KỶ NIỆM 10 NĂM ĐƯỜNG HOA NGUYỄN HUỆ: NƠI CHUYỂN TẢI THÔNG ĐIỆP TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG ĐẤT NƯỚC

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Cái đẹp luôn tỏa ra từ sự giản dị, khởi nguồn từ chiều sâu văn hóa truyền thống, niềm tin yêu quê hương đất nước và tinh thần kết nối cộng đồng. 10 năm Đường hoa Nguyễn Huệ đã khẳng định với chúng ta điều này

KỶ NIỆM 10 NĂM ĐƯỜNG HOA NGUYỄN HUỆ: NƠI CHUYỂN TẢI THÔNG ĐIỆP TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG ĐẤT NƯỚC - 1

Đường hoa Nguyễn Huệ lần thứ X năm 2013 đánh dấu chặng đường phát triển, không ngừng hoàn thiện, nâng cao khả năng tổ chức của TPHCM về các sự kiện văn hóa, về sự quan tâm chăm lo nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, góp phần gìn giữ, vun đắp những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tính cách và nét văn hóa đặc trưng của người dân Thành phố: năng động, sáng tạo, nhân ái, nghĩa tình…; đồng thời ghi nhận, động viên tinh thần trách nhiệm, sự hợp tác chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả của các tổ chức, cá nhân, các nhà tài trợ, các cơ quan truyền thông cũng như tinh thần vui Xuân đón Tết lành mạnh, văn minh của người dân và khách tham quan.

 

HÀNH TRÌNH 10 NĂM

Tết Giáp Thân 2004, những người sống và làm việc tại TP.HCM nói riêng và du khách thập phương nói chung đã vô cùng bất ngờ, vui tươi, hạnh phúc trước vẻ đẹp rực rỡ của những con đường tại trung tâm Quận 1, đặc biệt sự kiện Lễ hội Đường hoa Nguyễn Huệ. Ít ai biết rằng, đây là ý tưởng về một lễ hội văn hóa được Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) ấp ủ, đầu tư nhiều tâm sức. Đề xuất của Saigontourist đã nhận được sự quan tâm đặc biệt, sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, sự tham gia của các Sở, Ngành, trên hết là sự đồng thuận cao của xã hội. Đường hoa Nguyễn Huệ ra đời từ đây.

Đường hoa Nguyễn Huệ với chiều dài trên 800m, điểm khởi đầu tính từ trụ sở UBND TPHCM và điểm kết thúc nơi giáp với đường Tôn Đức Thắng (bến Bạch Đằng ngày nay).

Qua từng năm, Đường hoa được xây dựng theo từng chủ đề, tái hiện bức tranh thiên nhiên, nét đẹp văn hóa, con người Việt Nam ở các vùng, miền nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí cho người dân, bà con kiều bào cùng du khách trong và ngoài nước vào dịp Tết cổ truyền. Đến với Đường hoa Nguyễn Huệ, khách thưởng ngoạn không chỉ có dịp ôn lại khoảnh khắc đẹp của Tết thuần Việt, mà còn đón nhận sự sẻ chia của các cấp lãnh đạo TPHCM đến với những hoàn cảnh khó khăn thông qua các hoạt động từ thiện nhằm mang lại không khí Tết sung túc, đầm ấm.

KỶ NIỆM 10 NĂM ĐƯỜNG HOA NGUYỄN HUỆ: NƠI CHUYỂN TẢI THÔNG ĐIỆP TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG ĐẤT NƯỚC - 2

Tết Giáp Thân 2004

Năm đầu tiên, Đường hoa Nguyễn Huệ chính thức ra mắt ngày 29 tháng chạp và kéo dài đến mùng 2 Tết.  So với hình ảnh Chợ hoa Nguyễn Huệ trước đây, Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp Thân 2004 đã khoác lên mình diện mạo mới, tinh thần mới, được bày biện, sắp đặt công phu chỉ dành cho việc thưởng ngoạn của khách du xuân.

Tết Ất Dậu 2005, chủ đề “Thành phố Hồ Chí Minh – Hội nhập và Phát triển”

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Ất Dậu 2005 bắt đầu từ 29 tháng chạp và kết thúc vào mùng 2 Tết. Khách thưởng ngoạn có thể tìm thấy ở đây một Sài Gòn xưa với xe thổ mộ chở đầy hoa, trái, một góc chợ Tết quê những năm 1920-1940.

Tết Bính Tuất 2006, Chủ đề “Dáng Xuân”

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Bính Tuất 2006 kéo dài từ 27 tháng chạp đến mùng 3 Tết,  mang chủ đề “Dáng xuân”, với ý tưởng mang hồn quê về phố. Bên cạnh biểu tượng của năm Tuất là những chú chó dễ thương, du khách còn có dịp hoài cổ với những nét văn hóa dân tộc là những chiếc cối đá, chum vại, những chiếc vó bên ao nước,  thuyền hoa, gánh hoa, hoa đào phương Bắc, đồi cát miền Trung…

Tết Đinh Hợi 2007, chủ đề “Trên đường hội nhập”

Khai mạc vào lúc 7g30 tối 28 tháng chạp, Đường hoa Nguyễn Huệ  Tết Đinh Hợi 2007 kéo dài đến tối mùng 3 Tết với điểm nhấn là những chú heo bằng đất và gốm cùng hình ảnh làng quê Nam bộ như con thuyền, cầu tre, đồng lúa, lồng trong tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim hót…Một nét mới của Đường hoa Nguyễn Huệ Đinh Hợi 2007 là Hồ Chúc phúc. Du khách đến đây có thể cầu phúc cho bản thân, gia đình, bạn bè.

 

Tết Mậu Tý 2008, chủ đề “Vượt sóng”

Kéo dài trong 6 ngày – từ 29 tháng chạp đến mùng 4 Tết. Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Mậu Tý 2008 được thiết kế theo chủ đề “Vượt Sóng”. Đường hoa là một câu chuyện về đời người, gia đình, cộng đồng, đất nước, thế giới, chia thành bảy đoạn với các chủ đề: Sum họp, Hội nhập, Vươn mình, Vượt sóng, Phía trước là bầu trời, Ra khơi…tương ứng với hình ảnh gia đình chuột đèn kéo quân cao hơn 7 m, và con tàu hoa.

Tết Kỷ Sửu 2009, chủ đề “Vững tin”

"Vững tin" được chọn làm chủ đề cho Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Kỷ Sửu 2009, kéo dài trong 6 ngày từ 28 tháng chạp đến mùng 3 Tết. Đường hoa vinh dự được Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết đến dự và cắt băng khánh thành.

Đường hoa được chia thành 7 phân đoạn, chuyển tải những ý nghĩa khác nhau: Khởi nguồn, nghị lực, sáng tạo, tiến bước, đoàn kết, nguồn cội và vững tin, với các tiểu cảnh gắn với những hình ảnh quen thuộc của thôn quê Việt Nam: con trâu, đồng quê, nghề nông... Ước tính có gần 1 triệu lượt khách đến thưởng lãm Đường hoa Nguyễn Huệ Kỷ Sửu 2009.

Tết Canh Dần 2010, chủ đề “Xuân bình minh”

Gồm sáu chủ đề nhỏ: Vầng Thái Dương, Xuân yêu thương, Bình minh tụ hội, Sức mạnh đoàn kết, Góc quê hương và Hướng về Thăng Long, Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Canh Dần 2010 hoạt động từ tối 28  tháng Chạp và kéo dài đến hết mùng 3 Tết. Đường hoa được trưng bày suốt trục đường Nguyễn Huệ, phối âm thanh hài hòa, tôn vẻ đẹp của không gian Xuân. Tổ chức phố đi bộ với các nhóm biểu diễn nhạc cụ dân tộc, trò chơi dân gian…

Tết Tân Mão 2011, chủ đề "Tầm cao mới"

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Tân Mão phục vụ công chúng trong 7 ngày, từ ngày 28  tháng chạp  đến mùng 4 Tết. Thể hiện sự phấn đấu nỗ lực của Thành phố để đạt được thành quả cao hơn về kinh tế, chính trị, xã hội. Các phân đoạn trang trí trong đường hoa chuyển tải những chủ đề: Hồn Việt, Tết phương Nam, Nối vòng tay lớn, Vươn lên tầm cao mới, Xuân an vui, Hoa Xuân ca, Vào mùa và Vườn Xuân.

Tết Nhâm Thìn 2012, chủ đề “Việt Nam quê hương tôi”

Các phân đoạn của đường hoa tương ứng với các chủ đề nhỏ: Vườn mai Bác Hồ, Truyền thuyết hóa rồng, Đất nước trọn niềm vui, Vươn đến tương lai. Đường hoa được khai mạc vào lúc 19 giờ ngày 27 tháng chạp và kéo dài đến hết mùng 4 Tết

Đầu đường hoa là đại cảnh Rồng phun hoa. Dọc đường là các tiểu cảnh như: bánh chưng, bánh tét, đồng lúa, lũy tre, biển và đảo,... được tạo thành bằng các loài hoa và cây. Cuối đường là hình tượng Rồng bằng mây tre Theo ước tính, có hơn một triệu lượt người tham quan đường hoa trong dịp Tết Nhâm Thìn.

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Quý Tỵ 2013, chủ đề “Trái tim Việt Nam”

Diễn ra trong 07 ngày, khai mạc vào 27 Tháng Chạp, mở cửa phục vụ đến 22g00 Mùng 4 Tết. Các phân đoạn của đường hoa thể hiện những nét đặc trưng tươi đẹp vùng - miền của đất nước; sức mạnh đoàn kết của 54 dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; tôn vinh những giá trị lao động qua các công cụ truyền thống, tiêu biểu của từng nghề nghiệp; những sắc thái văn hóa qua trang phục truyền thống của mỗi dân tộc được kết bằng hoa; đặc biệt là phần thể hiện biển đảo với sự khẳng định chủ quyền và thông điệp mong muốn hòa bình trên biển Đông và trên thế giới của nhân dân Việt Nam.

KỶ NIỆM 10 NĂM ĐƯỜNG HOA NGUYỄN HUỆ: NƠI CHUYỂN TẢI THÔNG ĐIỆP TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG ĐẤT NƯỚC - 3

NHỮNG YẾU TỐ THÀNH CÔNG

Năm 2013, đánh dấu mốc son 10 năm công trình Đường hoa Nguyễn HuệLễ hội Tết TP.HCM. Thành công của Đường hoa Nguyễn Huệ trong 10 năm qua chính nhờ sự hội tụ của nhiều yếu tố.

Sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ:

Được sự chỉ đạo của Thành uỷ, UBND TP.HCM, công trình Đường hoa Nguyễn Huệ là sự phối hợp chặt chẽ của các Ban, Ngành, các đơn vị truyền thông, sự hưởng ứng của nhiều nhà tài trợ, sự nỗ lực của các cá nhân, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Saigontourist với vai trò đơn vị trực tiếp tổ chức.

Tính sáng tạo, nghệ thuật:

Trước khi triển khai thi công công trình Đường hoa Nguyễn Huệ, Ban Tổ chức cùng đội ngũ Kiến trúc sư đã không ngừng nghiên cứu và sáng tạo, nhằm mang lại sức sống mới, diện mạo mới và thông điệp mới cho đường hoa qua từng năm.

 

Tính chuyên nghiệp:

Công tác tổ chức ngày càng được hoàn thiện, chuyên nghiệp trong các hạng mục thiết kế, thi công, giám sát, hậu cần, an ninh trật tự, quảng bá, vệ sinh… với sự tham gia của hàng ngàn nhân sự là các Kiến trúc sư, Kỹ sư, Công nhân, Nghệ nhân, Cán bộ Công nhân viên Saigontourist

 

Tính nhân văn:

Đường hoa Nguyễn Huệ nói riêng và Lễ hội Tết nói chung là món ăn tinh thần đối với mọi người sau một năm miệt mài làm việc, lao động và học tập. Và là sự kiện văn hoá, du lịch độc đáo, ấn tượng phục vụ bà con kiều bào, du khách trong và ngoài nước.

 

Tính xã hội hóa:

Ban Tổ chức đã thực hiện tốt xã hội hóa bằng việc kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp. Điều đáng ghi nhận, mặc dù tình hình kinh tế những năm gần đây gặp khó khăn, nhưng các doanh nghiệp vẫn nhiệt tình tham gia đồng hành chương trình.

“Chúng tôi luôn tâm niệm, tình yêu quê hương đất nước, yêu Tổ quốc, hướng đến cộng đồng luôn hiện hữu trong mỗi con người. Thông qua vẻ đẹp Đường hoa Nguyễn Huệ chúng tôi muốn truyền tải thông điệp này đến với khách thưởng lãm! Có thể khẳng định, Đường hoa Nguyễn Huệ đã trở thành sự kiện văn hóa, thương hiệu lễ hội Tết mang nhiều khác biệt độc đáo của TP.HCM, tạo ra được giá trị tinh thần cho người dân, bà con kiều bào, du khách trong và ngoài nước. Là những người trực tiếp tham gia, chúng tôi rất hạnh phúc và tự hào vì điều này. Đối với Saigontourist, làm du lịch đồng nghĩa chuyển tải sứ mệnh văn hóa. Sự thành công của Đường hoa Nguyễn Huệ là sự đền đáp xứng đáng với tâm huyết và công sức của chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, của hàng trăm tập thể, hàng ngàn cá nhân trực tiếp tham gia”, Ông Trần Hùng Việt -Tổng Giám đốc Saigontourist, Trưởng Ban tổ chức Đường hoa Nguyễn Huệ - Lễ hội Tết TP.HCM, đúc kết.

KỶ NIỆM 10 NĂM ĐƯỜNG HOA NGUYỄN HUỆ: NƠI CHUYỂN TẢI THÔNG ĐIỆP TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG ĐẤT NƯỚC - 4

Đ.T

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT