NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO HƯỚNG DẪN VIÊN DU LỊCH

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trong xu thế toàn cầu hóa, sự hợp tác và cạnh tranh giữa các quốc gia trên thế giới trong lĩnh vực du lịch ngày càng trở nên gay gắt. Mặc dù trong những năm gần đây nguồn nhân lực ngành du lịch Việt Nam đã không ngừng tăng trưởng và phát triển, song vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tế của xã hội. Bài viết này đề cập đến thực trạng đào tạo hướng dẫn viên du lịch (HDVDL) trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các giải pháp cơ bản nhằm tăng cường chất lượng đào tạo HDVDL, góp phần thúc đẩy chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực du lịch trong tương lai.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO HƯỚNG DẪN VIÊN DU LỊCH - 1

Ngành du lịch Việt Nam nói chung, thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức trong sự phát triển chung của du lịch toàn cầu, khách du lịch ngày càng tăng, nhu cầu và mong muốn của du khách về cách tổ chức chuyến đi du lịch, tiêu dùng sản phẩm du lịch, chất lượng sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng. Trong xu thế phát triển chung của ngành du lịch Việt Nam, ngành du lịch Thành phố trong thời gian qua đã có sự phát triển nhanh về số lượng và chất lượng đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế–xã hội. Tuy nhiên sự phát triển của ngành du lịch Thành phố vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, chất lượng và số lượng sản phẩm du lịch chưa đáp ứng cao nhu cầu khách du lịch.Điều này đòi hỏi ngành du lịch, các doanh nghiệp du lịch phải nâng cao chất lượng dịch vụ. Một trong những yếu tố ảnh hưởng quan trọng đến chất lượng dịch vụ là nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là đội ngũ Hướng dẫn viên du lịch (HDVDL). Tuy nhiên để có được đội ngũ HDVDL có đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng thì công tác tổ chức đào tạo là yếu tố quyết định. Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua ngành du lịch Thành phố và các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đã có nhiều giải pháp trong công tác đào tạo đội ngũ HDVDL góp phần vào sự phát triển nguồn nhân lực du lịch cả về chất lượng và số lượng.

Hướng dẫn viên du lịch giỏi– mỏi mắt tìm kiếm

Hướng dẫn viên như một đại sứ văn hóa cho một quốc gia, cần phải nắm chắc các môn khoa học về lịch sử, địa lý, văn hóa, kiến trúc, chính trị và hiểu biết về mọi mặt của cuộc sống và nắm được những thông tin mới nhất, từ đó mới có thể thuyết minh tốt. Để đào tạo một sinh viên chuẩn của ngành thì phải đảm bảo họ có đầy đủ các kiến thức cần thiết, rồi thì bồi dưỡng các kỹ năng để trở thành những hướng dẫn viên giỏi. Điều quan trọng nhất của người làm công tác đào tạo HDV là phải truyền đạt cho sinh viên cách nhìn đúng đắn về nghề nghiệp của mình. Bên cạnh kiến thức chuyên môn, kiến thức nền tảng về nghề, hướng dẫn viên cần phải biết những kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết các vấn đề của du khách một cách linh hoạt, kỹ năng nghề nghiệp này không phải hướng dẫn viên nào cũng đáp ứng được, nhất là khi các chương trình đào tạo hiện hành về nghề nghiệp vụ du lịch, các trải nghiệm thực tế mang lại những kỹ năng giải quyết tình huống, giao tiếp, ứng xử cho các học viên còn thiếu nhiều trong các chương trình đào tạo.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO HƯỚNG DẪN VIÊN DU LỊCH - 2

Du lịch Việt Nam được đánh giá là “Giàu tài nguyên nhưng nghèo sản phẩm” mà nguyên do là thiếu sáng tạo, và đội ngũ làm du lịch chưa chuyên nghiệp. Trong đó, có thể kể đến đội ngũ hướng dẫn viên- những người được coi là linh hồn của sản phẩm du lịch. Việc hoạch định và đưa ra những giải pháp hợp lý nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, đưa ngành du lịch phát triển xứng đáng với tiềm năng.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, cả nước hiện có hơn 6.700 hướng dẫn viên du lịch quốc tế, trong đó có 3.700 hướng dẫn viên tiếng Anh, 995 hướng dẫn viên tiếng Pháp và 961 người biết tiếng Trung. Hướng dẫn viên sử dụng tiếng Nhật hiện có 431 người, tiếng Đức là 375 người, tiếng Nga có 345 người, tiếng Tây Ban Nha có 147 người... Với số liệu này, có thể thấy đội ngũ hướng dẫn viên thông thạo ngoại ngữ hiếm đang thiếu rất nhiều. Số người có bằng đại học chuyên ngành để làm hướng dẫn viên du lịch quốc tế theo quy định của Luật Du lịch đang thiếu trầm trọng khiến các doanh nghiệp (DN) lữ hành hết sức lúng túng mỗi khi vào mùa cao điểm khách quốc tế. Nguyên nhân của tình trạng này là do: lực lượng sinh viên ngoại ngữ còn thiếu nghiệp vụ du lịch nên không thể hành nghề theo quy định của Luật du lịch. Trong khi đó, sinh viên tốt nghiệp từ các trường cao đẳng du lịch thì lại chưa thể hành nghề, vì theo quy định, hướng dẫn viên quốc tế phải là cử nhân chuyên ngành về du lịch.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO HƯỚNG DẪN VIÊN DU LỊCH - 3

Hầu hết đại diện DN lữ hành cho rằng, việc quy định khá cứng nhắc phải có bằng cử nhân mới được cấp thẻ hướng dẫn đang làm gia tăng tình trạng khan hiếm nghiêm trọng HDV du lịch quốc tế, lãng phí nguồn nhân lực có kinh nghiệm, đặc biệt DN sẽ gặp khó khăn lớn về nguồn, nhất là HDV ngoại ngữ hiếm khi vào mùa cao điểm du lịch quốc tế. Thực trạng về đội ngũ HDVDL sử dụng các thứ “tiếng hiếm” luôn có “lỗ hổng” lớn. Câu chuyện về “chất và lượng” của đội ngũ HDVDL nước ta vẫn luôn là “biết rồi, khổ lắm nói mãi”. Đứng trước thực trạng này, đã dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp phải tìm đến phương án cứu cánh là sử dụng HDV nước ngoài, HDV không thẻ để hướng dẫn khách quốc tế… đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng phục vụ khách quốc tế đến với Việt Nam.

Trong hệ thống giáo dục của nước ta đều có các khoa tại các trường Đại học, Cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề đào tạo du lịch. Số lượng đầu vào có, và đây sẽ là một lực lượng hùng hậu bổ sung đội ngũ HDV cho ngành du lịch. Nhưng thực tế cho thấy chương trình đào tạo tại các trường vẫn còn nặng về lý thuyết, chưa chú trọng nhiều đến các kỹ năng thực hành. Ngoài ra, theo đánh giá của các doanh nghiệp hoạt động du lịch thì một trong những điểm yếu hiện nay của lực lượng chuẩn bị tham gia vào ngành du lịch là khả năng giao tiếp ngoại ngữ còn hạn chế; việc đào tạo HDV sử dụng các ngoại ngữ “hiếm” còn rất ít, chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đứng trước tình hình khách du lịch đến với Việt Nam ngày một nhiều, chúng ta không còn chỉ bó hẹp trong hai thứ tiếng phổ biến như Anh, Pháp nữa; vấn đề nóng bỏng hiện nay là làm sao cân đối quan hệ cung-cầu HDV sử dụng các thứ “tiếng hiếm” là rất cần thiết và sớm được bổ sung.

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đào tạo đội ngũ HDVDL

Từ những mặt đạt được và chưa đạt được về số lượng, chất lượng công tác tổ chức đào tạo nguồn nhân lực du lịch trong thời gian qua cho thấy, để đạt mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý và đạt chất lượng cao, các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch cần tiếp tục phát triển, chú trọng đào tạo giáo viên cho các trường nghề, đa dạng hóa các hình thức đào tạo. Để thực hiện vấn đề này, cần thực hiện các giải pháp sau:

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO HƯỚNG DẪN VIÊN DU LỊCH - 4

Thứ nhất, cần đa dạng hóa và đổi mới chương trình đào tạo: các cơ sở đào tạo cần thu thập ý kiến của các đơn vị kinh doanh, các tổ chức quản lý, hiệp hội,... để thiết kế các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Nghiên cứu để tiến tới xây dựng chương trình đào tạo cho từng vị trí công việc trong công nghiệp du lịch. Đặc biệt, cần có chương trình đào tạo riêng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chương trình chung của các khoá học cần tăng thực hành, thực tập tại các khách sạn; trong chương trình đào tạo tất cả các nghề du lịch, ngoài kỹ năng chuyên ngành, tin học và ngoại ngữ, cần chú ý đào tạo những kỹ năng cơ bản như: giải quyết vấn đề (tình huống); tổ chức công việc; kỹ năng bán hàng...các trường Đại học Ngoại ngữ cần mở thêm các khoa tiếng Nhật, tiếng Đức...

Thứ hai, triển khai công tác tổ chức đào tạo tại doanh nghiệp: các doanh nghiệp du lịch cần xác định việc đào tạo nguồn nhân lực là một sự đầu tư trên cơ sở đó thực hiện theo quy trình sau: (Hình thành chính sách đào tạo - Phân tích nhu cầu đào tạo - Xây dựng tài liệu đào tạo -Xây dựng kế hoạch đào tạo hàng năm -Lựa chọn chương trình và phương pháp đào tạo - Quản lý, triển khai các chương trình đào tạo - Đánh giá và điều chỉnh công tác đào tạo).

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO HƯỚNG DẪN VIÊN DU LỊCH - 5

Thứ ba, phối hợp với các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch của nước ngoài nước để tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng chuyên môn và công tác quản lý; các doanh nghiệp cũng cần gửi cán bộ quản lý đi đào tạo ở nước ngoài hoặc thuê chuyên gia nước ngoài đang làm công tác quản lý kiêm công tác đào tạo tại chỗ nhằm giúp cán bộ quản lý sớm tiếp cận với công nghệ quản lý tiên tiến về du lịch.

Thứ tư, tăng cường đầu tư nguồn ngân sách cho việc nâng cấp và mở rộng cơ sở đào tạo, đặc biệt cần phát triển các cơ sở thực hành cho các trường đại học, trung học và nghề. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và kỹ thuật phục vụ thực hành của học sinh.

Để có một đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, thuyết minh viên du lịch có trình độ nghiệp vụ cao, ngoại ngữ giỏi, am hiểu lịch sử-văn hóa dân tộc, đòi hỏi phải có sự hợp tác, gắn kết chặt chẽ giữa ngành du lịch, các cơ sở đào tạo, các địa phương và doanh nghiệp du lịch. Điều quan trọng nữa là bản thân mỗi hướng dẫn viên phải luôn có ý thức trau dồi kiến thức và thực sự yêu nghề./.

ThS. PHAN ĐÔNG NHỰT

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc

Đường hoa Nguyễn Huệ gây ấn tượng mạnh ngay từ cổng chào với đôi linh vật rồng uốn lượn ngoạn mục. Với tên gọi “Lưỡng Long triều liên” (đôi rồng chầu sen), đại cảnh cổng mở gồm hai linh vật Rồng, mỗi linh vật có 5 đoạn thân rồng uốn lượn dọc hai bên đường hoa, với độ dài hơn 100 m và kích thước vòng đầu hơn 2 m.