Cái Tết miền Bắc giữa lòng Sài Gòn

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngoài những món truyền thống thì phong tục Tết miền Bắc được giữ nguyên ở Sài Gòn còn làm sống lại với ký ức thuở xưa bé, nguôi ngoai nỗi nhớ nhà, khỏa lấp nỗi cô đơn khó nói nên lời của những người xa quê.

Từ miền Bắc di cư vào Nam được mấy năm nay, tôi nhận thấy không khí Tết ở Sài Gòn khác hẳn Hà Nội hay Nam Định quê tôi. 

Có lẽ vì vậy mà mỗi khi trời Sài Gòn có chút se lạnh và sương mù vào sáng sớm, lòng tôi lại dội lên nỗi nhớ nhà da diết, miệng tôi bất chợt hát lên vài câu hát của Phú Quang hay Giáng Son, càng Tết càng nhớ.

Vướng bận con nhỏ nên gia đình chúng tôi lâu nay chưa thể ra ngoài Bắc đón Tết. Tất cả nỗi nhớ quê, tôi dồn hết vào những bữa cơm đặc biệt là ngày Tết.

Khi ở Hà Nội tôi không để ý lắm đến chuyện cơm nước, mặc cho anh người yêu giục đi học nấu ăn (bây giờ nghĩ lại thấy tiếc hùi hụi, lại phải lần mò học hỏi từ các cô hay viết về ẩm thực như cô Nguyễn Thị Tuyết Nhung). 

Cái Tết miền Bắc giữa lòng Sài Gòn - 1

Bình hoa dơn đỏ ngày Tết. Ảnh Mê Linh

Ngày Tết của gia đình tôi khá đơn giản trong trang trí nhà cửa, không bày đào quất hay hoa mai mà chỉ cắm bình hoa, có năm là hoa dơn (lay-ơn), có năm là hoa thược dược, năm nay…chắc sẽ là hoa cúc hoàng gia đỏ.

Mâm ngũ quả vẫn theo phong cách người miền Bắc với chuối xanh, bưởi vàng, quất đỏ, hồng xiêm nâu, và khế. Khác hẳn với mâm ngũ quả của người Sài Gòn là mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài. 

Chính vì vậy, ra chợ tôi có thể chọn lựa thoải mái nải chuối có số quả lẻ, thon dài và cong. Khoảng ngày 28 Tết là thời điểm tốt nhất để mua sắm chuẩn bị Tết. Thời gian này con tôi đã được nghỉ học, cũng coi như dịp trải nghiệm văn hóa truyền thống kiểu miền Bắc. 

Những ngày cận Tết, không khí chuẩn bị trở nên hối hả, bận rộn, nào là chuận bị gạo nếp, lá gói bánh chưng, nào là dưa hành muối, thịt nấu đông, rồi măng miến, giò chả…Hành củ bao giờ cũng được chuẩn bị sớm nhất, lại phải nhớ mua vài khúc mía để muối hành cho được thơm ngon. Cũng có lúc nhớ nhớ, quên quên mà phải vòng mấy lượt chợ bởi Tết mà không có đĩa hành muối chua thì quả là rất thiết sót. 

Cái Tết miền Bắc giữa lòng Sài Gòn - 2

Đĩa hành muối chua ngày Tết

Bát cơm nóng nấu từ gạo ST25 ăn với bát thịt nấu đông, thêm vài củ hành với bát canh măng nấu sườn nữa thì ngon hết sảy. Khoái khẩu của anh chồng tôi đấy, ăn xong nhìn cái bụng căng tròn, đến mâm cơm hết cả cọng rau mùi! Con trai tôi lại đặc biệt thích món nem rán. Món này làm quá kỳ công nhưng thấy cu cậu ăn ngấu nghiến cũng bõ công mẹ làm. 

Để làm được món này, tôi phải vào siêu thị lựa những miếng thịt đầu vai vừa có mỡ, thịt lại giòn, ngọt. Hôm nào làm món này thì hôm đó đi siêu thị chứ không thể lấy từ tủ lạnh. Tôi cũng không dùng thịt xay sẵn mà phải băm nhuyễn, thêm ít đầu hành cho dậy mùi. 

Có lúc thì cho thêm thịt cua biển, khi thì cho thêm thịt tôm nõn vào nhân, mộc nhĩ nấm hương, miến dong, trứng gà cũng phải có đủ. Tôi không sử dụng cà rốt bào sợi, mà thay bằng su hào thái chỉ để tăng vị ngọt nhưng không bị nồng.

Cái Tết miền Bắc giữa lòng Sài Gòn - 3

Đĩa nem rán vàng rụm mà đứa trẻ nào cũng thích

Bánh đa nem cũng phải của Trảng Bàng - Tây Ninh, quét nước hòa chút dấm cho mềm dễ gói mà khi rán cũng giòn hơn. Rán nem phải dùng đến mỡ lợn mới thơm ngon đúng điệu. Ôi, cái bếp của người miền Bắc thì gia vị đi kèm lắm, nào là chai mắm tôm Thanh Hóa vùng Tĩnh Gia, nào là nước mắm nhĩ Phú Quốc hay chai tương bần, cùng hũ tiêu, muối hạt…

Anh chồng tôi bảo chỉ cần vào bếp nhà mình, mọi người đều biết bà chủ là người miền Bắc. Ừ thì tôi cũng thuộc thành phần ham ăn lắm ấy chứ! Làm được đĩa nem rán là xác định luôn mất nửa buổi sáng hay nửa buổi chiều trong bếp. Tiếng kênh kếch đều tay băm thịt, mùi nem tỏa ra khắp gian bếp làm tôi được sống lại những ngày Tết ở quê hay khi nhà có khách. 

Thân quen đến độ chỉ cần nghe âm thanh này đã biết trong nhà đang làm món gì. Với chồng con thì là vậy, còn tôi lại chỉ thích bánh chưng, đến mức gần như chỉ ăn bánh chưng trong mấy ngày Tết. Tuy nhà tôi ở chung cư giữa lòng TP.HCM hoa lệ, nhưng Tết năm nào cũng phải gói bánh chưng. 

Ngày 28 Tết là thời điểm ra chợ chọn lá dong, chọn lạt, còn gạo nếp cái hoa vàng, đỗ xanh đã chuẩn bị trước đó mấy hôm rồi. Chồng tôi là dân kỹ thuật, cái bánh chưng cũng phải có "kết cấu" rõ ràng, nên bánh cũng phải gói bằng 2 khuôn - cái to để ngoài, cái nhỏ bên trong, để nhân vuông vức. 

Cái Tết miền Bắc giữa lòng Sài Gòn - 4

Phong cách "bánh chưng kỹ thuật" của gia đình

Thịt chọn mua từ siêu thị với loại ba chỉ phần nhiều mỡ cắt sao 4 miếng thịt là đầy cái khuôn nhỏ. Nhà tôi thường ướp thịt với tiêu, muối rồi chiên sơ bốn mặt mới đem gói bánh, để miếng thịt không bị chảy nhiều mỡ khi luộc. Hành củ, gừng một chút, tiêu một chút giã bằng cối đá. 

Có lẽ, cả tầng mười mấy căn hộ, chỉ có nhà tôi “kình kịch, rổn rảng” cả ngày cho Tết. Ai cũng thắc mắc nhà chung cư lấy đâu ra chỗ mà luộc bánh. Thế mới hay chứ! Nhà tôi có hẳn chiếc nồi điện chuyên dụng đủ luộc được 6 cái bánh to 1,2kg. Ngày thường chiếc nồi này dùng để hầm xương nấu phở. 

Thấy thành quả bánh chưng của nhà tôi thì nhà nào nhà nấy phục lăn, đảm bảo đi cả đất Sài Gòn cũng không tìm được chứ chẳng đùa! Chẳng thế mà mỗi năm lại gói thêm vài cái, dần dà phải nấu thành 2 nồi bánh, để tặng mỗi nhà một cặp cho tình cảm. Xôi gấc, gà trống chéo cánh luộc, trái cây, nến hương, rượu gạo…dành cho mâm cúng Giao thừa đủ hết. 

Cái Tết miền Bắc giữa lòng Sài Gòn - 5

Chiếc bánh chưng chuẩn từng centimet"

Duy chỉ một điều nhà tôi không bao giờ có là tiền giấy và vàng mã. Bởi tôi nghĩ đốt tiền giấy, vàng mã xuất phát từ tục lệ chia của cho người đã mất, rồi dần dần thành “trần sao âm vậy”, chứ không có ý nghĩa gì với người đã khuất cả, thêm vào đó gây lãng phí, ô nhiễm. Chi bằng cứ gói thêm dăm cái bánh chưng quyên tặng các nhóm từ thiện để tặng cho người vô gia cư, hay tặng cho các trung tâm nuôi trẻ mồ côi, để các cháu cũng có Tết thì hay hơn. 

Ai cũng bảo nhà tôi cầu kỳ quá, rồi cũng có người bảo gia đình tôi bảo thủ, cả Sài Gòn đi chơi thảnh thơi ngày Tết thì tôi lại hì hụi “làm khổ mình”, trong khi siêu thị cái gì chả bán. Thật ra, chỉ những người xa quê lâu ngày mới hiểu hết được điều này. Chúng tôi nấu ăn ngoài tận hưởng những phong tục truyền thống, còn để sống lại với ký ức ngày Tết, nguôi ngoai nỗi nhớ nhà da diết, để khỏa lấp nỗi cô đơn khó nói nên lời. 

Cái Tết miền Bắc giữa lòng Sài Gòn - 6

Sum vầy ngày Tết. Ảnh minh họa

Dù đi rong chơi hết phố phường, kéo vali đi du lịch hay có làm gì, thì cũng không bằng hơi ấm bên gia đình, nơi có cha có mẹ, có những người thân thích. 

Tôi đưa con vào Sài Gòn để con có được môi trường sống tốt hơn, phóng khoáng hơn nhưng gia đình vẫn là người Hà Nội, quê cha đất mẹ vẫn là Nam Định, vẫn còn đó những truyền thống, văn hóa gia đình giữ gìn truyền thống cho con trẻ sau này. Để khi lớn lên, dù đi khắp bốn phương thì trong con vẫn còn đó văn hóa, truyền thống, quê hương, nguồn cội để hướng về.

Cái Tết miền Bắc giữa lòng Sài Gòn - 7

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngọc Minh

CLIP HOT

Sóc Trăng vào ngày hội lớn
Sóc Trăng vào ngày hội lớn

Nhiều hoạt động của Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe ngo và Tuần Văn hóa, Thể thao - Du lịch Sóc Trăng lần thứ nhất đã và đang diễn ra đến hết ngày 15/11.