“ Nâng mũi kiểu Hàn Quốc” – Có gì lạ?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Cũng như cơn sốt điệu nhảy “Gangnam Style” Hàn Quốc đang gây náo động giới trẻ Việt,  cơn sốt “Làm mũi kiểu Hàn Quốc” theo phim ảnh và ca nhạc Hàn đã nhiều năm rồi làm rạo rực trái tim hàng triệu phụ nữ Việt Nam. Cùng với những thành tựu thần kỳ trong phát triển kinh tế - xã hội của Hàn Quốc, lĩnh vực Phẫu thuật Thẩm mỹ - Chăm sóc Sắc đẹp của xứ sở Kim Chi cũng phát triển  nhanh chóng và nay thì đã là một trong những quốc gia hàng đầu trên thế giới. Những Diễn viên – Ca sĩ Hàn Quốc với dáng chuẩn, ăn mặc sành điệu, những khuôn mặt đẹp với sống mũi thanh tú đã là hình mẫu hút hồn giới trẻ Việt Nam. Khắp xứ ta đâu đâu cũng nghe: ăn uống kiểu Hàn, trang phục kiểu Hàn, xưng hô kiểu Hàn và… làm mũi kiểu Hàn. Có thể thấy biiểu hiện của cơn sốt đó qua hàng loạt những câu hỏi của đọc giả gửi về Chuyên mục Du lịch và Thẩm mỹ của Tạp Chí Du lịch TPHCM, để yêu cầu giải đáp những thắc mắc xung quanh “Câu chuyện làm mũi kiểu Hàn Quốc”. Hy vọng những giải đáp của Bác sĩ Cao Ngọc Bích - Chuyên gia Phẫu thuật Thẩm mỹ của chuyên mục này, sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ và hiểu đúng về hiện tượng “Nâng mũi Hàn Quốc”, để các bạn đọc có thêm thông tin khi có nhu cầu làm đẹp...  

“ Nâng mũi kiểu Hàn Quốc” – Có gì lạ? - 1

— * Chúng tôi nghe nhiều về chuyện “Nâng mũi kiểu Hàn Quốc”, nhưng vẫn chưa hình dung được. Xin Bác sĩ giải thích?

- Thực ra, “Nâng mũi Hàn Quốc” là một khái niệm do người Việt mình đặt ra sau khi được chiêm ngưỡng mặt mũi các Diễn viên trên các phim ảnh xứ Hàn. Nhân đó, một số Thẩm mỹ viện xứ ta mới “té nước theo mưa”, lấy luôn cụm từ đó để quảng cáo đánh vào tâm lý quần chúng đang thần tượng Diễn viên Hàn, nhằm chiêu dụ khách hàng. Nghe riết thành quen, đến mức một số Bác sĩ Phẫu thuật Thẩm mỹ cũng lấy luôn cụm từ đó để quảng cáo cho dễ đi vào lòng người. Đúng như lời của Gơ-ben, nhân vật trùm truyền thông của Hít-le đã nói “nói dối mãi cũng thành sự thật”, cái câu “Nâng mũi Hàn Quốc” nghe riết thành quen. Đến mức người ta lầm tưởng có một một phương pháp riêng, một kỹ thuật riêng của Hàn Quốc để làm mũi và có những cái mũi đẹp như vậy ở Hàn Quốc là nhờ phương pháp đó. Mặc dù người ta chưa thấy cụm từ “Nâng mũi Hàn Quốc” ở bất cứ đâu trên thế giới ngoài các mẩu quảng cáo ở Việt Nam.

* Bác sĩ cho biết phương pháp nâng mũi ở Hàn Quốc có gì khác với ở Việt Nam và trên thế giới?

 - Trong 10 năm gần đây, việc giao lưu trao đổi học hỏi chuyên môn nghề nghiệp giữa các Bác sĩ Thẩm mỹ Việt Nam với các đồng nghiệp thế giới ngày càng thường xuyên hơn và hiệu quả hơn. Các Bác sĩ Phẫu thuật Thẩm mỹ Hàn Quốc cũng là khách mời thường xuyên của Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ TPHCM. Nhiều Chuyên gia đầu ngành nổi tiếng trong các lĩnh vực Phẫu thuật Thẩm mỹ Hàn Quốc đã đến báo cáo khoa học và trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp Việt Nam, nhất là những bí quyết để làm được một sống mũi đẹp, là đề tài đang được đông đảo người Việt Nam quan tâm và kỳ vọng.            

Hiện nay người ta thường được đọc trong các lời giới thiệu quảng cáo hoặc được nghe các Bác sĩ Thẩm mỹ tư vấn về kỹ thuật “Nâng mũi Hàn Quốc” mà trong đó các chi tiết được nhấn mạnh là “sử dụng sụn tự thân như sụn vách ngăn, sụn tai…) cân như cân thái dương để tạo nên mũi đẹp tự nhiên. Thực ra các kỹ thuật can thiệp chỉnh sửa các cấu trúc mũi  (xương, sụn, mô mềm) để tạo hình thẩm mỹ những mũi chưa đẹp và việc sử dụng các mảnh ghép tự thân (sụn, cân) để nâng sống mũi, tạo hình đầu mũi, là những  kỹ thuật đã có từ lâu đời, đã là những giải pháp kỹ thuật kinh điển trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ mũi toàn thế giới chứ không là phát minh của Hàn Quốc, càng không phải độc quyền của họ.  Từ hàng nghìn năm trước, những kỹ thuật tạo hình thẩm mỹ mũi đã được mô tả trong kinh Vệ Đà (Vedas) của đạo Hin-đu (Hinduism). Trải qua nhiều thế kỷ, các nhà phẫu thuật tạo hình đã cải tiến kỹ thuật, sử dụng nhiều chất liệu để cấy ghép tạo hình mũi, trong đó hiệu quả cao nhất là sử dụng sụn tự thân như sụn vách ngăn (septal cartilage), sụn vành tai (conchal cartilage), sụn sườn (costal carilage), v.v… Kỹ thuật lấy sụn vách ngăn mũi để ghép tạo hinh mũi được các tác giả mô tả rất chi tiết mang tính guideline. Tác giả Peck đã  đề xuất việc thái khối sụn thành từng miếng mỏng để ghép  trong kỹ thuật Peck (Peck’s technique). Trong sách xuất bản năm 1972, tác giả Sheen đã mô tả các bước trong kỹ thuật ghép sụn tự thân, với các  chi tiết quan trong như  thái nhỏ sụn, ghép chúng  lại với nhau bằng chỉ khâu hoặc bằng cân bọc và làm tròn các góc nhọn của miếng sụn. Các kỹ thuật này cũng được mô tả và nhấn mạnh lại trong cuốn sách giáo khoa tạo hình thẩm mỹ mũi xuât bản tai các trường Đại học Anh, Úc và Bắc Mỹ. Đó  là những kỹ thuật mà nay các Bác sĩ Hàn Quốc cũng như các Bác sĩ Phẫu thuật Thẩm mỹ trên toàn thế giới sử dụng như những bí quyết trong tạo hình thẩm mỹ mũi.

* Qua phim ảnh, sách báo ta thấy các diễn viên Hàn Quốc hầu hết đều được  làm thẩm mỹ  và có kết quả tuyệt vời, nhất là làm mũi quá đẹp. Bác sĩ có thế cho biết tại sao ?

 - Như người ta thường nói: “nước nổi thì bèo nổi”, sự phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật của Hàn Quốc đang được cả thế giới ngưỡng mộ, trong đó nền Y học Hàn Quốc cũng  phát triển ngang tầm các nước tiên tiến, thì sự phát triển và thành công của họ trong lĩnh vực Phẫu thuật Thẩm mỹ và chăm sóc sắc đẹp cũng là chuyện tất yếu. Chúng ta đã biết rằng các kỹ thuật cơ bản trong y học và trong phẫu thuật thẩm mỹ đã phổ biến toàn thế giới và trở thành kỹ thuật thường qui, nên sự khác nhau trong kết quả công việc chỉ còn tùy thuộc vào khả năng ứng dụng thực tiễn. Tại Hàn Quốc, trong điều kiện một xã hội phát triển, cơ sở vật chất kỹ thuật tốt, các cơ sở y tế hiện đại, dân trí cao và các Bác sĩ được đào tạo tốt cả về kiến thức và kỹ năng  thì khả năng có được kết quả phẫu thuật tốt là cao hơn nhiều so với ở môi trường y tế ở xã hội  phát triển thấp hơn.

Tuy nhiên một kết quả phẫu thuật còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khác: cặp  mắt thẩm mỹ, kỹ năng phẫu thuật (hay là sự khéo léo của bàn tay) và  kinh nghiệm thực tiễn của phẫu thuật viên, sự tuân thủ điều trị và cơ địa của bệnh nhân. Vì vậy, về mặt khoa học không thể có kết quả tốt 100%. Luôn luôn có tỉ lệ nhất định của thành công làm hài lòng bệnh nhân, có tỉ lệ kết quả chấp nhận được và có tỉ lệ thất bại. Trên toàn thế giới đều như vậy. Các quốc gia, các Bác sĩ chỉ khác nhau về mức độ của tỉ lệ mà thôi. Theo thống kê của Ngân hàng dữ liệu Mỹ, từ 1990 đến 2004 ở Mỹ có 191, 804 trường hợp tai nạn trong y khoa, mà nhiều trường hợp không xác đinh được lỗi do ai. Vì vậy, có thể ở Hàn Quốc có tỉ lệ kết quả đẹp cao hơn, nhưng chắc chắn không phải mọi trường hợp đều hài lòng. Tuy nhiên, ta thấy các Diễn viên trên phim ảnh và các Ca sĩ đều có mũi đẹp. Điều này cũng dễ hiểu, vì số lượng Diễn viên, Ca sĩ mà chúng ta nhìn thấy quá ít ỏi so với hàng triệu phụ nữ Hàn Quốc có làm thẩm mỹ và hơn nữa nếu không đẹp họ đã không được đóng phim, không được xuất hiện trước công chúng. Cũng phải có lời khen các Đạo diễn Hàn Quốc có gu (gout) thẩm mỹ cao việc chọn Diễn viên. Tuy nói vậy nhưng phải một lần nữa công nhận và ngưỡng mộ những thành công của các Bác sĩ Phẫu thuật Thẩm mỹ Hàn Quốc, đặc biệt là trong phẫu thuật tạo hình mũi.

“ Nâng mũi kiểu Hàn Quốc” – Có gì lạ? - 2

* Bác sĩ cho biết  những yếu tố nào đảm bảo cho một kết quả thẩm mỹ mũi đep?

 - Một kết quả thẩm mỹ tốt của phẫu thuật tạo hình mũi (cũng như các phẫu thuật thẩm mỹ khác) luôn luôn là trăn trở và ước mơ của các phẫu thuật viên từ hàng nghìn năm nay. Có rất nhiều yếu tố tác động đến kết quả thẩm mỹ Mũi :

 1. Về phía Bác sĩ Phẫu thuật Thẩm mỹ:

- Sự tận tâm

- Kiến thức

- Óc thẩm mỹ

- Kỹ năng

- Kinh nghiệm

- Trang thiết bị

- Khả năng của cơ sở y tế

2. Về phía Bệnh nhân;

- Hiện trạng mũi

- Tình trạng sức khỏe

- Môi trường làm việc

- Điều kiện sống

- Mức độ tuân thủ yêu cầu điều trị

-Cơ đia di truyền

 Trong đó không có yếu tố nào là không quan trọng.

* Xin Bác sĩ cho những lời khuyên tốt  nhất cho những người muốn đi làm phẫu thuật thẩm mỹ  mũi.

 - Những lời khuyên sau đây là cho tất cả  những người sắp đi làm đẹp, không riêng gì người đi làm mũi.

- Suy nghĩ xem xét thấu đáo ý thích của mình, động cơ của mình. (Có cần không? Có nên không? )

- Tìm hiểu thông tin về điều mình quan tâm qua sách báo, internet, qua bạn bè người thân và qua tham vấn Chuyên gia Thẩm mỹ.

- Thông tin quan trọng là: Lợi và hại của việc mình định làm? Những rủi ro có thể xảy ra? Khả năng của phẫu thuật thẩm mỹ về chuyện này? So sánh thực tế ở Việt Nam và thế giới.

- Tìm hiểu thực tế ở Việt Nam: Cả cơ sở y tế và các Bác sĩ liên quan trong lĩnh vực này.

- Đến nơi để trực tiếp tư vấn và xem xét.

- Đánh giá cơ sơ y tế và Bác sĩ đó qua thông tin tìm hiểu và qua tiếp xúc trực tiếp.

- Chỉ quyết định làm khi thấy cần làm và biết rõ lợi và hại có thể có sau khi làm.

- Chỉ quyết định làm ở đâu và với Bác sĩ nào mà mình thấy hoàn toàn tin tưởng.

- Chưa yên tâm thì chưa làm. Còn băn khoăn thì chưa làm.

- Chưa có sự đồng thuận của những người thân trực tiếp thì chưa nên làm.

- Đọc quảng cáo để biết chứ không nên tin.

- Phải cảnh giác với những nơi tự nói là tốt nhất, những người tự nhận là giỏi nhất. Người thực giỏi và người tử tế là những người không vỗ ngực khoe mẽ và ăn nói lấy được.

- Phải biết chấp nhận những rủi ro có thể có nhu một thực tế khách quan khoa học.

Bác sĩ Cao Ngọc Bích

Phó Chủ tich Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.Hồ Chí Minh

Trưởng Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ Bênh viện An Sinh

Giám đốc Viện Phẫu thuật Thẩm mỹ Nhật Phương

Tài liệu tham khảo :

  1. Bernard DESSAPT, La Chirurgie Esthetique, SIMEP, Paris, 1988
  2. Pault RENAULT, M.D., Rollin DANIEL, M.D., Aesthetic Plastic Surgery, Brown and Company, Boston-Toronto.
  3. Gary BURGET, M.D., Federick MENICK, M.D., Aesthetic Reconstruction of the Nose, Mosby, 1992, Baltimore, New York, Philadelphia, Toronto, London, Madrid, Sydney.
  4. ASPS (American Society of Plastic Surgeons) website.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT