Ngày 8/3, đến 'Ngôi nhà của phái đẹp' học 'lập trình hạnh phúc'
Đến đây, bạn sẽ được thảo luận về "lập trình hạnh phúc" với các tiến sĩ; được hướng dẫn làm thiệp giấy xoắn chủ đề “Hoa tay” và tìm hiểu về “Áo dài Việt Nam - chiếc áo nhiệm màu”...
Nhà Văn hóa Phụ nữ TP.HCM, hay còn gọi là Ngôi nhà của phái đẹp, tưng bừng với các hoạt động hấp dẫn chào mừng ngày 8/3.
"Ngôi nhà" tuyệt vời này luôn chào đón các bạn hòa mình vào các hoạt động tại đây, như triển lãm tranh giấy xoắn chủ đề “Sắc màu nghệ thuật” của Nghệ nhân Trần Thụy Thúy Vi. Kèm theo đó là workshop hướng dẫn làm thiệp giấy xoắn chủ đề “Hoa tay”, được hướng dẫn bởi nghệ nhân này.
Tham gia có gần 100 chị em, họ hào hứng trải nghiệm làm thiệp bằng giấy xoắn. Thoạt trông, một cánh thiệp hay một bức tranh giấy xoắn rất tinh xảo, cầu kì, tưởng chừng rất khó thực hiện...
... tuy nhiên, dưới sự hướng dẫn tận tình của nghệ nhân Thuý Vi và các cộng sự, người tham dự dễ dàng thực hiện các bước cơ bản để hoàn thành cánh thiệp giấy xoắn “đẹp ngoài mong đợi”.
Các sản phẩm lưu niệm đa dạng và bán sẵn rất nhiều. Tuy nhiên, nhiều người vẫn muốn tự tay thiết kế quà tặng để chuyển tải thông điệp yêu thương. Chỉ sau một buổi học và thực hành, những người tham dự đã có thể tự tin làm cánh thiệp sắc nét, ấn tượng để tặng người thương.
Chào mừng ngày 8/3, Nhà Văn hóa Phụ nữ TP.HCM còn tổ chức chương trình giao lưu chủ đề “Áo dài Việt Nam - chiếc áo nhiệm màu” được dẫn dắt bởi nhà giáo Đoàn Thị Liệp và nhà báo Trần Triều.
Nhà giáo Đoàn Thị Liệp tạo thu hút bất ngờ khi mặc chiếc áo dài có vẽ hoạ tiết thể hiện các thời kì hình thành và phát triển áo dài Việt Nam. Bà vốn là giáo viên dạy văn thâm niên tại TP.HCM, được nhiều thế hệ học sinh biết đến như một người chuyên vẽ câu chuyện văn chương và lịch sử trên áo dài, để mỗi lúc cô giáo giảng bài, học sinh ngắm cô và thuộc nội dung, thông điệp, bài học.
Nhà báo Trần Triều thì chia sẻ: “Chiếc áo dài nhiệm màu vì chỉ có loại trang phục này vừa phù hợp dịp giao tiếp thông thường, lại vừa phù hợp với dịp lễ nghi cao nhất; áo dài khiến một người phụ nữ lập tức nữ tính hơn, hiền dịu hơn, đoan trang hơn, duyên dáng hơn khi khoác lên mình. Chiếc áo dài hầu như đáp ứng được nhu cầu về thời trang khắt khe nhất”.
Tại buổi giao lưu, người tham dự bàn luận sôi nổi nội dung “nên chọn áo dài truyền thống hay áo dài cách tân”, câu trả lời được thống nhất là “tuỳ trường hợp thực tế, có lúc mặc truyền thống rất hợp, có khi lại cần diện áo dài cách tân cho tươi trẻ”.
Vấn đề bảo tồn văn hoá áo dài cũng được chị em chia sẻ với nhiều tâm huyết. Đa phần khách mời đồng thuận việc “kéo áo dài trở lại trường học”, bởi nữ sinh mặc áo dài rất đẹp, lại giữ được văn hoá truyền thống, nhưng hiện bị nhiều ngôi trường ngó lơ, không bắt buộc học sinh mặc áo dài đến trường.
Chị Lâm Thị Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPN TP.HCM đúc kết: “Hơn ai hết, người phụ nữ Việt Nam hiểu được áo dài đẹp và quan trọng thế nào. Áo dài có vị trí độc tôn, không một loại trang phục nào thay thế được. Tôi là người hưởng ứng tích cực phong trào mặc áo dài và tôi kêu gọi mọi người cũng hưởng ứng nhiệt liệt, bởi suy cho cùng, không trang phục nào thể hiện sự nền nã, tinh tế, đoan trang như áo dài Việt Nam. Vì vậy, có thể nói áo dài Việt Nam mãi nhiệm màu”.
Ngày hôm qua 7/3, tại đây cũng đã diễn ra tọa đàm với chủ đề “Lập trình hạnh phúc”. Với tư cách diễn giả, tiến sĩ - luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường, Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế, Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam, và tiến sĩ Đào Lê Hòa An, Ủy viên BCH Trung ương Hội Tâm lý học Việt Nam, đã có những trao đổi, phân tích và những bài tập trắc nghiệm nhằm làm rõ khái niệm “hạnh phúc” cũng như những thói quen cần thiết để thiết lập 1 cuộc sống hạnh phúc.
Chương trình cũng hướng đến ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 với thông điệp giúp chị em phụ nữ, đặc biệt là các bạn trẻ nhận diện một cách đúng đắn, sâu sắc về hạnh phúc của mình và giá trị của hạnh phúc trong cuộc sống để từ đó làm chủ và cân bằng cảm xúc, biết cách tìm kiếm niềm vui, ý nghĩa và hạnh phúc trong cuộc sống. Chuyên đề cũng động viên chị em phụ nữ và các bạn trẻ luôn nỗ lực phấn đấu, chinh phục khó khăn, thử thách, không ngừng phát triển bản thân để cuộc sống luôn hạnh phúc, thành công.
Cũng ngày hôm qua 7/3, hàng trăm thí sinh đã hào hứng tham gia hội thi "Trang trí nón lá Hồn Việt". Các thi sinh mang đến hội thi nhiều ý tưởng sáng tạo bất ngờ.
Ngoài các tác phẩm nón lá được trang trí phổ biến bằng màu nước, một số thí sinh khiến người thưởng lãm phải trầm trồ với những chiếc nón lá trang trí bằng lục bình, phụ kiện từ cây dừa.
Món lá đoạt giải 3 của hội thi.
Trước đó, tại hội trường Nhà Văn hóa Phụ nữ TP.HCM đã diễn ra chuyên đề hấp dẫn với chủ đề: "Bí quyết phát huy vài trò, thế mạnh của phụ nữ để cuộc sống luôn hạnh phúc, thành công".
Theo chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai, thời hiện đại, hạnh phúc của mỗi chị em không còn phụ thuộc vào người khác. Thời xưa, phụ nữ được xem là may mắn, hạnh phúc khi lấy được tấm chồng tốt. Ngược lại, gặp phải người đàn ông không tốt, người vợ phải chịu bất hạnh. Nhưng ngày nay, mỗi người phụ nữ cần độc lập trong con đường dựng xây hạnh phúc. Mỗi chị em không còn quá phụ thuộc vào người đàn ông của mình mà chủ động phát huy vai trò, thế mạnh của bản thân để tạo ra niềm vui vững vàng hơn, đều đặn hơn, độc lập hơn, từ đó có được hạnh phúc đúng nghĩa.
Tại buổi trò chuyện chuyên đề, nhiều chị em đã mạnh dạn chia sẻ những trăn trở mang tính cá nhân và được tiến sĩ Lý Thị Mai giải đáp cặn kẽ.
Sự kiện cho thấy, ngày nay, không ít chị em đã loại bỏ được tư tưởng “nhắm mắt đưa chân”, mà biết xem xét các điều kiện thực tế, nhận diện thế mạnh của bản thân để bước vào hôn nhân, bồi đắp hạnh phúc một cách rõ ràng, không còn “may nhờ đục chịu” như trước.
Chuỗi sự kiện mở màn bằng buổi triển lãm thời trang, bắt đầu từ ngày 6/3, giới thiệu đến khách tham quan nhiều bộ...