MÙA XUÂN TRÊN HÒN SƠN RÁI

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

MÙA XUÂN TRÊN HÒN SƠN RÁI - 1

           Nằm vị trí trung tâm của khu tam giác biển nổi tiếng: Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc, Sơn Rái (còn gọi là Hòn Sơn) là một hòn đảo chưa được du khách biết đến, nhưng xem ra cảnh quan thiên nhiên và khí hậu nơi đây chẳng hề thua kém với bất cứ một vùng đất nào trên hành tinh này

HÒN SƠN RÁI TRONG HUYỀN THOẠI

      Từ bến tàu đò Rạch Giá, đi thẳng một đường về hướng Tây gần 30 cây số là đến Hòn Tre. Qua khỏi Hòn Tre, đi chệch về hướng Nam thêm 28 km nữa là cặp Bãi Nhà của hòn Sơn Rái. Giữa lòng đại dương mênh mông, nhìn vào Sơn Rái những ngày trời quang mây tạnh, có khác gì một viên kim cương khổng lồ đang lấp lánh, với 7 đỉnh núi lung linh trong sóng nước trùng khơi. Nhưng phải đặt chân lên hòn Sơn Rái, người ta mới thấy được hết cái vẻ đẹp tuyệt vời của nó.

Dấu chân của những người Việt đầu tiên đặt lên hòn Sơn Rái,chậm nhất cũng vào năm 1777.Đó là năm Nguyễn Ánh chạy trốn sự truy nã của quân Tây Sơn, đã trôi dạt đến đây. Tương truyền, trên bước đường cùng, không tìm đâu ra lương thực. Lúc bấy giờ, ở đây loài rái cá rất nhiều. Bỗng dưng một con rái cá khổng lồ xuất hiện, bắt nhiều tôm, cá dâng cho ông. Cái tên hòn Sơn Rái ra đời từ đó. Chẳng biết thực hư thế nao, nhưng hiện nay, tại mặt Nam bãi Nhà trên độ cao 300 mét, còn lưu lại một tảng đá mà theo cư dân thì ngày xưa, Ngyễn Ánh có khắc lên đó một bài thơ, nhưng nay đã bị thời gian xóa sạch hết nét chữ! Một truyền thuyết khác cho rằng khi những lưu dân đầu tiên đến đinh cư nơi đây thì cây Rái mọc thành rừng. Người ta lấy nhựa của loại cây này để trét ghe thuyền ,chống thấm,nên mới có tên là hòn Sơn Rái. Tất cả những câu chuyện huyền sử đó càng làm cho Hòn Sơn Rái thêm hấp dẫn.

     Với diện tích 11,5 km2. Ngày nay,hòn Sơn Rái mang tên hành chánh là xã Lại Sơn, một trong bốn xã đảo của huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, có 2012 hộ cư dân. Đặc biệt,dừa ở hòn Sơn Rái không chỉ dày cơm mà nước còn ngọt và thanh chẳng kém gì dừa xiêm Bến Tre. Có thể nói, lịch sử khẩn hoang và phát triển của hòn đảo thơ mộng này là những huyền thoại hấp dẫn,gắn liền với tên đất,tên người. Chỉ riêng tên ngọn núi Ma Thiên Lãnh nằm trên độ cao 400 mét thôi, cũng đủ gợi cho trí tưởng tượng con người những điều kỳ bí,thiêng liêng. Trên đỉnh núi này, có một khoãng đất trống cỏ mướt như nhung, mang tên là Sân Tiên mà hầu hết dân chúng địa phương đều tin là thời xa xưa, những đêm trăng sang, các nàng tiên trên thượng giới, nhìn xuống,thấy trần gian quá đẹp nên thường ghé xuống chơi. Gần đỉnh Ma Thiên Lãnh, cây rừng rậm rạp,hiện còn nhiều gôc cổ thụ quý giá như trầm hương, gỏ đỏ…Đặc biệt là những hang động thiên nhiên đèp như chốn bồng lai, đã giữ chân nhiều đạo sĩ thập phương tìm đến ẩn tu. Trên hòn Sơn Rái còn có những di tích văn hóa –lịch sử in đậm dấu ấn thủy chung và long biết ơn của con người đối với thiên nhiên và tiên nhân, như Miếu thờ Bà Chúa Hòn, Đền thờ Nam Hải Đài Tướng Quân,Đình Nguyễn Trung Trực là những công trình kiến trúc mang nét cổ kính và trang nghiêm, đặc thù của người Việt.

      Từ xưa đến nay, hầu hết du khách yêu thích không khí trong lành và sự mênh mông của của biển cả, thường nhắc đến những bãi tắm nổi tiếng như Vũng Tàu, Nha Trang, Đại Lãnh, Hà Tiên, Phú Quốc…Hình như, ít có ai nhắc đến hòn Sơn Rái bao giờ, vì du lịch ở nơi đây chưa được khai thác, chỉ mới bắt đầu cựa mình thức giấc. Thật ra, Sơn Rái có năm bãi tắm trên cả tuyệt vời, còn mang đậm nét hoang sơ, chưa bị bàn tay con người can thiệp. Nếu bãi Nhà sầm uất, với cư dân đông đúc,  những quán ăn xây dựng đơn sơ bất đầu xuất hiên, nhằm đáp ứng cho du khách những món hải sản tươi ngon, được chế biến theo cách dân dã thật đặc sắc. Thì cách đó không xa, bãi Bấc êm đềm, vắng lặng, luôn âm vang bản trường ca bất tận của cây rừng xôn xao trong gió. Phía bên kia là bãi Thiên Tuế với những gềnh đá nhấp nhô như được sắp đăt bởi bàn tay của nghệ sĩ tạo hóa rất mực tài hoa. Rồi bãi Giếng, quanh năm lặng lờ như nươc mặt hồ, xanh biếc một màu ngọc bích. Nhưng đẹp hơn cả là bãi Bàng, uốn lượn theo hình vòng cung, vỗ về bờ cát mịn màn. Ở đây, những chiều lọng gió, hay những đêm trăng sang mênh mông, người ta có thể lắng nghe tiếng suối thì thầm, luồng lách giữa những gềnh đá, từ những khe nguồn trên đỉnh Ma Thiên Lãnh đổ xuống. Tất cả dường như không còn vướng mùi tục lụy của chốn trần ai.

NÀNG CÔNG CHÚA NGỦ QUÊN…

           Giờ đây, hòn Sơn Rái như cô Công chúa ngủ quên lâu ngày trong rừng, bất đầu thưc giấc. Mỗi ngày, một chuyến tàu đò và một chuyến tàu cao tốc cùng tách bến Rạch Giá lúc 8g30 để đến với hòn Sơn Rái. Lượng du khách ngày càng thêm đông, nhất là vào cuối tuần và những dịp lễ lạc, dường như đã quá tải. Môt con đường trải nhựa vòng quanh đảo nối liền các bãi biển và các thắng cảnh được xây dựng sắp hoàn thành. Cho dù trên hòn Sơn Rái mới chỉ có một vài nhà trọ, còn rất nghèo nàn, nhưng đã có nhiều nhóm khách du lịch phương Tây và Nhật Bản thường xuyên tìm đến. Có nhóm dự định ở lại  một, hai ngày, nhưng rồi bị lòng hiếu khách của con người và sự quyến rũ của thiên nhiên đã giữ chân họ lâu hơn. Có người còn nói rằng, họ đã đi nhiều nơi trên thế giới, nhưng Sơn Rái đúng là một thiên đường và rất ước ao một ngày trở lại. Nhiều chuyên gia du lịch trong và ngoài nước đã tìm đến Sơn Rái, đều trầm trồ trước sức hấp dẫn của nó. Tất cả đều đồng tình: Sơn Rái cần phải xây dựng nhiều cơ sở vật chất và các phương tiện phục vụ cho Ngành Du lịch, bởi nơi đây có tiềm năng lớn lao, đủ để cạnh tranh với bất cứ đâu,nếu như được đầu tư đúng mức. Vấn đề là đừng để bàn tay con người can thiệp vào cảnh quan thiên nhiên một cách thô bạo như đã từng xảy ra với nhiều địa phương khác.

ĐẶC SẢN NƯỚC MẮM HÒN SƠN RÁI

      Hàng trăm năm trước, người dân các tỉnh Đồng bằng Nam bộ đã rất quen thuộc với nước mắm biển, sản xuất ở các hòn đảo ngoài khơi, được các thương lái đem về bán khắp miệt lục tỉnh, Sài Gòn, miền Đông và sang tận  Cần Vọt, KamPot của Campuchia. Theo sự sành ăn của người dân thì nước mắm biển thơm, ngon và đậm đà hơn nước mắm đồng rất nhiều. Người dân Nam bộ, gọi nước mắm biển là nước mắm hòn. Đơn giản, nó được sản xuất ở các hòn đảo. Nổi tiếng nhất là hòn Phú Quốc, hòn Tre. Còn như hòn Sơn Rái thì ít được nhắc tới. Kỳ tình, nước mắm hòn Sơn Rái lâu đời và ngon không thua kém gì nước mắm Phú Quốc, hòn Tre. Bởi nơi đây, được biển khơi hào phóng ban tặng cho loại cá cơm sọc, thịt bở, ít xương, nổi từng đàn suốt bốn mùa. Loại cá cơm này mà làm nước mắm thì vô địch. Cơ sở nước mắm có tiếng và lâu đời nhất ở hòn Sơn Rái là Đức Ngươn,do ông cụ tổ  Phan Văn Khôn (Mười Khôn) sáng lập hơn trăm năm trước và đã truyền đến 4 đời con cháu. Thoạt đầu, nước mắm Đúc Ngươn, được chứa trong những cái tỉn bằng đất nung rất thô , chẳng có nhãn hiệu gì cả. Đến những năm giữa thế kỷ trước, có dán thêm cái nhãn in thủ công thật sơ sài. Đến đời thứ ba thì được chứa trong các chai thủy tinh có dán nhãn in nhiều màu nhưng cả kỹ thuật in ấn, lẫn thẩm mỹ rất kém. Mãi đến hôm nay, thế hệ thứ tư mới chú trọng đến hình thức bao bì để cạnh tranh hữu hiệu trên thương trường.Mới đây, ông Kawabata, một khách du lịch, vừa là chuyên gia ẩm thực người Nhật khi đến hòn Sơn Rái có ghé thăm cơ sở Đức Ngươn. Nếm qua mùi vị nước mắm ở đây, ông Kawabata tỏ ra kinh ngạc. Ông nói: “Tại sao một loại gia vị độc đáo và tuyệt hảo lâu đời như thế lại chưa đươc thế giới biết đến.Thật là uổng phí và vụng về!” Đầu năm nay,Hạnh Nhân, một cô gái Quảng Nam, sau khi du học 7 năm ngành thiết kế nội thất ở châu Âu về nước, và tiếp tục theo học đạo diễn sân khấu. Hạnh Nhân đã gặp và kết thân với Bảo Thu, cháu đời thứ tư của Đức Ngươn, tốt nghiệp trường đại học Sân Khấu, hiện là diễn viên kịch nói, thường xuyên xuất hiện trên sân khấu 5B Võ Văn Tần.

MÙA XUÂN TRÊN HÒN SƠN RÁI - 2

Bảo Thu và Hạnh Nhân

 

Nhân một chuyến về thăm hòn Sơn Rái, gặp và nghe ông Kawabata nói, hai cô gái mang đầy nghệ sĩ tính trong trái tim đã quyết định dồn mọi nỗ lực để thổi hồn nghệ thuật vào bao bì cho chai nước mắm Đức Ngươn. Hai cô gái đầy nhiệt huyết này phát biểu: “Chúng tôi không chỉ ước vọng làm cho người Việt khắp năm châu bốn bể biết đến thương hiệu Đức Ngươn. Mà còn nuôi tham vọng cho thế giới biết nhiều hơn nữa văn hóa ẩm thực của người Viêt, ngoài phở ra còn có nước mắm. Đặc biệt, nước mắm hòn Sơn Rái. Đó cũng là cách đền đáp ân tình đối với hòn đảo ngoc này.”

         Trong Văn học dân gian, từ lâu người dân hòn Sơn Rái thuộc lòng những câu vè đã trở thành ca dao,như:    

                                    “Để cho đôi trẻ nên duyên       

                                     Lão ong thách cưới một thiên cá mòi”

                 Hoặc:         “Nước mắm hòn dầm con cá bẹ                   

                                     Bởi mê nước mắm hòn em trốn mẹ theo anh”

                  Hy vọng rồi đây, người ta cũng sẽ thuộc nằm lòng những câu ca dao mới:

                                     “Đêm nằm tơ tưng hòn Sơn

                                      Nhớ mùi nước mắm Đức Ngươn đậm đà.”.

                  Cô gái Hạnh Nhân nói với nụ cười thật tươi, cứ như hòn Sơn Rái là quê hương thứ hai của cô không bằng.

 MÙA XUÂN TRÊN HÒN SƠN RÁI - 3

BA NGÀY TẾT CẢ ĐẢO LÀ NHÀ

          Có thể nói, chỉ ở những hòn đảo xa như Sơn Rái, người dân mới còn giữ được không khí tết nguyên đán theo đúng những phong tục của cha ông từ ngàn xưa. Nơi đây, dường như chưa bị chi phối nhiều bởi văn minh đô thị,nên vẫn còn ngyên vẹn giá trị nhân văn của văn hóa dân tộc. Ngày 30 Tết, tất cả tàu bè đều neo lại bến, không một chiếc ra khơi. Trên bàn thờ nhà nào cũng có một mâm ngũ quả, với khói hương nghi ngút, chờ đón Ông Bà khuất mặt, khuất mày về đón Xuân với con cháu. Buổi chiều, bà con trong xóm gọi nhau í ới. Những nồi bánh Tét bắt đầu nổi lửa. Hầu như mỗi nhà đều có một nồi. Nhà nào neo đơn thì gởi ké hàng xóm vài ba đòn. Đến giờ Giao thừa, sân nhà nào cũng khói hương nghi ngút, cúng tạ trời đất đã ban cho một năm biển êm, sóng lặng và cầu xin một năm mới bình an, thịnh vượng cho gia đạo. Người người kéo nhau đi lễ và xin lộc đầu năm. Người ta nối đuôi nhau vào Đình vị Anh hùng Nguyễn Trung Trực, Đền thờ Nam Hải Đại Tướng Quân, Miếu Bà Chúa Hòn và Chùa Hải Sơn Tự. Sáng ra, trẻ con đua nhau khoe quần áo mới,chạy tung tăng khắp xóm. Đó đây, những tà áo màu của những cô thiếu nữ tung bay trong gió. Ba ngày Tết, cả đảo là một nhà. Bất cứ ai, ghé lại nhà nào ăn uống no say cũng được gia chủ đón tiếp niềm nở. Có những đứa con đi xa trở về,cũng cố dấu đi những gì của phố thị để được chan hòa trong không khí ấm áp của quê nhà.

          Tháng giêng, nắng như vàng và tươi hơn. Biển thì trong xanh một màu ngọc bích đến vô tận. Hoa dại nở trắng bìa rừng trong không gian thanh thoát. Tết ở hòn Sơn Rái là thế. Những ai có dịp đón Tết ở đây một lần, chắc hẳn sẽ thấy lòng yêu mến quê hương, đất nước mình hơn nữa.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT