Mâm cơm Tết miền Tây

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Không quá cầu kỳ nhưng mâm cơm Tết “trước cúng sau cấp” của người miền Tây quê tôi luôn hội tụ đủ đầy những món “tinh hoa ẩm thực” của lưu dân phương Nam, cho thấy đó là dịp quan trọng nhất năm.

Để có một mâm tươm tất trước cúng rước ông bà sau thân bằng quyến thuộc cùng quây quần tề tựu ăn uống hàn huyên sau một năm ai nấy đều bận bịu làm ăn xa, khâu chuẩn bị của gia đình tôi có khi bắt đầu từ nửa tháng trước Tết.

Đó là khi tía đi dọc mép kinh rạch, vung dao bầu chặt đám lác dù về chẻ lạt. Má đi chợ lựa vài dây mỡ thịt ướp trữ đông dần. Chợ quê nhỏ xíu, má biểu đợi đến cận Tết người mua đông ken thì chẳng còn mấy mỡ ngon. Cùng với nếp ngỗng, lá chuối, đậu xanh..., hợp thành nguyên liệu để gói nồi bánh tét nấu vào đêm 29 Tết.

Mâm cơm Tết miền Tây - 1

Bánh Tét không thể thiếu vào ngày Tết ở miền Tây

Nếu mâm ngũ quả, bánh tét, kẹo mứt là những thức được dâng cúng trên bàn thờ suốt ba ngày Tết, thì bữa cơm sum họp của người miền Tây không thể thiếu những món cơ bản như thịt kho hột vịt ăn kèm giá chua, tôm khô củ kiệu, chả lạnh, lạp xưởng tươi, khổ qua nhồi thịt, canh củ quả hoặc lẩu cù lao...

Để chống ngán, nhiều gia đình còn bổ sung vào thực đơn ngày Tết nhiều món như cá lóc nướng trui, chả giò, gỏi ngó sen hay thịt luộc cuộn bánh tráng...

Đã thành lệ, dù đã có phần tinh giản cho phù hợp với lối sống hiện đại, má tôi vẫn làm sao chuẩn bị cho được vài món ngon đặc trưng nhất, để bữa cơm đoàn viên tươm tất và đủ đầy.

Trong lúc chuẩn bị món ăn, má luôn nhắc nhớ nhiều kỷ niệm về thời xa xưa. Má dặn, mâm cơm Tết là để dâng lên bàn thờ tưởng nhớ ông bà tổ tiên, nên dù chẳng quá kỳ công thì cũng không chuẩn bị sơ sài được.

Vậy là từ hơn tuần trước Tết, má đã tranh thủ mua về chục ký cải tùa xại (cải bẹ xanh). Rửa sạch phơi qua một con nắng thiệt đặng (nắng gay gắt) là má xếp vào khạp (chum, lu) để muối chua.

Mâm cơm Tết miền Tây - 2

Cách làm của má thường không trụng sơ, vì cải nhanh chua nhưng cũng nhanh ủng lá. Cứ phơi nắng ráo rồi mang muối, thời gian chờ có thể kéo dài hơn, nhưng có thể cất trữ hàng tháng dài.

Cùng với bánh tét, nồi thịt kho rim luôn là “linh hồn” của mâm cơm. Miếng thịt đem kho phải là thịt ba rọi ngon, cộng thêm vài khoanh thịt bắp đùi còn nguyên ống. Nồi thịt kho bằng nước dừa toàn bộ, mà phải là nước trái dừa vừa trở rám để có độ ngọt sâu.

Sau khi trụng sơ thịt qua nước sôi, rửa sạch ướp tỏi ớt đường mắm, má bắt nồi thịt lên bếp củi đun âm ỉ cho miếng thịt thấm đẫm gia vị vào trong. Má thường sai tôi hái vài lá mít đậy kín mặt nồi, để thịt dậy lên màu vàng nâu đúng điệu.

Mâm tất niên thì không thể nào thiếu món khổ qua nhồi thịt. Khổ qua chọn trái nhỏ vừa để không phải cắt đôi. Nhân phải là miếng ba rọi ngon dày thịt mỏng mỡ, để vẫn béo mà không gây ngán, đem bằm nhuyễn trộn thêm chả cá thác lác để có độ dai thơm quyện hòa.

Để giá chua trắng mập mà vẫn giữ độ giòn, má thường ngâm giá qua nước đá lạnh có thêm muỗng đường trong thau. Vớt ráo, trộn với cà rốt và hẹ chất vào keo, má nấu nước giấm đường và nước mắm ngon đổ vào, ngâm qua đêm là ăn được.

Thường thường, món canh thập cẩm, nồi lẩu cù lao cũng được nhiều gia đình miền Tây lựa chọn. Đó là món ăn biểu trưng cho cả một vùng sông nước, ngon về hương vị, đẹp về màu sắc mà với má tôi nó có ý nghĩa riêng về sự rực rỡ, cầu mong một năm mới thú vị, muôn màu.

Cũng như vậy, từng món ăn cũng chứa đựng sự gửi gắm cho một năm mới no ấm, trôi chảy. Là vẹn tròn hạnh phúc trong món thịt kho trứng tròn vuông. Là cái khổ qua đi, điều tốt đẹp sẽ tới trong món canh khổ qua tưởng chỉ để giải nhiệt.

Trong lúc mấy má con tôi chuẩn bị cơm cúng, tía tôi cẩn trọng thay nước bàn thờ, quét tước. Ai việc người nấy nhưng vẫn góp đôi ba tiếng chuyện cùng nhau. Má vừa bó chả da đầu heo, vừa luôn miệng dạy hai con gái nêm món này, nếm món kia sao cho chuẩn vị trong bầu không khí rôm rả.

Cực mà vui, má nói bây coi nếu món nào mua cũng đặt, tất niên không cần tất bật quây quần thì còn gì để ngóng vọng nữa đâu. Thời giờ ai nấy đều mần ăn xa, nếu không phải là Tết, thì đâu còn dịp nào ngồi lại bên nhau gắn kết tình cảm.

Vậy là suốt những ngày trước tất niên, chái bếp của má luôn đỏ lửa. Nơi đó dường như là trái tim của ngôi nhà mà ngày thường đám con đều lang bạt tha phương.

Bữa cơm sum họp cuối năm được dọn lên, tất cả được biện bày đẹp mắt, tinh tươm. Dĩa bánh tét cắt khoanh, miếng thịt kho rệu màu vàng nâu thơm nức. Tô canh khổ qua, dĩa giá chua ngọt giòn tan. Dĩa dưa hấu đỏ au, miếng chả lạnh dai dai sần sật.

Mâm cơm Tết miền Tây - 3

Bữa cơm tất niên đầy đặn

Chua cay đắng xót ngọt mặn nhưng trong không khí ấm cúng rộn rã tiếng cười lại trở nên hài hòa, thi vị. Cúng kiếng xong, trong khói hương trầm thơm ngát, cả gia đình đủ mặt mỗi người góp một câu chuyện. Bữa cơm tất niên vì thế càng đầm ấm, chan hòa.

Mấy chị em tôi như cánh chim xa, kiếm ăn tứ xứ, nhưng đến một điểm hẹn thời gian lại biết gọi nhau tìm về. Về với mâm cơm chiều cuối năm có tía có má luôn đỏ mắt chờ con. Niềm vui bên ngoài thì nhiều, nhưng cũng chóng nhạt.

Chỉ có không gian sum họp là cho mình cảm giác được nâng đỡ, sẻ chia. Và suy cho cùng mỗi một món ăn đều thơm ngon hơn, đặc biệt hơn khi ta được ngồi bên những người mà mình thương quý.

Đó cũng là cái tình sâu xa mà mỗi người dành cho quê hương xứ quán đã từng gắn bó thân thiết, dù chốn ấy có nghèo khó bao nhiêu.

Mâm cơm Tết miền Tây - 4

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Mỹ Linh

CLIP HOT

Sóc Trăng vào ngày hội lớn
Sóc Trăng vào ngày hội lớn

Nhiều hoạt động của Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe ngo và Tuần Văn hóa, Thể thao - Du lịch Sóc Trăng lần thứ nhất đã và đang diễn ra đến hết ngày 15/11.