Hòa Bình rút gọn quy mô lễ hội truyền thống phòng COVID-19 lây lan
Các lễ hội truyền thống tại Hòa Bình sẽ không tổ chức phần hội mà chỉ thực hiện các nghi lễ với thành phần tham dự chính và hạn chế hoạt động tập trung đông người để đảm bảo phòng chống dịch.
Dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp, do đó ngay khi bước vào mùa lễ hội Xuân 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các địa phương tạm dừng các lễ hội truyền thống tổ chức quy mô rộng, chỉ thực hiện phần lễ ngắn gọn, không tổ chức phần hội, tránh số người tham gia các sự kiện vượt quá quy định, bảo đảm phòng, chống dịch.
Lễ hội Gầu Tào huyện Mai Châu năm 2021. Ảnh minh họa.
Báo cáo của Sở Y tế cho thấy, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, số ca dương tính với SARS-CoV-2 mới ngoài cộng đồng tăng cao, bình quân ghi nhận gần 1.000 ca/ngày, gấp 2 lần so với dịp trước và trong Tết. Đặc biệt, số ca mắc mới tăng liên tiếp trong các ngày 18, 19 và 20/2 gần 2.000 ca/ngày.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bùi Thị Niềm cho biết, căn cứ tình hình, diễn biến dịch COVID-19 tại địa phương, Sở yêu cầu các huyện, thành phố không tổ chức phần hội, chỉ thực hiện các nghi lễ với thành phần tham dự chính và hạn chế hoạt động tập trung đông người; triển khai công tác bảo vệ, giữ gìn di tích và thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng truyền thống đảm bảo phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Sở sẽ tổ chức đoàn kiểm tra về công tác phòng, chống dịch trong hoạt động di tích và lễ hội.
Cùng với đó, các địa phương, Ban Quản lý Di tích lịch sử-văn hóa chủ động công tác quản lý, đón tiếp khách tham quan trên địa bàn phù hợp theo từng cấp độ, bảo đảm an toàn, linh hoạt, hiệu quả; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức tự giác của người dân không chủ quan, lơ là.
Những điểm di tích, cơ sở thờ tự mở cửa đón khách phải tuân thủ đúng các hướng dẫn về phòng dịch; xây dựng phương án, kế hoạch, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và các điều kiện phòng, chống dịch; có mã QR Code để quản lý người ra, vào, khai báo y tế theo quy định; hướng dẫn, phân luồng, không để tập trung đông người gây ùn tắc.
Du khách tham gia hoạt động tại di tích phải tiêm đủ 2 mũi vaccine trở lên hoặc có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ….
Tại lễ hội truyền thống Khai hạ Mường Bi, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phong Phú Cao Bá Chính cho biết, đây là lễ mở cửa rừng khai khẩn cho một năm mới của người dân đất Mường Bi huyện Tân Lạc nói riêng và dân tộc Mường ở Hòa Bình nói chung.
Những năm trước, lễ hội được tổ chức đầy đủ gồm hai phần với sự tham gia của đông đảo người dân địa phương, vùng lân cận và du khách thập phương. Tuy nhiên năm 2022, do dịch COVID-19 diễn biến khó lường nên địa phương chỉ tổ chức phần lễ để đảm bảo nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của người dân.
Để thích ứng an toàn, linh hoạt phòng, chống dịch trong tổ chức lễ hội, Ủy ban Nhân dân xã đã thành lập Ban tổ chức, các Tiểu ban và khởi động 54 Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng; yêu cầu những người tham dự lễ hội phải tuân thủ khai báo y tế, test nhanh và tiêm đủ vaccine.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 (từ 29/12/2021 đến mùng 6 tháng Giêng), tỉnh Hòa Bình đón 102.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế 500 lượt, khách nội địa 101.500 lượt. Doanh thu từ du lịch đạt 79 tỷ đồng. So với cùng kỳ lượng khách tăng khoảng 40%, doanh thu tăng 96%.
Không chỉ được biết đến với cái tên “Thủ đô kháng chiến“ một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, Tuyên Quang còn...