Mô hình du lịch cộng đồng homestay ở Cao Bằng thu hút du khách
Homestay là loại hình "du lịch xanh". Thay vì chọn nhà nghỉ hoành tráng, khách sạn cao cấp, du khách có xu hướng ở tại nhà người dân địa phương để tìm hiểu văn hóa, cuộc sống của họ. Mô hình này đang thu hút du khách khi đến với miền non nước Cao Bằng.
Mô hình du lịch cộng đồng homestay được nhiều du khách lựa chọn.
Là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan tuyệt đẹp, Cao Bằng được ví như "xứ sở thần tiên" với hàng trăm hang động, thác nước, đồi cỏ và hàng nghìn núi non hùng vĩ, nguyên sơ. Toàn tỉnh hiện có hơn 200 di tích, 4 di sản phi vật thể quốc gia; trên 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc; nổi tiếng với nhiều đặc sản, sản vật, ẩm thực độc đáo. Đây là những điều kiện lý tưởng để người dân khai thác vẻ đẹp tự nhiên, văn hóa để chuyển đổi mô hình sản xuất thuần nông sang dịch vụ hiệu quả.
Năm 2009, du lịch cộng đồng bắt đầu được hình thành và phát triển tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, góp phần tạo cơ hội, việc làm cho người dân, tăng nguồn thu và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bằng nhiều hình thức, tỉnh triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển du lịch cộng đồng từ nhiều nguồn vốn tạo sinh kế cho người dân. Một số điểm du lịch cộng đồng đã và đang được đưa vào vận hành, khai thác hiệu quả, thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm làng đá Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh); xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc); xóm Hoài Khao, xã Quang Thành (Nguyên Bình); xóm Bản Giuồng, xã Tiên Thành, làng rèn xóm Pác Rằng, làng nghề làm hương xóm Phja Thắp, xã Phúc Sen (Quảng Hòa).
Ngoài ra, một số địa phương bắt đầu quan tâm đến quy hoạch, đầu tư phát triển một số xóm, bản có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, như: làng nghề làm giấy bản xóm Dìa Trên, xã Phúc Sen (Quảng Hòa); xóm Giốc Rùng, xã Phong Nặm (Trùng Khánh); xóm Pác Khoang, xã Đức Xuân (Thạch An); bãi Tình, xã Thanh Long va Nặm Ngùa, Lũng Tó, xã Ngọc Động (Hà Quảng). Những địa điểm trên sẽ là những gợi ý thú vị cho chuyến tham quan, trải nghiệm của du khách tại "xứ sở thần tiên" non nước Cao Bằng.
Việc người dân cùng làm du lịch, cùng bảo tồn văn hóa, khai thác dịch vụ và giới thiệu các địa điểm giúp du khách thoải mái hơn, được chia sẻ, trải nghiệm đầy đủ hơn, góp phần đưa du lịch phát triển ngày càng bền vững. Đây là cách làm của các homestay tại xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) cần được nhân rộng.
Chị Nguyễn Kim Phương, chủ Tày’s Homestay chia sẻ: Thay vì chọn những nhà nghỉ hoành tráng, khách sạn cao cấp, du khách khi đến với Cao Bằng nói chung và đến tham quan thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao tại huyện Trùng Khánh đang có xu hướng lựa chọn ở các homestay. Lựa chọn dừng chân tại homestay, du khách không chỉ đơn thuần đến để lưu trú mà để tham quan, trải nghiệm và thưởng thức những sắc màu văn hóa của người dân bản địa. 6 tháng đầu năm 2022, Tày’s Homestay có trên 2.000 lượt khách đến lưu trú và trải nghiệm.
Để thu hút khách ngày càng nhiều, các homestay chú trọng việc tổ chức, làm phong phú, đa dạng thêm các dịch vụ đi cấy, đi gặt, hái rau, bắt cá, tôm, nấu ăn, ngâm chân thảo dược, nhảy sạp, đốt lửa trại, biểu diễn, giao lưu văn nghệ dân tộc hoặc tận hưởng không khí trong lành của làng quê bằng cách đạp xe đạp trên những con đường làng mộc mạc, yên bình; hiking chinh phục những ngọn núi cao; đi phượt xe máy khám phá Cao Bằng; chèo thuyền ngắm cảnh sông Quây Sơn… đã đem đến những trải nghiệm mới lạ cho du khách.
Du lịch cộng đồng thực sự đang thổi "làn gió" mới vào nhận thức, góp thêm cách làm giàu bền vững ngay trên mảnh đất có nhiều tiềm năng về du lịch. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu, để du lịch cộng đồng nói riêng và ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, thời gian tới cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương; sức mạnh nội tại phía người dân và sự quan tâm, yêu mến của du khách.
Nha Trang (Khánh Hòa) bắt đầu vào mùa của những cơn mưa bất chợt. Chẳng may đi chơi đúng ngày mưa, du khách có thể trú...