Khám phá nét văn hóa thuần Việt ngay tại trung tâm TP.HCM nhân dịp đầu Xuân
Mùng 9 tháng Giêng, đông đảo du khách thập phương tấp nập về Đền thờ Đức Thánh Trần dự lễ hội đầu Xuân Nhâm Dần.
Lễ hội nhằm tưởng nhớ công đức Hưng Đạo Đại vương – Trần Quốc Tuấn (1213-1300), vị anh hùng kiệt xuất thời nhà Trần thế kỉ XIII-XIV.
Du khách thành kính dâng hương cầu mong năm mới bình an - mạnh khỏe
Đi lễ đầu năm đã trở thành một nét văn hóa của người Việt Nam mỗi dịp Xuân sang Tết đến. Năm nay mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng vẫn đông người dân và du khách đến viếng đền Đức Thánh Trần (P.Tân Định, Q.1) để cầu mong sức khỏe, bình an cho người thân và gia đình.
Đại diện Ban quản lý đền cho hay, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, năm nay chúng tôi tổ chức hạn chế, chỉ thực hiện nghi thức tế lễ trang trọng; đồng thời tuân thủ triệt để Chỉ thị 5K, tránh tụ tập đông đúc, thường xuyên nhắc nhở người dân khi đến lễ đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, khử khuẩn...
Người dân thành kính dâng lễ trước ban thờ
Lễ tế đầu Xuân được tổ chức với các nghi thức cúng tế truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa Việt đã được gìn giữ từ đời này sang đời khác. Trong nghi thức chính lễ, gồm các nghi thức cúng bái, dâng hương, hoa, lễ vật tưởng nhớ Đức Thánh Trần.
Lễ vật dâng cúng gồm: cặp heo quay, bánh trái, xôi, chè, hoa quả, trà, rượu… Đặc biệt lễ tế được thực hiện trang trọng theo nghi thức dân gian do các vị Chánh bái, bồi bái, phụ lễ, xướng lễ tiến hành trang trọng.
Cũng theo nghi thức truyền thống, các lễ vật dâng cúng sau đó được chia lộc thánh cho bá tánh thập phương.
Chủ tế ông Nguyễn Thế Định, Trưởng BQL đền thực hiện nghi thức tế lễ
Trong trang phục truyền thống, vị Chủ tế mặc phục y màu đỏ với cân đai, bối tử. Các viên Bồi tế và Chấp sự mũ áo xanh, mũ kiểu phốc đầu, áo tay thụng, quần màu trắng ống sớ, chân đi hia.
Lễ tế thực hiện theo bài xướng văn đã biên soạn sẵn và phân công cho một người xướng lễ hô và các thành viên trong Ban nghi lễ cùng thực hiện theo lời xướng.
Dẫn đầu là ban cổ nhạc rước đoàn tế lễ từ điện thờ Phật xuống chánh điện
Vị chấp sự kính cẩn dâng 3 nén hương lớn lên ban thờ
Tiếp theo, vị Chủ tế cùng 2 vị Bồi lễ thực hiện nghi thức tế lễ
Phía sau, các vị Bồi tế và Chấp sự cúc cung chầu bái
Chủ tế thực hiện nghi thức dâng cúng các lễ vật
Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm, kính cẩn
Trong tiếng đàn sáo, cổ nhạc tấu hòa réo rắt, du dương
Bắt đầu bởi nghi thức khai chung, trống sấm, khua chiêng, dâng trà rượu khấn cầu thánh thần phù trợ.
Tiếp theo, vị xướng lễ đọc văn tế, châm trà rượu, hoa trái, đọc tấu văn, dâng cúng lễ vật cùng các nghi thức tế lễ trang trọng.
Dưới sân đền đông đảo người dân tới dâng hương, kính lễ
và thành tâm khấu bái, tri ân bậc tiền nhân có công với non sông đất nước
Dịp này bá tánh thập phương đến dâng hương tại Đền thờ, bày tỏ lòng kính ngưỡng đối với Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, nhà chính trị, quân sự kiệt xuất đã lãnh đạo binh tướng đánh bại giặc Nguyên - Mông, được các thế hệ người dân Việt tôn kính.
Ban nghi lễ cung nghinh lễ vật vào trong nội điện
Vị xướng lễ thành kính đọc tấu văn tưởng nhớ công đức các vị hiển thánh
Sau khi đọc xong tấu văn, bài văn cúng được hóa lễ
Vua Trần Thánh Tông đặt danh hiệu “Thái sư thượng phụ, thượng quốc công, nhân võ Hưng Đạo Đại Vương” lưu danh ngàn đời
Cuối cùng là nghi thức hóa lễ đốt văn tế, hồi nhạc lễ, hồi chung cổ; vị chủ tế cùng các chức việc lễ tạ thần tứ bái để kết thúc tế lễ.
Cô Đinh Thị Thanh Mai ở Phú Nhuận chia sẻ, hàng năm cô đều cùng gia đình đi lễ đầu năm để cầu may mắn, bình an cho một năm mới an lành – thịnh vượng. Năm nay, vì vẫn lo ngại dịch bệnh nên gia đình hạn chế đến lễ bái, cô chỉ đến dâng lễ một mình.
Ban rượu cúng cho các vị khách mời
"Hàng năm lễ hội tổ chức long trọng, có múa lân, khai kinh đầu năm, biểu diễn hòa tấu nhạc cụ dân tộc, hát chầu văn v.v.. Tuy nhiên, năm nay do dịch bệnh, Ban quản lý tổ chức gọn lại", cô Mai cho biết.
Mỗi người dân đến lễ hội với niềm tin tín ngưỡng, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn; ngoài ra còn mang ý nghĩa gìn giữ di sản quý giá do các tiền nhân để lại.
Nghi lễ kết thúc, các vị chức việc tiến lên thực hiện nghi thức bái lễ tạ
Cuối cùng ban cổ nhạc tấu hòa giai điệu kết thúc buổi lễ
Sau nghi thức kính lễ của ban nhạc, bá tánh thập phương vào thắp hương khấu bái, cầu xin Đức Thánh phù trợ cho cuộc sống được sung túc, ấm no, yên ổn trong năm mới.
Buổi lễ kết thúc, bá tánh tranh thủ vào xin lộc Đức Thánh
Các nghi lễ tín ngưỡng đầu năm nhằm tri ân công đức của các bậc tiền nhân đã có công với đất nước. Đây cũng là hoạt động mang ý nghĩa gìn giữ di sản quý giá do các thế hệ cha ông để lại; bên cạnh đó còn nhằm giáo dục cho các thế hệ sau truyền thống uống nước nhớ nguồn.