Mùa xuân đang về trong cái rét ngọt miền Bắc, trong sắc trời xanh biếc nắng vàng phương nam. Xuân về trên khắp bản nhỏ, trên những bờ rào đá, trên khắp núi đồi, bản làng thôn xóm, trên những nụ hoa rực rỡ trên khắp miền đất nước.
Mùa xuân đang về trong cái rét ngọt miền Bắc, trong sắc trời xanh biếc nắng vàng phương nam. Xuân về trên khắp bản nhỏ, trên những bờ rào đá, trên khắp núi đồi, bản làng thôn xóm, trên những nụ hoa rực rỡ trên khắp miền đất nước.
Xuân về trên khắp bờ rào đá, trên khắp núi đồi, bản làng thôn xóm, trên những nụ hoa rực rỡ trên khắp miền đất nước.
Nhắc đến loài hoa đặc trưng cho miền Nam mỗi độ Tết đến xuân về là nhắc đến hoa mai vàng - sứ giả mùa xuân vừa gần gũi thân thuộc vừa mang cốt cách thanh cao đi vào văn thơ nhạc họa.
Nổi tiếng nhất phải kể đến những câu thơ của Mãn Giác thiền sư trong bài Cáo tật thị chúng:
“Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiên quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”
Tạm dịch:
“Xuân qua trăm hoa rụng
Xuân tới trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai”
Bài thơ của vị thiền sư già đúc kết quy luật của tự nhiên, của đất trời, của đời người đồng thời dùng hình ảnh hoa mai để bày tỏ niềm tin, sự lạc quan vào tương lai. Chẳng thế mà nhiều nhà thơ khác như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Chiểu, Cao Bá Quát cũng từng ít nhất một lần đưa hình ảnh hoa mai vào tác phẩm của mình.
Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái hoa mai
(Mười năm chu du tìm gươm báu
Đời ta chỉ cúi lạy hoa mai).
(Cao Bá Quát)
Tháng Chạp, phương nam bước vào những ngày đẹp nhất trong năm khi tiết trời mát mẻ trong lành, lòng người hân hoan reo vui trong không khí mùa màng bội thu, lễ hội cận kề. Tùy vào thời tiết mỗi năm, người ta ấn định một ngày tháng Chạp để hái lá mai, năm nào trời lạnh phải hái lá sớm, năm nào trời ấm thì hái muộn hơn - đó cũng được ví như là hoạt động khai mạc mùa Tết.
Hái lá mai xong là tất bật dọn nhà, thăm mộ tổ tiên, làm mứt, đi chợ, cúng kiếng mời ông bà về ăn Tết.
Chộn rộn nhất chính là những ngày tháng này. Ngang qua con đường Kha Vạn Cân hướng về Thủ Đức, dễ dàng bắt gặp những tốp thợ hái lá mai cho những vườn hoa kiểng. Công việc này coi bộ đơn giản khi chỉ việc ngắt bỏ trụi lá cây, nhưng lại đòi hỏi kỹ thuật và sự khéo léo để đôi tay nhanh thoăn thoắt không làm gãy cành, hư nụ.
Ở quê, nhất là miền Tây hầu như mỗi nhà đều có một cội mai vàng trước nhà. Cây mai là vậy, cả năm sống lặng lẽ chẳng ai thèm chú ý vì màu lá xanh xám, thân cây xù xì. Nhưng rồi chỉ cần trút bỏ lớp áo úa vàng cũ kỹ, hứng đủ nước, sương mai và nắng vàng là nụ hoa sẽ kết chùm.
Tôi thích thú với việc quan sát hình dáng nụ hoa biến đổi từng ngày thật diệu kỳ: từ lấm tấm xanh rì be bé sau vài ngày đã chúm chím vàng, rồi có khi sau một đêm hoa bung nở vàng rực rỡ một khoảng sân, một góc trời. Hương hoa tỏa thơm nhè nhẹ là thứ hấp dẫn loài ong mật.
Một cơn gió nhẹ thổi qua là cành hoa lung lay, cánh hoa rơi lả tả phủ kín mặt đất những tàn hoa vàng mà bố tôi hay gọi là lộc lá. Bầy trẻ thơ chạy ùa ra reo hò phấn khích, bố mẹ tôi gác lại những bận rộn cuối năm ngồi uống trà ngắm hoa - với tôi đó có lẽ là cảnh xuân tươi đẹp nhất trong ký ức.
Tết ở miền Nam, mọi gia đình dù giàu hay nghèo đều sắm bằng được một cành mai trưng ở vị trí trang trọng trong nhà, có khi là mua cả cây về bày trong Tết. Sắc hoa vàng tươi như lời mời gọi sự giàu sang và an khang về trong năm mới.
Những ngày giáp Tết ở Sài Gòn, có dịp lang thang qua bến Bình Đông mới hiểu thế nào là cảnh nhộn nhịp trên bến dưới thuyền. Những chiếc thuyền ghe theo con nước cập bến, chở theo đầy ắp những chậu hoa rực rỡ sắc màu mà nổi bật nhất là sắc vàng sắc đỏ của hoa vạn thọ chen nhau trong ánh nắng sớm.
Bạn tôi người miền Tây kể từ độ cuối tháng 11 âm lịch đã bắt đầu xuống giống hoa vạn thọ, cây mất 2 tháng để phát triển và cho hoa nở đúng dịp Tết. Tháng Chạp đi qua miệt Bến Tre, Sa Đéc lại thấy nao nao trong lòng vì sắc hoa vàng rực, hương hoa ngai ngái mang theo nét hồn hậu, mộc mạc quê hương.
Người ta bảo vạn thọ là loài hoa gợi nhớ phong vị Tết phương Nam xưa - cái tết của khó khăn, thiếu thốn nhưng đong đầy tình nghĩa. Vạn thọ dễ trồng, gieo ngoài đất hay trong những chiếc chậu đan bằng tre thô sơ, chỉ cần tưới nước và đủ nắng là đơm hoa. Ngày Tết trong nhà dù thiếu trước hụt sau, chưa thể đủ đầy cũng sẵn có chậu vạn thọ chưng trước cửa nhà, có vài nhánh hoa cắm trên bàn thờ gia tiên bày tỏ lòng thành kính.
Sau này, theo nhu cầu cuộc sống mà người ta trồng thêm nhiều loại cúc khác, như cúc mâm xôi, cúc đại đóa. Những chậu vạn thọ nhiều khi lặng lẽ tỏa hương bên cạnh các chị em kiêu sa đài các khác. Nhưng không vì thế mà người dân quê tôi hay người thành thị lãng quên bông vạn thọ. Bởi cái hương ngai ngái mà thân thương ấy hình như là hương phù sa, hương quê, hương Tết mà nhiều người đã lâu không gặp.
Những ngày xuân, lang thang qua đất Đồng Nai, lên Tây Nguyên, ta có thể bắt gặp sắc vàng của loài hoa phật y bao trùm khắp núi đồi Bảo Lộc, báo tin xuân yên vui về với mọi nhà.
Tôi có một tình yêu đặc biệt dành cho hoa đào miền Bắc, nhưng không phải những cành đào cắm trong chậu kiêu sa quý phái mà là những nhánh đào ẩn giữa núi rừng, những nụ hoa e ấp trong sương giá chờ ngày bung tỏa sắc hồng.
Vì lẽ đó mà kẻ lữ khách tận miền Nam xa xôi như tôi cứ phải đếm từng ngày, ngóng từng tin bạn bè báo về để xếp lịch lên đường hẹn với sắc hoa miền đá núi.
Mùa xuân là mùa của hoa mơ, hoa mận nở trắng núi đồi Mộc Châu:
"Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”
Bên cạnh đó là hoa ban trắng thuần khiết đặc trưng cho vùng đất Điện Biên, hay hoa táo mèo ở Sơn La… Khắp đất trời Tây Bắc vui như trẩy hội trong sắc hoa rợp trời, trong những điệu múa tiếng kèn của các chàng trai cô gái, trong nụ cười hồn nhiên của đám trẻ má phúng phính ửng hồng vì thời tiết lạnh.
Nói về vương quốc của hoa đào không thể nào không nhắc đến Hà Giang - miền đất địa đầu tổ quốc, miền đất của đá tai mèo và nét văn hóa đặc sắc của người Mông. Từ Thành phố Hà Giang lên thị trấn Đồng Văn là quãng đường chỉ hơn 100km, nhưng có khi ngốn mất của tôi 2-3 ngày, bởi say men rượu ngô, say tình, say cảnh mùa xuân nơi này.
Lên đến Cổng Trời Quản Bạ là biết mình đã bước vào địa phận của miền đá núi. Tôi có may mắn một lần được khám phá một trong những thiên đường hoa đẹp nhất nơi đây mang tên Cao Mã Pờ - vùng đất biên ải còn ít du khách lui tới, nên vẫn còn nguyên nét hoang sơ của cảnh vật và sự hồn nhiên mến khách của những người dân tộc Hán cư ngụ tại đây.
Dừng chân bên một quả đồi bát ngát hoa, tôi ngẩn ngơ ngắm nhìn những tán đào rừng đang độ đẹp nhất, ngỡ mình lạc đến một chốn thần tiên thoát tục.
Đến Phố Cáo, Phó Bảng hay Sủng Là càng cảm nhận rõ hơn không khí mùa xuân ở một vùng cao. Bên đường hoa mận hoa đào chen nhau giữa sắc hồng rực rỡ và sắc trắng tinh khôi. Những cây hoa đào được người dân trồng cạnh hàng rào đá, hoặc có khi mọc giữa ruộng nương tạo nên một khung cảnh vừa bình dị mộc mạc mà lay động lòng người lữ khách.
Có đôi khi tách khỏi quốc lộ đông vui, tôi đi lang thang trong những bản nhỏ và lạc lối vì vẻ đẹp của cảnh xuân. Màu hồng màu đỏ của hoa đào, màu trắng hoa mận, màu vàng của hoa cải, màu sắc sặc sỡ của những vạt váy xòe nổi bật trên màu xám xịt đá tai mèo, màu rêu phong cổ kính của những nếp nhà tạo nên bức tranh mùa xuân đầy sức sống.
Trong muôn ngàn sắc hoa rực rỡ trên đất nước gấm hoa, tôi tin rằng loài hoa đẹp nhất là loài hoa được chăm sóc, vun trồng, hoặc lựa chọn tỉ mỉ bằng tất cả tình yêu, phút giây hạnh phúc nhất là khoảnh khắc được ngắm hoa sum họp bên gia đình đầm ấm. Ngoài kia nắng lên, hoa đã nở, xuân yên vui đã về!