Lễ hội Bạch Đằng và Lễ rước Đức Thánh Trần Hưng Đạo vi hành là một trong những nghi thức độc đáo của người dân Bạch Đằng Giang, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh nhằm tưởng nhớ công lao của quân dân nhà Trần trong công cuộc đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi biên cương của Tổ quốc.
Trong các ngày 3-6/4 (6-9 tháng 3 Âm lịch), thị xã Quảng Yên tổ chức lễ Kỷ niệm 1087 năm (938-2025), 1044 năm (981-2025) và 737 năm (1288-2025) chiến thắng Bạch Đằng tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng (phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh).
Điểm nhấn trong các hoạt động lễ kỷ niệm là nghi thưc rước Đức Thánh Trần vi hành xung quanh thị xã Quảng Yên.
Ngay từ sáng sớm, người dân từ khắp nơi đầu đội mâm lễ đổ về Khu di tích Bạch Đằng để tham gia đoàn rước. Lễ rước năm nay có khoảng trên dưới 50 đoàn rước với hơn 600 người tham gia rước trong 2 ngày.
Tượng Đức Thánh Trần Hưng đạo được trai tráng trong làng Yên Giang rước từ trong cung ra cùng với tôn thất nhà Trần như Đệ nhất Vương cô Quyền Thanh công chúa và Đệ nhị Vương cô Đại Hoàng công chúa...
Các kiệu trong đoàn rước được sơn son, thếp vàng có ô lọng che và do 4-8 người khiêng.
Đoàn rước dài hơn 1 km đi dọc con đường từ Di tích Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng vào trung tâm thị xã.
Ông Trần Đức Thắng, Chủ tịch UBND Thị xã Quảng Yên, cho biết lễ hội Bạch Đằng là một trong 3 lễ hội lớn của thị xã Quảng Yên nhằm tưởng nhớ công ơn của quân, dân Đại Việt trong 3 lần chiến thắng quân xâm lược trên cửa sông Bạch Đằng.
Sông Bạch Đằng đã trở thành dòng sông huyền thoại, cọc Bạch Đằng đã trở thành biểu tượng đánh giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, nơi đây dân tộc ta đã 3 lần viết nên những trang sử hào hùng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
Cụ thể, dòng sông Bạch Đằng đã ghi dấu 3 trận thủy chiến hào hùng của dân tộc Đại Việt chống quân Nam Hán năm 938 dưới sự dẫn dắt của Ngô Quyền, chống quân Tống năm 981 của Lê Đại Hành và chống quân Nguyên Mông năm 1288 với sự chỉ huy của Trần Hưng Đạo.
Đặc biệt, trong trận chiến năm 1288 của Trần Hưng Đạo cùng các công thần nhà Trần có công đánh đuổi giặc Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng. Đây là một trận đánh quan trọng của quân dân Đại Việt được sử sách lưu truyền lại.
Để tưởng nhớ công lao, người dân Bạch Đằng Giang suy tôn ông là Thành hoàng làng. Đến ngày 8 tháng 3 Âm lịch thì tổ chức rước Đức Thánh Trần vi hành từ Di tích Bạch Đằng về đình Yên Giang và tổ chức lễ rước Đức ông từ đình quay trở lại di tích Bạch Đằng vào ngày hôm sau.
Lễ hội thu hút được hàng nghìn người dân và khách du lịch đến tham dự, hòa mình vào cùng đoàn rước.
Trong đó ấn tượng nhất là người dân xếp hàng dài dọc theo con đường để kiệu Đức Thánh Trần đi qua với tâm niệm Đức Thánh Trần gia hộ cho người dân được sức khỏe, bình an…
Đoàn rước đi qua Bảo tàng Bạch Đằng, nơi đây đang lưu giữ 5 cây cọc Bạch Đằng từ trận chiến Bạch Đằng năm 1288 chặn đứng đoàn thuyền của quân Nguyên, tạo điều kiện cho quân và dân nhà Trần chặn đứng 600 chiến thuyền.
Với ý nghĩa vô cùng đặc biệt, Di tích Bạch Đằng được Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Lễ hội Bạch Đằng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.