Lễ hội Tết 2013 tại TPHCM: Kỷ niệm 10 năm Đường hoa Nguyễn Huệ (2004-2013)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

 Với mục đích tổ chức sự kiện vui chơi giải trí độc đáo nhằm phục vụ cộng đồng, bà con kiều bào, du khách trong và ngoài nước đến Thành phố, vào dịp Tết Giáp Thân 2004, đề xuất của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) tổ chức sự kiện Đường hoa Nguyễn Huệ đã nhận được sự quan tâm đặc biệt, sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, sự tham gia của các sở ngành, trên hết là sự đồng thuận cao của xã hội.

Lễ hội Tết 2013 tại TPHCM: Kỷ niệm 10 năm Đường hoa Nguyễn Huệ (2004-2013) - 1

Qua từng năm, Đường hoa Nguyễn Huệ (tên tiếng Anh: The Nguyen Hue Boulevard Floral Exhibition) được xây dựng theo từng chủ đề, tái hiện bức tranh thiên nhiên, nét đẹp văn hóa, con người Việt Nam ở các vùng miền nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí cho người dân, bà con kiều bào cùng du khách trong và ngoài nước vào dịp Tết cổ truyền. Đến với Đường hoa Nguyễn Huệ, khách thưởng ngoạn không chỉ có dịp ôn lại khoảnh khắc đẹp của Tết thuần Việt, mà còn đón nhận sự sẻ chia của các cấp lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đến với những hoàn cảnh khó khăn thông qua các hoạt động từ thiện nhằm mang lại không khí Tết sung túc, đầm ấm.

Từ thành công của Đường hoa Nguyễn Huệ, UBND TP. Hồ Chí Minh giao Saigontourist chủ trì, phối hợp với các Ban, Ngành Thành phố tổ chức Lễ hội Tết với các sự kiện: Đường hoa Nguyễn Huệ, Lễ hội bánh tét, Phố Tỏa sáng, Khoảnh khắc Đón Năm mới, Pháo hoa giao thừa…tổ chức định kỳ tại Thành phố vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Đường hoa Nguyễn Huệ và Lễ hội Tết đã trở thành sự kiện văn hóa du lịch, thương hiệu độc đáo của Thành phố Hồ Chí Minh.

Lễ hội Tết 2013 tại TPHCM: Kỷ niệm 10 năm Đường hoa Nguyễn Huệ (2004-2013) - 2

Ông Trần Hùng Việt - Tổng Giám đốc Saigontourist, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM tại buổi Họp báo giới thiệu Lễ hội Tết 2013

LỄ HỘI TẾT 2013

Gồm 4 chương trình chính:

1. Đường hoa Nguyễn Huệ: chủ đề “Trái tim Việt Nam” nhằm chuyển tải thông điệp chân lý ngàn đời - sức mạnh ở nhân dân; có được lòng dân là có tất cả, đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng một xã hội hưng thịnh, văn minh, bảo vệ vẹn toàn bờ cõi của Tổ Quốc Việt Nam; ước nguyện được sống yên bình, hòa hiếu, trọng đạo nghĩa, anh dũng kiên cường của dân tộc Việt Nam.

Các phân đoạn của đường hoa thể hiện những nét đặc trưng tươi đẹp vùng - miền của đất nước, bao gồm: vùng núi rừng, vùng đồng bằng và vùng biển đảo. Các đại cảnh, tiểu cảnh được thiết kế nhằm diễn đạt chủ đề chính và thể hiện tính cách người dân Việt Nam gắn với từng vùng địa lý, đồng thời cũng toát lên tinh thần chung về tình yêu hòa bình, yêu quê hương đất nước, gia đình, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tính cần cù, lòng nhân ái sẻ chia. Thể hiện sức mạnh đoàn kết của 54 dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; tôn vinh những giá trị lao động qua các công cụ truyền thống, tiêu biểu của từng nghề nghiệp; những sắc thái văn hóa qua trang phục truyền thống của mỗi dân tộc được kết bằng hoa; đặc biệt là phần thể hiện biển đảo với sự khẳng định chủ quyền và thông điệp mong muốn hòa bình ở biển Đông và trên thế giới của nhân dân Việt Nam.

Khu vực Vườn Mai Bác Hồ được thiết kế hình ảnh 54 cột hoa hình trái tim nối thành vòng tròn thống nhất xung quanh tượng đài Bác Hồ. Mỗi trái tim một màu hoa, một dải vải hoa văn riêng biệt quấn trên nền trụ tre, tượng trưng cho sự đoàn kết thống nhất 54 dân tộc tạo nên sức mạnh của đất nước.

Đi vào không gian Đường hoa Nguyễn Huệ, từng phân đoạn được phân chia theo từng chủ đề:

- Xuân Non cao (đoạn từ đường Lê Lợi đến đường Mạc Thị Bưởi): với các hình ảnh gắn với miền rừng núi như Rừng hoa, Cầu vồng hoa, Đàn Tơ rưng hoa, Trống Paranưng hoa, Cồng chiêng, Khèn hoa, Sắc màu Cao nguyên, Quạt xòe hoa, Giọt hoa và Cây Kết đoàn… Đại cảnh Đón xuân là những trụ hoa Lys và cúc Hasfarm như đang tạo thành một hàng chào đón bước khách du xuân. Bổ sung cho các đại cảnh là các tiểu cảnh như trụ treo gùi hoa, hoa chuông, nhánh lan rừng… cũng là những hình ảnh thân thuộc của vùng rừng núi cao nguyên được đưa vào khu vực Đường hoa. Và ở vùng rừng núi cao nguyên này cũng không thể thiếu cột tô tem trong văn hóa truyền thống các dân tộc vùng Tây Nguyên.

- Xuân Đồng bằng (đoạn từ đường Mạc Thị Bưởi đến đường Ngô Đức Kế): Năm Quý Tỵ 2013 kỷ niệm 10 năm tổ chức sự kiện Đường hoa. Do đó, khu vực này được lựa chọn để trưng bày mô hình thu nhỏ con giáp của giai đoạn 10 năm qua. Mỗi con giáp một vẻ, một chất liệu giống như chất liệu đã được dùng để tạo hình qua từng năm: gà tre, chó đá, heo đất, chuột lục bình, trâu gốm, cọp sơn màu sắc tự nhiên, mèo thạch cao, rồng mây; riêng năm đầu tiên là khỉ được tạo hình mới bằng chất liệu xơ dừa và gắn vỏ cừ tràm để tạo thành trọn bộ 10 con giáp. Tại phân đoạn này, nổi bật với việc tôn vinh vẻ đẹp bản sắc truyền thống văn hóa Việt Nam qua hình ảnh hồ sen, phong cảnh làng quê, đồng lúa, sinh hoạt nông nghiệp, cùng những cảnh gợi nhắc tình cảm hiếu hòa, nhân nghĩa, sống dung hòa giữa đất trời của con người Việt…

- Xuân Biển đảo (từ đường Ngô Đức Kế đến đường Tôn Đức Thắng): với các hình ảnh chiếc thuyền gỗ mộc cưỡi trên đầu ngọn sóng đang kéo tấm lưới bội thu hoa đủ màu sắc, với ý nghĩa thu hoạch thành quả lao động, đón mừng một năm mới ra khơi và thu hoạch nhiều thành tựu; cảnh sắc thanh bình với thuyền thúng đầy ắp hoa về bờ, nằm gác dưới những tán dừa vi vu in bóng trên đồi cát trắng thoai thoải. Tiếp nối những xóm chài là cảnh biển sâu với Đồi ốc san hô. Những chú ốc và rặng san hô chen nhau đang khoe sắc màu rực rỡ trên đồi cát trắng và những gợn sóng hoa, hình ảnh những sản vật quý báu này tôn vinh lên sự giàu đẹp của biển quê hương; Rừng Cờ hội ngũ sắc phấp phới, mang những câu chúc và lời đón chào mùa xuân mới tung bay theo gió, cũng là sự khẳng định độc lập, chủ quyền, tự chủ đối với vùng biển đảo của Việt Nam vốn có từ xa xưa và nay đã trở thành chân lý và niềm tự hào của mỗi người dân con cháu Lạc Hồng; hình tượng cô gái Việt Nam nhỏ bé trong tà áo dài truyền thống giữa không gian mênh mông cùng đất trời biển đảo đang tung những cánh chim bồ câu trắng bay, cất cao lời ca yêu chuộng hòa bình, người dân Việt Nam yêu hòa bình và luôn mong muốn gìn giữ hòa bình, song cũng sẵn sàng đứng lên chiến đấu đến cùng để bảo vệ cho nền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ.

Các hoạt động kết nối Đường hoa Nguyễn Huệ, gồm: Trưng bày nghệ thuật cắm hoa và tổ chức khu vực phục vụ chúc Tết tại đường hoa. Bố trí một số điểm giải khát trên vỉa hè trước các khách sạn, nhà hàng, thương xá Tax… trên trục đường Nguyễn Huệ, Huỳnh Thúc Kháng (đoạn từ đường Nguyễn Huệ đến đường Hồ Tùng Mậu) phục vụ khách tham quan Lễ hội. Tổ chức phố đi bộ (trên đường Lê Lợi đoạn từ Bùng binh cây Liễu đến đường Pasteur) với chương trình biểu diễn nghệ thuật vào đêm bế mạc đường hoa (ngày 13/02/2013 - Mùng 4 Tết).

Thời gian phục vụ Đường hoa Nguyễn Huệ: 07 ngày, khai mạc lúc 19g00 ngày 07/02/2013 (27 Tháng chạp) đến 22g00 ngày 13/02/2013 (Mùng 4 Tết).

Lễ hội Tết 2013 tại TPHCM: Kỷ niệm 10 năm Đường hoa Nguyễn Huệ (2004-2013) - 3

Toàn cảnh buổi Họp báo giới thiệu Lễ hội tết 2013

Nhìn lại chặng đường 10 năm Đường hoa Nguyễn Huệ (2004-2013):

Đường hoa Nguyễn Huệ lần thứ 10 năm 2013 đánh dấu chặng đường phát triển, không ngừng hoàn thiện, nâng cao khả năng tổ chức của Thành phố về các sự kiện văn hóa, về sự quan tâm chăm lo nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, góp phần gìn giữ, vun đắp những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tính cách và nét văn hóa đặc trưng của người dân Thành phố: năng động, sáng tạo, nhân ái, nghĩa tình…; đồng thời ghi nhận, động viên tinh thần trách nhiệm, sự hợp tác chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả của các tổ chức, cá nhân, các nhà tài trợ, các cơ quan truyền thông cũng như tinh thần vui Xuân đón Tết lành mạnh, văn minh của người dân và khách tham quan.

- Tết Giáp Thân 2004: Năm đầu tiên Đường hoa Nguyễn Huệ chính thức ra mắt ngày 29 tháng chạp và kéo dài đến mùng 2 Tết.

- Tết Ất Dậu 2005: chủ đề “Thành phố Hồ Chí Minh – Hội nhập và Phát triển”, bắt đầu từ 29 tháng chạp và kết thúc vào mùng 2 Tết.

- Tết Bính Tuất 2006: chủ đề “Dáng Xuân”, diễn ra từ 27 tháng chạp đến mùng 3 Tết.
- Tết Đinh Hợi 2007: Chủ đề “Trên đường hội nhập”, diễn ra từ 28 tháng chạp đến mùng 3 tết.

- Tết Mậu Tý 2008: chủ đề “Vượt sóng”, diễn ra trong 6 ngày, từ 29 tháng chạp đến mùng 4 Tết.

- Tết Kỷ Sửu 2009: chủ đề “Vững tin”, diễn ra trong 6 ngày, từ 28 tháng chạp đến mùng 3 tết.

- Tết Canh Dần 2010: chủ đề “Xuân bình minh”, diễn ra từ tối 28 tháng chạp đến mùng 3 Tết.
- Tết Tân Mão 2011: chủ đề "Tầm cao mới" diễn ra trong 7 ngày, từ 28 tháng chạp đến mùng 4 Tết.

- Tết Nhâm Thìn 2012: chủ đề “Việt Nam quê hương tôi” diễn ra từ 27 tháng chạp đến mùng 4 Tết.

- Tết Quý Tỵ 2013: chủ đề “Trái tim Việt Nam”, diễn ra trong 07 ngày, khai mạc tối 27 tháng chạp, mở cửa phục vụ đến 22g00 mùng 4 Tết.

Theo ông Trần Hùng Việt, Tổng Giám đốc Saigontourist, Trưởng ban tổ chức Lễ hội Tết, Đường hoa Nguyễn Huệ và Lễ hội Tết đã trở thành sự kiện độc đáo, thương hiệu của Thành phố Hồ Chí Minh. Thành công của chương trình khi hội tụ được các yếu tố: Sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ, Tính sáng tạo, nghệ thuật, Tính chuyên nghiệp, Tính nhân văn và Tính xã hội hóa.

2. Pháo hoa Giao thừa: Tết Dương lịch: gồm 02 điểm tầm thấp tại cửa đường hầm sông Sài Gòn, quận 2 và Công viên Văn hóa Đầm Sen, quận 11, từ 00g00 đến 00g15 ngày 01/01/2013. Tết Nguyên đán: 07 điểm, gồm 1 điểm tầm cao tại khu vực đầu đường hầm sông Sài Gòn, quận 2, và 6 điểm tầm thấp tại Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc, quận 9, Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược, huyện Củ Chi, Công viên Văn hóa Đầm Sen, quận 11, Sân bóng đá huyện Cần Giờ, Khu Tưởng niệm Liệt sĩ Ngã ba Giồng, huyện Hóc Môn, Khu Di tích Lịch sử Láng Le – Bàu Cò, huyện Bình Chánh. Thời gian từ 00g00 đến 00g15 ngày 10/02/2013 (mùng 1 Tết).

3. Chương trình Phố Tỏa Sáng: thực hiện trang trí ánh sáng đèn trên các tuyến đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi, Lê Duẩn, Phạm Ngọc Thạch và Công trường Quốc tế. Thời gian phục vụ Tết Dương lịch từ ngày 19/12/2012 đến ngày 06/01/2013. Thời gian phục vụ Tết Nguyên Đán: từ ngày 01/02 ngày 17/02/2013.

4. Chương trình trang hoàng Mặt Phố Tết và biểu diễn Doorshows tại mặt tiền các đơn vị thuộc hệ thống Saigontourist tọa lạc trên các tuyến đường diễn ra Lễ hội. Thời gian: từ ngày 07/02/2012 đến 13/02/2012 (27 Tháng chạp đến mùng 4 Tết).

* Trang Web Lễ hội Tết: www.duonghoanguyenhue.com

* Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn: 23 Lê Lợi, Q.1, TP.HCM, ĐT: 08.38 225887, email:saigontourist@sgtourist.com.vn, website: www.saigon-tourist.com

P.V

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT