Hàng nghìn người dân hành hương đến chùa Yên Tử dự đại lễ Phật đản
Lễ Phật đản năm 2024 (PL:2568) được tổ chức ngay tại thánh địa Trúc Lâm Yên Tử, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh thu hút được hàng nghìn tăng, ni, Phật tử, nhà tu hành đến hành hương và tham dự.
Ban Trị sự GHPG Việt Nam TP Uông Bí vừa tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch (PL) 2568, Dương lịch (DL) 2024 tại Cung Trúc Lâm Yên Tử, xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí.
Hàng năm cứ vào dịp tháng 4 Âm lịch Đại lễ Phật đản lại được tổ chức. Đây là dịp để các Tăng, Ni, Phật tử tri ân, hướng về Đức Bổn sư của mình. Đại lễ Phật đản được tổ chức hàng năm là dịp để tăng ni, cư sĩ, phật tử trên cả nước ôn lại truyền thống “hộ quốc an dân”, được kết tinh qua chiều dài hơn 2.000 năm lịch sử cùng những giá trị đạo đức và văn hóa tốt đẹp của Phật giáo trong đối sống xã hội.
Với tư tưởng từ bi, hỉ xả, giáo lý Phật giáo đã góp phần tô điểm cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam với đức hiếu sinh, tinh thần ôn hòa, bao dung, vì hạnh phúc cho mọi người.
Đại lễ Phật đản được tổ chức tại Khu di tích, danh thắng Yên Tử.
Trong không khí thành kính, trang nghiêm, các Tăng, Ni, Phật tử đã lắng nghe Thông điệp của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhân dịp Đại lễ Phật đản, Phật lịch 2568, thực hiện nghi lễ dâng hoa cúng dường thể hiện ước mong, khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.
Sau phần nghi lễ dâng hương, dâng hoa cúng dường đức Phật, các Tăng, Ni, Phật tử đã cử hành nghi lễ tắm Phật cầu nguyện cho đất nước hòa bình và phồn thịnh; đồng thời, cũng cầu mong cho những người con Phật được bình an, hạnh phúc. Đây cũng là dịp để đông đảo Tăng, Ni, Phật tử cùng soi lại bản thân mình, hướng về Đức Phật để sống có ích hơn.
Đại lễ Phật đản được tổ chức ngay tại đất thánh Trúc Lâm Yên Tử có ý nghĩa rất to lớn trong văn hóa, tinh thần của người dân Việt. Các hoạt động bên lề diễn ra thu hút nhiều người dân và khách hành hương tham gia như lễ tắm phật tại đỉnh chùa Đồng. Đặc biệt buổi pháp thoại và lễ quy y Tam Bảo cũng thu hút được hàng nghìn phật tử, tín đồ phật giáo tham dự.
Lễ Phật đản là ngày lễ trọng đại được Phật giáo tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh những giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình, đoàn kết hữu nghị của Đức Phật và theo đề nghị của 34 quốc gia theo Phật giáo trên thế giới, ngày 15/12/1999 Đại hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc tại phiên hợp thứ 54, mục 174 của chương trình nghị sự đã chính thức công nhận Đại lễ Phật đản là một lễ hội văn hóa tôn giáo quốc tế của Liên Hiệp quốc (Vesak), là ngày Đại lễ kỷ niệm Đức Bổn sư Thích ca đản sinh thành đạo và nhập Niết bàn (hay còn gọi là Đại lễ Tam hợp).
Từ năm 2000 trở đi, những hoạt động kỷ niệm lễ Phật đản Liên Hiệp quốc (Vesak) sẽ được diễn ra hàng năm tại trụ sở và các trung tâm của Liên Hợp quốc trên thế giới và được tổ chức vào ngày trăng tròn của tháng 5 dương lịch.
Thương tọa Thích Đạo Hiển, Phó Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đọc thông điệp của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 2024.
Nhiều nước ở Châu Á như: Thái Lan, SriLanka, Malaysia, Singapore, Indonesia, Hồng Kông, Myanmar, Đài Loan, Campuchia... thì Đại lễ Phật đản là ngày nghỉ lễ quốc gia; vào ngày lễ, Phật tử thường vinh danh Tam bảo qua các hình thức như dâng cúng, tặng hoa, nghe thuyết giảng, thực hành ăn chay, giữ ngũ giới, bố thí, làm việc từ thiện, tặng quà, tiền cho những người khó khăn trong cộng đồng; cũng có nghĩa là làm những nỗ lực đặc biệt để mang lại hạnh phúc, niềm vui cho những người bất hạnh, chia sẻ niềm vui và hòa bình với mọi người.
Kiến trúc sư Bill Bensley trong quá trình thiết kế Cung Trúc Lâm, điểm nhấn nơi hội tụ cuối cùng của tổng thể Trung tâm...