Bùng nổ khách sạn tại Việt Nam: Nên mừng hay lo?
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang bước vào giai đoạn bùng nổ của khách sạn. Đây vừa là cú hích cho nền kinh tế, nhưng cũng mang đến nguy cơ quá tải nguồn cung dẫn tới những hệ quả tiêu cực cho ngành du lịch.
Nhiều khách sạn chưa hẳn đã tốt
Số lượng cơ sở lưu trú tại Việt Nam tăng trưởng liên tục trong những năm gần đây, bất chấp các biến động của ngành du lịch. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, chỉ khoảng 5 năm nhưng số lượng cơ sở lưu trú đã tăng hơn gấp đôi, từ hơn 17.422 cơ sở với khoảng 370.907 buồng (năm 2017) lên khoảng 38.000 cơ sở với 780.000 buồng (năm 2021). Năm 2019 - năm "đỉnh cao" về lượng khách du lịch, công suất buồng bình quân cả nước mới đạt 52%. Đến năm 2021, do dịch Covid-19 nên công suất buồng phòng bình quân cả nước chỉ là 5%.
Theo số liệu của Savills Hotels, tính đến cuối tháng 3/2022, công suất phòng tại thị trường Việt Nam vẫn dưới mức 20%; giá phòng bình quân vẫn thấp hơn năm 2019 gần 20%. Trong khi đó, một lượng lớn nguồn cung vẫn đang trong quá trình triển khai và sẽ gia nhập thị trường trong vài năm tới. Số lượng dự án tại Việt Nam mang thương hiệu khách sạn của nhà điều hành quốc tế và khu vực dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 3 năm tới, từ 127 lên 261 dự án vào năm 2025.
Ảnh minh họa. Nguồn: Thái Bình/VOV-Miền Trung
Bà Uyên Nguyễn – Trưởng bộ phận Tư vấn, Savills Hotels nhận định: "Từ nay đến 2024, Savills Hotels ước tính chỉ riêng khu vực Cam Ranh dự kiến ghi nhận thêm 8.300 phòng thuộc phân khúc trung cao cấp, tăng 154% so với nguồn cung hiện tại, trong khi đó khu vực Hồ Tràm – Long Hải cũng sẽ đón nhận thêm khoảng 4.100 phòng, tăng 132% so với hiện tại. Với tốc độ này, nếu nguồn cầu không kịp khôi phục và phát triển thì có thể dẫn đến tình trạng cung vượt cầu tại một vài địa điểm, qua đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình hoạt động kinh doanh của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng trong nước".
Ông John Gardner – Giám đốc điều hành Tập đoàn Archipelago Indochina cho rằng Việt Nam đang bước vào giai đoạn bùng nổ của khách sạn, tương tự như Thái Lan khoảng 20 hay 30 năm về trước. Các nhà đầu tư phát triển khách sạn đã nhìn ra điều này, vì vậy mà hình thành hàng loạt khách sạn, resort khắp đất nước. Điều này đã thu hút các thương hiệu khách sạn quốc tế tới Việt Nam, với việc kí kết những hợp đồng hợp tác quản lý mới. Đây là mặt tích cực với ngành du lịch Việt Nam và sẽ là cú hích lớn cho kinh tế, đồng thời đem lại hàng nghìn việc làm cũng như lợi nhuận cho các chủ đầu tư.
Tuy nhiên ông John Gardner cũng đưa ra cảnh báo cho ngành khách sạn Việt Nam: "Tình trạng quá tải nguồn cung có thể xảy ra dẫn tới cạnh tranh về giá, ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng, cuối cùng là việc thu hút sai đối tượng du khách tới Việt Nam. Không những thế, nếu không có các quy định, quy chế và kiểm soát từ phía chính quyền địa phương, dễ dẫn tới các tác động tiêu cực tới môi trường".
Đồng quan điểm này, ông Gabriel Escarrer Jaume – Giám đốc điều hành Tập đoàn Melia Hotels International cho rằng Việt Nam đang trở thành tâm điểm chú ý của đầu tư quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực khách sạn có thể so sánh với Australia, Nhật Bản hay Hong Kong (Trung Quốc). Tuy nhiên lúc này Việt Nam cần tự định vị là một quốc gia bền vững, đa dạng và chất lượng; bảo đảm tăng trưởng bền vững trong ngành khách sạn, tránh tình trạng cung vượt cầu như đã xảy ra tại một số điểm đến.
"Dư thừa nguồn cung về khách sạn đã xảy ra ở một số điểm đến mới nổi. Ở Việt Nam, đây chưa phải vấn đề lớn trong ngắn hạn, nhưng có thể sẽ xuất hiện trong trung hạn... Về lâu dài, nếu mọi nơi cung ứng sản phẩm giống nhau thì sẽ rất khó cạnh tranh" - ông Gabriel Escarrer Jaume nhận định.
Thừa khách sạn, thiếu người làm
Các khu nghỉ dưỡng ven biển nên xây dựng với mật độ thấp, giảm tác động lên môi trường.
Số lượng cơ sở lưu trú tăng nhanh trong khi nguồn nhân lực chưa kịp đáp ứng, thậm chí còn hao hụt sau đại dịch Covid-19, đang đặt ra thách thức lớn. Bà Uyên Nguyễn cho rằng sự thiếu hụt về nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân sự chất lượng cao cũng là một trong những trở ngại cần sớm được khắc phục, nhằm giúp ngành khách sạn Việt Nam khôi phục hoạt động kinh doanh.
Với việc vận hành thêm 15 cơ sở trên khắp Việt Nam chỉ trong năm nay, các khách sạn của Melia sẽ khó tránh khỏi những khó khăn về nguồn nhân lực. Ông Gabriel Escarrer Jaume thừa nhận dịch Covid-19 đã khiến nhân tài của ngành du lịch chuyển sang lĩnh vực khác, vì vậy "thách thức lớn nhất là tìm được người tài giỏi cho chuỗi khách sạn Melia".
"Thời gian tới, chúng tôi cần phải chuẩn bị đội ngũ, mang đến những con người chất lượng nhất để có sức cạnh tranh tốt hơn. Khó khăn nhất vẫn là nhân lực, chúng tôi phải đào tạo trực tuyến và kết hợp với các cơ sở đào tạo của Việt Nam để thu hút nhân lực chất lượng cao. Việt Nam cần đầu tư thêm cho các trường đào tạo và nguồn nhân lực khách sạn, vì luôn cần những người tài giỏi cho lĩnh vực này" - ông Gabriel Escarrer Jaume nói.
Thương hiệu Archipelago International vừa ra mắt tại Việt Nam, sau khi tiếp nhận hàng loạt khách sạn tại TP.HCM và Phú Quốc. Tuy nhiên, ông John Gardner cho biết sự thiếu hụt nhân lực trong ngành khách sạn, dịch vụ ẩm thực tại Việt Nam khiến đơn vị cần thời gian cho tuyển dụng và đào tạo.
"Chúng tôi sẵn sàng đào tạo các bạn mới ra trường và gần như không chú trọng kinh nghiệm. Ở các nước mà Archipelago đang vận hành, chúng tôi chỉ tuyển người địa phương chứ không có người nước ngoài. Tuy nhiên trong tương lai khi hình thành thương hiệu tại Việt Nam, chúng tôi có thể sẽ cân nhắc các vị trí cấp cao với người nước ngoài, do việc thiếu nhân lực" - ông John Gardner nói.
Cần bước đi bền vững
Nhiều mô hình tăng trưởng bền vững đã được ứng dụng trong ngành khách sạn. Nguồn: Six Senses Ninh Van Bay
Một số chuyên gia cho rằng, sự phát triển nhưng không quan tâm bảo vệ môi trường và giúp cộng đồng địa phương bền vững hơn thì vẫn chưa phải phát triển đúng cách. "Tôi hy vọng tại Việt Nam, các nhà chức trách và mọi doanh nghiệp có thể quản lý và kiểm soát sự phát triển; bên cạnh nguồn lợi kinh tế, vẫn đảm bảo được lợi ích cho môi trường và mang lại giá trị tốt đẹp xã hội" - ông Andrew Whiffen (Tập đoàn Six Senses tại Việt Nam) nói với phóng viên VOV.VN.
Ông Andrew Whiffen cho biết Six Senses nhấn mạnh giá trị phát triển bền vững, vì đó là xu hướng của thế giới: "Dù phát triển theo hướng nào đi nữa, sớm hay muộn ngành du lịch Việt Nam cũng sẽ nhận ra giá trị của việc phát triển bền vững và theo đuổi các giá trị đó".
Theo nhận định của ông David Ashworth (Tập đoàn Zannier Hotels tại Việt Nam), nhiều khách sạn lớn được xây dựng dọc theo bờ biển ở Việt Nam, nhất là Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc, theo xu hướng "phớt lờ" thiên nhiên, môi trường và văn hóa địa phương. Không ít khách sạn được đầu tư thấp với mật độ cao để có lợi nhuận cao, chủ yếu dựa vào các nguồn khách số lượng lớn như Trung Quốc và Hàn Quốc.
"Cần tránh xây dựng những khu nghỉ lớn ven biển dễ gây tổn hại đến môi trường. Cần giảm tác động tiêu cực lên môi trường, xây dựng mật độ thấp và chú trọng vào thiên nhiên, quay trở về những điều đơn giản và chân thực. Du khách muốn cảm nhận Việt Nam chứ không phải sự bê tông hóa. Họ tránh xa những thứ đó để tìm nơi thư thái, vì nhịp sống thành phố vốn đã khiến họ đau đầu. Tôi thấy một số nơi ở Nha Trang giống như Miami (Mỹ) chứ không còn là Việt Nam nữa" - ông David Ashworth chia sẻ.
Bà Uyên Nguyễn cho rằng, tuy lượng nguồn cung phòng tương lai dồi dào nhưng Việt Nam vẫn cần nhiều sản phẩm đa dạng hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu trải nghiệm của thế hệ tiêu dùng hiện nay như các khu nghỉ dưỡng ultra-luxury (siêu cao cấp - PV) đúng nghĩa, các resort chú trọng yếu tố wellness (sức khỏe - PV), phát triển bền vững cũng như các khách sạn tầm trung đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.
Nhiều chuyên gia cho rằng du khách hiện nay đến khách sạn không chỉ để ngủ và ăn mà phải được chơi, được vui. Chính...