NGÀY XUÂN VỀ CHỢ NỔI LONG XUYÊN

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

NGÀY XUÂN VỀ CHỢ NỔI LONG XUYÊN

Y. Huyền (*) - Ngọc Ân(**)  

 NGÀY XUÂN VỀ CHỢ NỔI LONG XUYÊN - 1

Cách bến phà Ô Môi hơn 1km, chợ không ồn ào, đua chen như những phố chợ “có bến có bờ”, chợ nổi Long Xuyên nằm ép mình bên cồn Phó Quế đoạn ngã 3 trên dòng sông Hậu. Ngày thường, nhịp sống chợ nổi Long Xuyên diễn ra đều đều… Càng về ngày giáp năm, chợ hối hả hẳn lên, từ xa, xuồng ghe tấp nập, “liệng neo” nối đuôi nhau. Trên các nóc, mui ghe, từng cánh tay lực lưỡng nhanh thoắt quơ cao lên rồi thụt xuống theo từng bọc hàng, quầy dừa. Thoắt chốc, giữa lòng sông Hậu, tiếng máy ghe buôn nổ xập xình cập đuôi sát vào nhau; những chiếc xuồng chở hàng khẳm mẹp dạt ra nổ máy ngược sóng lao vút hướng về các tuyến chợ nằm cập theo hai bờ sông Hậu… Cảnh buôn bán nhộn nhịp, báo hiệu mùa bội thương nữa lại về ở chợ nổi  Long Xuyên.

Như các chợ nổi vùng khác, đặc điểm nhận dạng sản phẩm bày bán trên chợ nổi Long Xuyên là nhìn vào “cây bẹo”. “Bẹo” - một hình thức “trưng - quảng cáo” hàng hóa độc đáo của người buôn bán trên sông nước – dùng cây sào treo lủng lẳng món hàng đang bán: dừa, quýt, khoai, bí... Sự ra đời hình thức “bẹo hàng” này xuất phát từ không gian nơi chợ nổi: Do nhiều ghe lớn đậu san sát nhau, ghe xuồng người mua mỗi lần cặp lại – lui đi rất khó khăn, hàng hóa người bán lại để trong khoang ghe, người mua không thể với giọng“hỏi” được, vì vậy, người bán “bẹo” hàng của mình - ra hiệu cho người mua ghe này bán loại hàng gì... Khách hàng muốn mua thứ nào chỉ việc nhìn “cây bẹo” găm thẳng xuồng, ghe lại…

NGÀY XUÂN VỀ CHỢ NỔI LONG XUYÊN - 2

Với đặc thù chợ “họp” giữa chừng sông nên hàng “tập kết” về đây một mặt được thương buôn đưa lẻ lên bờ bán theo buổi chợ, nhưng phần lớn bỏ sỉ cho bạn hàng chợ đầu mối ở trung tâm thành phố Long Xuyên, còn lại họ chạy lưu động trên sông, bán theo tuyến chợ nằm dọc bờ sông Hậu, sông Tiền để sớm tiêu thụ hàng hóa trước sức hút tiêu dùng ngày tết...

Sản phẩm bán trên chợ nổi Long Xuyên ngày Tết phong phú, số lượng nhiều hơn, ngày thường chủ yếu là rau, củ, quả, giờ thêm hoa, cây kiểng, các loại bánh, đồ trang trí ngày Tết...

“Khách hàng” đi chợ nổi mua số lượng lớn về bán lại cho người tiêu dùng, vì vậy, so với chợ trên bờ, quy mô “người đi chợ” ở chợ nổi Long Xuyên rất ít. Ngược lại, sức bán ra nhiều hơn, mỗi lần thương lái cân hàng từ 100 – 500 kg, có khi vài tấn. Anh: Trần Văn Tìa (Phụng Hiệp, Hậu Giang) bán ở chợ nổi này gần 3 năm cho biết: “Ngày thường một tuần, mười bữa chiếc ghe 10 tấn của tôi đi lấy trái cây một lần ở nhà vườn vùng Bến Tre, Cần Thơ, Long An... giờ gần Tết bà con mua nhiều, nên ba, bốn ngày mình đi lấy một lần...”. 

Cùng niềm vui như anh Tìa, chị Bùi Thị Duyên bận rộn bên chiếc ghe chở đầy cây kiểng: mai, thọ, cúc chia sẻ: Nhà chị bên Đồng Tháp, qua đây đón bán Tết, hoặc đếm sỉ cho các gian hàng hoa, chợ hoa Long Xuyên. Ở bển (Đồng Tháp) đụng hàng. Năm trước bên này bán được lắm, bà con trồng hoa tết xứ chị cũng tất bật đến đây “neo ghe”. Ngoài ghe hoa, chị Duyên còn chở thêm bánh tráng, nem, bao lì xì, nhang thơm, mua từ “lò” ở Đồng Tháp qua bán thêm...

Các sản phẩm hoa màu: rau, củ, quả… bán ở chợ nổi Long Xuyên được bà con “xứ rẫy” Chợ Mới, Phú Tân, Mỹ Hòa Hưng (Long Xuyên), hay tỉnh Đồng Tháp chở đến nhiều nhất. Ghe, xuồng nhà vườn ì ạch đậu lại chờ mối ghe lớn đến lấy, có khi chuyển lên bờ cho xe tải chở đi thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là niềm phấn khởi của người chuyên canh hoa màu vùng đất cù lao ven sông Hậu những ngày giáp năm trúng mùa được giá.

Điều dễ nhận thấy sức sống chợ nổi Long Xuyên vụ tết là hoạt động liên tục ngày đêm. Muộn, người mua, người bán nhộn nhịp đến nửa khuya, 3 giờ sáng hôm sau chợ lại được “họp”. Về đêm, ánh đèn chợ nổi Long Xuyên hắt xuống dòng nước sáng rực góc cồn Phó Quế giữa dòng sông Hậu.

Ông Hà Văn Thông hơn 5 năm làm bạn với nghề buôn, neo ghe ở chợ nổi này tâm sự: “Gần Tết, đêm nào cũng thức đến 12 giờ khuya, bữa thì trắng đêm. Bạn hàng xa từ chợ xã, huyện trong tỉnh đến mua ập ập. Dù trễ hay sớm mình phải thức, nếu õng ẹo là mất mối ngay... Riêng gì tôi, chợ nổi này người ta  đều như vậy hết...”. Thật vậy, gần 6 giờ chiều Đoàn chúng tôi chuẩn bị rời chợ nổi nhưng không khí mua bán vẫn chưa giảm nhộn nhịp!

Chợ nổi Long Xuyên sôm tụ còn có sự góp mặt của những người quanh năm sống trên ghe, bè đậu xung quanh chợ nổi, khác một điều, họ không bán hàng hóa mà bán sức lao động. Họ cần cù ngày đêm bốc dỡ hàng thuê từ ghe này sang ghe khác. Người làm công khuân vác chợ nổi có cả nam và nữ, công việc không nặng lắm, cuộc sống tương đối ổn định, đổi lại hơi cực vì thức khuya, dậy sớm. Anh Lê Văn Bình, chia sẻ cùng tôi cái nghề “quanh năm bán sức ở nom sông”: “Tuy chỉ bưng cân, chuyền hàng nhưng lúc hút khách cực chú ạ, mấy ngày cận Tết mua bán đông lắm, mình vừa cân, vừa khiêng... loay hoay tới lui không nghỉ tay”.

Ngoài công việc “buôn bán tấp nập”, cuộc sống đời thường, việc “ăn Tết” của dân thương hồ chợ nổi cũng tạo nét đặc trưng riêng. Đặc thù cư trú “rày đây mai đó”, nên cách ăn Tết của họ “bồng bềnh” theo kiểu “bốn bể là nhà”. Do neo bán hàng đến ngày cuối cùng của năm cũ, nhiều người ở xa không về kịp quê hương, họ đành phải đậu lại “ăn Tết” trên sông. Người buôn, nghề buôn thường “đèo cả gia đình” theo ghe “chạy suốt quanh năm” ngược – xuôi khắp chuyến chợ. “Bà con hàng xóm” ngày tết của dân thương hồ chợ nổi là “bạn” đi ghe, đậu ghe buôn bán với nhau dù chỉ mới “lời qua tiếng lại” đôi lần. Vậy, họ vẫn xem nhau như “bà con ruột thịt” vì ai cũng ăn Tết trong “nỗi lòng xa xứ”. Có người bán hết hàng sớm thì cập ghe lại bến chợ gần đó lên bờ “du xuân”.

 Bàn thờ đêm cúng Giao thừa ở chợ nổi là “mũi” hay “nóc” ghe. Dân buôn bán chợ nổi này cũng như nơi khác, cúng Giao thừa hoặc mùng 3 họ chỉ cầu một ý nguyện thực tế gắn liền với “tính sông nước Tây Nam Bộ”: “Mua may bán đắt”, “qua sông - vượt sóng được bình an”, “bà cậu hộ độ…”.Dân chợ nổi ăn Tết không hết “mùng”, mùng 3 họ cúng ra mắt ông bà, vái van cầu an, thương thịnh… xong nhổ ghe đi “cân” hàng về bán theo buổi khai trương các chợ trên bờ; ghe khác còn hàng thì tiếp tục “khui ghe“bẹo hàng” bán cho khách.

NGÀY XUÂN VỀ CHỢ NỔI LONG XUYÊN - 3

Nhìn chung, cuộc sống của họ bình dị, cứ quẩn quanh như thế. Họ gắn cuộc đời với sông nước nên tính cách hòa nhã, trọng tình cảm, mềm mại như sông nước trong cách thức buôn bán…

            ...Rời chợ nổi Long Xuyên trời sạm tối, ở vài mui ghe những ánh đèn điện (đèn bình ắcqui) đỏ lòe lét được thấp lên. Ngoài sông, ghe, xuồng còn hối hả kề cặp, lời ngả giá qua lại vẫn ồn ào, cảnh cân, vác hàng hóa “lộn xộn”… Cuộc sống chợ nổi về đêm vẫn diễn ra, họ đã quen với công việc hàng ngày như thế…

Chợ nổi Long Xuyên là nét văn hóa độc đáo của người dân An Giang, bởi nó gắn liền với cách sống nhạy bén trong lao động sản xuất, phương thức kinh doanh của người dân sông nước… Tính cách, sinh hoạt hàng ngày, đời sống tâm linh con người thương hồ chợ nổi ở Long Xuyên nói riêng, Tây Nam Bộ nói chung là đặc trưng văn hóa vùng, miền…

Từ đặc trưng đó, Ngành Du lịch Việt Nam và An Giang địa phương nên tận dụng, liên kết, đầu tư tái dựng thêm cho đa dạng, chắc hẳn chợ nổi này sẽ trở thành tour, tuyến du lịch hấp dẫn khách tham quan trong, ngoài nước...

YH.NA

 

(*) Học viên Cao học Khóa 2, ngành  Quản lý Văn hóa, Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh

(**) Liêu Ngọc Ân, phòng Văn hóa – Lịch sử, Sở VHTTDL AN GIANG

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT