LÁ THƯ TỪ LUXEMBOURG

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tháng 3/1999, Cơ quan Hợp tác Phát triển Luxembourg đề ra “Chiến lược hợp tác phát triển giữa Đại Công quốc Luxembourg và Việt Nam”, khẳng định Việt Nam là nước đứng đầu châu Á và là một trong 10 nước trọng điểm trong chương trình hợp tác phát triển của Chính phủ Luxembourg. Trường Lycée Technique Hôtelier Alexis Heck (LTHAH)- Diekirch được Chính phủ Luxembourg chọn là đơn vị chịu trách nhiệm đào tạo và tái đào tạo cho các giáo viên, sinh viên Việt Nam về nghiệp vụ du lịch. Mỗi năm, trường LTHAH đến Việt Nam chọn 10 thí sinh chuyên ngành Bếp hoặc phục vụ Nhà hàng từ nhiều trường du lịch của Việt Nam. Đến nay đã có hơn 130 giáo viên, sinh viên ưu tú được đến học tập tại Luxembourg. Riêng trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist đã được trường LTHAH đào tạo 29 giáo viên, sinh viên. Từ Luxembourg, họ đã viết những dòng đầy cảm xúc…

LÁ THƯ TỪ LUXEMBOURG - 1
Sinh viên khóa 2007-2008 trước cổng trường LTHAH

Vậy là một cái Tết nữa sắp đến, đây là lần đầu tiên chúng tôi đón một cái Tết xa nhà. Hiện là những du học sinh của trường LTHAH, chúng tôi đến đất nước Luxembourg tươi đẹp này trong một năm để nâng cao nghiệp vụ về du lịch. Những ngày đầu bỡ ngỡ đặt chân đến Luxembourg là khi đất nước Tây Âu nhỏ bé với chỉ vỏn vẹn nửa triệu người này đang bừng sắc thu vàng. Luxembourg, “trái tim xanh của Châu Âu”, nằm gọn giữa các cường quốc du lịch Pháp, Đức, Bỉ, là Di sản Văn hóa thế giới, được UNESCO công nhận danh hiệu “Thủ đô Văn hóa Châu Âu” năm 1995 và 2007.

Luxembourg chào đón chúng tôi bằng bức tranh thiên nhiên đẹp như cổ tích, hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc. Bên cạnh những khối nhà cao tầng hiện đại là các lâu đài cổ kính ghi dấu lịch sử. Do địa hình đồi núi nên Luxembourg có tới 110 cây cầu nối các bờ thung lũng, kết vùng thấp với vùng cao. Nổi tiếng nhất là Cầu Đại công tước Adolphe xây từ thế kỷ 19, dưới cầu là thung lũng Petrusse và công viên Lambert quyến rũ. Cảnh vật thiên nhiên được bảo tồn, nâng niu, trân trọng, Luxembourg níu chân du khách bằng sự bình yên và quyến rũ đến lạ kỳ.

Những cái ôm ấm áp và sự đón tiếp nhiệt thành của các thầy cô, bạn bè đến từ trường LTHAH làm chúng tôi ấm lòng. Ngoài tiếng Luxembourg, người dân ở đây còn thông thạo các ngôn ngữ khác như Pháp, Đức, Bỉ, Anh, Bồ Đào Nha… bởi hơn 40% dân số là người nhập cư. Ở đất nước “hợp chủng quốc” này, mọi người phải cân bằng giữa các nền văn hóa và các tiếng nói khác nhau, nên người Luxembourg rất thân thiện, biết nhường nhịn, sống ôn hòa và tôn trọng nhau. Có lẽ vì thế mà chúng tôi nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống nơi đây.

Trường LTHAH được thành lập vào năm 1949 tại Thành phố Diekirch, cái nôi của Ngành Du lịch Luxembourg với các Chuyên ngành đào tạo: Khách sạn, Nhà hàng, Nấu ăn và Du lịch. Vốn đã được đào tạo về Chuyên ngành Nhà hàng và Bếp, nhưng chỉ khi được học tập, thực hành trong môi trường hiện đại tại LTHAH, chúng tôi mới hiểu thế nào là cảm giác được vùng vẫy trong thế giới phong phú đa dạng của các loại trang thiết bị, thực phẩm, gia vị, thức uống, nghệ thuật trang trí, cách chế biến, phục vụ… theo tiêu chuẩn hiện đại của thế giới.

Được sự quan tâm giúp đỡ của Ban Giám hiệu trường LTHAH: Ông Louis Robert, Ông Gérard Bender và sự tận tình chỉ dạy của các thầy cô như: thầy Ronald Thill, cô Lorence Franzen, thầy Egide Hilger, thầy Patrick Bredimus, cô Michelle Flammang, thầy Jean-Marc Dijou, thầy Georges Knauf…, chúng tôi được học các môn học như: Phục vụ nhà hàng, bày trí phòng tiệc, pha chế thức uống, rượu vang, bánh Âu, bếp Âu, vi tính, ngoại ngữ… Tất cả các môn học đều được giảng dạy bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, với tài liệu đều bằng tiếng Pháp. Vì thế, đây là cơ hội quý báu để chúng tôi trau dồi thêm kiến thức chuyên sâu và vốn ngoại ngữ của mình. Hơn ai hết chúng tôi ý thức được rằng mình phải tận dụng tối đa thời gian học tập ở Luxembourg để mang được thật nhiều những kiến thức về Việt Nam và vận dụng có hiệu quả những kiến thức ấy phát triển Ngành Du lịch quê hương mình.

Những chuyến “Du lịch bụi” vòng quanh châu Âu cũng để lại thật nhiều kỷ niệm. Tận dụng những ngày nghỉ lễ, chúng tôi rủ nhau “bắt” xe lửa hoặc máy bay giá rẻ đến Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, Ý, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha… Chính sự khác nhau về văn hóa, những trải nghiệm, thử thách, kỷ niệm buồn vui ở châu Âu đã làm dày thêm vốn sống của những người trẻ làm du lịch như chúng tôi. Rồi đây chúng tôi sẽ trở về nước, tiếp bước những thầy cô và anh chị đi trước, như thầy Nguyễn Hữu Nghĩa, cô Thượng Mỹ An, Đoàn Thị Tố Nhân, Mai Thị Ngọc Hồng, Võ Thị Thùy An, Hoàng Thị Thu Phương, Hồ Tuấn Minh, Nguyễn Hoàng An Vương, Nguyễn Thùy Huyền Trang… trở thành giáo viên, hoặc những người phục vụ chuyên nghiệp mang đẳng cấp quốc tế, chúng tôi sẽ truyền đạt lại những kinh nghiệm và kiến thức quý báu cho những bạn trẻ mang ước mơ và khát khao như chúng tôi ngày trước. Và rồi các bạn cũng sẽ được đặt chân đến Luxembourg như Tất Hà Mỹ Linh, Võ Thị Bích Chiêu…(Khóa 2012-2013), đến với ngôi trường LTHAH này, ngôi trường trong mơ…

LÁ THƯ TỪ LUXEMBOURG - 2
Sinh viên khóa 2007-2008 trong giờ thực tập phục vụ nhà hàng

LÁ THƯ TỪ LUXEMBOURG - 3
Thượng Mỹ An (khóa 2003-2004) với Ban Giám hiệu LTHAH

LÁ THƯ TỪ LUXEMBOURG - 4
Nguyễn Thùy Huyền Trang (khóa 2011-2012)

LÁ THƯ TỪ LUXEMBOURG - 5
Tất Hà Mỹ Linh (khóa 2012-20013)

LÁ THƯ TỪ LUXEMBOURG - 6
Võ Thị Bích Chiêu (Khóa 2012-2013) với thầy dạy bánh Âu của LTHAH

Đ.T.N

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc

Đường hoa Nguyễn Huệ gây ấn tượng mạnh ngay từ cổng chào với đôi linh vật rồng uốn lượn ngoạn mục. Với tên gọi “Lưỡng Long triều liên” (đôi rồng chầu sen), đại cảnh cổng mở gồm hai linh vật Rồng, mỗi linh vật có 5 đoạn thân rồng uốn lượn dọc hai bên đường hoa, với độ dài hơn 100 m và kích thước vòng đầu hơn 2 m.