Đề xuất 2 lễ hội ở Bà Rịa - Vũng Tàu vào danh mục di sản

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Lễ hội Dinh Cô và Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam đã đáp ứng được loạt tiêu chí để có thể ghi danh vào Danh mục di sản phi vật thể quốc gia.

Hằng năm, vào ngày 10, 11 và 12 tháng 2 âm lịch, người dân Long Hải lại long trọng mở lễ hội Nghinh Cô - còn gọi là vía Cô.

Đề xuất 2 lễ hội ở Bà Rịa - Vũng Tàu vào danh mục di sản - 1

Lễ hội Nghinh Cô

Lễ hội diễn ra ở Dinh Cô, dưới mỏm núi Thùy Vân, thuộc ấp Hải Sơn, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền. Nhân dân địa phương thường gọi đây là lễ hội Dinh Cô.

Lễ hội Nghinh Cô nằm trong hệ thống lễ hội thờ Mẫu - Nữ thần tiêu biểu của ngư dân Bà Rịa – Vũng Tàu. Nhưng đây không đơn thuần chỉ thờ Mẫu - Nữ thần mà là sự kết hợp của lễ hội Cầu Ngư với tục thờ cúng Thần biển (Bà Thủy Long, cá voi của người Chăm) và tín ngưỡng thờ Mẫu - Nữ thần của cư dân địa phương.

Trong 3 ngày ở lễ hội, người địa phương và du khách sẽ thức thâu đêm, suốt sáng với những lễ hội đặc trưng như thả đèn hoa đăng, đánh trống, chiêng, đua thuyền và hát "bả trạo".

Còn Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam là lễ hội văn hóa tâm linh của người dân vùng biển nhằm tôn vinh tục thờ cúng cá Ông (cá voi), loài cá được ví là thần biển luôn hiển linh trợ giúp ngư dân khi gặp tai ương. 

Phần hội gồm các trò chơi dân gian vui, khỏe, tái hiện các hoạt động của ngư dân như: câu cá, kéo co nam nữ, đẩy cây, cờ ca rô trên cát, đan lưới; nhảy sạp, cướp cờ, nhà phao leo núi "chinh phục thử thách"; thi thả diều, bắn bi sắt cho ngư dân.. Các hoạt động Lễ hội tổ chức tại khu vực Bãi Trước, miếu Hòn Bà và khu Di tích lịch sử đình Thắng Tam. 

Đề xuất 2 lễ hội ở Bà Rịa - Vũng Tàu vào danh mục di sản - 2

Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam

Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam được các thế hệ ngư dân và cộng đồng dân cư Vũng Tàu lưu giữ hơn 100 năm, và được nâng cấp thành một trong những lễ hội truyền thống đặc sắc, quy mô của Việt Nam từ năm 2000.          

Theo Sở VH-TT Bà Rịa-Vũng Tàu, tính đến năm 2019, toàn tỉnh có 210 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê. Trong số các di sản văn hóa phi vật thể này, Sở VH-TT nhận thấy Lễ hội Dinh Cô và Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam đáp ứng các tiêu chí xét công nhận là di sản phi vật thể cấp quốc gia, cần được bảo tồn và phát huy giá trị.

Trên cơ sở các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của loại hình di sản, Sở VH-TT trình UBND tỉnh đề nghị Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với 2 di sản này.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thạch Anh

CLIP HOT