Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Hội An - sắc màu của lụa"

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bối cảnh của “Hội An – sắc màu của lụa” là Di tích cổng tam quan chùa Bà Mụ ngay giữa lòng phố cổ Hội An.

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Hội An - sắc màu của lụa" - 1

Bối cảnh của “Hội An – sắc màu của lụa” là Di tích cổng tam quan chùa Bà Mụ ngay giữa lòng phố cổ Hội An.

Đại diện ban tổ chức chương trình “Hội An – sắc màu của lụa”, bà Trương Thị Ngọc Cẩm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa – thể thao và Truyền thanh – truyền hình thành phố Hội An cho biết: “Hội An – sắc màu của lụa” là bức tranh vẽ bằng nghệ thuật nghe nhìn và hiệu ứng sân khấu hiện đại nhằm tôn vinh những sắc màu của lụa. Đây là chương trình nằm trong chuỗi hoạt động của Năm du lịch Quốc gia – Quảng Nam 2022, tiếp nối mạch nguồn sáng tạo của quê hương Quảng Nam trên hành trình tạo dựng những giá trị riêng có và bền chặt”.

Theo bà Trương Thị Ngọc Cẩm, “Hội An – sắc màu của lụa” tôn vinh sắc lụa, sự sang trọng của áo dài lụa Việt Nam xưa và nay với nhiều mẫu trang phục đa dạng qua từng thời kỳ. “Hội An đang hướng tới việc tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trên lĩnh vực mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian truyền thống. Với mục tiêu đó, “Hội An – sắc mùa của lụa” kỳ vọng là mảnh ghép hoàn hảo giữa quá khứ và hiện tại, là thông điệp của sự sáng tạo trên nền tảng văn hóa truyền thống”, bà Cẩm chia sẻ.

“Hội An – sắc màu của lụa” thể hiện nội dung về nghề trồng dâu nuôi tằm – nghề thủ công mỹ nghệ đặc trưng mang đậm hương sắc miền quê bên sông Thu Bồn. Chương trình chia làm 3 chương gồm: “Phù sa Thu Bồn”, “Nông tang – lụa là”, “Hội An – ký ức thời gian”.

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Hội An - sắc màu của lụa" - 2

Phần mở đầu chương trình có tên gọi “Phù sa Thu Bồn” kể về dòng sông mẹ Thu Bồn mang bầu sữa phù sa nuôi dưỡng mạch sống đôi bờ, bồi đắp nên những triền dâu xanh mát.

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Hội An - sắc màu của lụa" - 3

Phần trình diễn “Nông tang – lụa là” kể câu chuyện con tằm rút ruột nhả tơ qua những thanh âm và hình tượng, kết tinh từ những giọt mồ hôi và khát vọng yêu đời.

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Hội An - sắc màu của lụa" - 4

Diễn viên múa tái hiện khung cảnh dệt lụa truyền thống.

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Hội An - sắc màu của lụa" - 5

Những tà áo dài từ lụa tơ tằm Hội An được các diễn viên trình diễn trên nền âm thanh, ánh sáng ảo huyền của phố Hội.

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Hội An - sắc màu của lụa" - 6

Hoạt cảnh “Hội An – ký ức thời gian” đưa khán giả hoài niệm về phố cổ bên sông Hoài những ngày xa xưa.

Chương trình được viết kịch bản, đạo diễn và dàn dựng bởi Lê Hà. Có sự hòa âm phối khí của Trúc Lam, Thanh Tuấn, Viết Lĩnh. Âm nhạc của chương trình có một số ca khúc của các nhạc sĩ Lê Anh, Lương Bằng Quang, Nguyễn Ngọc Thiện, Phan Văn Bích và Trần Quế Sơn; có sự tham gia của ca sĩ Thu Hương, các diễn viên từ Ban Quản lý văn hóa di sản Mỹ Sơn và nghệ sĩ, cộng tác viên Trung tâm Văn hóa – thể thao và Truyền thanh – truyền hình thành phố Hội An.

Lụa tơ tằm xứ Quảng nổi tiếng trong lịch sử và gắn liền với hoạt động sầm uất của cảng thị Hội An thời kỳ trước, được nhiều thương nhân nước ngoài ưa chuộng và trở thành mặt hàng đi muôn nơi. Hiện tại, nghề dệt lụa ở Hội An vẫn đang được chính quyền và người dân chú trọng duy trì phát triển, là sản phẩm phục vụ du khách.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Đoàn Lê

CLIP HOT

Sóc Trăng vào ngày hội lớn
Sóc Trăng vào ngày hội lớn

Nhiều hoạt động của Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe ngo và Tuần Văn hóa, Thể thao - Du lịch Sóc Trăng lần thứ nhất đã và đang diễn ra đến hết ngày 15/11.