Thanh toán bằng mã QR: Nhanh chóng, tiện lợi nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro
Thanh toán QR đang trở thành phương thức thanh toán phổ biến tại Việt Nam, mang đến sự tiện lợi, nhanh chóng cho người dùng. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, hình thức thanh toán này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nếu không được bảo mật cẩn thận.
Thống kê cho thấy, thanh toán QR đã và đang tăng trưởng mạnh mẽ. Theo Payoo, trong 3 năm qua, thanh toán QR qua nền tảng này đã tăng trưởng trung bình 3 lần mỗi năm. Tỷ trọng thanh toán QR trong các hình thức thanh toán ở nhiều lĩnh vực vượt hơn 30%, tập trung chủ yếu tại các ngành hàng như dịch vụ ăn uống, siêu thị, thời trang, giải trí, nội thất,...
Quét mã QR được yêu thích vì nhanh chóng tiện lợi.
Nhận thức được tiềm năng của thị trường, các ngân hàng và đơn vị trung gian thanh toán liên tục cho ra mắt các giải pháp thanh toán QR tiện lợi, phù hợp với mọi quy mô doanh nghiệp. Tuy nhiên, song song với sự phát triển này, các hình thức lừa đảo dựa trên QR code cũng ngày càng gia tăng tinh vi, gây thiệt hại cho cả người dùng và doanh nghiệp.
Một số hình thức lừa đảo phổ biến liên quan đến thanh toán QR bao gồm:
Dán đè QR code: Kẻ gian dán QR code giả lên QR code của cửa hàng, đánh lừa người mua quét mã và chuyển tiền vào tài khoản lừa đảo.
Giả mạo giao dịch thanh toán: Kẻ gian tạo màn hình giả mạo thông báo thanh toán thành công, khiến nhân viên cửa hàng giao hàng mà không kiểm tra kỹ.
Lợi dụng sơ hở trong việc xác minh giao dịch: Khi có nhiều khách hàng thanh toán cùng lúc, nhân viên có thể nhầm lẫn, xác nhận sai giao dịch.
Nhận thức được vấn đề này, Payoo đã triển khai nhiều giải pháp chống lừa đảo hiệu quả. Ví dụ, sử dụng mã QR động cho mỗi giao dịch, hiển thị mã QR trên thiết bị thanh toán POS,...
Nhiều người dân chọn thanh toán bằng QR code khi
Bên cạnh nỗ lực của các doanh nghiệp, Chính phủ cũng đã có những biện pháp mạnh mẽ để đảm bảo an ninh mạng cho thanh toán QR. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán rà soát quy trình, quy định nội bộ, đồng thời áp dụng xác thực sinh trắc học cho các giao dịch trên 10 triệu đồng/lần hoặc trên 20 triệu đồng/ngày từ ngày 1/7/2024.
Việc đảm bảo an ninh mạng cho thanh toán QR là trách nhiệm chung của các bên liên quan. Doanh nghiệp cần đầu tư vào các giải pháp bảo mật tiên tiến, chính phủ cần ban hành các quy định chặt chẽ, người dùng cần nâng cao cảnh giác và sử dụng dịch vụ thanh toán QR một cách thông minh.