AN GIANG - HẤP DẪN ĐUA BÒ BẢY NÚI

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

AN GIANG - HẤP DẪN ĐUA BÒ BẢY NÚI - 1     

Đôi bò ông Châu Chiêu tham gia đua

Thượng tọa Châu Sơn Hy - Phó Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh An Giang, trụ trì Chùa Sà Lôn (Lương Phi-Tri Tôn) kể lại: Chuyện đua bò thời xưa, cứ vào mùa khô thì đua bằng đôi bò kéo cỗ xe nhỏ gắn hai bánh lớn bằng gỗ trang trí đẹp mắt, lấy cổng làng làm điểm xuất phát và điểm đích là cuối làng, người cổ vũ đứng hai bên đường làng

Sau này, các đường vào phum sóc được kiên cố hóa và đông cư dân sinh sống nên việc tổ chức đua bò trên con đường làng bỏ dần do gặp nhiều nguy hiểm… Đồng bào Khmer vùng Bảy Núi chủ yếu dùng đôi bò cày kéo trong việc trồng lúa. Mùa mưa nước ngập cánh đồng ven triền núi thì họ giúp nhau cày bừa vần công cho đến khi cấy lúa xong. Ngoài ra, họ còn kéo đến cày bừa miễn phí cho đất nhà chùa trong phum sóc. Từ đó, sư cả các chùa tổ chức cho các đôi bò thi đua cày bừa nhanh và hình thành tập quán đua bò kéo bừa trong phum sóc được các thế hệ trẻ kế thừa. Các cuộc đua bò thời đó không tổ chức vào ngày nhất định, hàng năm họ tự tìm đối thủ thi đấu ở các phum sóc để vui chơi. Ban Tổ chức là các nhà chùa, giải thưởng cho đôi bò vô địch chỉ là sợi dây nài khớp bạc hoặc vòng lục lạc đeo cổ bò.

 AN GIANG - HẤP DẪN ĐUA BÒ BẢY NÚI - 2


 

Từ năm 1992, để quảng bá môn thể thao truyền thống của đồng bào Khmer, cần bảo tồn một lễ hội đua bò truyền thống, nên tỉnh An Giang thành lập Ban Tổ chức Lễ hội Đua bò Bảy Núi do hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn luân phiên nhau.

Đúng mùa nước lũ đầu nguồn từ biên giới Campuchia đổ về, mang phù sa bồi lắp cho cánh đồng Thất Sơn thêm trù phú. Đây là một loại hình thể thao độc nhất vô nhị vào dịp lễ Sene Dolta của đồng bào Khmer ở An Giang, đã trở thành phong trào thể thao cho cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn tham gia sôi nổi. Qua phong trào, thúc đẩy nhiều hộ dân tộc trong vùng quan tâm nuôi dưỡng tốt đàn bò, chọn những đôi bò khỏe nhanh nhẹn, giúp nhà nông cày kéo trong việc đồng áng.

AN GIANG - HẤP DẪN ĐUA BÒ BẢY NÚI - 3

Đôi bò ông Nguyễn Văn Tấn - Vô địch mùa giải năm 2009 tại Tịnh Biên.

Hàng năm, khi lời ca tiếng hát cùng những điệu múa hòa nhịp với tiếng trống Sa-dăm bắt đầu trỗi dậy trong các phum sóc vào dịp lễ Sene dolta, thì hàng chục ngàn người (Kinh, Hoa, Khmer) cùng tiến bước đến trường đua cổ vũ cho ngày hội đua bò truyền thống.

Trường đua bò là một thửa ruộng chiều dài 160m và ngang 60m, mặt đất được làm phẳng, có bờ đất cao 1 m bao quanh để giới hạn khán giả với đường đua rộng 8 m. Khi trọng tài ra lệnh cho tài xế đưa đôi bò vào trường đua đi vòng “hô”, nếu đôi bò nào chạy tạt ra ngoài ranh đường đua hoặc trong vòng “thả” đôi bò chưa đến đích mà tài xế bị té, gãy bừa, sứt niêm... đều bị loại. Từ vòng Loại cho đến vòng Chung kết, các đôi bò đều chạy hai vòng “hô” và sang vòng “thả”. Trong ba vòng chạy trên đường đua, đôi bò sau được quyền qua mặt đôi bò trước đúng quy định và ngược lại, đồng thời đôi bò sau khi qua mặt được tính điểm đích 2 (điểm đích 1 và 2 cắm cờ đen trắng cách nhau 4 m), nếu có một đôi bò bị loại thì đôi còn lại phải chạy tiếp cho đủ ba vòng. Vào vòng “thả”, từ cờ vàng đến cờ xanh 20 m, nếu đôi bò sau dẫm đạp bừa đôi bò trước thì đôi sau thua; từ cờ xanh đến cờ đích đen trắng (dài 90 m) nếu đôi bò sau dẫm đạp bừa đôi bò trước thì đôi sau thắng, dù chưa đến điểm đích. Mỗi đôi bò có thay đổi tài một lần tại điểm quy định, chỉ điều khiển một đôi bò trong suốt giải, nếu đôi bò bị loại thì tài cũng bị luôn.

AN GIANG - HẤP DẪN ĐUA BÒ BẢY NÚI - 4

Cứ vào mùa giải đua bò là các phum sóc vùng Thất Sơn như bừng dậy. Người Khmer, người Kinh có nuôi bò cũng muốn tham gia cuộc đua. Trước ngày đua chính thức, đồng bào các phum sóc gần như mất ăn, mất ngủ. Người có bò đua thức canh bò, đi tìm đối phương thi đấu thử. Để hạn chế số lượng tham gia quá đông, Ban Tổ chức đã loại những đôi bò yếu ngay từ vòng xã. Lên vòng huyện tiếp tục thi đấu loại bớt, số còn lại vào thi chính thức Giải Đua bò Bảy Núi.

AN GIANG - HẤP DẪN ĐUA BÒ BẢY NÚI - 5

Ông Châu Chiêu ở xã Núi Tô (Tri Tôn) tuổi 50 mà vẫn còn mê đua bò, hai con trai và cháu nội của ông cũng thích ra sân phía sau nhà tập luyện đôi bò tham gia cuộc đua. Qua 19 mùa giải, đôi bò của ông đã đoạt 1 giải Nhất, 2 giải Nhì và 4 giải Ba là nhờ có kinh nghiệm chọn bò đua, ông Chiêu cho biết: 2 con bò đua phải đủ tuổi và cân sức nhau. Vóc dáng bò có phần ngực nở mình gân, phần bụng thon về phía mông, hai chân sau khỏe, bốn chân cao (không dị tật), mỗi chân đủ bốn móng bám đất tốt, chân sau khi bước tới cách dấu chân trước 2 tấc. Con bò có đôi mắt sáng, hai sừng cong đều nhau hướng về trước, xoáy ngay giữa hai sừng nằm trước dây xỏ mũi khi thắt lại. Lưng bò có xoáy ngay giữa cách cái gu 1 tấc, bộ lông nhuyễn bám sát da ít thấm nước (chịu lạnh giỏi).

Giới đua bò ở vùng Bảy Núi ai cũng đều biết danh tiếng cha con ông Nguyễn Văn Tấn (Hai Tấn) với 6 lần vô địch trong 19 mùa giải. Mê đua bò đến nỗi té bị bừa lên làm mù con mắt, nhưng ông Tấn và con trai là Nguyễn Thành Tài vẫn đeo bám cái nghiệp của ông nội. Ông Hai Tấn bỏ luôn chức Chủ tịch xã Châu Lăng (Tri Tôn) vào năm 1984-1986, sang núi Cấm ở ấp Tà Lọt (An Hảo-Tịnh Biên) mua 12 ha đất làm vườn rừng và nuôi mấy con bò đua chơi. Ông nói có người tham gia đua để khoe bò giỏi, sau cuộc đua bán giá cao cho người mua. Còn cha con ông đam mê đua bò vì muốn mang vinh dự về cho phum sóc, để rạng danh con nhà nghề nên không tính chuyện mua bán bò làm giàu. Đôi bò chiến của ông bán có giá gấp đôi bò giỏi của người khác. Ông không vì đồng tiền mà bán đi đôi bò giỏi, chọn trong mấy trăm con ở nhiều nơi mới được một con ưng ý.

Anh Tài là tài xế chính của đôi bò ông Hai Tấn, nói thật: Hai tháng trước mùa lễ hội, cách hai ngày phải dẫn đôi bò đến trường đua tập dượt thử mất ít nhất 200 ngàn đồng, tìm mua cỏ non khắp nơi để bò ăn, mua bia pha hột gà hoặc nấu chè đậu xanh bồi đưỡng đôi bò. Mỗi đêm phải đến xem bò ngủ hay thức, có triệu chứng bệnh gì không. Tiền đem bò làm thuê mất hơn cả chục triệu đồng, bỏ luôn công việc lên vườn hái trái cây về bán. Vào cuộc đua, tài xế chính đứng lên bừa, hai tay điều khiển dây vàm, mướn thêm 2 phụ xế cầm cây chạy theo hai bên để đôi bò phóng nhanh tới trước. Đến nay, ông Hai Tấn (70 tuổi) đang giữ kỷ lục về số lần đoạt chức Vô địch, tiền thưởng mùa giải năm 2009 ông mua heo về mời cả phum ăn mừng hết sạch, chỉ giữ lại chiếc cúp hiện vật và xe gắn máy làm kỷ niệm.

Lễ hội Đua bò truyền thống Bảy Núi được diễn ra sáng ngày 02/12 tại sân chùa Thơ Mít xã Vĩnh Trung (Tịnh Biên). Có 64 đôi bò tham gia tranh tài, trong đó 56 đôi của các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Thành, Thoại Sơn, Châu Phú (An Giang), 2 đôi của tỉnh Sóc Trăng, 4 đôi của tỉnh Kiên Giang và 2 đôi của tỉnh Tà Keo (Vương quốc Campuchia). Ngày hội lần này thu hút 12 tỉnh, thành (TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Tây Ninh, Bình Phước, Vĩnh Long, An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau) và hai tỉnh Kandal, Tà Keo (Vương quốc Campuchia) tham gia các hoạt động như đua bò Bảy Núi, đua ghe ngo, đội cà om lấy nước, đẩy gậy, kéo co…. Liên hoan nghệ thuật quần chúng, trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Khmer, hội thi và giới thiệu trưng bày sách, các trò chơi dân gian và nghi lễ theo phong tục người Khmer, triển lãm “Đặc trưng văn hóa các dân tộc Việt Nam” (bằng hình ảnh, hiện vật, trang phục, nhạc cụ và các sản phẩm văn hóa dân tộc tiêu biểu), giới thiệu ẩm thực của đồng bào Khmer…, hội thảo “Hội nhập phát triển và vấn đề bảo tồn phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa khu vực III” và “Lễ hội Đua bò Bảy Núi”, “Hội chợ thương mại và giới thiệu các món ăn ngon Nam bộ” với 50 gian hàng ẩm thực phục vụ cho khách tham quan và du lịch từ ngày 1-4/12/2011.

 

T.H

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT