Nghệ sĩ ưu tú Thành Hội “Thích khám phá những nét mới trong dàn dựng”!

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nghệ sĩ ưu tú Thành Hội “Thích khám phá những nét mới trong dàn dựng”! - 1Những ngày này, anh đang lên sàn tập để triển khai vở Nửa đời ngơ ngác (kịch bản của Trần Mỹ Trang, Hoàng Thái Thanh chuyển thể từ tiểu thuyết của Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư) sẽ diễn trên sân khấu Hoàng Thái Thanh trong thời gian tới. Vẫn là người đạo diễn năng động, thích khám phá những nét mới trong dàn dựng và tạo điều kiện cho dàn diễn viên trẻ thể hiện tài nghệ, NSƯT Thành Hội chưa bao giờ cảm thấy nao núng trong sự nghiệp nghệ thuật của anh

Ảnh: Nghệ sĩ ưu tú Thành Hội và Tuyết Mai trong vở Mùa Đông cuối cùng

Người Thầy của nhiều diễn viên giỏi

Anh xuất thân từ chiếc nôi của Đoàn Kịch nói Cửu Long Giang – TP.HCM. Cái thời mà sau năm 1975, ngoài thương hiệu Đoàn Kịch Kim Cương ở miền Nam còn có Cửu Long Giang nổi tiếng với nhiều vở kịch hay. Anh vừa đi diễn vừa tham gia công tác giảng dạy. Thời đó mỗi ngày anh phải leo lên tầng 6 của ngôi nhà tập thể trên đường Lý Tự Trọng – Q.I để dạy và học. Anh nói: “Tôi làm Thầy nhưng cũng có lúc phải học từ các em diễn viên trẻ, bởi họ còn trẻ nên cảm nhận sự việc rất hồn nhiên, trong sáng và chính điều đó bồi đắp chất thanh xuân cho tôi”.

Nghệ sĩ ưu tú Thành Hội “Thích khám phá những nét mới trong dàn dựng”! - 2

Ảnh: Thành Hội và Mỹ Uyên trong vở Ngôi nhà của những linh hồn

Lứa học trò của NSƯT Thành Hội thời đó giờ đều là những gương mặt nổi bật trên sân khấu và truyền hình như: Hoàng Trinh, Quốc Hùng, Hương Giang, Thiện Hùng, Minh Trí, Mai Hoa…Tất cả họ đều khẳng định nhờ sự hướng dẫn tận tình và những bài học kinh nghiệm trong diễn xuất của Thầy Thành Hội mà họ tiến nhanh trong nghề. Nghệ sĩ Hoàng Trinh tâm sự: “Tôi may mắn học được từ Thầy những bài giảng giá trị về diễn xuất để từ đó phấn đấu cho sự nghiệp của mình. Thầy Hội dạy học trò rất khắt khe, nghiêm nghị, ngoài giờ học thì có thể chỉ là anh em, nói đùa như thế nào cũng được nhưng đã lên lớp, thực sự học tập thì khó mà chấp nhận việc đùa cợt. Hồi đó, cũng may chưa có nhiều show như hiện nay nên chúng tôi học rất đều, thời mới mở cửa kinh tế còn nghèo, đi học đạp xe, có hôm xe tôi bị bể lốp Thầy cho quá giang về nhà, giữa đường trưa mưa, bụng đói mà hai Thầy trò chỉ còn vài đồng trong túi không đủ ăn tô hủ tíu gõ ven đường. Vậy mà những tháng ngày đó thật vui, thật đầm ấm tình Thầy trò. Những vai diễn của tôi trên Đài Truyền hình thời đó, Thầy xem rồi góp ý rất kỹ, dù không còn học nhưng Thầy vẫn theo dõi bước chân của chúng tôi, em nào tiến bộ là Thầy mừng vui như chính thành quả của mình”.

Năm 1989, NSƯT Thành Hội về giảng dạy tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TPHCM, anh tiếp tục theo học Đại học Sân khấu Điện ảnh Việt Nam (từ 2001 đến 2007). Sau thế hệ những diễn viên giỏi nghề, anh tiếp tục đào tạo nhiều diễn viên trẻ, cung cấp cho sân khấu TPHCM nhiều hạt mầm tốt, họ vào nghề dưới sự huấn luyện của anh, để từ đó phát huy tài năng, góp phần mang về cho sân khấu Truyền hình và các sàn diễn xã hội hóa những vai kịch mới.

 Nghệ sĩ ưu tú Thành Hội “Thích khám phá những nét mới trong dàn dựng”! - 3

Đồng hành và đồng điệu trên đường dài nghệ thuật

Trong sự nghiệp nghệ thuật của anh, một người em, một người bạn đồng nghiệp hiểu ý anh và đồng hành bên anh suốt mấy mươi năm qua phải kể đến Ái Như. Chị có lối diễn dí dỏm, sâu sắc hợp với những vai kịch mà cả hai cùng viết dưới bút danh Hoàng Thái Thanh. Theo lý giải của cả hai thì chính vì cùng đam mê nữ danh ca Thái Thanh mà cả hai quyết định chọn nghệ danh này để đặt tên cho các sáng tác, cũng như khi phối hợp với Lê Bảo Anh (Giám đốc Công ty TNHH Xuân Hương), cả ba đã thành lập sân khấu mang tên Hoàng Thái Thanh tại Nhà Thiếu nhi TPHCM. Hiện nay, cả hai đang sở hữu nhiều kịch bản hay, tạo được uy tín đối với khán giả yêu kịch nói tại TPHCM.

NSƯT Thành Hội cho biết: “Trong nghệ thuật sự đồng điệu giữa hai tâm hồn rất quan trọng. Tựa như có sự đỡ nâng nhau để cùng vượt qua những ghềnh thác của cuộc sống, mà trong sáng tác thì có nhiều cuộc sống từ các số phận nhân vật do chính cảm nghiệm của người viết tạo nên, nếu mỗi mình ta suy nghĩ thì khó mà có được những điểm sáng để hướng kịch bản đi tới, do đó tôi và Ái Như dễ dàng đồng cảm để viết và dàn dựng. Mỗi sáng tác chúng tôi đều dành thời gian để chiêm nghiệm và tranh luận. Tôi tin rằng chưa có ai như chúng tôi khi quyết định đưa ra vở kịch nào mà sự tranh cãi nhiều hơn, vì Ái Như bướng bỉnh lắm, còn tôi thì trầm ngâm, đôi lúc tìm cho ra chiếc chìa khóa giải mã một tình huống khó trong công tác đạo diễn chúng tôi phải mất mấy ngày suy nghĩ. Rồi khi đã tìm được thì hồ hởi như trẻ con. Hiện nay đang dựng vở Nửa đời ngơ ngác, tôi không diễn vai nào, toàn tâm cho công tác đạo diễn, vì kịch dựa theo tiểu thuyết văn học Chiều vắng của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư là một con dao hai lưỡi. Khán giả đã đọc tiểu thuyết thì khó mà chấp nhận sự hư cấu nếu không hợp lý, hợp tình, còn khi chưa đọc, xem kịch thấy nhàn nhạt, thiếu chất văn thì đó là lỗi của đạo diễn. Vở kịch này sẽ ra mắt cuối tháng 10 năm nay với sự tham gia của các diễn viên: Ái Như, Trí Quang, Như Phúc, Ngọc Lan, Bích Trâm, Quang Thảo, Kim Phước… Tôi dồn sức cho dàn diễn viên trẻ, vì sau các vở của kịch Hoàng Thái Thanh như: Mùa Đông cuối cùng, Người trong cõi nhớ, Mua bảo hiểm tình, Ngôi nhà thiếu đàn bà, Người điên trong ngôi nhà cổ…Kể cả vở kịch thiếu nhi Nữ Hoàng ngang ngược, chúng tôi luôn dành đất diễn và tạo cơ hội để các diễn viên trẻ tỏa sáng”.

Niềm đam mê, hạnh phúc khi đứng trên bục giảng

Anh vẫn luôn đi đầu trong những khám phá mới về cách dàn dựng sao cho mỗi vở diễn có được điểm nhấn sâu sắc trong lòng khán giả. Bên cạnh anh là một mái ấm gia đình thật hạnh phúc. Hỏi sao ít khi nào thấy anh khoe vợ con trên báo? Anh cười: “Thôi, đó là đời sống riêng tư của gia đình tôi, tôi không muốn bị khấy động. Sự nổi tiếng của một thành viên trong gia đình có thể là niềm hãnh diện, nhưng cũng có thể sẽ là điều tai ương nếu không biết kềm chế. Khi bước về nhà tôi đặt bên ngoài cánh cửa của nhà tôi sự nổi tiếng, để là một người chồng, một người cha trong cuộc sống thật đúng nghĩa. Còn sự nổi tiếng chẳng qua từ công việc mà tôi phải làm cho cuộc sống và cho niềm đam mê của mình. Trên bục giảng, tôi đã dạy học trò mình biết giữ sự sĩ diện của nghề từ những gì khiêm tốn nhất. Hãy ganh đua với bạn diễn trên sàn tập và ganh đua với chính mình qua từng nỗ lực của công việc. Hồi đó đi học, nhiều Thầy của tôi đã phân tích sự nổi tiếng không mang lại cho bản thân ta sự vĩnh cửu trong cõi đời này, sự nổi tiếng chỉ tồn tại thông qua cách sống của mỗi con người. Thầy tôi có dạy con người làm nên tên tuổi chứ không phải ngược lại, cũng như chưa bao giờ tôi cậy vào sự nổi tiếng để khẳng định mình tồn tại như hiện nay. Niềm đam mê của tôi là được đứng trên bục giảng, được đem kiến thức truyền bá cho thế hệ diễn viên trẻ, đó là niềm hạnh phúc của tôi”!

Bài và ảnh: T.T

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT