Vĩnh Quyên: Vào thời điểm Hoa Học trò đang có doanh số rất cao, thu nhập rất tốt, vì sao em lại dứt áo ra đi?

Phan Anh: Nếu để nói một cách ngắn gọn nhất thì đó là em muốn thoát khỏi “cái bẫy”, một “cái bẫy ổn định”. Thời điểm đấy mọi việc quá tốt với em, mọi thứ đều quá ổn định, em hoàn toàn có thể yên tâm thụ hưởng mà không phải cố gắng nhiều. Nhưng tự nhiên em thấy nó như một cái bẫy chị ạ. Nó ru ngủ mình, làm cho mình hài lòng muốn dừng lại để thụ hưởng. Em không còn khao khát khám phá và chinh phục nữa, không thấy vui nữa. Em tự hỏi nhiều lần, rốt cuộc thì mình khao khát cái gì?

Và cuối cùng em biết, em thực sự khao khát được khám phá lĩnh vực mà em yêu thích là ẩm thực. Đó chính là lúc em quyết định rời Hoa Học trò để đi một con đường mới, dù quay lại từ con số 0.

Chị đang hình dung người thân, bạn bè của em thế nào khi nghe quyết định này đấy!

Gia đình, người thân của em đều nghĩ em bị khủng hoảng, bị điên. Còn ông xã thì cho em thời hạn 3 năm, trong 3 năm đó, sẽ hỗ trợ em hoàn toàn nhưng nếu không làm được thì phải quay đầu.

Lúc đó, phía trước em không có đường, không có tương lai! Có những lúc em không có thu nhập trong khi phải đầu tư rất nhiều để ra nước ngoài học, để xây dựng nhân sự, vật chất…, mọi thứ đâu có từ trên trời rơi xuống. Rất may là em đi đúng hướng mà chưa tới thời hạn 3 năm. Nhưng ngoài may mắn ra thì em có sự tịnh tâm và có một trực giác sáng suốt. Em không bị những thứ bên ngoài ảnh hưởng, trực giác mách bảo em phải đi đường này, phải làm việc này, phải làm bằng được và cuối cùng em làm được.

Đó là làm một food blogger - người chia sẻ ẩm thực trên mạng xã hội?

Đúng thế ạ. Mặc dù khi còn làm ở Hoa Học Trò em đã xuất bản 2 cuốn sách về nấu ăn và được cộng đồng mạng đón nhận nồng nhiệt, thời điểm ấy, food blogger còn là một khái niệm mới manh nha vô cùng xa lạ tại Việt Nam. Nhưng thế giới lại coi đó là một nghề nghiệp nghiêm túc, thậm chí dự đoán nó sẽ trở thành nghề hot ở Việt Nam, như bây giờ.

Những cú hích nào khiến em vững tin đi lên phía trước?

Cú hích đầu tiên là trở thành trở thành Quán quân cuộc thi Global Taste of Korea - 2015 tại Việt Nam và đại diện Việt Nam tham dự vòng thi toàn cầu. Nói thì buồn cười nhưng đúng là “điếc không sợ súng”, vì gần như tất cả là đầu bếp chuyên nghiệp, mỗi em là tay ngang. Kết quả là em lọt vào Top 5 và vinh dự được chính phủ Hàn Quốc bổ nhiệm là Đại sứ ẩm thực Hàn Quốc tại Việt Nam (2015-2016).

Đến năm 2017, em bất ngờ được vinh danh là “Người có sức ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực ẩm thực ở Việt Nam” tại giải thưởng Influence Asia. Lúc đó, em nghĩ mình đã đi được đến đây, chứng tỏ con đường mình lựa chọn là đúng, đường đã được mở chứ không mù mịt như lúc đầu.

Thành lập Yêu Bếp trong khi sự nổi tiếng cũng quá thừa, kinh tế cũng ổn, vậy em muốn làm điều gì nhất?

Em cũng xin bật mí là Yêu Bếp không phải em lập ra, mà là một dự án đề xuất thử nghiệm của một nhân viên mới. Trước đó, em có nhóm “Bí mật của Bếp”, nhưng chưa có điều hành chính thức. Một hôm bạn ấy nói với em là “ở thời điểm này có nhiều “fan” hâm mộ chị. Họ cũng rất giỏi và họ cũng mong muốn được phát triển, nên lập ra một cộng đồng chia sẻ chuyên nghiệp với cách thức hoạt động khác”. 

Vậy là Yêu Bếp ra đời vào năm 2018 với mục tiêu mỗi người trong nhóm vừa có thể là thầy giáo vừa có thể học hỏi những người khác, mỗi người đều có thể phát triển bản thân được. Đó là lí do mà ngay từ đầu, khi em nhìn nhận và phát triển Yêu Bếp ở tầm vóc vĩ mô - lớn hơn rất nhiều mô hình hội nhóm trên mạng xã hội lúc bấy giờ và đón kịp điểm rơi 2020, 2021 – khi thế giới rơi vào khủng hoảng tâm lý cộng đồng trong đại dịch, mọi người cứ bảo là có tầm nhìn xa trên 10km (cười).

Trong vòng 4 năm, Yêu Bếp lớn mạnh và vượt lên trên các nhóm khác với con số hơn 2 triệu thành viên. Sự phát triển này có ngoài kỳ vọng của các em không?

Ngoài dự liệu chị ạ. Lúc bắt tay vào làm bọn em nghĩ là phải mất 5-10 năm, nhưng thực tế thì hơn 1 năm nó đã phát triển gấp 10 lần giai đoạn đầu tiên, và thêm nửa năm nữa thì nó đã lên tới hàng triệu. Và con số này hiện đã được kiểm tốt nhất để không chỉ phát triển theo bề rộng nữa mà cần đầu tư phát triển bề sâu. Mục đích của Yêu Bếp không phải là số lượng mà là cộng đồng lớn nhưng phải “sống động, lành mạnh, tích cực, hữu ích”.

Yêu Bếp khác biệt ở chỗ đa phần các thành viên đều là những người yêu bếp thật sự, nên sau mỗi một bài viết mọi người đều comment rất nhiều và mang tính xây dựng, khá văn minh. Đặc biệt, Yêu Bếp không có quảng cáo. Nhưng không quảng cáo thì lấy tiền từ đâu để nuôi quân?

Bọn em không làm quảng cáo và chưa bao giờ nhận một đồng để thành viên được đăng bài quảng cáo hay seeding, cho thuê nhóm. Đấy là nguyên tắc tối thượng của bọn em. Yêu Bếp cũng nói không với drama, scandal để thu hút dư luận. Kinh phí để duy trì Yêu Bếp là từ một phần lợi nhuận của Esheep Kitchen. Công việc chính của bọn em là nghiên cứu ẩm thực, xúc tiến thương mại, nghiên cứu các ứng dụng của ẩm thực và văn hoá vào đời sống... Bọn em cũng được nhiều thành viên Yêu Bếp giới thiệu và kết nối tới rất nhiều đối tác quan trọng cho các dự án mà bọn em có năng lực thực hiện. Vì vậy, em không muốn Yêu Bếp đi xa mục tiêu ban đầu.

Trong Yêu Bếp chị học được rất nhiều công thức, nhiều mẹo nấu ăn rất thú vị. Đặc biệt là những bài viết truyền động lực về nấu nướng trong gia đình. Có lẽ đây chính là những giá trị mà người ta thích Yêu Bếp hơn các hội nhóm khác?

Chị dùng từ rất hay là “truyền động lực” và em thấy từ này quả thật rất đúng với Yêu Bếp. Những chia sẻ trên Yêu Bếp đều có năng lượng rất tích cực và lan tỏa đến mọi người, giúp họ yêu đời, yêu gia đình hơn. Quan trọng nhất là nó nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực không chỉ cho các chị em phụ nữ mà cả các anh em nam giới. Mặt khác, cộng đồng luôn tồn tại những cá nhân có khó khăn về sức khỏe tâm lý khó giãi bày, nên đôi khi các bài viết, các comment, các hoạt động trong Yêu bếp như một liều thuốc tinh thần giúp các bạn cảm thấy tốt hơn rất nhiều.

Trong xã hội hiện đại, nhiều người vì bận rộn mà lơ đãng những bữa cơm của gia đình. Nhưng có lẽ chị hơi cổ hủ khi nghĩ rằng, bếp nhà mà không nổi lửa thì nhiều thứ trong gia đình sẽ trở nên lạnh lẽo?

Nhiều người sống trong xã hội hiện đại cho rằng, giữ bữa tối là cổ hủ. Nhưng em lại nghĩ nó liên quan đến vấn đề văn hóa, và việc duy trì bữa tối cùng với gia đình cũng là một nét văn hóa. Đó chắc chắn là nền tảng, cội rễ rất vững chắc cho thế hệ tiếp theo. Thi thoảng thì được nhưng nếu mỗi ngày đều gọi ship đồ về rồi người ăn trước ăn sau, ai về phòng nấy, dẫn đến việc đứt gãy giao tiếp giữa bố mẹ và con cái thì cực kì đáng tiếc.

Căn bếp cần những bữa ăn ấm cúng, để quầy quần bên nhau, là nơi để mọi người thể hiện tình yêu, quan tâm chăm sóc nhau. Bữa cơm, đặc biệt là bữa tối, tưởng rườm rà, phiền hà nhưng thực chất nó cổ vũ tinh thần, neo giữ sự cân bằng trong guồng sống quá nhanh hiện nay. Bữa ăn trong gia đình còn mang tính cộng đồng rất cao, nó buộc các thành viên phải quan tâm đến sở thích của nhau, phải nhường nhịn, tôn trọng sự khác biệt, phải hài hòa và phải “dành thời gian cho nhau”.

Nói về ẩm thực thì vô cùng vô tận, rất khó để nói thế nào là một món ăn ngon, một công thức hoàn hảo. Chị lấy ví dụ, những món ăn cũ của Hà Nội rất khó nấu và có nhiều món lứa tuổi của chị thấy ngon nhưng bọn trẻ thấy bình thường. Bởi xét đến cùng, nhiều bạn trẻ đã bao giờ được biết đến một món ăn chuẩn Hà Nội của ngày xưa đâu. Vì vậy, thỉnh thoảng chị vẫn nấu những món cổ truyền để con cháu biết là ngày xưa ông bà đã nấu những món như vậy, và nấu dịp nào. Món cổ truyền của Hà Nội nó sẽ phải khác với cổ truyền của Huế. Mỗi địa phương có các món khác hẳn với nhau và đặc thù đó cần phải được gìn giữ.

Chị nói đúng, cùng một món ăn nhưng mỗi vùng nó lại khác nhau. Nó phụ thuộc và nguyên liệu của từng vùng và khẩu vị của người dân ở đấy. Đó cũng là sự linh hoạt, khéo léo trong cách chế biến của người Việt ở ba miền. Chúng ta cần tôn trọng sự khác biệt, có thể món ăn này không phù hợp với mình nhưng lại phù hợp với người khác.

Em đồng ý với chị là cần gìn giữ, duy trì những di sản tinh thần khác biệt đó. Giống như mình đã từng được tận hưởng những điều tốt đẹp từ ông bà, cha mẹ mà bây giờ đến thế hệ con cháu mình lại đứt gãy thì quả là đáng tiếc. Em mong muốn Yêu Bếp sẽ là không gian để cho mọi người có thể truyền lại, lưu giữ cho nhau những điều tốt đẹp.

Đó phải chăng cũng là một trong những mục đích mà Yêu Bếp nhằm tới?

Không chỉ về ẩm thực, nấu nướng Yêu Bếp còn làm rất nhiều chiến dịch cộng đồng có ý nghĩa. Những chiến dịch như thử thách “Việc nhà có anh” năm 2020 đã tạo ra làn sóng nam giới cùng chia sẻ việc nhà với phụ nữ. Thử thách “Mặt trời trong tôi” góp phần thay đổi cách nhìn của cộng đồng về khái niệm nhà lãnh đạo nữ; chiến dịch “Gửi tim thương mến” kêu gọi mọi người thể hiện cảm xúc yêu thương dành cho người thân trong dịch COVID-19.

Tháng 12/2021, dự án “Biệt đội Yêu Bếp siêu ngầu” đã giành giải nhất cuộc thi dành cho các dự án cộng đồng về chủ đề “An toàn và bình đẳng trên mạng xã hội” do UN WOMEN tổ chức và đại diện Việt Nam tham gia hội nghị Châu Á - Thái Bình Dương về chủ đề này vào năm 2022. Năm nay, bọn em tiếp tục đồng hành cùng UN Women trong chiến dịch “Tô Cam Thế Giới” - cùng nhau chia sẻ và học cách “Đối thoại tích cực”, như một phương thức hiệu quả phòng chống và đẩy lùi bạo lực giới với phụ nữ và trẻ em.

Trong tháng 12 và kéo dài đến Tết, Yêu Bếp có chiến dịch “Tin-Nhắn tri kỷ”. Trong rất nhiều đối thoại, thì đối thoại tri kỷ là một điều rất quan trọng, bởi đó là người mà mình có thể chia sẻ mọi tâm tư tình cảm. Thông điệp lớn nhất chính là việc cộng đồng có cơ hội chia sẻ hành trình tìm những đối thoại tích cực để kết nối và xóa đi khoảng cách, để tìm thấy, thấu hiểu và gắn bó với nhau hơn, từ đó đẩy lùi bạo lực tinh thần.

Chúng ta nói nhiều về những gì mà thành viên Yêu Bếp nhận được, vậy ngoài sự “cho đi”, admin “chúa” Phan Anh có nhận được gì từ Yêu Bếp?

Em “giàu có” vì được học, được nhận rất nhiều từ Yêu Bếp. Mà lớn nhất là việc ngộ ra sự chia sẻ là một vòng tròn trôn ốc lớn dần rất đẹp của “trao đi - nhận lại”. Trong đó, cốt lõi là trao đi “trí tuệ” và “yêu thương”.

Khi đã trở thành người nổi tiếng rồi thì có rất nhiều người sử dụng thương hiệu cá nhân để kiếm tiền. Và đấy là con đường dễ nhất sao em không đi?

Đấy không phải là con đường của em, mặc dù nếu đi theo quả thật kiếm được rất nhiều tiền, “cát-xê” như mưa! (cười). Nhưng nếu em rẽ sang con đường ấy em sẽ không còn được đi con đường em mơ ước nữa.

Em cũng đấu tranh nhiều rồi quyết định từ bỏ, không thể nào để hoa thơm cỏ lạ trên hành trình vạn dặm chi phối, làm sao nhãng mục tiêu lớn của mình. Để đi đến tận bây giờ, từ đường đất trở thành đường quốc lộ như này cũng phải đấu tranh tư tưởng vì tiền bạc có sức hút lắm. Mình biết đủ, để dùng nó, không để nó dùng mình là được.

Quan trọng hơn, mình phải hiểu mình thật sự muốn gì chị ạ! Nếu mình không an tĩnh để hiểu mục tiêu tối thượng mình muốn thì mình sẽ đi sai đường.

Vậy trong cả chặng đường đến tận bây giờ thì khó khăn nhất với em là gì?

Lúc nào em cũng thấy rất nhiều khó khăn, stress thường xuyên. Nhưng có lẽ khó khăn nhất là việc kiểm soát và cân bằng được thời gian cho công việc, cho gia đình và cho chính bản thân mình nữa. Khó khăn nữa là mình phải biết chọn lọc và biết từ chối.

Còn điều hạnh phúc nhất?

Với em, nếu gặp khó khăn thì mình đừng ngại, cứ cố gắng, cứ làm tốt nhất sẽ thu được thành quả. Lúc mình gặt được những thành quả sau khi mình nỗ lực thì đó là hạnh phúc. Em cũng rất biết ơn cả cái quãng thanh xuân của mình đã không lười biếng, đã rất chăm chỉ ở mọi lĩnh vực mà mình say mê. Em không làm gì một cách hời hợt và tinh thần chăm chỉ, chu toàn với mọi việc ấy vẫn luôn theo em cho đến tận bây giờ.

Từ lúc không biết đi như thế nào đến lúc đi cao tốc rồi, cứ thế mà tiến, nhưng khi ra cao tốc thì đi nhanh quá tốc độ dễ mất lái, đi chậm cũng ăn phạt, vậy làm cách nào để an toàn mà vẫn đến đích?

Em nghĩ là phải tỉnh táo và sáng suốt để không mất lái là được, cứ đi, sẽ đến. Đừng lao vào “ổ gà” của bẫy ổn định và sự tự mãn bản thân là được (cười).

Với hơn 2.3 triệu thành viên, mỗi thành viên đều có thế mạnh riêng, khai thác được những thế mạnh ấy thì Yêu Bếp sẽ sống động và thực sự gần cuộc sống. Chúc em với cả team lên cao tốc, chị luôn luôn sẵn sàng chờ chiến dịch tiếp theo của Yêu Bếp. Cũng chúc gia đình nhỏ của em hạnh phúc, có thật nhiều niềm vui trong năm 2023 nhé!

Em cảm ơn chị. Xin chúc chị và gia đình cùng các bạn độc giả Tạp chí Du lịch TP.HCM một năm mới an khang thịnh vượng, dồi dào sức khỏe và đầy ắp niềm vui.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo
Thứ Bảy, ngày 21/01/2023 19:30 PM (GMT+7)

Vĩnh Quyên