Mâm cỗ ngày Tết 3 miền

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tết cổ truyền là dịp để mọi người nghỉ ngơi sau 1 năm làm việc vất vả, trở về với gia đình, quê hương. Câu chuyện ngày tết bên cạnh tách trà nóng hổi, mứt kẹo thơm ngon, còn có các món ăn truyền thống. Cũng như các quốc gia trên thế giới, mỗi vùng, miền trên đất nước ta đều có các món ăn đặc trưng riêng

 Mâm cỗ ngày Tết 3 miền - 1

MIỀN BẮC VỚI BÁNH CHƯNG, HÀNH MUỐI, THỊT ĐÔNG...

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

Mâm cỗ ngày Tết 3 miền - 2

Bánh chưng xanh

Từ bao đời nay, bánh chưng trở thành một trong những biểu tượng của ngày Tết. Trước tiên để làm lễ vật cúng ông bà, tổ tiên, sau đó hòa cùng các món ăn làm cho buổi sum họp ngày xuân thêm ấm cúng. Cách làm bánh chưng truyền thống còn gợi nhớ biết bao kỷ niệm đẹp với không ít người đã trưởng thành, nhất là xa quê. Các công đoạn rửa lá, ngâm gạo, đậu, gói bánh, nấu bánh... trên bếp củi trong tiết trời rét như cắt đã thật sự mang không khí ngày Tết đến với mỗi gia đình. Thời gian gói bánh cũng là dịp để các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, cùng sẻ chia và cảm nhận hơi ấm mùa xuân đang về. Với các công đoạn cơ bản, bên những câu chuyện về kỷ niệm thời thơ ấu, mỗi người một tay gói nên những chiếc bánh vuông vức. Bánh được nấu hơn 10 tiếng, phải canh chừng cẩn thận, lửa đều, nước luôn ngập thì bánh mới chín đều, thơm, ngon. Bánh chín mềm, trước tiên sẽ được dâng lên ông bà tổ tiên, làm lễ vật đi chúc tết và trở thành món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết.

Thịt đông không ngán

Mâm cỗ ngày Tết 3 miền - 3

Thịt nấu đông được chọn từ thịt chân giò, vừa có phần da, nạc, chút mỡ. Cắt miếng thịt vừa ăn, ướp với nước mắm, muối, hành khô, tiêu. Nấm hương, mộc nhĩ ngâm nở, rửa sạch thái sợi. Phi chút dầu ăn với hành khô, xào thịt săn rồi đổ nước ngập thịt, ninh trong khoảng nửa tiếng. Xào nấm hương và mộc nhĩ rồi đổ vào nồi thịt đang ninh, đun thêm 1 lúc thì tắt bếp. Thêm hạt tiêu, hành lá, rau mùi. Sau đó, múc thịt đã nấu vào các khuân hình hoa, lá... để nguội, cất vào tủ lạnh. Món thịt đông thơm, mềm, mộc nhĩ giòn, thơm mùi nấm hương quyện với mùi các loại gia vị. Đặc biệt lớp nước đông trong veo dạng thạch, ăn không ngán mà lại thơm, ngọt. Với những chiếc khuôn nhiều kiểu, sẽ tạo hình cho đĩa thịt đông thêm phần hấp dẫn, người lớn và trẻ em đều rất thích.

Hành muối cay nồng

Mâm cỗ ngày Tết 3 miền - 4

Trong mâm cỗ ngày tết, không thể thiếu đĩa hành muối, ăn kèm bánh chưng, hay những món ăn nhiều dầu mỡ... Từ trước tết nửa tháng, các bà các mẹ đã chọn ra những củ hành già, bỏ rễ, bỏ bớt vài lớp vỏ ngoài. Ngâm nước tro qua đêm hoặc từ sáng tới tối, rửa sạch cho ráo nước. Pha chế nước muối hành với nước đun sôi để nguội, muối, đường. Vại muối hành được làm từ đất nung, sau khi cho tất cả nguyên liệu vào thì lấy lá chuối bịt lại và lấy dây buộc chặt. Sau 5-7 ngày có thể ăn được, nhưng để khoảng nửa tháng thì hành thấm đều gia vị, bớt mùi hăng. Khi bày trên mâm cỗ, lấy hành ra, bóc bỏ lớp vỏ ngoài, khi thấy lớp bên trong trắng nõn thì thôi. Đĩa hành muối có thể trang trí thêm với cà rốt, dưa chuột, su hào muối, cũng làm mâm cỗ thêm phong phú, nhiều màu sắc. Với tiết trời giá rét đặc trưng, vị cay nồng của hành làm bữa cơm ngày tết thêm phần ấm cúng.

 Các loại giò

Giò nạc hay chả lụa là món ăn được làm từ 2 nguyên liệu cơ bản là thịt thăn lợn và nước mắm ngon, được gói trong lá chuối, luộc chín. Khoanh giò được cắt, trang trí hình hoa thị tám miếng, vị ngọt, mùi thơm đặc trưng của thịt quyện nước mắm ngon. Bên cạnh đó còn có giò thủ, giò bì... hàng ngày vẫn thường được ăn kèm với bánh mì, xôi mặn, nhưng trong mâm cỗ Tết lại là món ăn đặc trưng không thể thiếu. Thường là có 2-3 lọai giò, để ăn kèm với các món khác nhau.

 MIỀN NAM VỚI BÁNH TÉT, KHỔ QUA, CỦ KIỆU

Bánh tét

Mâm cỗ ngày Tết 3 miền - 5

Với miền Bắc, bánh chưng là món đặc trưng ngày Tết, thì miền Nam, Bánh Tét là món ăn không thê thiếu. Nguyên liệu gói bánh tét cũng tương tự bánh chưng, song bánh tét đa dạng hơn về các loại nhân, màu sắc, mùi, vị. Có các loại nhân như: dừa, chuối, đậu xanh, đậu đỏ, trứng vit muối…

Thịt kho trứng nước dừa

Mâm cỗ ngày Tết 3 miền - 6

Tương tự món thịt đông miền Bắc, thịt kho trứng nước dừa cũng được chế biến với số lượng nhiều, để tủ lạnh ăn dần trong những ngày Tết. Thịt ba rọi hoặc thịt thăn được cắt miếng to cỡ quả trứng vịt, ướp chút đường sau đó được xào săn, đổ ngập nước dừa. Khi nước sôi, thả trứng vịt đã luộc chín vào, ninh trong khoảng 2 tiếng. Khi chín thịt mềm đều, thịt trong, không ngán, mùi thơm lừng. Miếng thịt, trứng đậm đà thấm vị ngọt thanh của nước dừa là điểm nhấn trong bữa cơm ngày Tết.

Canh khổ qua dồn thịt

Mâm cỗ ngày Tết 3 miền - 7

Với quan niệm “khổ qua” – tức qua hết khổ ải, trong bữa cơm ngày tết ở miền Nam không thể thiếu canh khổ qua dồn thịt. Đây được coi là món ăn mang ý nghĩa tươi sáng cho một năm mới bình an, hạnh phúc. Trái khổ qua, miền Bắc gọi là mướp đắng, có tính hàn, ăn giải nhiệt. Kết hợp với nhân thịt xay, mộc nhĩ, hành, tiêu, nước mắm… thành món canh ngọt mát.

Củ kiệu tôm khô

Mâm cỗ ngày Tết 3 miền - 8

Tương tự hành muối ở miền Bắc, món củ kiệu muối chua ăn kèm tôm khô cũng là một sắc màu đặc trưng trong mâm cỗ ngày Tết ở miền Nam. Món ăn này phải chuẩn bị khá cầu kỳ. Chọn các củ kiệu to vừa phải, đều nhau, ngâm nước tro rồi cắt bỏ rễ, vỏ ngoài. Ngâm với đường tỉ lệ 1:1, thêm chút muối, dấm, khoảng 10-15 ngày là có thể dùng được. Củ kiệu lên men, chua vừa phải, ngọt, giòn, ăn kèm với tôm khô vừa bọt, bùi vừa chua chua, giúp bớt ngán.

 MIỀN TRUNG VỚI BÁNH THUẨN, DƯA MÓN

Bánh thuẩn

Mâm cỗ ngày Tết 3 miền - 9

Thoạt nhìn khá giống bánh bông lan với màu vàng đẹp mắt, bánh Thuẩn được làm từ bột, trứng, sữa. Khi tiếp khách đến chúc Tết, gia chủ mời khách dùng bánh Thuẩn, cùng tách trà nóng thơm ngát, làm cho không khí ngày xuân thêm ngọt ngào, ấm áp.

Bánh Tét

Với nguyên liệu và cách làm như bánh Tét của người miền Nam, bánh Tét cũng là biểu tượng, món ăn truyền thống trong ngày tết ở miền Trung. Được gói bằng lá chuối, nhân thịt, đậu xanh, đòn bánh Tét hình trụ dài, cắt thành khoanh tròn, ăn kèm dưa món, củ kiệu rất ngon.

Thịt heo kho củ cải

Mâm cỗ ngày Tết 3 miền - 10

Tương tự món thịt đông của miền Bắc và thịt kho trứng nước dừa của miền Nam, thịt kho củ cải cũng là món ăn truyền thống đặc trưng ngày tết ở miền Trung. Món ăn này thường được chế biến từ thịt mông heo, củ cải trắng cắt miếng đều, vừa ăn, ướp với hành, mắm, tiêu, ớt, kho nhừ. Vị ngọt thanh của củ cải làm cho miếng thịt heo thơm ngon, ăn không ngán, ăn kèm bánh Tét hoặc cơm trắng đều rất ngon.

Dưa món

Mâm cỗ ngày Tết 3 miền - 11

Đây là món ăn được làm từ nhiều loại nguyên liệu, hình dạng đẹp mắt: cà rốt, dưa leo, củ cải, đu đủ… Vị chua, mặn, cảm giác dai, giòn thú vị ăn kèm với bánh tét là hương vị đặc trưng trong bữa cơm ngày Tết ở miền Trung.

Mỗi vùng, miền đều có các món ăn truyền thống đặc trưng riêng, mà mỗi khi tết đến xuân về các gia đình đều chuẩn bị để tiếp đãi người thân, bạn bè. Trải qua năm tháng cùng sự trưởng thành của mỗi người, các món ăn có thể được chế biến theo những cách khác nhau, nhưng đều mang lại cảm giác ấm cúng, sum vầy. Đó là nét đẹp văn hóa ẩm thực truyền thống mà bao đời nay chúng ta luôn duy trì và phát huy.

 

HỒNG HƯƠNG

Ảnh: Internet

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo