịch TPHCM phát triển và đạt kế hoạch năm 2013, Ông có kiến nghị gì với các cấp lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân TPHCM cùng các doanh nghiệp Du lịch?       

- Để thực hiện tốt Chiến lược Phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó xác định phát triển Du lịch theo hướng chuyên nghiệp, có chiều sâu, đảm bảo chất lượng và hiệu quả, khẳng định thương hiệu, khả năng cạnh tranh, đảm bảo phát triển Du lịch bền vững, Ngành Du lịch cần được tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch, sự ủng hộ của các Bộ, Ngành hữu quan trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh/thành đẩy mạnh phát triển Du lịch. Do đó, xin đề nghị với  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung chỉ đạo và kiến nghị Chính phủ giải quyết một số  chính sách, giải pháp sau:

- Về cơ chế chính sách thu hút khách, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy kinh doanh Du lịch:Tiếp tục nghiên cứu cải tiến chính sách cấp Visa cho khách quốc tế đến Việt Nam, trong đó có thế mở rộng diện các quốc gia được Việt Nam miễn Visa đơn phương (hiện nay đã có Nga và 4 nước Bắc Âu) nhằm thu hút khách từ các thị trường trọng điểm; Sớm ban hành Chương trình Kích cầu Du lịch gắn với việc thúc đẩy phát triển các Ngành dịch vụ năm 2013 và cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, là cơ sở để các tỉnh/thành xây dựng và triển khai chương trình kích cầu Du lịch tại địa phương.

- Về quảng bá xúc tiến Du lịch: Nghiên cứu về cơ chế thành lập Văn phòng đại diện của Du lịch Việt Nam tại một số thị trường trọng điềm (Hoa Kỳ, Tây Âu, Nhật, Hàn Quốc…) để thực hiện có hiệu quả công tác giới thiệu hình ảnh điểm đến Việt Nam. Kế hoạch quảng bá xúc tiến Du lịch Việt Nam cần được gửi sớm đến các địa phương từ tháng10 năm trước, để các địa phương có cơ sở lên kế hoạch xúc tiến Du lịch kịp thời và có điều kiện tham gia chung với hoạt động Ngành. Đồng thời có thể phân cấp và chuyển kinh phí cho các địa phương làm đầu mối cho các hoạt động xúc tiến Du lịch của Ngành cho từng thị trường nước ngoài mà địa phương đó đang có thế mạnh.

- Về quản lý lữ hành:Nhằm khắc phục một số bất cập trong việc cấp thẻ Hướng dẫn viên; tình trạng mất cân đối trong cơ cấu Hướng dẫn viên Du lịch (chủ yếu là tiếng Anh, rất ít các ngôn ngữ đang có nhu cầu cao như Nga, Hàn, Thái…) xin đề xuất sớm có một chương trình, kế hoạch tổng thể trên bình diện cả nước về phát triển, nâng cao chất lượng và số lượng đội ngũ Hướng dẫn viên, Thuyết minh viên du lịch. Kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có phương án trình Chính phủ và Quốc Hội sửa đổi Luật Du lịch để có thể cấp thẻ đối với trường hợp Hướng dẫn viên có bằng tốt nghiệp Cao đẳng. Xem xét ủy quyền cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành quản lý số lượng Hướng dẫn viên trên 1.000 người thì được phối hợp với các cơ sở đào tạo đủ trình độ để tổ chức kỳ kiểm tra cấp chứng nhận đạt trình độ. Nghiệp vụ Hướng dẫn Du lịch và tổ chức kiểm tra trình độ ngoại ngữ Du lịch; Nghiên cứu ban hành các quy định về việc cấp biển hiệu cho các doanh nghiệp lữ hành có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, lữ hành nội địa treo tại trụ sở, để giúp Du khách phân loại và nhận biết với các doanh nghiệp lữ hành khác chưa đủ điều kiện.

- Về quản lý cơ sở lưu trú Du lịch: Nghiên cứu đề nghị sửa đổi Luật Du lịch về phân cấp thẩm định và tái thẩm định khách sạn 3 sao (ngoài thẩm định xếp hạng khách sạn 1,2 sao và cơ sở lưu trú Du lich đạt tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú Du lịch) cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương là trung tâm Du lịch lớn như TP.Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, được thẩm định và ra quyết định công nhận hạng sao khách sạn từ 3 sao trở xuống. Ngoài ra, để tăng cường quản lý và giám sát chặt chẽ các cơ sơ lưu trú Du lịch đạt tiêu chuẩn tối thiểu kinh doanh lưu trú Du lịch; đề nghị sửa đổi luật Du lịch để chuyển giao cho Quận, Huyện quản lý thực hiện việc thẩm định, tái thẩm định và ra quyết định công nhận cơ sở lưu trú Du lịch đạt tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú Du lịch.

- Bên cạnh đó, sớm ban hành tiêu chí thống kê khách du lịch nội địa trên phạm vi toàn quốc. Đây là một bất cập, ảnh hướng không nhỏ đến việc đánh giá tình hình hoạt động, xây dựng chỉ tiêu phát triển Ngành Du lịch tại các tỉnh/ thành.

Nhân đây, cũng xin đề nghị Ủy ban Nhân dân TPHCMtăng cường kinh phí xúc tiến quảng bá Du lịch hàng năm phù hợp với sự tăng trưởng và mức đóng góp của Du lịch vào nền kinh tế Thành phố, nhằm tạo thuận lợi triển khai các hoạt động quảng bá trọng tâm có hiệu quả đến các thị trường trọng điểm và tiềm năng. Tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất để Trung tâm Xúc tiến Du lịch TPHCM phát huy vai trò và nâng cao chất lượng hoạt động. Có chủ trương xây dựng một nhà hát phục vụ Du lịch làm cơ sở cho các cơ quan, doanh nghiệp xây dựng phương án, kế hoạch đầu tư; định hướng nội Dung và chương trình đáp ứng nhu cầu giải trí về nghệ thuật của Du khách.

Trong năm 2013, tôi mong các doanh nghiệp Du lịch tiếp tục đồng hành cùng với  chính quyền trong việc đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường công tác quảng bá xúc tiến Du lịch. Tôi cũng đề nghị các doanh nghiệp tăng cường hơn nữa mối liên kết giữa vận chuyển, hàng không, mua sắm, khách sạn.. để tạo thành các gói sản phẩm tốt có sức cạnh tranh ví như doanh nghiệp lữ hành ký kết hợp tác với trung tâm, cửa hàng mua sắm, để từ đó kéo hạ giá sản phẩm bán lại cho Du khách và đặc biệt là góp phần tăng mức chi tiêu, kéo dài thời gian lưu trú của Du khách tại TPHCM.

Một lần nữa, thay mặt Ban Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.Hồ Chí Minh, tôi trân trọng ghi nhận và biểu dương nỗ lực vượt khó, sự đóng góp của các doanh nghiệp vào thành quả chung của Ngành Du lịch Thành phố và kêu gọi sự đồng tâm hiệp lực, chia sẻ góp sức của cộng đồng đặc biệt là các doanh nghiệp Du lịch để TPHCM thật sự là  “Điểm đến thân thiện, hấp dẫn và an toàn”, góp phần phát triển bền vững Ngành Du lịch Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng.

Ÿ Xin cảm ơn, kính chúc Ông năm mới Quý Tỵ 2013: An khang – Sức khỏe và Thịnh vượng.

Ông Lã Quốc Khánh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh: Ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh - Đồng tâm hiệp lực phát triển Du lịch bền vững! - 3
Ông Lã Quốc Khánh – Phó Giám đốc Sở VHTTDL TPHCM và Bà Nguyễn Thị Khánh – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch TPHCM đón khách quốc tế tại Sân bay Tân Sơn Nhất, sáng 01.1.2013. Ảnh: CBT

Ông Lã Quốc Khánh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh: Ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh - Đồng tâm hiệp lực phát triển Du lịch bền vững! - 4
Lễ Khai mạc Liên hoan Ẩm thực Món ngon các nước năm 2012. Ảnh: Châu Bá Thông

Ông Lã Quốc Khánh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh: Ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh - Đồng tâm hiệp lực phát triển Du lịch bền vững! - 5
Kỷ lục nhiều món cuốn nhất Việt Nam. Ảnh: Hoàng Sơn

Ông Lã Quốc Khánh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh: Ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh - Đồng tâm hiệp lực phát triển Du lịch bền vững! - 6
Ông Lã Quốc Khánh – Phó Giám đốc Sở VHTTDL TPHCM và Ông Trần Hùng Việt – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM, Tổng Giám đốc Saigontourist trao hoa và Kỷ niệm chương các đơn vị trong chương trình “TPHCM - 100 Điều thú vị”. Ảnh Long Trì

KL

(Thực hiện)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT