Lễ hội bơi thuyền mừng Tết Độc lập trên quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Lễ hội bơi thuyền trên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình có từ cách nay hơn 400 năm. Ban đầu hội bơi thuyền này diễn ra vào ngày rằm tháng 7 hằng năm để cầu mưa lấy nước làm ruộng, cầu siêu. Từ năm 1945 đến nay, người dân Lệ Thuỷ thường tổ chức vào ngày 2/9, gọi là Lễ hội bơi thuyền truyền thống mừng Tết Độc lập.

Ngày 2/9/2023, huyện Lệ Thuỷ lại tổ chức bơi thuyền giữa các đò đã được chọn qua vòng đấu bảng. Tại đây thường bơi hai vòng, vòng một cho các thuyền trong cụm gồm vài xã với nhau, vòng hai cho tất cả mọi thuyền trong huyện. Họ bơi thựa (bơi thử) trước ngày 2/9 hơn nửa tháng ròng để mong giật cho được một giải nào đó, đem may mắn về cho thôn, xã năm đó. Ngay từ đầu tháng 8 hằng năm, khi dưới sông có tiếng gõ mõ tập luyện của các trai, gái thuyền bơi thì bầu không khí lễ hội bơi đua thuyền đã bắt đầu bao trùm cả huyện.

Vậy nên người Lệ Thuỷ mới nói vui rằng: người Lệ Thủy đón Tết Nguyên đán tính bằng ngày hay tuần, nhưng mừng Tết Độc lập thì phải tính bằng cả tháng tập bơi đua cho đến ngày 2/9! Người dân vùng quê này trong cuộc sống hằng ngày rất trọng nghĩa tình làng xóm, thế nhưng đã vào bơi là luôn đặt chữ “thắng” lên đầu. Họ tức nhau từng tiếng “gáy” trong hội bơi nên không tiếc tiền để đóng những chiếc thuyền bơi trị giá tới vài chục triệu đồng.

Lễ hội bơi thuyền mừng Tết Độc lập trên quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp - 1

Bơi đua thuyền ngày 2/9/2023 ở Lệ Thuỷ, Quảng Bình

Đối với người dân Lệ Thủy, nếu Tết Nguyên đán là tết đoàn viên, sum họp trong mỗi gia đình, dòng tộc thì Tết Ðộc lập 2/9, với lễ hội đua thuyền truyền thống chính là dịp nữa trong năm gắn kết tính cộng đồng, làng xã, hội tụ người dân trong một không gian văn hóa mang đậm bản sắc vùng sông nước và giàu tinh thần thượng võ. Có lẽ, hiếm nơi nào mừng ngày đất nước độc lập, Quốc khánh 2/9, lớn như ở Lệ Thủy. Không khí nô nức, rộn ràng, lòng người phấn chấn, đâu đâu cũng cờ hoa rợp trời, tưng bừng sắc màu lễ hội. Nên năm nào cũng vậy, từ sáng sớm còn tờ mờ đất ngày 2/9, là khắp các ngả đường đổ về trung tâm huyện lỵ Lệ Thủy đông đúc người và xe. Ðể đến được nơi này, có những người ở xa phải đi từ ba, bốn giờ sáng song ai cũng vui, nét mặt rạng ngời.

Hai bên bờ sông, người già, trẻ em tập trung chen chúc chờ xem bơi và cổ vũ cho thuyền bơi. Dưới sông, ca-nô, thuyền bè lớn nhỏ đều rợp cờ hoa với các băng-rôn, biểu ngữ mang nội dung cổ động mừng Tết Độc lập và bơi đua. Người dân Lệ Thuỷ say bơi thuyền đến độ, theo người già ở Lệ Thuỷ kể lại, trong thời kỳ Mỹ ném bom miền Bắc, người dân làng Xuân Lai, xã Xuân Thuỷ đã đào hầm cất giấu thuyền bơi. Đến năm 1973 hết chiến tranh ở miền Bắc, họ mới móc thuyền lên để bơi và giành luôn được giải nhất năm đó!

Lễ hội bơi thuyền mừng Tết Độc lập trên quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp - 2

Người dân Lệ Thuỷ coi bơi thuyền còn đáng nể hơn: chuyện vẫn kể lại rằng, ngày xưa trong một lần coi bơi, một phụ nữ cổ vũ cho đò bơi làng An Xá, xã Lộc Thuỷ (làng quê của Đại tướng Võ Nguyên Giáp), khi thấy đò làng mình đến khúc sông trước làng mà vẫn bơi lẹt đẹt sau đò làng khác, nên o này đã chạy nhanh về phía trước khoát mạnh tay hò la. Chạy mạnh quá nên chiếc quần lĩnh rơi xuống lúc nào không hay. Trai bơi làng khác thấy vậy nên cười mãi, làm cho nhịp bơi yếu dần và tụt lại sau mất. Sau đó khi chị chết, dân làng đã lập đền thờ gọi là đền thờ Bà Lỗ (bà ở lỗ). Chuyện thực, hư thế nào không rõ, nhưng hiện nay ở bên bờ sông Kiến Giang huyện Lệ Thuỷ còn có miếu thờ Bà Lỗ.

Lễ hội bơi thuyền mừng Tết Độc lập trên quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp - 3

Mũi Viết ở trung tâm huyện lỵ Lệ Thuỷ thường là điểm xuất phát của các cuộc đua, bơi thuyền. Chuyện không phải xa xôi gì, là người dân vùng Chợ Mai, Chợ Chè, Chợ Đôộng… trong huyện thường tụ tập tại đây từ lúc 2, 3 giờ sáng. Nhiều gia đình kéo nhau cả già trẻ, trai gái vào chợ Tréo từ nửa đêm và ngủ ngay trên các sạp hàng để bảnh mắt ra là chiếm được chỗ ngồi coi bơi tốt bên bờ sông Kiến Giang. Hàng trăm người khác thì đi muộn hơn chút ít với mục đích chiếm được các điểm cao hơn dọc theo bờ sông.

Lễ hội bơi thuyền mừng Tết Độc lập trên quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp - 4

Trên một chiều dài bờ sông đến hơn 5,7km vào ngày bơi như hôm nay, đông đặc người coi bơi thuyền. Không chỉ người dân là con em huyện Lệ Thuỷ đổ về, mà hàng ngàn người ở TP Đồng Hới, huyện Quảng Ninh, Bố Trạch… cũng đổ nhau về Lệ Thuỷ coi bơi thuyền vào dịp 2/9. Dịp này hàng chục ngàn người Lệ Thuỷ và trong tỉnh đổ về sông Kiến Giang coi bơi. Xem bơi thuyền ở Lệ Thuỷ có hai kiểu: người già, trẻ em, phụ nữ... thuộc dạng “tịnh”, ngồi một chỗ xem. Kiểu thứ hai là thanh niên, là dạng “động”. Họ thường chạy bộ, đạp xe đạp, hoặc chạy xe máy trên bờ ngang theo thuyền đua dưới sông, hò la suốt cả dọc đường đua để cổ vũ. Bởi vậy cho nên mới có câu ca: “Dù ai đi Tây, về Đông/ Mồng hai tháng chín cũng mong về nhà/ Về nhà xem hội quê ta/ Dưới sông bơi trải, nhà nhà cờ bay...”.

Lễ hội bơi thuyền mừng Tết Độc lập trên quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp - 5

Quãng đường tranh đua thường trên dưới 24km dành cho thuyền đua của nam, và 18km dành cho thuyền bơi của nữ, lấy ngã ba Mũi Viết làm điểm buông phao xuất phát và về đích. Thuyền bơi phải được đóng bằng gỗ, có quy định chung về kích thước, nhưng mẹo mực trong cách đóng thuyền của mỗi làng mỗi khác. Một chiếc thuyền được tạo nên từ nhiều yếu tố, từ việc đóng thuyền bơi, chọn thợ đóng thuyền, chọn trai bơi cho đến việc tập luyện với các bài bơi khác nhau… nên tạo được sự hấp dẫn rất lớn.

Năm 2006, Lễ hội bơi thuyền truyền thống của Lệ Thuỷ được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận là lễ hội cấp tỉnh, năm 2019 Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch công nhận là Di sản phi vật thể cấp quốc gia.

Kết quả tranh tài đua, bơi ngày 2/9/2023, giải nhất nam bảng A thuộc về đò bơi xã Tân Thuỷ, nhì thôn An Xá (Lộc Thuỷ), ba xã Phú Thuỷ. Giải nhất nam bảng B thuộc về thôn Tiền Thiệp (xã Xuân Thuỷ), nhì Lộc An (An Thuỷ), ba Phan Xá (Xuân Thuỷ). Giải bơi của nữ, giải nhất thuộc về đội bơi thôn An Xá (Lộc Thuỷ), nhì Phú Thọ (An Thuỷ), ba thôn Đại Phong (Phong Thuỷ).

                                                                  

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Lam Giang

CLIP HOT

Lễ hội bánh dân gian ở Sóc Trăng kéo dài 10 ngày
Lễ hội bánh dân gian ở Sóc Trăng kéo dài 10 ngày

Ngày hội bánh dân gian Nam Bộ tại Sóc Trăng là cơ hội để địa phương giới thiệu, quảng bá văn hóa ẩm thực truyền thống độc đáo, góp phần tích cực trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống.