Múa rối nước - Nghệ thuật lưu giữ hồn Việt

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Với thế giới, múa rối nước Việt Nam được biết đến là một loại hình nghệ thuật diễn xướng độc nhất vô nhị. Rối nước là một đặc sản của văn hóa Việt, được sinh ra và lớn lên từ môi trường nước và đôi bàn tay khéo léo cùng sự sáng tạo tài tình của những người “nghệ sĩ” nông dân.

Múa rối nước là một loại hình nghệ thuật độc đáo mà xét ở góc độ du lịch được coi là một sứ giả của văn hóa, bởi nội dung trong các tiết mục rối nước đều phản ánh rõ nét những nếp sinh hoạt đời thường hay phong tục tập quán lâu đời của người Việt. Hiện nay, nghệ thuật múa rối nước Việt Nam tồn tại tập trung ở vùng đồng bằng Bắc Bộ với 15 phường rối nước dân gian và có mặt tại các đơn vị biểu diễn chuyên nghiệp khắp cả nước.

Múa rối nước - Nghệ thuật lưu giữ hồn Việt - 1
Một phân cảnh trong vở diễn Sự tích hồ Gươm - Ảnh: S.H.T

Nguồn gốc của múa rối nước

Qua một số công trình nghiên cứu về múa rối nước chỉ ra rằng, loại hình nghệ thuật này đã có từ lâu đời trong lịch sử, gắn liền với nền văn minh lúa nước, được nuôi dưỡng và phát triển vào triều đại nhà Lý (1010 - 1225). Chính vì vậy mà trong hầu hết các vở diễn rối nước, khán giả thường bắt gặp những câu chuyện, hình ảnh gắn với nông nghiệp lúa nước hay điển tích Phật giáo, vốn là những “điểm sáng” rực rỡ trong xã hội thời Lý lúc bấy giờ. Theo thời gian, múa rối nước được truyền từ đời này sang đời khác, từ thuở ban đầu chỉ dành để phục vụ vua chúa đã dần trở thành một thú chơi tao nhã của người dân Việt Nam trong các dịp lễ hội.

Múa rối nước - Nghệ thuật lưu giữ hồn Việt - 2
Được nuôi dưỡng và phát triển từ thời Lý, theo thời gian, múa rối nước từ thuở ban đầu chỉ dành để phục vụ vua chúa đã dần trở thành một thú chơi tao nhã của người Việt trong các dịp lễ hội - Ảnh: S.H.T

Mặt nước là sân khấu biểu diễn

Múa rối nước có giá trị đặc sắc và khác với tất cả các loại hình biểu diễn rối khác ở chỗ dùng mặt nước làm nơi cho quân rối diễn trò. Việt Nam nói chung có diện tích mặt nước lớn với nhiều ao, hồ... và chính điều này là cơ sở cho sự ra đời của rối nước. Sân khấu mặt nước góp phần đắc lực tạo nên những bất ngờ thú vị cho người xem. Khán giả ngạc nhiên, ngỡ ngàng khi hàng cờ từ dưới nước bật lên mà vẫn khô nguyên, thích thú khi những con rối đi xa hàng chục mét đến sát mép nước mời trầu, tặng hoa…

Múa rối nước - Nghệ thuật lưu giữ hồn Việt - 3
Những con rối uyển chuyển lướt trên mặt nước, tài tình pha trò khiến khán giả trầm trồ, thích thú - Ảnh: S.H.T

Thủy đình (buồng trò) là đặc trưng tiếp theo của loại hình này. Hình ảnh thủy đình mang dáng dấp mái đình đầu làng, nhẹ nhàng và thanh thoát; phía sau có phông che (được gọi là tấm y môn) tạo thành nơi để các nghệ nhân biểu diễn múa rối nước. Sự kết hợp giữa sân khấu nước với thủy đình đã tạo nên một không gian diễn xướng rất đặc trưng, mang đậm dấu ấn của văn hóa Việt và là cội nguồn cho vẻ đẹp nghệ thuật lan tỏa.

Múa rối nước - Nghệ thuật lưu giữ hồn Việt - 4
Các nghệ nhân biểu diễn rối nước bên trong thủy đình - Ảnh: S.H.T

Quân rối là hình tượng nghệ thuật

Quân rối là công cụ nghệ thuật của nghệ sĩ múa rối. Đây là một “diễn viên đặc biệt” được tạo ra từ sự kết hợp giữa người nghệ nhân tạo hình rối và người điều khiển rối. Quân rối nước chính là sản phẩm của điêu khắc gỗ dân gian, vừa giàu tính nghệ thuật lại mộc mạc, chân tình.

Múa rối nước - Nghệ thuật lưu giữ hồn Việt - 5
Quân rối nước chính là sản phẩm của điêu khắc gỗ dân gian, vừa giàu tính nghệ thuật lại mộc mạc, chân tình - Ảnh: S.H.T

Kỹ thuật điều khiển trong múa rối nước rất được coi trọng. Quân rối đẹp mới chỉ có giá trị về mặt điêu khắc. Sự thành công của quân rối nước chủ yếu đến từ sự cử động của thân hình tạo nên những hành động pha trò của nó.

Múa rối nước - Nghệ thuật lưu giữ hồn Việt - 6
Sự cử động nhịp nhàng của quân rối nước chính là mấu chốt quyết định sự thành công của người nghệ nhân tạo hình rối nước - Ảnh: S.H.T

Các nghệ nhân dân gian đã dựa vào kinh nghiệm và khả năng sáng tạo để làm ra nhiều kiểu máy rối nước phong phú và đa dạng. Máy điều khiển được giấu trong lòng nước, lợi dụng sức nước, tạo sự điều khiển từ xa, cống hiến cho người xem nhiều bất ngờ kỳ diệu. Nghệ nhân rối nước đứng trong buồng trò thao tác bằng cây sào hoặc giật con rối bằng hệ thống dây. Đặc biệt, trong biểu diễn rối nước không thể thiếu những tiếng trống, tiếng nhạc phụ trợ. Âm nhạc rối nước mang tính đại náo của hội hè, có tác dụng kích động mạnh cả người diễn lẫn người xem.

Một di sản mãi vang vọng giữa Sài Gòn

Các sân khấu múa rối nước tại Sài Gòn vẫn duy trì hoạt động đều đặn phục vụ du khách. Lượng khách đến với rối nước không quá đông, cũng không quá thưa thớt, phần nhiều vẫn là những du khách nước ngoài hiếu kỳ về văn hóa Việt Nam, muốn được thưởng thức loại hình di sản nghệ thuật rối nước độc đáo này. Tuy nhiên, dù ít hay nhiều thì rối nước vẫn có một vị trí riêng trong lòng khán giả và các buổi diễn đều có một lượng khán giả nhất định. Nếu hứng thú, bạn có thể tìm đến Nhà hát rối nước Rồng Vàng (55B Nguyễn Thị Minh Khai, Phường Bến Thành, Quận 1) hay Nhà hát Rex Sen Vàng của khách sạn 5 sao Rex (141 Nguyễn Huệ, Phường Bến Nghé, Quận 1) để thưởng thức những tiết mục rối nước đặc sắc. Giá vé dao động khoảng từ 200.000 – 300.000 đồng tùy thời lượng suất diễn.

Múa rối nước - Nghệ thuật lưu giữ hồn Việt - 7
Các nghệ nhân biểu diễn rối nước xuất hiện sau tấm màn che để chào khán giả mỗi khi kết thúc vở diễn - Ảnh: S.H.T

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tạp Chí Du Lịch